Trong 10 bộ phim điện ảnh nổi tiếng toàn cầu và một bộ phim ngắn có thời lượng 43 phút là The Hand nhưng xuất sắc như một bộ phim cổ điển, Vương Gia Vệ luôn cân bằng được vẻ đẹp của cả hai giới. Ông tôn vinh cả nam và nữ trong phim của mình, cũng như dành cho họ sự ưu ái ngang nhau.
Rõ ràng, xem phim của ông, chúng ta nhớ tới Lương Triều Vỹ, Trương Quốc Vinh, Lưu Đức Hoa, Kim Thành Vũ, Trương Chấn với những nhân vật nam như được viết cho riêng họ. Nhưng Trương Mạn Ngọc, Lâm Thanh Hà, Vương Phi, Củng Lợi hay Chương Tử Di cũng có vai diễn để đời khi cộng tác với Vương Gia Vệ. Đó là những hình mẫu phụ nữ tuyệt đẹp, từ ngoại hình cho đến khí chất, tâm hồn.
Ông hoàng của điện ảnh lãng mạn này đã đưa các diễn viên lên đến đỉnh cao của diễn xuất và giúp họ tỏa sáng rực rỡ. Thế nhưng, nói một cách công bằng, nhân vật nữ trong phim của Vương Gia Vệ vẫn sống động và đáng nhớ hơn. Vì họ nhạy cảm, dám hết mình vì tình yêu và cũng dễ tổn thương hơn các nhân vật nam.
Tác giả John Powers trong cuốn Điện ảnh Vương Gia Vệ, đã nói đại ý rằng những nhân vật nữ trở nên “đáng yêu và nhiều chất nghệ hơn khi làm việc với Vương. Anh có, như mọi người hay nói, khả năng thấu cảm.”
Khả năng thấu cảm đó được thể hiện rõ nhất qua việc Vương không ngần ngại phơi bày nội tâm của những nhân vật nữ lên màn ảnh và để họ phải rơi lệ vì tình. Lương Triều Vỹ và Trương Quốc Vinh cũng từng rơi lệ vì tình ái trong phim của Vương Gia Vệ, nhưng những giọt lệ của Trương Mạn Ngọc, Củng Lợi và Chương Tử Di vẫn khiến người xem xốn xang hơn cả. Có lẽ bởi họ thể hiện được thiên tính của phụ nữ khi yêu.
Trương Mạn Ngọc - Người đàn bà rơi lệ vì tình
Trương Mạn Ngọc là nữ diễn viên đầu tiên cộng tác với Vương Gia Vệ trong bộ phim đầu tay và đi cùng với ông nhiều nhất qua 5 bộ phim. Hầu hết chúng đều trở thành kinh điển, như Vượng Giác Ca Môn (1988), A Phi Chính Truyện (1990), Đông Tà Tây Độc (1994), Tâm Trạng Khi Yêu (2000) và 2046 (2004). Trong cả 5 bộ phim này, Trương Mạn Ngọc đều phải rơi lệ vì tình ái.
Bộ phim hợp tác đầu tiên của cả hai là Vượng Giác Ca Môn (As Tears Go By), cũng là bộ phim đầu tay của Vương Gia Vệ với tư cách là đạo diễn. Ở thời điểm đó, Trương Mạn Ngọc đã là một ngôi sao nổi tiếng với lịch trình kín mít, dù các bộ phim cô đóng đều là những phim giải trí khá công thức và dễ dãi.
Điển hình như năm 1988, cô đóng tới 11 bộ phim. Các vai diễn của cô hầu hết là phim hài hoặc võ thuật, với lối diễn xuất phô trương hình thể hoặc làm nền cho các ngôi sao nam (như Thành Long chẳng hạn).
Vương Gia Vệ có lẽ là đạo diễn đầu tiên nhìn thấy được tố chất của một diễn viên nữ tài năng ở Trương Mạn Ngọc, khi giao vai chính rất khác biệt cho cô trong Vượng Giác Ca Môn. Bộ phim xã hội đen pha lãng mạn này kể về mối tình lãng mạn không có hậu giữa Hoa - một tay gangster (Lưu Đức Hoa đóng) và Nga - cô em họ của anh (Trương Mạn Ngọc đóng).
