Nói chuyện một mình cũng là kỹ năng cần học | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Nói chuyện một mình cũng là kỹ năng cần học

Lần gần nhất bạn nói chuyện một mình là khi nào?
Nói chuyện một mình cũng là kỹ năng cần học

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Trong những ngày giãn cách, tôi bắt đầu nhận thấy sự hiện diện của việc nói chuyện với bản thân rõ rệt hơn. Những suy nghĩ vẩn vơ trong đầu được bật ra thành tiếng khi tôi ở một mình. Một ngày, tôi có khoảng từ 3-4 cuộc độc thoại về một chủ đề không cụ thể. Lâu lâu thấy tôi tự thì thầm, gia đình tôi vẫn dành cho tôi những ánh nhìn 3 phần lạ lẫm, 7 phần ái ngại.

Thực ra, tự nói chuyện với bản thân không phải là một hiện tượng hiếm. Có đến 25% người trưởng thành có thói quen để những suy nghĩ trong đầu bật ra thành tiếng. Vậy lý giải khoa học đằng sau hành vi tự nói chuyện với bản thân là gì và tại sao nó lại cần thiết trong cuộc sống?

Vì sao ta nói chuyện một mình?

Hành vi tự nói chuyện với bản thân đã được nghiên cứu từ những năm 1880. Theo nhà tâm lý học Lev S. Vygotsky, nói chuyện một mình là cách để trẻ em tiếp nhận và tự lý giải những gì đang diễn ra xung quanh mình, nhờ đó giúp chúng rèn luyện tư duy độc lập. 

Do quá trình hoàn thiện khả năng ngôn ngữ diễn ra chủ yếu trong giai đoạn đầu đời, đối tượng tự nói chuyện với bản thân thường là trẻ em. Thói quen này vẫn có thể tiếp tục trong suốt giai đoạn trưởng thành.

Vậy nên, việc tự nói chuyện với bản thân là hành động hoàn toàn bình thường, thuận theo cơ chế tiến hóa của con người. Quan sát những cuộc đối thoại tự thân, chúng ta có thể hiểu về chính mình và cảm nhận về thế giới xung quanh tốt hơn.

Tự đối thoại là cách ta phản chiếu thế giới xung quanh mình | Nguồn: Pexel

Dựa vào thái độ và tông điệu, hành vi tự trò chuyện thường được chia làm 3 loại:

  • Tích cực: Bạn bật ra những lời nói tự động viên chính mình. “Phải cố lên”, “Mày làm được mà”.

  • Tiêu cực: Những lời nói mang tính chỉ trích, trách móc bản thân. “Mày làm việc gì cũng hỏng”, “Chẳng được tích sự gì”.

  • Trung tính: Không nghiêng hẳn về tích cực hay tiêu cực, giọng nói này hướng đến hành động hơn là cảm xúc, như “Mình đang định làm gì mà quên mất rồi”, “Nắng quá, chắc phải bôi kem chống nắng mới ra đường được”.

Lợi ích của “tự đối thoại”

Tăng khả năng sáng tạo, chắt lọc ý tưởng

Bạn có nhớ những lần bạn phải brainstorm ý tưởng với bạn bè, đồng nghiệp: khi một ai đó đưa ra ý tưởng, thành viên khác bổ sung thêm cho ý tưởng đầy đặn hơn, có người lại chỉ ra những điểm hay và chưa hay. Dần dần, viên đá thô lúc đầu được mài thành viên ngọc sáng. Bạn có thể thử phản bác, ủng hộ ý tưởng cá nhân theo cách này, để ý tưởng được thoải mái va đập, chơi đùa với nhau.

Tập trung tốt hơn

Trong một nghiên cứu của nhà tâm lý học Gary Lupyan, hai nhóm ứng viên được giao nhiệm vụ tìm đồ theo hình ảnh – trong đó nhóm liên tục đọc tên món đồ có khả năng phát hiện vật thể nhanh hơn, cho thấy hiệu quả cải thiện tập trung khi áp dụng phương pháp này.

Khi bạn gặp chuyện không như ý muốn (tìm đồ bị mất, lạc đường, phải chờ đợi quá lâu khi đang vội..), suy nghĩ của bạn bị phân tán và bạn có cảm giác mình đang “lạc trôi”, đối thoại với bản thân có thể giúp bạn tập trung vào vấn đề và nghĩ ra hướng đi tối ưu hơn, thay vì hành động quá bản năng. 

Vì dụ khi mất đồ, bạn không lập tức xới tung cả nhà lên để tìm đồ, hãy thử đọc tên món đồ đó và cố nhớ lại lần cuối cùng bạn hay ai đó nhìn thấy nó, rồi bạn bắt đầu tìm kỹ ở những nơi mình hay để quên.

