Nhà làm phim, nhà văn Xuân Phượng: Viết để các thế hệ thấu hiểu nhau hơn | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
26 Thg 08, 2022
ThươngVề Nguồn

Nhà làm phim, nhà văn Xuân Phượng: Viết để các thế hệ thấu hiểu nhau hơn

Bà Xuân Phượng chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời mình. Thứ hiện lên đằng sau những câu chuyện ấy là hành trình của dân tộc và một lớp người trong lịch sử.
Nhà làm phim, nhà văn Xuân Phượng: Viết để các thế hệ thấu hiểu nhau hơn

Nguồn: Vietcetera

Nhà làm phim, nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng là tác giả của hai cuốn hồi ký mang tên Áo dài Gánh gánh gồng gồng. Áo dài được viết bằng tiếng Pháp và đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ, còn Gánh gánh gồng gồng vinh dự nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 2020. Ở tuổi 93, bà còn khỏe mạnh và không cho phép tuổi tác ngăn cản bản thân tiếp tục đi và làm những điều mình thích.

Sinh ra vào năm 1929 tại Huế trong một gia đình khá giả và giàu truyền thống, bà Xuân Phượng đã đi hết hai cuộc kháng chiến của dân tộc với nhiều vai trò, ngành nghề khác nhau. Khi chiến tranh kết thúc, bà cống hiến tài năng và trí tuệ cho nghệ thuật với hai cuốn hồi ký và một phòng tranh tư nhân mang tên Lotus - nơi đã khám phá và giới thiệu nhiều tài năng hội họa Việt ra thế giới.

Trong số Have A Sip lần này, host Thùy Minh đã ghé thăm bà Xuân Phượng cũng như phòng tranh Lotus để trò chuyện về tác phẩm Gánh gánh gồng gồng, về những giai thoại thú vị trong cuộc đời của bà, về khoảng cách thế hệ, và bí quyết để có thể sống một cách trọn vẹn nhất.

Viết để kết nối các thế hệ và những người xung quanh

Đối với bà Xuân Phượng, cuốn sách không chỉ là sự hồi tưởng về những chặng đường đã qua, mà còn là lời giải thích và giãi bày mà bà muốn gửi tới gia đình mình, cũng như các thế hệ mai sau. Trên từng trang viết, bà kể những câu chuyện về chiến tranh và nỗi đau của một gia đình bị chia cắt.

Cùng với người chú ruột, bà Xuân Phượng tham gia cách mạng từ khi 16 tuổi, và cũng kể từ đó bà không còn được gặp gia đình của mình - những người sau này sẽ lựa chọn ra đi. Hơn ai hết, bà hiểu rất rõ nỗi đau của sự chia ly trong chiến tranh, bởi chỉ tới khi đã 60 tuổi bà mới có thể gặp lại gia đình tại Pháp.

Nhưng ngay cả khi đã gặp lại, bà nhận ra thời gian đã tạo ra những khoảng cách rất lớn giữa bà với mẹ và với gia đình. Bên cạnh đó, nhà văn Xuân Phượng để ý rằng giới trẻ không đồng cảm hay rung động trước những câu chuyện của thế hệ trước.

Với những người sinh ra trong hòa bình, rất khó để họ cảm nhận và rung động trước những hoàn cảnh ngặt nghèo mà những người sống sót trở về như bà Xuân Phượng đã phải trải qua. Và bà nhận ra rằng, một cuốn sách là cách hiệu quả nhất để giáo dục con người về các trải nghiệm đau thương trong quá khứ.

26aug2022hasxuanphuong191jpg
Nguồn: Vietcetera

Như vậy, Gánh gánh gồng gồng không phải là một bản dịch của Áo dài, cũng không chỉ là một dự án bất kỳ mà bà thực hiện trong giai đoạn Covid. Tác phẩm là một nhịp cầu nối để bà và gia đình hiểu nhau hơn sau thời gian xa cách, và cũng để các độc giả trẻ hiểu về lịch sử chiến đấu, hi sinh của thế hệ trước từ một trong những nữ chiến sĩ trên tiền tuyến.

