Quyển sách đầu tiên tôi chịu đọc từ đầu đến cuối trong cuộc đời là của Nguyễn Nhật Ánh. “Đi qua hoa cúc” - tôi còn nhớ như in dòng chữ trắng nổi bật trên chiếc bìa màu tím, với những tờ giấy hồng. Lúc đóng trang sách lại, đứa con nít 8 tuổi đã nghĩ rằng: “Ước gì mình viết được một câu chuyện hay thế này”. Nguyễn Nhật Ánh không chỉ là một nhà văn với những đầu truyện best-seller, mà còn là người truyền cảm hứng cho rất nhiều đứa trẻ, trong đó có tôi, theo đuổi nghiệp viết.
Có người nhận xét về bác Ánh thế này: “Mỗi cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh như mỗi chuyến tàu về tuổi thơ, ở đó có nhiều toa, mỗi toa là mỗi bất ngờ khi làm ta bật cười khi làm ta rưng rưng, hoặc ngồi lặng đi suy ngẫm.”
Từ "Mắt Biếc", "Kính Vạn Hoa", "Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ", cho đến "Con Chim Xanh Biếc Bay Về" gần đây nhất, "hiệp sĩ của tuổi thơ" vẫn không ngừng đưa chúng tôi đến những toa tàu thân thương.
Toa tàu đầu tiên - Những mối tình đầu
Gần như các nhân vật nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết về đều ôm một giấc mộng tuổi trẻ không thành với ai đó. Chàng trai trong “Đi Qua Hoa Cúc” trót thích một người hơn mình rất nhiều tuổi rồi phải ngậm ngùi chứng kiến người ấy ra đi khỏi cuộc đời mình. Ngạn yêu Hà Lan từ lúc anh còn chưa biết tình yêu là gì đến khi gần tứ tuần, và đã làm mọi thứ để giúp người mình thương được vui. Cậu bé cấp Ba trong "Hạ Đỏ" phải nước mắt ngắn dài chạy qua một cánh đồng rộng đầy ký ức để trốn khỏi người cậu thương, người qua mùa hè sẽ đi cưới chồng.
Không phải ai trong chúng ta cũng có những mối tình đầu đầy kịch tính. Nhưng chúng ta đều đã trải qua cảm giác lần đầu tiên tim biết đập nhanh khi thấy ‘người ấy’, lần đầu nỗ lực chỉ để được người mình thích công nhận, và lần đầu ‘tan nát cõi lòng’ khi thấy người ta đi thích người khác.
Mối tình đầu là thứ mở rộng những cảm xúc chưa từng có và khắc sâu nó vào bộ nhớ của chúng ta. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khắc họa một bức tranh tỉ mỉ về ‘lần đầu tiên’ ấy, từ cảm xúc đến hành động, cho ta một chuyến du hành về những điều mộc mạc, chân thành nhất.
Toa tàu thứ hai - Tuổi trẻ là một cuộc thám hiểm
Mỗi lần đọc sách của bác Ánh là một chuyến hành trình. Bác dắt chúng tôi đi từ cái làng Đo Đo nhỏ xíu trong “Mắt Biếc” và “Quán Gò Đi Lên”; đến thành phố sầm uất nơi các cô gái “Nữ Sinh”, “Buổi Chiều Windows” đi học, đi làm; rồi ra đến Vũng Tàu, Đà Lạt để chứng kiến hành trình truy tìm ‘tội phạm’ của Qúy Ròm - Hạnh - Tiểu Long.
Hồi hộp trước màn truy đuổi băng đảng Chim Ưng của Dũng Cò để đòi lại quyển sổ liên lạc cho mấy đứa nhóc tì của Qúy, Hạnh, Tiểu Long; đi cùng những đứa trẻ trong “Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ” trên chuyến hành trình từ trẻ con đến người lớn của chúng; tò mò lật giở từng trang sách để khám phá thân phận thật của “Cô Gái Đến Từ Hôm Qua”.
Tuổi nhỏ của nhiều đứa trong chúng tôi không phải ai cũng được đi chơi. Cũng may có Nguyễn Nhật Ánh, bác đưa chúng tôi vào toa tàu mang tên thám hiểm, để chúng tôi được nhìn thấy thế giới bao la.
Toa tàu thứ ba - Chuyện bè bạn
Kính Vạn Hoa là một tác phẩm dành cho học sinh. Tất nhiên, chúng tôi không thể thấy những triết lý sâu sắc như Marcel Proust trên trang giấy của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng chúng tôi thấy những sự hy sinh to lớn, một cách đầy hồn nhiên, của những người bạn cho nhau. Như cách cả đám bạn cùng nhau ‘nhăn trán’ để kiếm tiền giúp một đứa bạn khác mua chú gấu bông cho em mình. Như cách 4 đứa bạn dù bị thầy la bạn mắng vì tội ngủ gật, vẫn nhất quyết bao che chuyện bọn chúng thức khuya để phụ mẹ của một đứa bạn khác quét rác đêm.
Không phải mối quan hệ nào khi chúng ta lớn cũng 100% thơ ngây. Không phải ai cũng có cơ hội có những người bạn sẵn sàng thức đến 12h đêm để quét rác cùng mình trên con đường vắng trong quãng đường trưởng thành. Đó là lý do nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đưa chúng tôi đến toa tàu mang tên Bè Bạn, để chúng tôi có thêm niềm tin về cuộc đời.
Toa tàu cuối cùng - Thế giới thần tiên của Alice
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sinh năm 1955, lúc đất nước đang trong giai đoạn hàn gắn vết thương chiến tranh, mở cửa đón nhận những luồng văn hóa mới. Cả thời thanh niên, bác đã chứng kiến những đổi thay, chia ly và sầu muộn. "Hiệp sĩ của tuổi thơ" tâm sự rằng: “Từ năm 14 tuổi, tôi đã xa quê hương nên lúc nào cũng nhớ tiếc những năm tháng ấu thơ nơi quê nhà. Tôi viết sách để kéo tuổi thơ trở về gần với mình. Nói cách khác, tôi sáng tác về đề tài này là để thỏa nỗi niềm sầu xứ trong lòng.”
Như Marvel, Harry Potter hay Lord of the Rings, bác Ánh đã tạo riêng một vũ trụ của tuổi thơ. Dù viết về mối tình đầu, về những cuộc phiêu lưu hay về tình bạn, sắc màu quá khứ vẫn ngập trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Người lớn góp nhặt những thứ của một thời quá vãng trong chữ bác viết, còn người trẻ tìm thấy những vụn vặn ấu thơ, những câu chuyện “hồi xưa” của ông bà cha mẹ, trong câu chuyện bác kể. Đọc văn bác như chuyến hành trình ngược thời gian, nơi bộ não tự giả định rằng mọi thứ đều yên bình và hạnh phúc.
Nếu Wonderland mãi mãi đóng lại khi Alice chạm ngưỡng trưởng thành, thì bác Nguyễn Nhật Ánh cho tất cả một Wonderland mà lứa tuổi nào cũng có thể bước vào. Ai cũng từng là Alice. Alice nào cũng đến lúc phải lớn lên. Nhưng chúng ta luôn cần một Wonderland, để vỗ về chính mình.