Bạn đã bao giờ vừa tìm đồ vừa lầm bầm "mới thấy để ở đây mà" chưa? | Nguồn: Shutterstock

Điều chỉnh cảm xúc, tự trấn an bản thân

Những cảm xúc tức giận, hồi hộp, phấn khích quá mức có thể làm bạn mất kiểm soát. Một nghiên cứu vào năm 2014 tại Mỹ cho thấy tự đối thoại bằng ngôi thứ ba giúp bạn điều chỉnh cảm xúc ức chế, nhìn nhận vấn đề khách quan và đưa ra quyết định sáng suốt hơn.

Ví dụ, bạn vừa bị sếp mắng, thay vì tức giận: “Mình có làm gì sai đâu mà sếp mắng?”, hãy thử chuyển “góc quay” vào đồng nghiệp và nghĩ: “Con bé nhân viên mới làm gì sai mà bị sếp mắng thế nhỉ?”. Có thể lúc này bạn sẽ bình tĩnh hơn để tìm hiểu xem mình bị mắng oan hay thật sự đã làm sai.

Học ngoại ngữ nhanh hơn

Tự luyện nói với chính mình khi học ngoại ngữ là bạn đang chuyển kiến thức từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn. Nói chuyện với mình trước gương cũng là phương pháp được đánh giá cao bởi nhiều người học ngoại ngữ tại Việt Nam, quá trình này giúp bạn nói lưu loát hơn và giảm áp lực bị đánh giá từ người xung quanh. Cơ chế này tương đồng với việc bạn tự tập dượt trước khi nói chuyện điện thoại.

Nói chuyện trước gương là phương pháp được nhiều tín đồ ngoại ngữ ưa chuộng | Nguồn: Shutterstock

Nói chuyện một mình ở mức độ nào là hợp lý?

Độc thoại là dấu hiệu bệnh lý?

Đôi lúc, nói chuyện một mình bị hiểu lầm là dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt do cả hai đều có một số biểu hiện chung. Tuy nhiên, tự nói chuyện là hành vi giao tiếp thông thường, trong khi tâm thần phân liệt là bệnh lý suy giảm chức năng của hệ thần kinh. Sự khác biệt rõ rệt nhất của hai trạng thái này nằm ở mức độ ý thức.

Trong khi tự nói chuyện là việc bạn hoàn toàn chủ động tương tác với sự kiện thực tế, tâm thần phân liệt lại là những suy nghĩ hoang tưởng không có thật (ví dụ như tự nghe thấy tiếng gọi và tự trả lời). Khi chính bạn hay bất cứ ai cảm thấy bản thân có suy nghĩ cô lập với thực tại, diễn đạt ngày càng khó hiểu và dễ mất kiểm soát hơn bao giờ hết, hãy tìm đến sự hỗ trợ y tế phù hợp. 

Đừng để tiếng nói bên trong lấn át tiếng nói bên ngoài | Nguồn: Pexel

Làm sao để đối phó với giọng nói tiêu cực trong đầu?

Khi cảm xúc không vui lấn át tâm trí, bạn sẽ có lúc thốt ra những điều độc hại. Để tự trò chuyện lành mạnh với chính mình, chúng ta nên ưu ái cho giọng nói tích cực hơn. 

Thay vì nghĩ:

“Ý tưởng của mình cũng bình thường, chắc chắn người khác nghĩ hay hơn. Nói ra không hay còn bị chê”.

Hãy thử:

“Ý tưởng này không biết đã có ai nghĩ chưa, thôi cứ thử đóng góp xem sao, biết đâu được ghi nhận”.

Sự khác biệt cơ bản nhất giữa hai ví dụ này nằm ở thái độ. Cùng một vấn đề nhưng thái độ tiêu cực sẽ làm bạn thụt lùi. Suy nghĩ trong đầu là một chuyện, nhưng khi nói ra, bạn đã vô tình trầm trọng hóa vấn đề hơn mức cần thiết.

Ở mặt khác, tư duy tích cực là một điều đáng khích lệ, tuy vậy, không phải lúc nào tích cực cũng tốt, để tránh rơi vào cái bẫy của sự tích cực độc hại, hãy tham khảo bài viết sau. 

Kết

Nếu bạn chưa thực sự thử trò chuyện với bản thân, sau bài viết này hãy thử xem. Biết đâu, một ý tưởng ngủ quên trong não bạn đang chờ được đánh thức.

Và hơn hết, trong hình hình dịch bệnh bủa vây, vỗ về bản thân bằng những câu nói ấm áp cũng là điều bạn nên làm.

Hãy tập nói với bản thân những điều tích cực | Nguồn: Pexel