Nguyễn Phương Linh - Khi bí thì mình... khóc! | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Nguyễn Phương Linh - Khi bí thì mình... khóc!

Nguyễn Phương Linh là nghệ sỹ đương đại đã có một bề dày hoạt động trong và ngoài nước, tham gia nhiều các triển lãm, các biennale danh tiếng.

Nguyễn Phương Linh - Khi bí thì mình... khóc!

Nguyễn Phương Linh 'Chuyến đi cuối cùng' (2017) | Nguồn: Bộ sưu tập cá nhân, Sài Gòn

“Trong thế hệ đồng trang lứa, Phương Linh là một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất. Cách tiếp cận đầy chất thơ và trữ tình của cô (đặc biệt ở vị trí là một nghệ sĩ nữ tại Việt Nam – một nghề nghiệp thường không được ủng hộ trong bối cảnh địa phương) đôi khi trừu tượng, bông đùa; đôi khi không dễ nắm bắt, mang đậm nhạy bén của cảm xúc.”- Đó là lời giới thiệu đến từ Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory. 

Nếu được chọn một không gian mơ ước để triển lãm, thì đó là đâu?

Tôi thích những nơi có kiến trúc đặc biệt, ví dụ như không gian Casa Wabi do Tadao Ando thiết kế ở Mexico hay Teshima Art Museum do Ryue Nishizawa thiết kế ở Nhật. Nhưng chắc đến được chỗ ấy xem được công trình là xong rồi, chả cần làm gì thêm. 

Tôi và bè bạn trong nhóm Nhà Sàn Collective đang ấp ủ muốn xây dựng một không gian ở bến ven sông Ngọc Thuỵ, Long Biên. Chúng tôi lấy Nhà Sàn cũ của bố Đức, nhưng thiết kế lại cho tiện nghi, linh hoạt.

Tác phẩm từ triển lãm cá nhân "Chuyến đi cuối cùng" (2017) của Nguyễn Phương Linh | Nguồn: Nhà Sàn Collective

Tôi thích nó là một không gian trong suốt. Sự trong suốt này tôi có ảnh hưởng từ nhóm bạn Cù Rú trên Đà Lạt, nó tạo ra sự liên thông với cảnh quan bên ngoài và không phân biệt người ở bên trong nó hay khách mời, hay tất cả hàng xóm xung quanh. Chúng tôi muốn tạo ra một không gian thật thoải mái, nơi mà người già hay trẻ con tới đều thấy vui vẻ.

(Nhà Sàn là không gian nghệ thuật thể nghiệm tồn tại lâu năm nhất ở Việt Nam, do nghệ sỹ Nguyễn Mạnh Đức - bố của Phương Linh và nghệ sĩ Trần Lương đồng sáng lập. Xuất phát từ ngôi nhà riêng mang hình thái nhà sàn của người Mường, được nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức xây cất từ 1993, nơi này bắt đầu mở ra cho các nghệ sỹ thử nghiệm từ năm 1998 và hoạt động dưới nhiều dạng thức khác nhau đến năm 2018 thì tháo dỡ). 

Và trong không gian trong suốt đó, bạn sẽ chọn trưng bày tác phẩm nào của mình?

Tôi cũng chưa định hình cụ thể sẽ làm gì. Tôi quan tâm tới sự nặng, nhẹ, hơi thở, ánh sáng, các khối hình học cơ bản, các cột dọc đâm xuống bề mặt ngang… Có thể tôi sẽ thiết kế hệ ánh sáng ở đây, sử dụng những vật liệu có sẵn trong kho chứa đồ của bố mình.  

Chân dung nghệ sỹ Phương Linh | Nguồn: Nguyễn Phương Linh

Ở bến Ngọc Thuỵ này, mỗi bè bạn trong nhóm sẽ thiết kế một phần gì đó trong không gian, như một trò chơi hồi đáp với nhau dựa trên công việc dựng một nhà sàn: sàn nhà, các cột, không gian sông nước xung quanh, bệ cửa, mái nhà... 

Nếu được biến thành một tác phẩm của ai đó, thì đó là ai?

Có một điều tôi không chọn lựa được: Tôi là con của bố mẹ tôi, một sản phẩm trong chuỗi ADN di sản gia đình. Tôi đồng thời cùng Lãng, chồng tôi tạo nên Nguyên, đã hai tuổi, tiếp nối chuỗi di sản đó. 

Tôi là diễn viên nữ trong phim của Đạo diễn Síu Phạm, quay năm 2018 khi cô hơn 70 tuổi, có tên "Vào Đời". Trong phim có cảnh tôi là một cô bé tuổi teen, đang nằm trên giường với bạn trai, thì linh hồn của bố mẹ đã chết quay về lấy vali quần áo ra đi. Lúc đó tôi mang bầu tháng thứ nhất. Đây là cảnh quay tôi rất thích.

Dự án "Home" của Nguyễn Phương Linh | Nguồn: Nguyễn Phương Linh

Cô Síu set up ngay trong phòng ngủ của tôi, người mẹ trong phim cũng là mẹ tôi đóng, vẫn là đồ đạc tôi sinh hoạt hàng ngày, giường tôi đã nằm gần 20 năm, khi thì một mình, khi với người yêu, khi với bạn bè. Có người bạn thân đã nằm cùng tôi ở đó cũng đã chết đi. 

Rồi tôi sinh con. Tôi cũng quên đi bộ phim này rồi. Hôm nay nhớ ra đã là sau hơn ba năm, thì có thể nói ngay lúc này, tôi đã nhận ra và phần nào hiểu được  được con người của cô Síu, cũng hiểu được cảnh quay kì lạ của cô rồi. Thật may mắn! 

