Những điều người mù màu không nói với bạn | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
20 Thg 12, 2020
Chất Lượng Sống

Những điều người mù màu không nói với bạn

Trong số các chứng rối loạn thị giác, chứng mù màu — hay còn gọi là rối loạn sắc giác — là một trải nghiệm dễ tả nhưng khó hình dung.
Những điều người mù màu không nói với bạn

Colorblind Stories Featured Image

Trong số các chứng rối loạn thị giác, chứng mù màu — hay còn gọi là rối loạn sắc giác — là một trải nghiệm dễ tả nhưng khó hình dung. Và ngay tại Vietcetera, chúng tôi cũng có những cá nhân như thế.

Đó là Tài trong vai trò thiết kế UX.UI — một ngành phải làm việc với màu sắc; và Thy, quản lý dự án — cô gái trẻ với tủ quần áo gần như chỉ xoay quanh 4 màu trắng, đen, xám và xanh hải quân. Tất nhiên, tên cả hai đã được đổi theo tên của tác giả bài viết này.

Mình đã có một buổi trò chuyện ngắn cùng cả hai, về những khó khăn và “đặc quyền" khi mù màu. Và có những điều người mù màu không nói với bạn, bởi chúng chỉ có thể được nhìn và cảm nhận từ những đôi mắt khác biệt.

Không phải cứ “mù màu” thì chỉ thấy trắng đen

Trên thế giới có 2 loại rối loạn sắc giác: khuyết sắc và mù màu. Khuyết sắc khiến bạn không phân biệt được một số màu, còn mù màu hoàn toàn thì sẽ chỉ thấy các sắc trắng đen. Thy và Tài rơi vào trường hợp thứ nhất. (Tham khảo: nie.nih.gov)

Thy không thấy được 3 màu cơ bản nhất là đỏ, xanh lá, xanh dương, và chỉ thấy được là các màu “sepia” — những màu tông đất như nâu hay nude. Cô đặt cho chúng một cái tên là “các màu mùa thu”.

Tài thì hay nhầm giữa đỏ và xanh lá, và các màu có sắc độ tương tự. Thị giác của anh cũng có lúc này lúc kia. Hôm thì nhìn xanh ra đỏ, hôm lại nhìn đỏ ra xanh. Tài thường dễ nhầm màu nhất khi nhìn màn hình thiết bị hoặc phải chơi game mà cần nhìn màu.

Tài kể, khi ai đó lần đầu biết anh “mù màu”, họ lập tức hỏi màu của một vật trước mắt. Thật ra “mù màu” chỉ là một cách nói ngắn gọn. Màu sắc được đặt tên bởi những người có thị giác bình thường, khiến những người khuyết sắc vô tình bị xem là mù màu tuyệt đối.

Người khuyết sắc có thể không biết họ bị như thế

Thy không biết mình khuyết sắc cho đến năm 18 tuổi. Từ khi biết đến những khái niệm về màu, cô phân biệt chúng bằng sắc độ. Thy có thể gọi tên màu giống mọi người, nhưng góc nhìn của cô thì khác. Khi được hỏi về khoảnh khắc nhận ra mình khuyết sắc, Thy kể mình rất ngạc nhiên, bởi điều này chưa bao giờ lướt qua tâm trí của cô.

alt
Đâu đó xung quanh chúng ta, có những người khuyết sắc không biết rằng họ bị như thế.

18 năm đầu đời, Thy hầu như không gặp vấn đề với màu sắc, nên cứ nghĩ mắt mình bình thường. “Thật ra mình nghĩ có nhiều người cũng bị như mình, chỉ là họ không nhận ra thôi.” — Thy nói.

Không có một con số cụ thể cho tỉ lệ người mù màu ở Việt Nam, nhưng đâu đó xung quanh chúng ta, cứ 200 người phụ nữ sẽ có 1 người mù màu. Tỉ lệ này ở nam giới còn cao hơn: 1 trên 12 người.

