1. Chuyện gì đã xảy ra?
Ngày 21/2, một nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam cho biết tuyến SMW-3 đã bị lỗi cáp, xảy ra ở đoạn S2.7 đi Singapore. Đây là tuyến cuối cùng còn nguyên vẹn sau khi bốn tuyến cáp biển Việt Nam gặp vấn đề từ cuối năm 2022 đến nay vẫn chưa sửa xong.
Như vậy, cả năm tuyến cáp quang kết nối Việt Nam đi quốc tế là AAE-1, AAG, APG, IA và SMW-3 đều gặp sự cố. Điều này đã gây ảnh hưởng đến công việc và hoạt động của các doanh nghiệp cả nước, và làm giảm tốc độ truy cập internet để phục vụ nhu cầu giải trí của người dân.
Trước đó, các doanh nghiệp cũng cam kết sẽ tiếp tục mở thêm dung lượng cáp đất liền trong thời gian chờ khắc phục sự cố trên các tuyến AAE-1, AAG, APG và IA. Dự kiến tuyến đầu tiên được khắc phục sự cố là APG, sớm nhất là vào 27/3. AAG dự kiến sẽ được sửa xong vào ngày 4/4.
2. Vì sao cáp quang biển dễ đứt như thế?
Đầu tiên, về cấu tạo, mỗi sợi cáp quang chỉ có thể chống lại nồng độ muối. Mặc dù trông dày đặc thép bao bọc bên ngoài, nhưng nếu bị mỏ neo của con tàu chở hàng vài chục nghìn tấn móc phải và rê đi thì sợi cáp đó cũng không khác sợi chỉ là bao. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra tới phần lớn các vụ đứt cáp quang trên biển.
Trong khi đó, nguyên nhân còn lại dẫn đến đứt cáp quang biển là do con người (đánh bắt cá của ngư dân, đặc biệt là khi họ sử dụng hệ thống lưới cào) và do thiên tai.
Công ty phân tích viễn thông TeleGeography ước tính mỗi năm có khoảng 100 sự cố với hệ thống cáp ngầm. Chỉ riêng ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 10 sự cố, thời gian trung bình khắc phục sự cố vào khoảng một tháng, theo ước tính của Viettel Networks.
Việt Nam có hơn 97 triệu dân, hơn 68 triệu người sử dụng Internet nhưng chỉ có 7 tuyến cáp biển, có nghĩa trung bình 14 triệu dân trên một tuyến cáp. Cùng trong khu vực Đông Nam Á, Singapore có 30 tuyến cáp trên 5,85 triệu dân, Malaysia 22 tuyến trên 32,3 triệu dân, Thái Lan 10 tuyến trên 69,8 triệu dân.
3. Ngoài cáp quang biển, Internet còn đến từ những đâu?
Các giải pháp thay thế thường được nhắc đến là cáp quang đất liền hoặc Internet vệ tinh. Nhưng cáp biển vẫn là xương sống của Internet, mang 95% lưu lượng viễn thông quốc tế, theo ước tính của Dgtl Infra.
Tháng 4/2021, Viettel đã đề xuất triển khai thí điểm dịch vụ Internet vệ tinh bằng chùm vệ tinh quỹ đạo thấp (LEO) để tăng khả năng phủ sóng cho mạng di động. Giải pháp này được đánh giá có ưu điểm về chi phí xây dựng và phóng vệ tinh thấp.
Nhược điểm của loại vệ tinh này là vòng đời ngắn, chỉ từ 5 đến 7 năm và người dùng phải mua bộ thu phát với giá cao.
Bên cạnh đó, giải pháp về Internet vệ tinh cũng đã được đưa ra, nhưng mức giá của nó lại không hề dễ chịu. Kết nối Internet băng rộng cố định, người dùng Việt chỉ cần chi dưới 200 nghìn đồng cho băng thông trên 100 Mbps, miễn phí thiết bị đầu cuối. Còn với Internet vệ tinh, chúng ta có thể phải chi trả mức phí gấp 10 lần.
Không chỉ thế, các khó khăn về triển khai, cũng như các yêu cầu về đảm bảo chất lượng, an toàn, an ninh cũng được đặt ra. Những lý do đó khiến cho người dùng Việt Nam đang phải chịu cảnh “cá mập cắn cáp" trung bình gần 10 lần/năm, và giờ vẫn chưa tìm ra được cách khắc phục.
4. Bức tranh về cáp quang biển trên thế giới đang diễn ra như thế nào?
99% lưu lượng Internet trên thế giới đi qua hệ thống cáp quang biển. Tính đến đầu năm 2023, trên thế giới có khoảng 550 tuyến cáp quang biển đang và chuẩn bị đưa vào vận hành với tổng chiều dài 1,4 triệu km, theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường viễn thông Telegeography.
Các quốc gia phát triển có hệ thống cáp quang biển lớn. Chẳng hạn, Nhật Bản có 26 tuyến cáp ngầm, Anh là 54 tuyến và Mỹ tới 91 tuyến. Thế nhưng, nhiều nước khác trên thế giới chỉ dựa vào một tuyến cáp duy nhất để kết nối Internet, hoặc hai nếu may mắn.
Trước đây, phần lớn cáp quang biển do công ty viễn thông, chính phủ các nước triển khai và sử dụng. Tuy nhiên trong 10 năm qua, thế thống trị dần chuyển sang các hãng công nghệ lớn như Microsoft, Google, Meta (trước đây là Facebook) và Amazon.
Sự tham gia của các hãng công nghệ lớn trong lĩnh vực cáp quang giúp giảm chi phí, tăng công suất truyền dữ liệu quốc tế lên 41% trong năm 2020.
5. Chất lượng Internet của Việt Nam cần cải thiện những gì?
Tiêu chí đầu tiên mà người dùng Việt Nam mong muốn hẳn là nâng cấp băng thông, nâng cao năng lực thiết bị modem, mở rộng băng thông trong nước, quốc tế. Ngoài ra, việc mở thêm các hướng truyền tải dung lượng thông qua hệ thống cáp trên đất liền hay tăng thêm dung lượng của mỗi tuyến cáp cũng được mong đợi sớm hoàn thành.
Bên cạnh đó, cần có những giải pháp lâu dài như tăng tiêu dùng dữ liệu trong nước, xây dựng trung tâm dữ liệu trong nước để giúp giảm ảnh hưởng khi cáp quang bị đứt.
Việc đẩy mạnh sử dụng các sản phẩm công nghệ trong nước cũng giúp giảm ảnh hưởng khi kết nối quốc tế có vấn đề. Đây cũng là hướng đi bền vững để phát triển những sản phẩm công nghệ Việt Nam.
Cuối cùng, tất cả chúng ta đều mong đợi Việt Nam sẽ sở hữu riêng ít nhất một tuyến cáp để linh hoạt hơn trong vận hành và khắc phục sự cố, tăng tự chủ với Internet.
Hạ tầng Internet tại Việt Nam thời gian tới sẽ tập trung vào phát triển thêm các tuyến cáp quang biển. Ngoài 5 tuyến cáp hiện có, Việt Nam có 2 tuyến ADC, SJC2 với điểm cập bờ Quy Nhơn dự kiến đưa vào vận hành trong năm nay.
Sau đợt đứt cáp liên tục vào đầu năm 2023, người dùng tại Việt Nam phải tiếp tục chờ đợi và hy vọng hơn vào những thay đổi cho một đường truyền ổn định trong tương lai.