Nhật Ký: Mình trượt Fulbright 5 lần | Vietcetera
Billboard banner

Nhật Ký: Mình trượt Fulbright 5 lần

Năm nay 20 tuổi, mình vừa nhận email báo rớt lần thứ 5 từ trường đại học mà mình đã ứng tuyển suốt 3 năm qua.
Nhật Ký: Mình trượt Fulbright 5 lần

Nguồn: Kim Anh

Trong vòng phỏng vấn cá nhân, có một câu hỏi dành cho mình như sau “Hãy kể 1 thành tựu và 1 thất bại lớn nhất của bạn”.

Mình trả lời rằng thành tựu lớn nhất của mình là chính bản thân mình, bao gồm cả những bài học kết tinh ở mình. Còn thất bại, mình không có thất bại nào cả. Đối với mình, việc không đạt được kết quả mong đợi, là dấu hiệu nói rằng lần sau mình cần làm tốt hơn.

Mọi chuyện xảy ra đều là vì nó nên xảy ra. Đôi khi, thử không phải là để tìm đáp án đúng, mà là để loại bớt đáp án sai.

Mình đã học được những bài học gì suốt 5 kỳ nộp đơn vừa qua?

1. Làm hết mình để không hối tiếc

Một cách chủ quan, mình tự đánh giá mình đã làm hồ sơ vòng đơn và chuẩn bị cho vòng phỏng vấn bằng 200% khả năng của bản thân. 

Với hồ sơ vòng đơn, mình đưa cho mentor và 2 người bạn thân đọc, góp ý chỉnh sửa cho đến khi không còn gì để sửa nữa. Với vòng phỏng vấn, mình ngồi chuẩn bị câu trả lời cho tất cả những câu hỏi có thể sẽ gặp. Mình chuốt gọt và chuẩn bị cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. 

Trước ngày diễn ra cuộc phỏng vấn thật cùng Ban tuyển sinh, mình dợt phỏng vấn 3 lần với 3 người, gồm mentor, một chị là sinh viên Fulbright, một chị đã có kinh nghiệm chiến đủ thể loại học bổng trong ngoài nước. 

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng này mang đến cho mình cảm giác đong đầy ở hiện tại. Mình hài lòng.

2. Để đi đường dài, không bỏ tất cả trứng vào một rổ

Năm 12, mình tập trung và dồn lực ứng tuyển vào Fulbright đến nỗi gạt luôn chuyện ôn thi Đại học qua một bên. Lúc nhận kết quả rớt, mình thấy đất trời sụp đổ, tưởng đời mình đến đấy là toi rồi. May mà mình đã có nền chắc và sau đó học hành chỉnh đốn kịp thời nên mọi thứ không bị chệch quỹ đạo.

Rút bài học sâu sắc từ lần đó, những lần sau mình không ngồi yên đợi Fulbright nữa, và cũng không vì Fulbright mà bỏ bê những mảng quan trọng khác trong cuộc sống.

Mình nộp Fulbright vì muốn trải nghiệm Giáo dục Khai phóng phải không nào? Vậy mình đi tìm các chương trình, lớp học bên ngoài cũng có tinh thần khai phóng tương tự.

Mình muốn vào Fulbright vì yêu thích tinh thần cộng đồng mà trường mang lại phải không nào? Vậy mình quay về xây dựng mối quan hệ với từng thành viên trong gia đình, đưa sự gắn kết gia đình lên một mức cao hơn. 

Vì đồng thời đã gia cố những cột trụ khác trong cuộc sống nên việc rớt Fulbright không ảnh hưởng gì mấy đến cuộc sống của mình. Mình vẫn học, vẫn sống, vẫn hạnh phúc, vẫn là mình, chẳng có giá trị nào giảm đi. Thế mình sợ gì nữa đâu mà không chơi tới bến. 

Sức bền không chỉ thể hiện ở chỗ bạn đã ngã bao nhiêu lần và chọn vẫn đứng lên. Nó còn thể hiện ở chỗ bạn đã chuẩn bị gì cho những cú ngã, những lần ngã sau có đỡ đau hơn không.

3. Mình quyết định cuộc đời mình, nhưng không quyết định được ngoại cảnh

Mình quyết định nộp đơn vào Fulbright, nhưng không quyết định mình đậu, rớt, hay vô danh sách chờ.

Mình quyết định yêu một người, nhưng không quyết định họ yêu mình hay không, hay vừa yêu mình vừa yêu người khác.

Mình quyết định hôm nay sẽ đi chơi, nhưng không quyết định trời mưa hay nắng, hay vừa mưa vừa nắng.

Vậy nhiệm vụ của mình là cần nhìn được bức tranh tổng thể, dự đoán mọi khả năng có thể xảy ra và dự trù giải pháp cho nó. Càng nhiều trải nghiệm, nhiều hiểu biết, thì càng dự đoán được nhiều khả năng và linh hoạt giải pháp. Mình làm tốt nhất có thể trong khả năng của mình, phần còn lại thả lỏng để anh Đời lo.

Mình từng nghe một chị chia sẻ nguyên tắc sau trong kịch ứng tác: “Mang vào vở diễn những viên gạch chứ đừng mang vào một tòa lâu đài, bạn không biết bạn diễn của mình sẽ xây gì tiếp theo”. Tương tự, đừng giao cho anh Đời kịch bản hoàn chỉnh, bạn không biết ảnh sẽ mang gì tới cho bạn.

4. Sống đã rồi tính

Trong một lần ngồi nói chuyện với bạn mình về sự mong manh của cuộc sống, anh ấy bảo rằng, mọi trải nghiệm đều là may mắn. 

Được đau khổ là may mắn, được đi lại là may mắn. Anh ấy từng chăm bố bị tai biến, đến mở mắt bố cũng không mở được dù tâm trí vẫn tỉnh và cảm nhận được xung quanh.

Nếu mình cũng rơi vào trường hợp như thế, việc rớt hay đậu một chương trình gì đó không còn quá quan trọng.

Mỗi tháng mình đều mất 10 ngày để đau ngực, đau thắt lưng trước kỳ kinh nguyệt, sau đó mất thêm 1 ngày đau chết đi sống lại vào ngày đầu chu kỳ. Những ngày đau mỏi đó gợi nhắc về số ngày ít ỏi trong tháng mình được sinh hoạt như một người bình thường.

Khi nhận thức sâu sắc rằng được-sống khỏe mạnh đã là một đặc quyền quá tốt đẹp mà mình đang có, mình thấy mọi việc khác đều là những áng mây bồng bềnh trôi trên bầu trời, nó chuyển động và mình thấy nó chuyển động, để biết là mình đang-sống. Và chỉ thế mà thôi. Tất cả rồi sẽ trôi đi như những áng mây. Tất cả đều hữu hạn và liên tục biến chuyển. Sống đã rồi tính.

Kết

Không có "hành trình 5 lần ứng tuyển Fulbright của cô gái 20 tuổi và trái ngọt", bài viết này nhằm chia sẻ 4 bài học đã giúp mình biết tận hưởng mọi khả năng có thể xảy ra với cuộc sống. Và khép lại chặng đường 3 năm theo đuổi Fulbright của mình.

(Câu chuyện được chia sẻ bởi bạn Kim Anh)