Những người đàn bà rơi lệ vì tình trong phim Vương Gia Vệ: Sự quyến rũ của vẻ đẹp lụi tàn | Vietcetera
Billboard banner
13 Thg 07, 2022
Sáng TạoĐiện Ảnh

Những người đàn bà rơi lệ vì tình trong phim Vương Gia Vệ: Sự quyến rũ của vẻ đẹp lụi tàn

Thời gian trong phim của Vương hầu hết đều được nhìn dưới lăng kính siêu hình, và đặc biệt luôn có hình ảnh chiếc đồng hồ xuất hiện trong tất cả các bộ phim của ông.
Những người đàn bà rơi lệ vì tình trong phim Vương Gia Vệ: Sự quyến rũ của vẻ đẹp lụi tàn

Củng Lợi trong 2046 và Chương Tử Di trong Nhất Đại Tông Sư

Nếu Trương Mạn Ngọc là biểu tượng nữ trong phim của Vương Gia Vệ nói riêng và điện ảnh Hong Kong thập niên 90 nói chung, thì Củng Lợi và Chương Tử Di – hai ngôi sao đến từ Đại lục, tiếp nối hình mẫu phụ nữ cổ điển trong phim của Vương vào đầu những năm 2000. Cho dù ở các bộ phim sau, ông bắt đầu chiêm nghiệm về sự phù du và tàn lụi của cái đẹp.

Tâm Trạng Khi Yêu – bộ phim quan trọng nhất của Vương Gia Vệ, có nhan đề gốc tiếng Hoa là Hoa Dạng Niên Hoa, một ẩn dụ về bản chất phù du của thời gian, của vẻ đẹp (phụ nữ) và của tình yêu. Mọi thứ đều biến đổi theo thời gian, lụi tàn theo thời gian.

Vương Gia Vệ thừa nhận rằng ông trưởng thành và già đi – về mặt tuổi tác - theo các bộ phim của mình. Nếu ở các bộ phim thời đầu, các nhân vật trong phim của Vương Gia Vệ luôn đối mặt với sự cô độc, hoang mang và lạc lối thì ở các bộ phim sau, họ lại đối mặt với sự tàn lụi, điển hình là qua các nhân vật của Củng Lợi (2046 và phim ngắn The Hand) và Chương Tử Di (2046Nhất Đại Tông Sư.)

Củng Lợi: Hoa mẫu đơn vươn cao rồi lại tàn

Trước khi đến với Vương Gia Vệ, Củng Lợi đã là một ngôi sao tỏa sáng rực rỡ không chỉ ở Trung Quốc mà còn khắp thế giới. Thập niên 90, thời kỳ bùng nổ của điện ảnh Trung Quốc thế hệ thứ 6, Củng Lợi là một nữ diễn viên quan trọng nhất, khi cô xuất hiện trong những bộ phim thành công nhất của Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca.

Các nhân vật nữ của Củng Lợi giai đoạn này hầu hết đều mang màu sắc hiện thực, phản ánh những giai đoạn lịch sử khốc liệt của Trung Quốc trong thế kỷ 20. Ví dụ như giai đoạn phong kiến, chiến tranh, Cách mạng Văn hóa, hoặc phản ánh một đặc tính văn hóa nào đó của người Trung Quốc hiện đại.

Những bộ phim tiêu biểu nhất của thời này là Cao Lương Đỏ (1988), Cúc Đậu (1990), Đèn Lồng Đỏ Treo Cao (1991), Thu Cúc Đi Kiện (1993), Phải Sống (1995) – đều do Trương Nghệ Mưu đạo diễn. Ngoài ra, Bá Vương Biệt Cơ (1994) do Trần Khải Ca đạo diễn đã giới thiệu cho thế giới thấy những hình ảnh phụ nữ Trung Quốc thật khác biệt. Họ dám sống hơn, quyết liệt hơn và thậm chí cũng dữ dội hơn – qua sự hóa thân xuất sắc của Củng Lợi.

Cô và hai đạo diễn tài danh này đã tỏa sáng ở các LHP quốc tế hàng đầu khi giới thiệu với thế giới một hình ảnh Trung Hoa thật khác biệt, đồng thời dám phơi bày những vết thương và sự xấu xí bị che giấu ở đất nước này. Tất nhiên vì thế, Củng Lợi cũng thường bị hóa trang xấu đi.

Cô quê mùa, lam lũ khi thể hiện những nhân vật có xuất phát điểm thấp kém trong xã hội, như trong Cúc Đậu, Thu Cúc Đi Kiện hay Phải Sống. Dù ngoài đời, cô sở hữu một nhan sắc kiêu hãnh và lộng lẫy, không hề thua kém các “đại mỹ nhân” thời điểm đó như Lâm Thanh Hà, Trương Mạn Ngọc, Lý Gia Hân hay Vương Tổ Hiền.