Khi một nghệ sỹ đương đại bị bí ý tưởng thì tác phẩm có lời giải đáp không?

Tôi nhận thấy mình đang đi trên một quãng dài vô nghĩa, thi thoảng thấy chân nhấc bổng lên khỏi mặt đất một chút, nhưng cuối cùng vẫn là luôn đang đi trên con đường này.

Dự án "Mây hoá thánh" (2012 - 2015) của Nguyễn Phương Linh | Nguồn: Nguyễn Phương Linh

Khi còn trẻ, làm được ra một tác phẩm tôi nghĩ là một cách giải toả, một cách nói ra, hay thậm chí là gào thét lên. Nhưng bây giờ kể cả làm xong một dự án, tôi vẫn không thấy mình giải thoát, mà cái chính là vẫn đang đi tiếp. 

Thế sau đó thì bạn làm gì?

Vẫn sống những ngày bình thường, vẫn làm việc bình thường, vẫn chăm sóc con cái. Ai sinh ra cũng có một số phận gắn họ với công việc họ đang làm. Tôi cũng vậy, và cố gắng sống cho tròn vai.

Tôi hay xem phim Hàn Quốc - thi thoảng khóc khi xem phim. 

Tác phẩm nào bạn rất thích nhưng dường như chưa ai hiểu?

Tôi nghĩ đó là điều luôn luôn xảy ra. Tôi cố gắng không đưa ra nhiều định hướng cho khán giả, để họ có không gian cho chính họ. Nếu ai cũng hiểu hết tác phẩm mình rồi thì có lẽ mình không nên làm gì nữa. 

Gần nhất tôi có một hợp tác với Quế Chi, tên là "Những Mắt Không Mặt". Sau triển lãm này, tôi thấy cái tôi được nhất là sự hiểu, sự hồi đáp với người bạn thân của mình, sau hơn mười năm gắn bó làm việc chung, dường như chúng tôi đang đi cùng một nhịp, cả về độ tuổi, lẫn cuộc sống.

Tác phẩm "Dưa hấu" (2008) của Phương Linh | Nguồn: Nguyễn Phương Linh

Tôi không nghĩ ai có thể hiểu hết tường tận về tôi hay tác phẩm của tôi, nhưng khi xong một cuộc triển lãm, người thân, bạn bè có thể thấy được mình đã sống thế nào, thì đó là thứ tuyệt vời nhất rồi. 

Ngược lại, cũng có tác phẩm mình làm trước đây nhiều năm, mà tôi đã quên hẳn đi, không bao giờ giới thiệu ra ngoài. Đến gần đây tôi mới nhớ ra và rất bất ngờ vì cảm thấy trong quãng đầu thực hành các điêu khắc tính nữ, thì tác phẩm này có vẻ là mạnh nhất, nó vừa gợi về tính xác thịt và sự lụi tàn.  

Tác phẩm ấy tên là "Dưa hấu", thực hiện năm 23 tuổi, trình diễn năm 2008. 

Nếu bạn có một chiếc máy thời gian và quay ngược về không gian của nghệ thuật đương đại 10 năm trước?

10 năm trước là 2011. Lúc đó ở Việt Nam chỉ có vài không gian, Sàn Art, Galerie Quỳnh, Hà Nội thì có Nhà Sàn, các Viện quốc tế, Goethe Institute, Japan Foundation.

Còn bây giờ thì có quá nhiều không gian lớn, có đầu tư, vươn lên cùng với sức tăng trưởng kinh tế, sự tiêu thụ nghệ thuật. Nhiều nhà sưu tập trong nước, nhiều giám tuyển chuyên nghiệp, nghệ sỹ chuyên nghiệp. 

Tác phẩm từ triển lãm cá nhân "Muối" (2019) của Nguyễn Phương Linh | Nguồn: Nguyễn Phương Linh

10 năm trước nghệ thuật đương đại cũng ít khán giả, triển lãm toàn người trong giới đến xem. Còn bây giờ khán giả đông hơn, trẻ hơn, hiểu biết về nghệ thuật nhiều hơn. Nên tôi cảm thấy nhóm nghệ sỹ độc lập như Nhà Sàn, Sao La… có một vẻ thuần khiết và thú vị, càng quan trọng hơn trong bối cảnh bây giờ. 

Nếu vẫn chiếc máy thời gian và chuyển đến 10 năm trong tương lai?

Chắc chắn sẽ ngày càng chuyên nghiệp.  

Vậy viễn cảnh nào tươi sáng hơn?

Không có chuyện tốt hơn hay xấu hơn, mà chỉ là điều chắc chắn chúng ta sẽ không thể kìm hãm. Nếu may mắn thì nghệ thuật Việt Nam sẽ còn thuần khiết, vùng miền như nghệ thuật của Thái Lan, Indonesia, không thì sẽ như nền nghệ thuật đương đại của Hàn Quốc, Singapore. 

Một tác phẩm để đời là tác phẩm như thế nào?

Tôi cũng không biết, cái đó chắc nếu may mắn, làm được một thứ mà nhiều người rung động được. Vào đúng thời điểm con người cần hiện diện như thế, thì sự để đời này là do khán giả, bối cảnh và thời gian xây dựng nên.

Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory là không gian đầu tiên tại Việt Nam có chủ đích dành riêng cho nghệ thuật đương đại. Mang mô hình như một doanh nghiệp xã hội, The Factory tập trung vào các hoạt động văn hoá liên ngành nhằm giới thiệu và nâng cao kiến thức về nghệ thuật đương đại tại Việt Nam.

Địa chỉ: Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, 15 Nguyễn Ư Dĩ, Phường Thảo Điền, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh
Thông tin liên hệ: art@factoryartscentre.com | +84 (0)28 3744 2589