Bạn biết gì về nhựa | Vietcetera
Billboard banner

Bạn biết gì về nhựa

Chúng ta vẫn luôn nghe rằng nhựa là chất thải khó phân hủy và mang lại hậu quả lâu dài tới môi trường. Nhưng liệu chúng ta có thật sự hiểu rõ về nhựa?

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Với tình hình bệnh dịch Covid-19 đang phức tạp hiện nay, giãn cách xã hội là một trong những biện pháp phòng chống dịch an toàn và được đề cao nhất. Tuy nhiên, cũng chính bởi việc gần như toàn ở nhà và hạn chế ra đường đã dẫn đến tình trạng tăng rác thải nhựa đáng kể khi các shipper (người giao hàng) gần như làm việc với công suất và số lượng đơn hàng liên tục được cập nhật. Chúng ta vẫn luôn nghe văng vẳng bên tai rằng nhựa là chất thải khó phân hủy, chúng phả hủy môi trường một cách tàn nhẫn cũng như lời kêu gọi mọi người hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường bằng cách giảm rác thải nhựa. Nhưng liệu rằng chúng ta có thật sự hiểu rõ về chúng? Tôi không dám tự cho mình là chuyên gia về lĩnh vực môi trường nói chung, và về nhựa nói riêng. Nhưng qua bài viết dưới đây, hy vọng có thể giúp ích được phần nào để các bạn hiểu thêm về “nhựa”.

Nhựa là gì? 

Trong tiếng Anh, nhựa có tên gọi là plastic. Đây là một loại chất dẻo vô cùng linh hoạt và được sử dụng làm nguyên liệu cho các vật dụng khác nhau trong đời sống. Plastic là một “chuỗi” các hạt phân tử gọi là “đơn phân” có chứa carbon liên kết với nhau, hay còn gọi là các polymers. Với tỷ trọng tương đối thấp và độ dẻo cao, nhựa có thể dễ dàng “được đúc” thành các sản phẩm một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, chúng còn siêu nhẹ, siêu bền, chịu nhiệt, và không dẫn điện. Do vậy, chúng được tận dụng triệt để nhằm tạo ra các sản phẩm, ứng dụng khác nhau phục vụ cho nhu cầu đời sống con người.

Có hai loại nhựa:

  • Nhựa nhiệt dẻo: bị chảy mềm khi nung đóng và có thể tái chể như thảm, quần áo, nội thất,... 
  • Nhựa nhiệt rắn: một khi đã được đúc và cứng lại thì sẽ giữ nguyên hình dạng như vậy như đồ điện, bàn làm việc, và thân xe ô tô,... Bên cạnh đó, chúng ta còn một loại nhựa khác. Đó là nhựa tự nhiên, được lấy từ mủ cây cao su. Chúng đã được sử dụng từ thời cổ đại để làm giỏ và quần áo chống nước. 

Lịch sử hình thành?

Các thông tin, lịch sử về nhựa đã được đúc kết trong tập 4 của bộ phim tài liệu "History 101" (Nhập môn lịch sử) của Netflix. Theo đó, nhựa được nhà phát minh người Mỹ, Leo Baekeland, phát hiện ra. Ông nghĩ ra từ “plastics” thông qua “plaktikós” trong tiếng Hy Lạp, mang ý nghĩa là “đúc hoặc tạo hình”. Vào năm 1907, ông trộn lẫn hóa chất phenol lấy từ dầu hỏa với fomanđêhít, một loại cồn. Sau đó, ông thêm vào một số chất đệm và đun nóng chúng lên. Từ đó, nhựa Bakelite ra đời. Cũng kể từ những năm sau đó, nhựa đã được phổ biến và sử dụng triệt để nhằm tạo ra các vật dụng hằng ngày vì độ bền của nó. 

Thực trạng rác thải nhựa đối với môi trường

Mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp khi mọi người nghĩ rằng nhựa là một chất liệu vô cùng hữu ích cho cuộc sống và có thể giảm bớt chi phí đáng kể trong sản xuất. Mãi cho đến năm 1980, con người mới nhận ra tác hại của nhựa đối với môi trường. Theo các nhà khoa học, một chai nhựa bình thường phải mất tận 450 năm mới có thể bị phân hủy. Lý do vì sao chúng không thể phân hủy? Vì chúng là nhân tạo và được liên kết một cách cực mạnh. Từ đó, chúng trở thành một trong những vấn đề đáng lo ngại đối với môi trường toàn cầu.