Nhưng không phải cứ đi khám thì mới biết mình khuyết sắc. Từ cấp một, Tài đã tự bắt được bệnh vì cứ hay lấy nhầm màu đỏ thay vì màu xanh trong hộp chì màu. Sau này, Tài tự “sắp xếp” màu sắc qua mắt mình bằng những điều luôn đúng: hầu hết lá cây thì màu xanh, mực bút của giáo viên thì màu đỏ.

Đèn giao thông cũng vậy, chỉ trừ một lần anh về quê và gặp một cây đèn mờ cũ, và nằm ngang thay vì dọc. Tài nhìn đèn đỏ thành xanh rồi... rồ ga. Lúc ngó ra sau thấy người dừng lại, anh mới biết mình sai.

Người mù màu vẫn có thể làm việc với màu sắc

Thy không làm việc trực tiếp với màu, nên khuyết sắc không hẳn là một hạn chế. Cô chỉ gặp chút khó khăn ở khâu QC (kiểm tra chất lượng) nếu dự án có cả phần sản xuất hình ảnh. Góp ý cho designer đã lộn xộn, lúc phải truyền lại góp ý của client (khách hàng) còn lộn xộn hơn.

Tài cũng vậy. Ban đầu, mình lầm tưởng rằng UX và UI là một, thật ra chúng rất khác nhau. Tài làm UX nên chủ yếu thiên về logic và giải quyết vấn đề, chứ không phải cần thiết kế quá nhiều. Hơn nữa, thường mỗi dự án sẽ có một sẵn bộ màu, anh chỉ việc triển khai theo mã màu có sẵn thôi.

Nếu phải làm việc trực tiếp với màu sắc, giải pháp của cả hai đều là nhờ đến một người khác nhạy về màu hơn. Ngoài ra, cả hai vẫn có thể góp ý về bố cục, thiết kế và trải nghiệm của sản phẩm trước khi đến tay người dùng. Màu sắc không quyết định tất cả, và nó không phải là thứ khiến họ gặp khó khăn.

Họ không cần màu để có một cuộc sống “muôn màu”

Thy kể ngày xưa cô mặc đồ có màu khá choảng nhau. Thy đặc biệt nhớ hồi lớp 5, cô rất thích mặc một chiếc áo hồng với quần xanh lá, đội nón đỏ và mang giày màu cam sáng. Bạn bè trong lớp đùa “Có đứa hôm nay trông tươi thế!” Sau này cô mới biết, là bộ đồ “tươi” chứ không phải mình.

alt
“Có đứa hôm nay trông tươi thế!”

Càng lớn, Thy cũng chỉ thích mặc những màu trung tính bởi nó cho cô một cảm giác rất quyền lực và mạnh mẽ. “Mình không mặc đồ màu nữa đơn giản vì nó không phải là mình, vậy thôi!”

Đôi lúc, Thy tò mò một cuộc sống “muôn màu” nghĩa đen sẽ trông như thế nào. Nhưng cô sợ rằng một khi đã thấy màu, mình sẽ thấy khác đi đôi chút. Thy sợ rằng mình sẽ bắt đầu thấy ghen tị với mọi người.

Nhưng sau tất cả, cả Thy và Tài đều hoàn toàn hài lòng với cuộc sống hiện tại. “Khuyết sắc giúp mình có những trải nghiệm thị giác khác biệt mà người bình thường không thể hiểu, và mình rất trân trọng điều đó” — Tài vui vẻ nói. “Ừa! Người ta hay nói mình đang bỏ lỡ nhiều thứ, nhưng mình thấy mọi người mới bỏ lỡ nhiều thứ ấy!” — Thy đồng tình.

Kết

Vậy sau cùng, mình nghĩ sắc giác không phải là thứ điều khiển chúng ta. Bạn có thể không cần một bầu trời xanh, một rừng lá vàng hay một cây thông Noel rực rỡ để thấy vui hơn trong cuộc sống. Tất cả những gì chúng ta cần là những mối quan hệ tốt, vài cuộc trò chuyện tới 3 giờ sáng, và những trải nghiệm ý nghĩa. Đó mới là thứ sẽ đánh thức cảm xúc trong ta.