Có lẽ Vương Gia Vệ là đạo diễn nhìn thấy được vẻ đẹp kiêu hãnh (bề ngoài) nhưng dễ tổn thương (bên trong) của Củng Lợi. Ông mời Củng Lợi tham gia hai bộ phim của mình ở thời điểm ngôi sao này chuẩn bị bước vào tuổi 40 và không còn ở thời điểm đỉnh cao nữa.

Sự lựa chọn này hoàn toàn có tính toán. Vì hai vai diễn của Củng Lợi cộng tác với Vương Gia Vệ đều là nhân vật ở độ tuổi trung niên, đang đối mặt với mất mát của tình yêu và sự tàn lụi của nhan sắc.

alt
Củng Lợi trong phim The Hand | Nguồn: The Hand

Điều đó thể hiện rõ nhất trong Bàn Tay (The Hand), một trong ba phim ngắn có tên chung là Eros (2004). Chúng được làm để tri ân huyền thoại điện ảnh người Ý Michelangelo Antonioni, với hai chủ đề nổi bật của ông là tình yêu và tình dục.

Quyến rũ kiêu kỳ nhưng cũng đắng cay bi thảm trong Bàn Tay

Bàn Tay có độ dài 43 phút, được quay trong 3 ngày liên tục, giữa lúc dịch SARS bùng nổ ở Hong Kong và giữa các quãng nghỉ khi quay bộ phim 2046.

Ở bộ phim này, Củng Lợi gần như xuất hiện từ đầu đến cuối với cuộc đời thăng trầm của một cô gái gọi hạng sang từ thời đỉnh cao đến lúc suy tàn. Nhà phê bình John Powers nhận xét đây là một trong những vai hay và sâu sắc nhất của Củng Lợi.

Qua diễn xuất vừa tinh tế vừa điêu luyện của mình, cô khiến người xem cảm nhận được bước sa sút của nhân vật (cô Hoa), từ sự quyến rũ kiêu kỳ thành đắng cay bi thảm, nhưng chưa bao giờ kém hấp dẫn đi. Bởi ngay trong sự tàn lụi đó, Vương Gia Vệ vẫn khiến người xem thấy được sự quyến rũ của nó.

Nhân vật nam chính trong phim, anh thợ may cho cô Hoa (do Trương Chấn đóng) cũng là kẻ bị vẻ đẹp của cô mê hoặc, ngay cả khi nhan sắc của cô đã tàn phai.

Bộ phim kể về một mối quan hệ kỳ lạ giữa một anh chàng thợ may nhút nhát tên Chương (Trương Chấn) được ông chủ phái đến căn hộ của cô Hoa, một gái bao hạng sang, để lấy số đo.

Ngay trong lần đầu tiên, chàng thợ may mới lớn đã chứng kiến những âm thanh sặc mùi nhục cảm giữa cô và một “người tình” giàu có. Sau đó, Chương bị cô thao túng cảm xúc bằng cách dùng bàn tay để chạm lên những bộ phận nhạy cảm khiến anh không thể cưỡng lại được.

Để rồi từ đó, gã thợ may tội nghiệp thầm thương trộm nhớ và tương tư cô Hoa, mặc cho cô hành hạ và quát mắng, hoặc phải chứng kiến những cảnh lả lơi giữa cô và các người tình giàu có.

Khi thời thế thay đổi theo thời gian, tuổi tác cũng dày lên, cô Hoa bắt đầu thất sủng. Cô không còn là gái bao hạng sang nữa, thậm chí còn trở thành gái đứng đường, thiếu thốn tiền bạc và bệnh tật. Cô như một cánh hoa tàn trước gió đông, còn anh chàng thợ may vẫn cung cúc tận tụy bên cô…

Bàn Tay, dù là một bộ phim ngắn, nhưng đẹp và tranh nhã như một tác phẩm cổ điển. Hình ảnh của Củng Lợi trong phim này, phần nào khiến ta liên tưởng đến hình ảnh của Vivien Leigh trong bộ phim kinh điển của Hollywood thời vàng son: Chuyến Tàu Mang Tên Dục Vọng (A Streetcar Named Desire, 1951).

Đó đích thực là sự quyến rũ của vẻ đẹp tàn lụi, như “cánh hoa mẫu đơn vươn cao rồi lại tàn” – một hình ảnh được diễn đạt bằng ngôn ngữ điện ảnh rất đẹp trong 2046, liên quan đến hai nhân vật do Củng Lợi và Chương Tử Di đóng.

