Nhật Ký: Điểm tựa của con và của mẹ | Vietcetera
Billboard banner
30 Thg 06, 2021
Cuộc SốngGia Đình Nhật Ký

Nhật Ký: Điểm tựa của con và của mẹ

Hồi đó điểm tựa của mình là quyết tâm vượt khổ. Giờ của bọn trẻ lứa 2000, có lẽ là nỗ lực để vượt sướng.

Nhật Ký: Điểm tựa của con và của mẹ

Nguồn: Ludo và Hạnh Trần (Facebook ca sĩ Mỹ Linh)

Vừa qua con gái út ra mắt sản phẩm âm nhạc mới tên là Pillars (nghĩa là cây cột chống, mình bảo thôi dịch nôm là điểm tựa). 

Năm mình bằng tuổi con gái bây giờ đang là sinh viên Nhạc viện Hà Nội năm thứ 2. Hằng ngày đạp xe từ Thanh Xuân đến trường học sáng, xong trưa ăn loanh quanh gì đó ở quán bà Đoan, thường là một cái bánh mì kẹp quả trứng rồi đợi chiều học tiếp.

Đời sinh viên so với tuổi thơ của mình đúng là giấc mơ. Cứ đầu tháng cầm thẻ xuống lãnh học bổng tiêu, dè đến giữa tháng đã hết tiền thế là lại ăn bánh mì chịu, uống nhân trần chịu. Mà đứa nào cũng có tên trong sổ cháu gái bà Đoan hết. 

Hồi đó mình chẳng biết điểm tựa hay cột chống là gì. Giờ ngồi nghĩ lại chắc điểm tựa của mình, là khát khao mãnh liệt đưa bố mẹ ra khỏi cảnh bữa nay lo bữa mai. Thế nên mình làm thêm đủ thứ, ai gọi hát đâu là đi, tối tối đạp xe từ Thanh Xuân lên Nhà nổi Hồ Tây hát Bolero cho khách ăn, còn tối khác lại hát trên đầu Hàng Cót. 

Lương ít lắm, nhưng mình hát cũng được và chắc cũng xinh xinh nên hay được cho tiền thêm. Hồi đó mình hát với anh Tấn Minh, chú Tuấn Mũi “oánh” đàn organ, chú Khánh đánh guitar. Thỏa thuận là lương thì của ai nấy giữ, nhưng tiền khách cho thì chia đều. Thế nên tối khuya là hay có hình ảnh bốn chú cháu đếm tiền khách cho và chia nhau. Nghĩ lại cảm động!

Hồi đó có lẽ điểm tựa của mình là quyết tâm vượt khó. Khát khao này cháy bỏng đến mức mấy năm sau mặc dù đã khá được biết đến ở Hà Nội, đi hát các vũ trường rồi quán xá vòng quanh, đã khá hơn các bạn cùng lứa nhiều, thế mà mình vẫn bỏ hết, một mình một ba lô trên vai mua vé tàu vào Nam tìm cơ hội. 

Bố mẹ thương lắm và cũng yêu lắm nhưng không giúp được gì. Chẳng quen biết ai và cũng không có tiền mà cho. Chỉ có niềm tin và ánh mắt của mẹ là hành trang cho mình thôi.

Khoảng đầu năm con gái cho mình nghe một bài hát mới. Mẹ hỏi bài gì đấy, con bảo tên nó là Pillars mẹ ạ! Mẹ hỏi Pillars là cái gì, con giải thích thì ra cái cột nhà. 

Nó bảo mẹ ơi con hoang mang lắm, nhiều người khuyên quá, người thì bảo phải sáng tác và hát nhạc thị trường, người khác lại bảo phải viết tiếng Việt. Cả bà và cả cô Ly đều gọi con ra nói là phải viết tiếng Việt. Anh Tuấn (nó gọi nhạc sĩ Huy Tuấn là anh từ hồi bé tí, gọi thành quen luôn) cũng bảo là không viết tiếng Việt khó thành công. Mẹ nghĩ sao? 

Mẹ chốt: “Con sẽ viết tiếng Việt khi nào con tự thấy bản thân đủ sâu, đừng lo. Cứ là chính mình con ạ! Con không giả vờ được đâu. Hãy cứ là mình và con sẽ tìm thấy tâm giao. Khán giả phải là tâm giao con ạ! Họ tinh lắm, con cứ là mình và sẽ tìm thấy những người hiểu mình.”

Mẹ chồng mình bảo Linh phải động viên nó viết tiếng Việt chứ! Mình không cãi nhưng mình biết có nhiều thứ phải đợi, không chín ép được. Nó sẽ sáng tác tiếng Việt khi đủ chín. Thế thôi! Ép nó vừa không thành công lại còn thêm thành kiến ra.

Một hôm nó gọi mẹ ra và thì thầm: “Mẹ ơi con có một cái này cần nói với mẹ đầu tiên”. Mình nhìn nó cũng hơi có tí hoảng vì không biết có sự vụ gì nên mình im im. Thì nó vạch cánh tay ra và bảo con xăm tên bài hát Pillars. Mẹ ơi có sao không? Bố có giận con không? Mẹ bảo thế con có định xăm tiếp không đấy? Nó bảo bây giờ thì chưa mẹ ạ! Nhưng con cũng không thích xăm lắm đâu. Thực ra bài Pillars rất có ý nghĩa cá nhân với con nên con ghi lại để nhớ. Mẹ bảo ừ không sao, mẹ thì không xăm cái gì bao giờ vì mẹ sợ đau lắm, nhưng xăm chút cũng đẹp mà.

Mình biết cả ba đứa con đều phải chịu áp lực khi sinh ra trong gia đình được khán giả quan tâm. Mình đọc cả sách tâm lý học về vấn đề này để học cách ứng xử với mấy đứa. Anna nó không chịu được chuyện bị soi từng li từng tí khi mới lớn, nên chọn tìm cơ hội thành công ở một phương trời khác. Duy mặc dù năng khiếu nhất nhà, cũng chọn một đời sống giản đơn không ồn ào. Mỹ Anh hồi năm ngoái vẫn khẳng định con không chịu được áp lực nên chắc con cũng đi mẹ ạ.

Mình biết nó nghĩ rất nhiều và quyết tâm xăm chữ Pillars lên cánh tay, quyết tâm có những sáng tác mang tên mình. Thế nên nó từ chối mọi sự hỗ trợ từ gia đình mà lặng lẽ tìm lối đi riêng. Tìm bạn bè, ekip chỉ với một mục tiêu con là con, không phải chỉ là con của bố mẹ. 

Vậy là Điểm Tựa của bọn trẻ lứa 2000 có lẽ là sự nỗ lực để vượt sướng. Vượt khổ thì mẹ biết rồi nhưng vượt sướng chắc cũng chả dễ hơn. Có một nhóm các cháu học ở trường Pháp, trường Anh, đều như Mỹ Anh với khát khao khẳng định thế hệ mình. Tối qua thấy các con vô tư cười vang nhà mà chợt lòng mẹ nghẹn ngào. Cuộc đời dù xuất phát điểm từ đâu cũng chẳng bao giờ là dễ dàng.

Mỹ Anh viết: “Chừng nào cái cột chống của tôi còn cao thì tôi vẫn ổn, chừng nào những bông hoa vẫn nở thì tôi vẫn ổn.”

Có phải đó là thông điệp thay lời muốn nói, một tuyên ngôn cho cả gen Z?

Mẹ chúc các con đi nhiều và học được nhiều các con nhé, gen Z.

(Câu chuyện từ ca sĩ Mỹ Linh)