Theo thông tin từ bộ phim "History 101", vào năm 2015, thế giới sản xuất ra 322 triệu tấn nhựa, tương đương một tòa nhà chọc trời tại New York. Từ lúc nhựa có mặt, đã có 10,8 tỷ tấn chất thải nhựa, tương đương 23 lần số tòa nhà chọc trời ở New York. Cứ mỗi năm, có khoảng 8 đến 12 triệu tấn nhựa được đổ ra đại dương. Chúng ta chắc còn nhớ hình ảnh những chú chim nuốt phải các vật nhựa hay chú rùa biển bị mắc trong chiếc lưới. Thậm chí, có những khu du lịch biển đang bị ngập chìm trong rác thải nhựa. Một hình ảnh vô cùng gây ám ảnh đối với chúng ta, và cũng phần nào phản ánh nên thực trạng, tác hại khôn lường mà nhựa đã để lại môi trường. 

Theo thông tin từ trang Giảm Rác Nhựa thuộc Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được chính thức phê duyệt theo Quyết định số 1426/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 07 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thống kế như sau:

  • Trung bình mỗi phút lại có một chiếc xe tải 15 tấn rác nhựa đổ ra đại dương
  • 150 triệu tấn rác thải nhựa đang trôi nổi khắp các đại dương
  • 8 triệu tấn rác nhựa trôi ra các đại dương hằng năm
  • Mức tiêu thụ nhựa tại Việt Nam hiện là 41kg/người/năm, đứng thứ 3 ở Đông Nam Á
  • 13% tổng lượng rác thải sinh hoạt tại Việt Nam là rác nhựa
  • 12-38% rác nhựa không được thu gom và bị thải trực tiếp ra môi trường

Cũng theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, ước tính Việt Nam đã thải ra 31 triệu tấn rác thải sinh hoạt và gần 5 triệu tấn rác thải nhựa chỉ riêng năm 2018. Đặc biệt hơn, với tình hình Đại dịch Covid-19 hiện nay, ngành y tế sử dụng các sản phẩm phòng chống dịch như khẩu trang, găng tay, tấm che giọt bắn, và áo bảo hộ ngày một nhiều hơn. Trong đợt dịch này, TPHCM phát sinh thêm khoảng 15-17 tấn rác thải liên quan đến khu phong tỏa, cách ly. Bên cạnh đó, việc mọi người làm việc tại nhà và hạn chế ra đường theo chỉ thị giãn cách xã hội của Chính phủ dẫn đến tình trạng các đơn đặt hàng online liên tục gia tăng, các anh shipper phải làm việc với tần suất liên tục. Đồng nghĩa với việc rác thải nhựa từ những túi nylon, hộp cơm, ly nước, những vật dụng nhựa dùng một lần cũng gia tăng mỗi ngày.

Hậu quả

Như chúng ta đã biết, nhựa là một loại vật liệu rất khó phân hủy. Chúng có thể tồn tại bền vững hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm. Do đó, chúng đã để lại nhiều hậu quả nặng nề, đặc biệt là đối với môi trường. Khi đốt rác thải nhựa sẽ sinh ra khí độc dioxin, furan gây ô nhiễm không khí, gây ngộ độc và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người hít phải. Khi chôn lấp, chúng sẽ làm giảm khả năng giữa nước của đất, gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng. Bên cạnh đó, nếu động vật ăn phải rác thải nhựa, chúng có thể phải hy sinh cả mạng sống của mình. Rác thải nhựa còn gây ra “ô nhiễm trắng”, ảnh hưởng đến không gian nghỉ ngơi của con người. Đặc biệt hơn hết, khi các vi nhựa đi vào cơ thể của chúng ta, chúng sẽ gây ra các căn bệnh tiềm ẩn mà chúng ta chưa thực sự biết đến mức độ nguy hiểm của nó.

Phương thức giảm rác thải nhựa

Với thực trạng đáng báo động trên, chúng ta cần tìm ra các biện pháp giảm thiểu lượng rác thải nhựa trong sinh hoạt của chúng ta một cách tối đa nhằm tạo ra môi trường sống xanh, sạch, đẹp và lành mạnh hơn. 