Đau đớn đến nghẹt thở với 2046

Trong 2046, bộ phim ra mắt cùng năm với Bàn Tay – Củng Lợi thậm chí còn xuất hiện ngắn hơn. Cô đóng vai một người phụ nữ bí ẩn, một tay chơi cờ bạc có nickname là Nhện đen, nhưng sau đó, cô tiết lộ tên mình là Tô Lệ Trân với Châu Mộ Vân (Lương Triều Vỹ) khi mối quan hệ giữa họ bắt đầu thân mật hơn.

alt
Củng Lợi trong phim 2046 | Nguồn: 2046

Thân mật, nhưng không tiến xa hơn. Bởi giữa họ là một khoảng cách không thể vượt qua. Tô Lệ Trân (Củng Lợi) với một quá khứ tăm tối mà cô không thể quên. Còn Châu Mộ Vân, thì đơn giản không thể quên được mối tình với Tô Lệ Trân khác (Trương Mạn Ngọc).

Trong cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa bọn họ, với một cú máy dài miên man, Vương Gia Vệ đã lột tả được vẻ đẹp đau đớn đến nghẹt thở của Củng Lợi sau một nụ hôn dài và cuồng nhiệt với Lương Triều Vỹ đến nhòa cả vết son môi. Cô lấy một tay để quệt vết son môi lem ra và để cho dòng lệ tuôn chảy trên gương mặt bất động.

Tiếp đó, là hình ảnh của Châu Mộ Vân bước đi với giọng tự sự “voice-over” của anh ta: “Trong tình yêu không thể có người thay thế. Tôi chỉ tìm lại cảm giác tôi đã từng có với Tô Lệ Trân năm xưa. Chính tôi còn không nhận ra điều đó, nhưng chắc chắn cô ấy hiểu”.

Và một dòng đề từ nữa, xuất hiện trên màn hình: “Mùa hoa mẫu đơn nở. Cánh hoa vươn cao rồi lại tàn”.

Củng Lợi chính là hình ảnh của cánh hoa mẫu đơn vươn cao rồi lại tàn, trong thế giới điện ảnh của Vương Gia Vệ.

Chương Tử Di: Một đời “Tín thủ triết ngôn"

Chương Tử Di là người đến sau, nếu không nói là nàng thơ cuối cùng của Vương Gia Vệ, tính đến bộ phim cuối cùng của ông là Nhất Đại Tông Sư (2013).

Cũng như Củng Lợi, trước khi đến với Vương Gia Vệ, Chương Tử Di đã có một sự nghiệp nổi danh quốc tế. Cô được Trương Nghệ Mưu phát hiện với Đường Về Nhà (1999), tỏa sáng với Ngọa Hổ Tàng Long (2000) của Lý An và tiếp tục thành công với hai phim dã sử/cổ trang nữa của Trương Nghệ Mưu là Anh Hùng (2002) và Thập Diện Mai Phục (2004).

alt
Chương Tử Di trong 2046 | Nguồn: 2046

Cả bốn bộ phim này không chỉ dành được vô số giải thưởng điện ảnh danh giá, mà còn rất thành công tại phòng vé.

Từ một cô gái vô danh năm 1999 đến một ngôi sao nữ chiếm lĩnh vị trí số một tại Trung Quốc sau đó chỉ vài năm, Chương Tử Di có bước phát triển sự nghiệp thần tốc. Nhưng cùng với đó, vô số những scandal cũng bủa vây cô, đặc biệt là những tiếng xấu về việc cô “đi đêm” với đạo diễn để giành vai, hay “đi đêm” với các vị quan chức để tiến thân nhanh chóng.

Vương Gia Vệ là người tìm đến Chương Tử Di vào đúng thời điểm đó. Sự lựa chọn của ông hoàn toàn là vô tình, vì yêu cầu của vai diễn. Thế nhưng, lại như một điều hữu duyên. Sự khủng hoảng của scandal khiến nữ diễn viên trẻ mới 25 tuổi này chìm sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật, giúp cô có được hai vai diễn hay đến kinh ngạc, trong 2046Nhất Đại Tông Sư.

Trong 2046, bộ phim lãng mạn pha trộn với khoa học giả tưởng (sci-fi) mà Vương Gia Vệ lấy cảm hứng từ bộ phim Alphaville của đạo diễn Làn sóng mới Pháp Jean-Luc Godard, Chương Tử Di đóng vai Bạch Linh, lại là một cô gái gọi hạng sang khác.

