Nhật Ký: "Em đọc các bình luận tiêu cực trên mạng, và nhận ra mình cần hành động." | Vietcetera
Billboard banner

Nhật Ký: "Em đọc các bình luận tiêu cực trên mạng, và nhận ra mình cần hành động."

“Chúng ta cần hiểu đúng về nữ quyền, để không lạm dụng và biến nữ quyền thành độc hại.”

Nhật Ký: "Em đọc các bình luận tiêu cực trên mạng, và nhận ra mình cần hành động."

Nguồn: Linh Chi

Logo

Em là một trong 9 thành viên nữ của Plan International Vietnam tham gia dự án nghiên cứu Future Online (Tương Lai Trực Tuyến) cùng các bạn ở Úc và Indonesia. Dự án của bọn em hướng đến việc khuyến khích người chứng kiến trên mạng (online bystander) ngăn chặn thông tin tiêu cực về giới.

Để thu thập dữ liệu, có bạn tìm thông tin về cộng đồng LGBT+, còn em thì nghiên cứu các nội dung liên quan đến nữ quyền. Điều này nghĩa là, em phải ghé vào fanpage các nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, để tìm đọc phần bình luận dưới các video, bài đăng của họ về nữ quyền. 

Với những bình luận tiêu cực, em thường quan sát cách phản ứng của cộng đồng mạng với chúng, tìm xem chúng được nói ra trong hoàn cảnh nào, đúng hoặc sai ở đâu. Và nếu có ý đúng, mình có thể học được gì không.

Từ những phân tích này của em, nhóm nghiên cứu sẽ có thêm căn cứ để đưa ra ý tưởng giúp xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, bình đẳng hơn.

Em là một trong 9 thành viên nữ của Plan International Vietnam tham gia dự án Future Online (Tương Lai Trực Tuyến) | Nguồn: Linh Chi

Những ngày mới bắt đầu công việc, em đã từng đọc được dưới video chia sẻ về chủ đề nữ quyền của một vlogger nổi tiếng, có nhiều bình luận cho rằng nữ quyền là mê tín dị đoan, đứng lên bảo vệ nữ quyền là đi ngược lại văn hóa Việt Nam. Thậm chí có người còn miệt thị ngoại hình của vlogger nữ này.

Phần lớn những suy nghĩ tiêu cực về nữ quyền là những định kiến vô thức, hoặc những chuẩn mực và ảnh hưởng văn hóa đã bén rễ hàng thế kỷ gây bất lợi cho phụ nữ. Những suy nghĩ tiêu cực đó sẽ không thay đổi trong một sớm một chiều, nên các bạn nữ cũng cần phải học cách bảo vệ mình, ngay cả trên môi trường online. 

Gần đây có nhiều bạn bày tỏ quan điểm về việc rửa bát. Ai cũng có quan điểm, nhưng khi bạn bày tỏ quan điểm cá nhân, mà nó ít nhiều đi lệch so với quan điểm số đông, hoặc đụng chạm quá nhiều vào một vấn đề, thì bạn rất dễ trở thành nạn nhân của việc bắt nạt trên mạng xã hội. 

Và em còn nhìn thấy cả những trường hợp các bạn nữ hiểu sai về nữ quyền. Nữ quyền, không phải là con gái thì được đặc quyền thế này, thế kia. Không phải là “con trai bắt buộc phải mở cửa cho con gái", hay “cứ ở yên một chỗ, để các bạn nam mang ghế đến cho mình ngồi". Chúng ta cần hiểu đúng về nữ quyền, để không lạm dụng và biến nữ quyền thành độc hại. 

Nữ quyền, không phải là con gái thì được đặc quyền thế này, thế kia. Không phải là “con trai bắt buộc phải mở cửa cho con gái", hay “cứ ở yên một chỗ, để các bạn nam mang ghế đến cho mình ngồi" | Nguồn: Linh Chi

Trong suốt 3 tháng tham gia dự án, em cũng học được nhiều điều. Giờ đây, đứng trước một vấn đề (hoặc một bình luận tiêu cực), em biết lắng xuống để nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan và toàn diện hơn. 

Em cũng rèn luyện được một tâm lý thật vững vàng, để không bị ảnh hưởng bởi những bình luận tiêu cực. Các anh chị ở Plan bảo, để làm tốt công việc này, quan trọng nhất là sức khoẻ tinh thần. Em có thể dừng hoạt động ngay lập tức, nếu em cảm thấy bị chi phối quá nhiều bởi sự tiêu cực. 

Nhưng quan trọng nhất, với em, chính là nhận ra được rằng: muốn thay đổi suy nghĩ của người khác, thay vì nói, chúng ta nên hành động. 

Sẽ rất khó để em có thể thay đổi suy nghĩ “con gái dù tài giỏi đến đâu thì vẫn không bằng con trai” của người lớn. Nhưng em biết mình có thể nỗ lực học thật giỏi, thi đỗ vào đại học, tham gia các hoạt động cộng đồng, đóng góp cho xã hội. 

Đó là những thành tựu mà em có thể kể cho người lớn nghe, để mọi người hiểu rằng, đứa con gái nhỏ bé này cũng giỏi giang, không thua kém gì ai. 

(Câu chuyện được chia sẻ bởi Linh Chi)

Plan International là tổ chức nhân đạo phát triển về quyền trẻ em và bình đẳng giới với hơn 80 năm kinh nghiệm và hiện đang hoạt động tại 75 quốc gia trên toàn thế giới. Chiến dịch Girls Get Equal (Em gái Bình đẳng) do Plan và thanh thiếu niên khởi xướng nhằm hỗ trợ các em gái tự tin học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển cuộc sống và tương lai của chính mình.

An toàn trên mạng cho trẻ em gái là mục tiêu năm 2021 của chiến dịch Girls Get Equal. Năm 2020, Plan International lắng nghe chia sẻ từ 26.000 em gái trên toàn thế giới về tác động của tin giả, tin sai lệch - 9 trên 10 em cảm thấy vấn đề này ảnh hưởng tới cuộc sống của mình và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch, khi phải dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động trực tuyến. Tất cả trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái cần kỹ năng và kiến thức để bảo vệ bản thân trước thông tin sai lệch trên không gian số. Chiến dịch #AnToànTrênMạng kêu gọi cộng đồng cùng nâng cao giáo dục kỹ thuật số cho trẻ em, góp phần xây dựng một môi trường an toàn để trẻ em được kết nối, học tập và chia sẻ.