Di chuyển liên tục giữa các đoàn làm phim và bị lối diễn xuất phô trương của phim hài ảnh hưởng, Trương Mạn Ngọc gần như không tập trung khi hợp tác với Vương Gia Vệ. Nhất là khi vai diễn của cô thiên về nội tâm và đòi hỏi rất nhiều kỹ năng diễn xuất ít dùng thoại. Dù lúc đó Vương là một đạo diễn mới và chưa có tiếng tăm, ông vẫn tìm cách để trò chuyện và phân tích tâm lý để Trương Mạn Ngọc hiểu được nhân vật.
Rất nhiều cảnh phải quay đi quay lại hàng chục lần cho đến khi cô nhập được vào nhân vật. Trong quá trình đó, Vương nhận ra một vẻ đẹp mà sau này trở thành “báu vật” của Trương khi diễn xuất nội tâm. Đó là ngôn ngữ của cơ thể và biểu cảm trên gương mặt, từ đôi mắt đến khóe miệng của cô.
Lối diễn xuất của cô không cần thoại mà vẫn “nói” được nhiều về nhân vật. Đó là lý do Vương Gia Vệ vứt hết những trang kịch bản đã viết, thu gọn lại thoại và điều chỉnh để phù hợp với cô. Trương Mạn Ngọc đã tìm ra chính cô ở ngay bộ phim đầu tiên hợp tác với Vương và cô có một vai diễn hoàn hảo. Từ đó, cô không cần phải bắt chước ai nữa. Chỉ cần là chính mình thôi, Trương Mạn Ngọc đã là một “báu vật” của màn bạc rồi.
Trong Vượng Giác Ca Môn có một phân đoạn mà sau này trở thành kinh điển, đó là cảnh Nga (Trương Mạn Ngọc) chia tay Hoa (Lưu Đức Hoa) khi anh bước lên chiếc xe buýt để đi cứu Fly (Trương Học Hữu) – một đàn em nóng nảy và dại dột của anh ta đang bị bọn giang hồ truy đuổi. Trương Mạn Ngọc đã thể hiện xuất sắc gương mặt của một người thiếu nữ vừa tạm biệt người yêu và dường như linh cảm anh ta sẽ không bao giờ quay trở lại.
Cô diễn rất giỏi sự xốn xang của tâm trí nhân vật, cố kìm nén cảm xúc mà dường như không giấu được sự thổn thức của nội tâm với một giọt lệ lăn dài bên khóe mắt. Chỉ một cảnh đó thôi mà khán giả không thể quên được cô. Giọt nước mắt đó cũng báo trước cho những giọt lệ sầu bi mà Trương Mạn Ngọc tiếp tục trong các bộ phim hợp tác sau này với Vương Gia Vệ.
Sang bộ phim thứ hai là A Phi Chính Truyện (Days of Being Wild), nhân vật trung tâm phim là Trương Quốc Vinh (vai Húc Tử) – một tay chơi luôn quyến rũ các cô gái xinh đẹp rồi bỏ họ không thương tiếc.
Trương Mạn Ngọc đóng vai một cô gái ngây thơ, người bị Húc Tử chinh phục rồi đến khi cô đem lòng yêu, anh ta lại đá cô để đi tán tỉnh một cô gái làng chơi là Lulu (Lưu Gia Linh đóng). Vai diễn của Trương Mạn Ngọc trong phim này không nhiều, đúng nghĩa là một vai nữ phụ. Nhưng nó vẫn khiến người xem thổn thức vì những giọt lệ lăn dài trên khóe mắt của cô gái ngây thơ bị phụ tình, khi tìm đến tay cảnh sát tuần tra đêm (Lưu Đức Hoa đóng) để tìm sự an ủi với trái tim thương tổn.
Phụ nữ trong phim của Vương Gia Vệ thường lụy tình và rơi lệ vì tình. Trong phim này có một phân đoạn nói về cuộc đấu khẩu giữa hai người đàn bà, đều bị Húc Tử bỏ rơi là minh chứng chính xác nhất cho nhận định đó.
Sau khi bị Húc Tử đá, Lulu (Lưu Gia Linh) tìm đến Tô Lệ Trân (Trương Mạn Ngọc đóng) với một trái tim tan vỡ, nhưng cô ta vẫn mỉa mai rằng: “Quả thực tôi không nên đến đây. Tôi không nên cho cô cơ hội để vui sướng như vậy. Nhưng tôi nghĩ anh ấy thích tôi hơn cô. Anh ấy bỏ cô vì tôi mà.”
