Ở Hà Nội mà sợ xe bus đông, tại sao không thử xe đạp công cộng? | Vietcetera
Billboard banner

Ở Hà Nội mà sợ xe bus đông, tại sao không thử xe đạp công cộng?

Liệu việc bổ sung xe đạp vào hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội có cải thiện trải nghiệm giao thông trong thành phố?
Ở Hà Nội mà sợ xe bus đông, tại sao không thử xe đạp công cộng?

Nguồn: Báo Tổ quốc

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Kể từ ngày 11/8, người dân Hà Nội sẽ bắt đầu thấy những chiếc xe đạp màu xanh da trời dựng thành hàng ở vỉa hè quanh các công viên, những địa điểm du lịch, hoặc gần những bến xe, bến tàu điện, hay trung tâm thương mại. Đây chính là đề án xe đạp công cộng tại Hà Nội do chính quyền thành phố kết hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam thực hiện.

Như vậy, sau đường sắt trên cao, hệ sinh thái giao thông công cộng tại Hà Nội đã có thêm xe đạp để hỗ trợ người dân di chuyển tự do trong thành phố. Những người sống tại Hà Nội nay đã có thêm một sự lựa chọn phương tiện đi lại mới, linh hoạt hơn cả về thời gian lẫn địa điểm so với xe bus truyền thống hay đường sắt trên cao. Đây cũng là một chiến lược phù hợp để thành phố giảm phát thải và cải thiện chất lượng không khí trong tương lai xa.

2. Hà Nội triển khai chương trình xe đạp công cộng thế nào?

Đề án xe đạp công cộng của thành phố Hà Nội nằm trong dự án Xe đạp đô thị, chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất kéo dài một năm kể từ thời điểm bắt đầu dịch vụ. Trong giai đoạn này, 500 xe đạp điện và 500 xe đạp cơ sẽ được đưa vào vận hành ở 6 quận là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng. Chia đều trong 6 quận này là 79 địa điểm đặt trạm xe cho người dân lấy hoặc trả phương tiện.

14aug2023image20230814155929469jpg
Phân bố các trạm xe đạp công cộng tại Hà Nội hiện nay. | Nguồn: TNGO.vn

Giai đoạn hai dự kiến triển khai vào năm 2024 với khoảng 3000 xe tại 350 điểm, với mục tiêu mở rộng dịch vụ ra các quận trung tâm khác và các vùng lân cận.

Dù đặt mục tiêu đưa 1000 xe vào vận hành, nhưng con số xe thực tế ở thời điểm hiện tại mới chỉ là 600, với 500 xe đạp cơ. Trong thời gian tới, khi thành phố Hà Nội tiếp nhận 400 chiếc còn lại, toàn thành phố sẽ có tổng cộng 94 tới 100 trạm xe.

Trên thực tế, Hà Nội không phải là địa phương đầu tiên hay duy nhất triển khai chương trình xe đạp công cộng. Chương trình này đã có mặt tại Hồ Chí Minh, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Vũng Tàu, và Hải Phòng trong năm 2022 và đầu năm 2023.

14aug2023anhkembaiatgtxedap87492530pmjpg
Xe đạp công cộng tại thành phố Hồ Chí Minh. | Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân

Thành phố Hà Nội đã có kế hoạch thí điểm từ cuối năm trước nhưng không thể thực hiện do số lượng xe cần nhập về rất lớn, phải qua nhiều khâu kiểm tra chất lượng. Việc Hà Nội là thành phố duy nhất triển khai xe đạp điện cũng khiến kế hoạch xe đạp công cộng phải đợi nhiều tháng nhằm thử nghiệm xe trước khi đưa vào sử dụng.

3. Làm thế nào để thuê xe?

Cách đơn giản nhất để người dân sử dụng dịch vụ là tải ứng dụng cho thuê xe đạp công cộng mang tên TNGO. Sau khi đăng ký tài khoản TNGO, người dùng sẽ nạp tiền vào và tiến hành thanh toán dịch vụ thông qua ứng dụng.

Có một số lựa chọn thuê xe khác nhau cho người dân lựa chọn, tùy vào mục đích, quãng đường, và tần suất di chuyển của mỗi người. Nếu không đi thường xuyên, chỉ di chuyển quãng ngắn hoặc muốn trải nghiệm thử, bạn nên mua vé theo lượt với mức giá 5000 đồng cho 30 phút sử dụng, sau đó trả thêm 1000 đồng cho mỗi 6 phút kể từ phút thứ 31.

