Nguyễn Việt Cường sinh ra và lớn lên tại Kiên Giang, hiện đang sinh sống tại Sài Gòn. Là một nghệ sĩ tự do, Việt Cường thực hành nghệ thuật với nhiều chất liệu khác nhau. Anh quan tâm và khai thác nhiều về đề tài con người và xã hội, từ nơi anh sinh sống và quan sát.
“Sài Gòn Hộp” là một dự án mà Cường nhen nhóm và thực hiện từ khi toàn thành phố bắt đầu giãn cách. Thay vì giấy vẽ, anh sắp xếp và vẽ lên những tấm bìa carton từ các thùng hàng. Anh tận dụng tất cả những thứ mà thùng có sẵn: logo thương hiệu, tem chứng nhận, vạch mã hàng, và cả những lớp băng keo cảnh báo hàng dễ vỡ.
Qua tính dân dã và gam màu mộc mạc của bìa carton, Cường bóc trần những hiện thực về đời sống của những người đang giãn cách, những mảnh đời chênh vênh ngoài xã hội, cũng như tôn vinh những nỗ lực của các y bác sĩ và lực lượng chống dịch tuyến đầu.
1. Điều gì đã thôi thúc anh thực hiện dự án “Sài Gòn Hộp”?
Khi bị giãn cách, tôi cảm thấy cuộc sống của mình như bị đóng hộp, giống những chiếc hộp đựng hàng mà tôi buộc phải mua online để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.
Và tôi quyết định vẽ những câu chuyện của Sài Gòn trong những ngày chống dịch này lên những chiếc hộp carton ấy.
2. Anh sử dụng chất liệu nào để vẽ những hình ảnh trên bìa?
Tôi quan sát các hình ảnh trên truyền thông, rồi tái hiện tại chúng bằng màu acrylic và bút sắt.
3. Vì sao lại là bìa carton có nhãn hiệu?
Tôi chọn carton vì tôi muốn chất liệu giấy thoát khỏi kiếp làm nền.
Khi tận dụng màu sắc và hoạ tiết in trên thùng giấy, tôi có thể nhấn mạnh câu chuyện và hiệu ứng không gian cho tác phẩm.
4. Anh có nghe nhạc gì khi sáng tác không?
Nhạc sóng não Delta tần số 432HZ.
5. Anh sẽ chọn tác phẩm nào để gửi đến những y bác sĩ tuyến đầu?
“Lego” là tên viết tắt hai chữ cái đầu của từ Đan Mạch “leg godt,” có nghĩa là “chơi hay.”
Tôi đã vẽ logo lại thành LET’S GO như một lời nhắn nhủ với các chiến sĩ chống địch tuyến đầu: “Hãy xem cuộc chiến này như một trò chơi hay và khó, hãy cùng nhau đứng lên chiến đấu và chinh phục nó.”
6. Anh cảm thấy thế nào mỗi khi hoàn thành một tác phẩm?
Mỗi tác phẩm khi hoàn thành lại mang cho tôi những cảm xúc khác nhau, vì chúng đều mang những câu chuyện rất riêng.
7. Nếu chỉ được giữ lại một tác phẩm, anh sẽ giữ lại tác phẩm nào?
Ông lão 90 tuổi này đã trải qua hai cuộc chiến của đất nước. Nay về già lại một mình tiếp tục chống chọi với đại dịch.
Ông làm tôi liên tưởng đến lựa chọn theo đuổi nghệ thuật của tôi — nhiều khó khăn và luôn độc đạo.
8. Theo anh, nghệ thuật đóng vai trò gì trong giai đoạn này của Việt Nam
Nghệ thuật thị giác, ngoài việc thoả mãn cái đẹp thuần về mỹ cảm, còn có mục đích quan trọng là ghi chép, minh hoạ từng giai đoạn và sự chuyển giao của lịch sử.
Trong giai đoạn này, nghệ thuật giống như một liều vaccine rất tốt cho sức khoẻ tinh thần cho mọi người. Và khi người nghệ sĩ truyền được cái đẹp nội tâm của họ vào tác phẩm, người xem sẽ cảm nhận được và đồng cảm.
9. Những tác phẩm của anh sau này sẽ đi đâu?
Hiện tại khoảng một nửa tác phẩm trong dự án Sài Gòn Hộp đã được các nhà sưu tập chọn mua. Tôi vẫn đang tiếp tục sáng tác. Sau dịch tôi sẽ tổng hợp lại để tổ chức một buổi triển lãm nhỏ.
10. Nếu bỏ những thứ làm nên Sài Gòn vào một chiếc hộp, anh sẽ chọn gì?
Người nhập cư, nhiều kiểu kiến trúc khác nhau, và khả năng không bao giờ ngủ.