Và Tô Lệ Trân đáp lại rằng: “Sẽ tốt hơn cho cô nếu cô biết sớm. Bây giờ cô là người phải khóc. Còn tôi đã nguôi từ lâu lắm rồi.”
Một Trương Mạn Ngọc tân thời ở tinh thần và cổ điển trong dáng hình
Cho dù là những bộ phim nghệ thuật mang phong cách mới với ngôn ngữ điện ảnh đậm dấu ấn cá nhân, hầu hết các bộ phim của Vương Gia Vệ đều thuộc mô típ phim lãng mạn kiểu melodrama điển hình, hay còn gọi là phim dành cho phụ nữ (women’s picture).
Đó là lý do mà trong hai bộ phim đầu tiên, dù nhân vật trung tâm là nam giới (Lưu Đức Hoa và Trương Quốc Vinh đóng), hai nhân vật nữ do Trương Mạn Ngọc đóng chính vẫn để lại ấn tượng sâu đậm không kém. Các nhân vật nữ thường trưởng thành và dấn thân hơn trong tình yêu, trong khi các nhân vật nam trong các phim thời đầu của ông thường lạc lối và phải tìm kiếm những tác động của bên ngoài, để thấu hiểu bản thân.
Điều này được thể hiện rõ hơn trong bộ phim Tâm Trạng Khi Yêu (In the Mood for Love) - tác phẩm kinh điển nói về một mối quan hệ lãng mạn nhưng bị kìm nén giữa hai người yêu nhau. Lương Triều Vỹ tuy rất xuất sắc với vai nhà văn Châu Mộ Vân, khán giả vẫn dành nhiều sự cảm thông và yêu quý hơn cho nhân vật Tô Lệ Trân của Trương Mạn Ngọc.
Vẻ đẹp tao nhã và cổ điển của cô hiện lên với những chiếc váy xường xám tôn dáng, mái tóc vấn cao bồng bềnh và gương mặt sầu muộn như chứa đựng cả một vũ trụ bên trong. Trương Mạn Ngọc đã đưa hình tượng người phụ nữ cổ điển trong văn chương và điện ảnh lên một tầm cao mới.
Ngôn ngữ cơ thể của cô lại một lần nữa được phát huy tối đa, khiến một vòng tay cô độc tự ôm lấy mình, một khóe miệng run run và một đôi mắt nhòa lệ như chất chứa hàng vạn điều không thể nói thành lời.
Không chỉ khán giả châu Á mà khán giả phương Tây cũng cực kỳ yêu thích Tâm trạng khi yêu với màn diễn xuất đỉnh cao của Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc. “Tương tác hóa học” giữa họ thậm chí chỉ có thể so sánh với Humphrey Bogart và Ingrid Bergman trong bộ phim lãng mạn kinh điển Casablanca (1942) mà thôi.
Còn Vương Gia Vệ thì nhận định rằng: “Trương Mạn Ngọc khởi đầu sự nghiệp rất khác với những diễn viên nữ cùng thế hệ. Nhưng cô ấy diễn xuất tự nhiên và luôn mang đến hai phẩm chất cùng lúc. Tuổi thơ ở Anh quốc đã cho cô một tinh thần tự do, phóng khoáng nên cô rất hiện đại. Nhìn cô, mọi người sẽ nghĩ ngay về một diễn viên tân thời nhất. Nhưng trái với sự tự do tân thời trong tinh thần, cô lại có một vẻ ngoài rất cổ điển. Cô chính là “qingyi” (hình tượng người phụ nữ đức hạnh, ưu tú) trong Kinh Kịch. Nhưng không một ai nhìn ra sự cổ điển ấy cho đến khi Tâm Trạng Khi Yêu ra đời”.
Trước khi quay bộ phim Tâm Trạng Khi Yêu, Trương Mạn Ngọc đã kết hôn với đạo diễn người Pháp Olivier Assayas sau khi họ cộng tác với nhau trong bộ phim rất thành công là Irma Vep (1996) và cô cũng đã chuyển sang Paris sinh sống với chồng. Thế nhưng, khi đạo diễn Vương Gia Vệ sang LHP Cannes để quảng bá cho bộ phim Xuân Quang Xạ Tiết (Happy Together), ông ngỏ ý định mời cô trở về Hong Kong để thực hiện một bộ phim mới, vì bộ phim mà họ cộng tác chung với nhau gần đó là Đông Tà Tây Độc (Ashes of Time) cũng đã trôi qua 4,5 năm rồi.
