Nguyễn Nhật Ánh: Viết một quyển sách cũng như yêu một người | Vietcetera
Billboard banner

Nguyễn Nhật Ánh: Viết một quyển sách cũng như yêu một người

Học cách Nguyễn Nhật Ánh viết cũng như học cách ông yêu...

Nguyễn Nhật Ánh: Viết một quyển sách cũng như yêu một người

Nguyễn Nhật Ánh, một trong những tác giả đương đại được yêu mến nhất của Việt Nam. | Nguồn: Nhân vật cho Vietcetera

Có lẽ là hơi thừa thãi nếu tôi bắt đầu bằng việc giới thiệu những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh - Cậu hoàng nhỏ trong lòng tôi cũng như rất nhiều thế hệ trẻ Việt Nam. Ông ít chịu trả lời phỏng vấn, luôn tự nhận mình không khéo ăn khéo nói.  Đôi khi cũng khiến cánh báo giới phải bực mình “Ơ hay, không khéo ăn khéo nói mà viết cả trăm quyển sách thế kia à?!?”  Phải chăng, “Càng lớn tuổi, con người ta càng nói ít đi. Họ nghĩ nhiều hơn.” (Tôi là Bêtô)

Văn Nguyễn Nhật Ánh được yêu thích không chỉ bởi trẻ em mà còn với người lớn. Ở đó, người ta tìm được một chỗ trú ẩn cho trái tim của mình. Những khi cuộc sống quá khắc nghiệt, đọc những dòng chữ hồn hậu tràn đầy từ ái của ông khiến ta cảm thấy an ủi đến lạ. 

Đã ngót nghét 40 năm từ khi ông xuất bản truyện dài đầu tiên (Trước vòng chung kết, NXB Măng Non, 1985), đến nay, mỗi ngày ông vẫn miệt mài viết từ bốn đến năm tiếng đồng hồ. Ông đã cho ra đời hơn 100 quyển sách cho trẻ em, thiếu niên và những người-lớn với tâm hồn trẻ-con.

Hầu hết mọi câu chuyện mà ông viết đều dựa trên cuộc sống, tuổi thơ và tuổi thành niên của chính mình. Biết rằng câu chuyện thì ai cũng có, không nhiều thì cũng lưng lưng. Thế nhưng tại sao những câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh kể lại luôn được đón chờ và yêu thích, từ thế hệ này sang thế hệ khác?

Câu hỏi của tôi đã có lời giải đáp khi trong một cuộc trò chuyện, ông đã nói với tôi “Viết một quyển sách cũng như yêu một người vậy, con à!” A ha! Gì chứ chuyện nên yêu như thế nào thì trong sách của Nguyễn Nhật Ánh có đầy!

Để yêu một người, hay kể một câu chuyện...

Đầu tiên, ta phải thực hành với cái tâm không-vụ-lợi. Hãy kể một câu chuyện (hay yêu một người) vì chính bản thể của câu chuyện hay người đó. Khoan vội nghĩ đến việc bạn sẽ lấy lại được những gì từ hành vi này, độc giả (hay người yêu) sẽ nhìn ra tim đen của bạn ngay thôi.

Không khó để thấy rằng, Nguyễn Nhật Ánh kể lại câu chuyện của mình vì ông yêu chúng. Từ những chi tiết rất tếu táo như chuyện bị anh chàng chủ biên tờ báo tường bắt phải tương tư cô bạn dữ dằn nhất trong lớp (Hoa hồng xứ khác). Hay chuyện cậu sinh viên từ quê lên phố đạp xích lô để kiếm thêm tiền ăn học. (Còn chút gì để nhớ). Nguyễn Nhật Ánh kể những câu chuyện đời mình với một tình yêu không hề suy tính. Như yêu chỉ vì yêu, thế thôi.

Hãy thấu cảm

Như đã nói ở trên, chuyện thì ai cũng có. Nhưng để kể lại chúng với tình yêu và lòng thấu cảm đòi hỏi người viết phải thực sự yêu thương và nhân từ với từng chi tiết, từng nhân vật trong câu chuyện. Sự nhân từ ấy ta thấy rất nhiều trong văn của Nguyễn Nhật Ánh. Nhất là khi ông tả nỗi buồn.

Khi lớn lên, trải qua nhiều đau thương, mất mát, chắc nhiều người trong chúng ta đã từng kinh qua cảm giác “Tôi làm con cá nhỏ, bơi trong nỗi buồn. Nỗi buồn mênh mông như biển, tôi bơi suốt đêm vẫn chưa ra khỏi. Nhưng tôi vẫn lặng lẽ bơi, ngậm ngùi, cô độc, thỉnh thoảng quẫy mạnh chiếc đuôi dài làm xuất hiện những đốm bọt màu sữa như những ngôi sao nhỏ.”(Mắt Biếc). Buồn thế, nhưng nhẹ nhàng tựa một giấc mơ.