Tái chế rác thải nhựa/ Nói không với nhựa dùng một lần

Những vật dụng như chai nhựa, lọ đựng dầu gội, hộp đựng thực phẩm,…đều có khả năng sử dụng tái chế cao. Chúng ta có thể tận dụng những vật dụng đó, rửa sạch và tái sử dụng nhiều lần nhất có thể nhằm giảm thiểu đưa rác thải nhựa ra môi trường. Ngoài ra, các vật dụng như dao, thìa nhựa, cốc nhựa cà phê,…là những vật dụng có khả năng tái chế thấp. Đặc biệt là ống hút nhựa. Hiện nay trên thị trường có các sản phẩm ống hút thủy tinh, ổng hút tre, ống hút gạo, chúng ta có thể sử dụng chúng để thay thế cho ống nhựa. Ngoài ra, chúng ta nên hạn chế mua các sản phẩm này bằng cách hạn chế/ ngưng việc đặt hàng/ thực phẩm online. Thay vào đó, chúng ta có thể luôn mang theo vật dụng đựng thực phẩm hoặc ly nước để mua nước, thức ăn,…

Mang túi đựng cá nhân khi đi chợ 

Tại Việt Nam, hầu như khi đi chợ hay đi siêu thị, chúng ta đều phải sử dụng túi nylon để có thể mang vác sản phẩm/ vật dụng mình mua về nhà. Đặc biệt hơn, khi chúng ta mua nhiều sản phẩm nhưng với số lượng nhỏ sẽ dẫn đến việc người bán sẽ phải dùng nhiều túi nylon hơn để đựng các vật dụng ấy. Thay vì vậy, bạn có thể tự mang theo túi cá nhân của mình để đi chợ, đi siêu thị. Hoặc bạn có thể mua sản phẩm với số lượng lớn để người bán không phải dùng đến quá nhiều túi nylon. Tuy nhiên, điều này phải cần sự cân nhắc rất kĩ để tránh lãng phí thức ăn khi chúng ta không thể dùng hết số lượng lớn trong thời gian ngắn.

Hạn chế mua quần áo liên tục

Chúng ta nên hạn chế mua quần áo liên tục vì trong các sợi vải có chứa các vi nhựa. Khi được giặt trong máy giặt, các vi nhựa này sẽ bị thải ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm một cách trầm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta. Do vậy, hãy tái sử dụng khi không quá cần thiết cho việc mua quần áo mới. Nếu được, chúng ta có thể cho đi hoặc đổi những bộ quần áo mà chúng ta không còn mặn mòi, cũng như có thể lướt ngang các cửa hàng quần áo second-hand (đồ đã qua sử dụng) được chọn lọc một cách cẩn thận. Như vậy, chúng ta có thể vừa bảo vệ môi trường vừa có một bộ quần áo “mới” trong tủ đồ rồi. 

Refill - “Làm đầy trở lại”

Với những sản phẩm như chai dầu gội đầu, dầu xả, xà bông,…sau khi sử dụng hết, chúng ta hoàn toàn có thể refill (làm đầy trở lại) bằng cách mua các túi sản phẩm thay vì mua một chai nhựa khác. Hiện nay, tại TPHCM, đã có mô hình kinh doanh giúp bạn có thể bảo vệ môi trường bằng cách bạn chỉ cần mang theo chai lọ đến mua và quay trở lại để làm đầy mỗi khi sử dụng hết. Đó là “Lại Đây Refill Station” tại đường Quốc Hương, phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức, TP.HCM. Ngoài ra, tại đây cũng bán các sản phẩm/vật dụng sống xanh như sơ mướp dùng làm bông tắm, bàn chải làm bằng tre, tampon bằng tơ tằm dễ phân hủy, hoặc băng vệ sinh phụ nữ có thể tái sử dụng nhiều lần. 

Với những hành động thay đổi thói quen dù nhỏ nhất của các bạn, cũng góp phần làm nên sự cải thiện tình trạng môi trường trong tương lai. 

“Small action, big imapct” (Hành động nhỏ, tác động to).

 

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.