“Đừng bao giờ nhìn mà không thấy”

Đọc tác phẩm của bà Xuân Phượng, host Thùy Minh rất ngạc nhiên vì cuốn sách không dày và có lối viết giản dị, nhưng chứa đựng dung lượng nội dung đồ sộ, “mỗi dòng đều có một câu chuyện.” Đó là bởi Gánh gánh gồng gồng không chỉ kể lại cuộc đời tác giả, mà còn mô tả chân thật và chi tiết một giai đoạn đầy biến động của đất nước.

Câu hỏi mà host Thùy Minh cũng như nhiều độc giả băn khoăn là, làm thế nào mà bà có thể nhớ được hết những câu chuyện từ hàng chục năm trước? Bà Xuân Phượng thẳng thắng truyền lại bí kíp cho người nghe: nhìn và phải thấy, đừng chỉ nhìn mà không thấy.

Bà đưa ra ví dụ: khi nhìn một bông hoa, hãy nhìn sâu hơn và xa hơn là vẻ đẹp của bông hoa ấy, hãy tìm những liên kết giữa nó với con người và những thứ xung quanh. Đứng trước một bông hoa, bà thấy hình ảnh người chăm hoa tần tảo, thấy vị trí của bông hoa trong toàn cảnh, và còn nghĩ cả về một tương lai khi hoa sẽ tàn.

Thay vì chỉ dừng lại ở những đặc tính bề nổi, bà Xuân Phượng khuyến khích ta trăn trở và đào sâu hơn. Một khi đã thấy và cảm nhận sự vật, hiện tượng ở mức độ đầy đủ nhất, ta sẽ khắc sâu vào tâm khảm, và ký ức đó sẽ theo ta suốt cuộc đời.

Minh họa cho câu chuyện về sự khác nhau giữa “nhìn” và “thấy” là trải nghiệm của bà với triết gia Trần Đức Thảo - nhà triết học đầu tiên và có lẽ là duy nhất của nước ta.

Khi chứng kiến Trần Đức Thảo diễn thuyết trước hàng loạt các học giả Pháp, bà Xuân Phượng nhìn sâu hơn sự thành công ấy để nhớ về những khó khăn mà triết gia đã trải qua, và những điều mà ông đã đánh đổi để đi trên hành trình tri thức. Bà không thể quên được hình ảnh người bạn, người anh của mình phải đốt các bản thảo của mình để đun cháo trên một hộp sữa đặc cho người cha đang lâm bệnh.

Chính việc nhìn sâu hơn để thấy những thứ dưới bề mặt đã làm nên một cây bút và một con người giản dị mà sâu sắc.

Mang Việt Nam ra thế giới

26aug2022hasxuanphuong161jpg
Nguồn: Vietcetera

Từng sống nhiều năm ở Pháp và có nhiều mối quan hệ với các bạn bè quốc tế, bà Xuân Phượng bày tỏ sự bất bình khi người nước ngoài nghĩ Việt Nam vẫn còn chiến tranh. Bà không hài lòng khi thấy bóng ma chiến tranh đã bao trùm lên toàn bộ nhận thức của người ngoại quốc về đất nước, rằng họ chỉ biết về người Việt Nam cần cù chịu khó chống giặc mà không hề hay về những đặc sắc, nghệ thuật của nước ta.

Đứng từ góc nhìn ấy, kết hợp với tình yêu hội họa, bà Xuân Phượng đã khai trương phòng tranh tư nhân Lotus từ năm 1991. Với số vốn ít ỏi chỉ 2000 đô, bà đã khai quật nhiều tài năng hội họa còn chưa nổi tiếng ở trong nước, và đưa các tác phẩm của họ ra thế giới.

Điều đáng nói trong sự nghiệp môi giới hội họa của bà Xuân Phượng là, bà biết khi nào thì nên dừng lại và chuyển giao cho thế hệ trẻ. Dù vẫn làm cố vấn cho Lotus nhưng bà đã để các công việc quản lý phòng tranh cho những người trẻ hơn. Chính bà cũng thừa nhận rằng sự chuyển giao đó đã mang lại những sinh khí mới khiến phòng tranh chuyên nghiệp và rộng rãi hơn.

Niềm tin của bà Xuân Phượng vào thế hệ mai sau là rất lớn, bởi bà biết họ sẽ tiếp nối con đường của mình theo một cách hiệu quả hơn. Còn với bản thân bà, ở độ tuổi xưa nay hiếm, “sau hơn 30 năm trong nghề, sắp sửa gọi là nghỉ hưu hoàn toàn đó, tôi thấy tôi hạnh phúc."