Đừng quá cứng nhắc

Đôi khi, ta phải biết tự cười mình. Tự bước ra khỏi cái tôi kiêu hãnh để nhìn lại những thiếu sót của bản thân. Không phải để dằn vặt hay phán xét, mà chỉ để thấu triệt một cách bao dung. Như cách Nguyễn Nhật Ánh mượn chuyện Bêtô để nói chuyện loài người: “Khi một kẻ được đối xử đặc biệt hơn những kẻ khác, tự nhiên hắn trở thành cái gai trong mắt những kẻ còn lại. Dù bản thân hắn và những kẻ không ưa hắn, xét cho cùng thì cũng chẳng ai ác độc gì.” (Tôi là Bêtô)

Cuộc sống vốn hữu hạn, cũng như sự hiểu biết của mỗi chúng ta vậy. Hãy chứ vui vẻ và nhẹ nhàng học, nhẹ nhàng yêu và nhẹ nhàng khi viết. Nếu lỡ có người-lớn nào vặn vẹo Nguyễn Nhật Ánh: "Sao ông biết được Bêtô nghĩ gì? Vui lòng cung cấp nghiên cứu cho thấy rằng chó có thể tư duy được như thế này?" Ông sẽ cười mà rằng: "Bạn hỏi Bêtô thử xem!"

Nhưng phải thật chân thành

Văn của Nguyễn Nhật Ánh  trường tồn với thời gian bởi mỗi câu chuyện của ông đều là sự đầu tư nghiêm túc về chất xám và chỉn chu trong từng câu chữ. Truyện của ông không mang tính thời vụ, chưa từng có những tình tiết giật gân. Chúng chinh phục người đọc bằng những chi tiết, những tầng xúc cảm thật nhân tính và rất đỗi chân thành. “Tình yêu đâu phải là hành động trả ơn, càng không phải là hành động từ thiện. Nó không đến với chúng ta trên xe lăn, với tay và chân bó bột, để kêu gọi sự xót thương.” (Ngày xưa có một chuyện tình)

Yêu cả những điều bình dị sẵn có

Đôi khi ta chuẩn bị những ý tưởng thật hào nhoáng trong đầu, để đến lúc viết thì cứ cố mãi nhưng không làm sao tìm được câu chữ đủ “trình" để diễn tả. Rồi đuối, có khi thì bỏ ngang, có khi cố gắng lắm thì cho ra những tác phẩm đầu voi đuôi chuột.

Thay vì cứ cố đuổi theo một "nàng thơ" phù phiếm xa lạ, tại sao bạn không tìm về những thứ thân thuộc xung quanh? Thử dành thời gian ngắm nghía, nghiền ngẫm rồi viết từ cái nhìn bên trong, nguyên sơ và gần gũi. Bởi, “Lãnh đạm với nơi ta ở, xét ra cũng bạc tình khác nào hờ hững với người ta yêu. Và nếu cứ tiếp tục vô tâm với người ta chung sống để đến kỳ nghỉ phép hằng năm lại khăn gói đến ở dăm ba ngày với một người xa lạ, liệu ta có thực sự yên lòng...”(Người Quảng ăn mì Quảng)

Cuối cùng, hãy học gói, học mở

Những câu chuyện tình yêu đẹp thường khó kéo dài mãi mãi. Hoặc chúng sẽ kết thúc, hoặc chúng sẽ tiến hoá thành một thứ tình cảm khác để có thể duy trì đến trọn đời. Và sự thật là: cùng với cuộc sống này, đến một lúc nào đó, tất cả rồi sẽ tan vào hư vô. Tuy nhiên, để một tình yêu thực sự đẹp, điều tối kỵ là việc nghĩ đến việc kết thúc khi đang yêu(!)

Nguyễn Nhật Ánh viết với sự biết đó. Những câu chuyện của ông đẹp đến những tình tiết cuối cùng. Đôi khi nếu không vì nửa bên phải của quyển sách mỏng đi trông thấy, ta cũng không để ý (để rồi có chút bùi ngùi) rằng chúng đã đi gần đến trang cuối.

Tuy nhiên việc biết dừng khi nào và dừng đúng lúc cũng là điều rất quan trọng khi ta kể một câu chuyện. Nhất là một câu chuyện dài. Và điều quan trọng nhất là kết sao cho đẹp.

Cái sự kết thúc đẹp này có lẽ là điều khó nhất khi người viết phải tháo mở những nút thắt trong câu chuyện sao cho tròn vẹn để làm thỏa lòng độc giả nhưng vẫn phải vừa đủ tinh gọn để câu chuyện không quá dài dòng và...Còn chút gì để nhớ.

Việc kết sao cho không hẫng nhưng không phạm lỗi kể lể dài dòng cần phải thật thăng bằng, như người đi trên dây vậy. Viết dai, viết dài dễ dẫn đến viết dở. Nhưng kết quá lửng lơ con cá vàng thì cũng thật có lỗi với người đọc. Niềm tiếc nuối cho một câu chuyện (hay tình yêu) đẹp chỉ nên bàng bạc một chút thôi, sao cho vừa đủ để thêm chút thi vị khi ta quay lại với cuộc sống thường ngày.