Nhân vật của cô trọ tại căn phòng 2046 ở Hong Kong, nơi mà sự đưa đẩy của số phận khiến cô gặp Châu Mộ Vân (Lương Triều Vỹ), kẻ tìm đến căn phòng trọ này để nhớ lại những ký ức xưa cũ với Tô Lệ Trân (Trương Mạn Ngọc),,lúc anh này đã trở thành một tay nhà văn sát gái và có chút đểu giả.

Ban đầu, mối quan hệ giữa hai người đơn giản là tình- tiền. Thế nhưng, càng lúc, Bạch Linh càng lún sâu vào tình cảm với Châu Mộ Vân và trở thành một kẻ lụy tình đến tội nghiệp, mặc cho anh ta chỉ coi cô như một kẻ qua đường.

Mượn rượu để bày tỏ tấm lòng mình, thậm chí từ một người “bán” trở thành một kẻ “mua”, Bạch Linh của Chương Tử Di chính là hình mẫu đàn bà lụy tình kinh điển trong điện ảnh. Vứt bỏ hết sự kiêu hãnh của bản thân, thậm chí van xin, “Tại sao mọi việc không thể như trước đây? Xin anh đừng đi, hãy ở lại với em đêm nay.”

alt
Chương Tử Di trong Nhất Đại Tông Sư | Nguồn: Nhất Đại Tông Sư

Chương Tử Di hẳn đã phá bỏ hoàn toàn rào cản giữa con người thật của mình và nhân vật, để hòa làm một. Cô xuất hiện không nhiều, nhưng trở thành nhân vật xuất sắc nhất của 2046 và trở thành một hình mẫu để phân tích nội tâm nhân vật, ở các khóa dạy diễn xuất của các trường điện ảnh.

Đến Nhất Đại Tông Sư, Chương Tử Di một lần nữa tỏa sáng. Bộ phim võ thuật với nhân vật trung tâm là Diệp Vấn (Lương Triều Vỹ), Chương Tử Di vào vai Cung Nhị, một nhân vật hư cấu của Vương Gia Vệ. Cô được xây dựng như một nhân vật đối trọng, để làm nổi bật chủ đề về sự tàn lụi và vô thường của cái đẹp.

Cung Nhị có tất cả mọi thứ để trở thành một bậc Tông sư như Diệp Vấn, thậm chí trong một cuộc tỉ thí, cô còn thắng cả Diệp Vấn. Nhưng sự nghiệt ngã của số mệnh khiến Cung Nhị trở thành một “kẻ thua cuộc” vì suốt thời thanh xuân, chỉ có duy nhất một mục đích là báo thù cho cha. Cả đời sống một mình trong cô độc và chết đi trong sự cô độc.

Một trong những phân đoạn xuất sắc nhất, đẹp nhất và cũng nhức nhối nhất của bộ phim là cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa Cung Nhị và Diệp Vấn, nơi cô trút nỗi lòng mình.

Phần phi lộ của bộ phim ở đoạn cuối cho biết Cung Nhị qua đời ở Hương Cảng năm 1953. Một đời “Tín thủ triết ngôn.” Không kết hôn, không con cái, không truyền nhân.

Dù chỉ là một nhân vật hư cấu trong một bộ phim tiểu sử “kiểu” Vương Gia Vệ, Chương Tử Di đã biến Cung Nhị trở thành một nhân vật “thật” hơn cả nhân vật có thật. Cô giúp người xem thấy được sự phù du và vô thường của đời người trong một bộ phim mượn võ thuật để nói tới nhân sinh.

Diễn xuất của Chương Tử Di trong Nhất Đại Tông Sư “chín” đến nỗi có lúc cô còn vượt qua diễn xuất của Lương Triều Vỹ với vai Diệp Vấn. Cô dành được vô số giải thưởng từ Trung Quốc đến Hong Kong, Đài Loan cho vai diễn trong bộ phim này. Có thể nói, đó là vai diễn đỉnh cao trong sự nghiệp điện ảnh của Chương Tử Di, tính đến nay.

“Bạn đã hiểu vì sao Vương phải hư cấu ra nhân vật Cung Nhị, người mà, với diễn xuất gây nhức nhối của Chương Tử Di, khiến bạn cảm nhận được sự giận dữ lẫn tuyệt vọng rất con người. Trong khi Diệp Vấn từ bỏ mọi thứ cho vinh quang tối thượng của võ thuật, thì Cung Nhị là trái tim đang đập điên cuồng của bộ phim. Cô từ bỏ mọi thứ - hạnh phúc, võ thuật, thậm chí cả tình yêu - vì danh dự gia đình và để báo thù. Như chuyện thường ngày trong phim Vương, các nhân vật nữ của anh sống động hơn hẳn các nam chính” – John Powers viết.