Bên cạnh đó, bạn còn có thể mua vé ngày với mức giá 50 ngàn đồng cho 450 phút, sử dụng trong một ngày và cho phép thuê, trả xe không giới hạn trong thời gian sử dụng. Đây là lựa chọn hợp lý cho những khách du lịch muốn tự tìm hiểu thành phố trong một khoảng thời gian ngắn.

Nếu bạn xác định sẽ sử dụng dịch vụ thường xuyên, vé tháng sẽ là lựa chọn phù hợp nhất, có giá 150 ngàn đồng cho 60 giờ sử dụng, giới hạn trong một tháng.

Ngoài ra, khách hàng có thể thuê xe mà không cần phải sử dụng ứng dụng hay đăng nhập vào trang web phân phối dịch vụ, đó là sử dụng thẻ dịch vụ do đơn vị này phát hành. Hiện nay công ty cho phép sử dụng hai loại thẻ là thẻ RFID và thẻ trả trước TapGo.

4. Nhỡ khách hàng… lấy mất xe luôn thì sao?

Khi biết về dịch vụ thuê xe đạp công cộng, bên cạnh những ý kiến ủng hộ và tò mò, nhiều người cũng thắc mắc về cách Công ty Trí Nam quản lý và kiểm soát các phương tiện của mình. Thắc mắc này tới từ một nỗi lo hơi tếu táo, nhưng cũng khá thực tế: nhỡ có người lấy xe xong không trả thì sao? Hay nếu có người lấy xe rồi tháo phụ tùng đem đi bán thì sẽ thế nào?

Trên thực tế, lấy cắp một chiếc xe đạp hay bất cứ phương tiện dịch vụ nào đều không phải việc dễ thực hiện. Tất cả xe đều gắn GPS, nhân viên quản lý các trạm có thể theo dõi hành trình di chuyển của khách hàng để có thể tiến hành hỗ trợ khi cần thiết.

14aug2023nhanrongxedapcongcong2thumbnail720480jpg
Mỗi trạm xe đều có nhân viên quản lý và hướng dẫn. | Nguồn: Tuổi Trẻ

Bên cạnh đó, ứng dụng TNGO yêu cầu khách hàng phải cung cấp giấy tờ tùy thân và thông tin cá nhân, tức là thông tin của bạn sẽ được gửi về hệ thống cùng với thông tin xe theo mỗi lần thuê.

Mỗi trạm xe đều có người phụ trách hỗ trợ khách hàng thuê hay trả xe. Họ sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng của xe khi khách hàng giao lại xe, và họ tất nhiên sẽ làm việc thêm với khách hàng khi thấy xe có vấn đề hay hỏng hóc sau khi sử dụng.

5. Làm sao để người người đạp xe, nhà nhà xe đạp?

Sau khi đưa vào sử dụng tại một số địa phương, dịch vụ xe đạp công cộng đã nhận được sự hưởng ứng của người dân. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng xe đạp là có, đặc biệt là trong nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, hay khách du lịch. Thế nhưng đó mới chỉ là những thành công bước đầu, và chắc chắn sẽ cần những kế hoạch lâu dài nếu ta muốn mở rộng dịch vụ này.

Sự thành công của xe đạp công cộng gắn với hệ sinh thái giao thông công cộng- đó là lý do tại sao các trạm xe đặt xung quanh những trạm đường sắt trên cao, trên những con đường dài hay các công viên có nhiều bến xe bus bao quanh. Vì thế, mô hình xe đạp công cộng sẽ hưởng lợi khi thành phố nâng cấp cơ sở hạ tầng của hệ thống vận tải công cộng nói chung.

Một phương án dài hơi để xe đạp công cộng phát triển song hành với xe bus, BRT, hay đường sắt trên cao là phát triển ứng dụng giao thông công cộng, tích hợp tất cả các phương tiện vào một ứng dụng thuê hay tra cứu, cũng là tích hợp vào một phương tiện thanh toán chung. Điều này vừa tiện cho các cơ quan quản lý, vừa đồng bộ hóa toàn bộ trải nghiệm giao thông công cộng, và cũng dễ dàng hơn cho người dùng.

Ngoài ra, đơn vị vận hành phải rất quan tâm tới việc duy trì dịch vụ thông qua ứng dụng điện thoại. Dù dịch vụ có tốt tới đâu, xe có tiện lợi và di chuyển nhanh ra sao, thì người dùng vẫn sẽ quay lưng với xe đạp công cộng nếu ứng dụng thuê xe không thân thiện, nhiều lỗi, hoặc có những vấn đề liên quan tới thanh toán.