Khi biết được ý tưởng của kịch bản và người đóng chung với mình là Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc ngay lập tức đồng ý trở về Hong Kong, bất chấp cuộc hôn nhân của cô và Olivier Assayas chỉ mới bắt đầu.
Cho dù Trương Mạn Ngọc đã đóng chung với Lương Triều Vỹ một vài bộ phim trước đó, nhưng thật ngạc nhiên là phải đến Tâm Trạng Khi Yêu, họ mới đóng cặp với nhau như một đôi tình nhân không đến được với nhau. Và màn diễn xuất vừa kìm nén vừa đầy day dứt giữa họ đã biến bộ phim trở thành một kiệt tác của điện ảnh lãng mạn về đề tài tình yêu, khiến giới phê bình điện ảnh phương Tây phải hết lời tán tụng.
Tâm Trạng Khi Yêu từ khi ra mắt đến giờ, hầu như đều chiếm giữ những vị trí rất cao, thậm chí là hàng đầu trong các bảng xếp hạng uy tín của phương Tây về những bộ phim xuất sắc nhất trong thế kỷ 21.
Hiện thân của nền điện ảnh Hong Kong thời đỉnh cao
Nhưng bên cạnh những thành tựu rực rỡ mà bộ phim đạt được, Trương Mạn Ngọc cũng phải trả giá khi cuộc hôn nhân của cô với đạo diễn Olivier Assayas tan vỡ mà nguyên nhân chính được cho là sự xa cách khi cô trở về Hongkong đóng phim trong suốt hơn 2 năm.
Sau khi ly hôn, Trương Mạn Ngọc tiếp tục cộng tác với chồng cũ trong một bộ phim nữa là Clean (2004) – vai diễn giúp cô giành giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc tại LHP Cannes năm 2004.
Đây cũng là năm mà bộ phim 2046 – tác phẩm cuối cùng mà cô cộng tác với Vương Gia Vệ cũng được ra mắt tại LHP Cannes. Sau khi đạt đến đỉnh cao nhất của diễn xuất trong năm 2004, Trương Mạn Ngọc chính thức từ giã điện ảnh và chọn một cuộc sống ẩn dật, ít xuất hiện trước công chúng.
Kể từ khi trở thành Á hậu của Hong Kong năm 1983 rồi bước vào diễn xuất, Trương Mạn Ngọc đã đóng 75 bộ phim cho đến năm 2004, đạt vô số giải thưởng như Kim Tượng (Hong Kong), Kim Mã (Đài Loan), LHP Berlin (phim Center Stage, năm 1992) và LHP Cannes (phim Clean, 2004). Chưa có bất cứ một nữ diễn viên châu Á nào đạt được thành tựu như Trương Mạn Ngọc trong điện ảnh, từ xưa đến nay.
Nhắc đến Trương Mạn Ngọc, tôi nhớ đến những hình mẫu phụ nữ cổ điển, lụy tình và rơi lệ vì tình, như Nguyễn Linh Ngọc (Center Stage, 1991), Điềm Mật Mật (Comrades, Almost a Love Story, 1996) và đặc biệt là 5 bộ phim hợp tác với Vương Gia Vệ. Đạo diễn đưa cô lên đỉnh cao của diễn xuất và biến cô trở thành một biểu tượng không thể thay thế trong điện ảnh Hong Kong.
Trong cuốn Điện ảnh Vương Gia Vệ, vị đạo diễn lừng danh này đã dành cho Trương Mạn Ngọc những lời không thể chính xác hơn: “Hong Kong khi ấy có rất nhiều diễn viên giỏi, nhưng Trương Mạn Ngọc còn nhiều hơn thế. Với tôi, cô ấy là gương mặt của điện ảnh Hong Kong những năm 1990. Mọi cô gái đều dõi theo hình tượng của cô ấy. Cô ấy tây phương nhưng cũng rất đông phương, cô ấy hiện đại và độc lập. Cô ấy thành thị với nét sang trọng đậm chất Á Đông. Trương Mạn Ngọc thực sự là hiện thân của nền văn hóa thời đó.”