Các bước sắp xếp lại cuộc sống | Vietcetera
Billboard banner
13 Thg 08, 2021
Chất Lượng Sống

Các bước sắp xếp lại cuộc sống

Những gợi ý dưới đây sẽ giúp các bạn có thêm chất liệu khi ngồi xuống sắp xếp lại cuộc sống và những ưu tiên của bản thân. 

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Mỗi ngày thức dậy, chúng ta cùng bước vào guồng quay vô tận của công việc, của email, của dự án, của học hành, chúng ta cảm thấy bản thân rằng mình quá bận? Cảm thấy dường như mình không còn thời gian dành cho gia đình, cho chính mình? Hay cảm thấy những điều mình đang làm, công việc mình đang sở hữu trở nên không còn ý nghĩa với mình nữa? Và rồi ta tự hỏi: “Tôi đang bận rộn vì điều gì?”, “Tôi có đang bận cho những giấc mơ lớn và phát triển con người của mình?”, hay “Tôi tự huyễn hoặc mình bằng 'tick' xanh trong to-do-list hay dấu 'tick' xanh hoàn tất gắn vào mỗi email tôi đã giải quyết xong. Hình như ngoài nghiện thuốc, nghiện Facebook, nghiện tình dục, con người còn nghiện cảm giác  bận rộn và thích tỏ ra ta đây làm việc hiệu quả. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp điều này ở trường học, ở công sở hay trong chính gia đình của chúng ta. 

Một trong những mối nguy từ sự bận rộn thiếu mục đích, chạy theo những nhiệm vụ nhất thời, dành hết thời gian giải quyết những sự cố phát sinh, chính là đánh mất mục tiêu dài hạn, và dùng thời gian quý báu (nhưng hữu hạn) của chúng ta cho những việc không giúp ta lớn lên về tinh thần – năng lực – phẩm chất. Để luôn nhắc nhớ bản thân mình, thường xuyên suy ngẫm về cách chúng ta đang dung thời gian, hãy dành cho mình những khoảng thời gian cố định trong tuần, trong tháng hay trong ít nhất là mỗi ba tháng để sắp xếp lại cuộc sống và đưa ra những quyết định chọn lựa ưu tiên cho những mục tiêu dài hạn và thăng tiến con người. 

Những gợi ý dưới đây sẽ giúp các bạn có thêm chất liệu khi ngồi xuống sắp xếp lại cuộc sống và những ưu tiên của bản thân. 

Bước 1: Sổ tay Giấc Mơ

Tôi đặt tên cho cuốn sổ bí mật của mình là Sổ tay Giấc Mơ, tôi bắt đầu làm sổ này từ năm 2015. Cuốn sổ ghi lại tầm nhìn, sứ mệnh, giấc mơ mà bạn chọn làm hải đăng, kim chỉ nam cho những lựa chọn của mình. Bạn có thể đặt bất cứ tên nào bạn thích, như cuốn số Bí Mật, hay là “Trước khi chết tôi muốn…” Trong cuốn sổ đó, hãy ghi hình ảnh mà bạn muốn mình trở thành, với những 3 tính từ cụ thể.

Ví dụ: Hiểu biết, Quan tâm, Giàu có, Thấu cảm, Bình an,...

Có rất nhiều tính từ miêu tả tính cách, hãy chọn ba tính từ bạn muốn xây dựng, chọn ba từ thôi để dễ nhớ, dễ làm. Sau một thời gian, mỗi khi được người xung quanh dùng chính xác các tính từ đó để miêu tả bạn, chứng tỏ bạn đang đi đúng hướng đó.

Trong cuốn sổ ấy, hãy liệt kê ra những điều bạn muốn làm nhất trên đời này. con số hợp lý với mình là 13 điều (cho dễ nhớ), nhiều quá tụi mình dễ quên lắm. Không cần phải là những điều quá to tát, có khi là một điều thật ngớ ngần kiểu ”ngủ trên núi” chẳng hạn.

Bước 2: Sắp xếp lại các mối tương quan

Các mối tương quan ảnh hưởng cách chúng ta nhận thức về cuộc sống, cảm nhận cuộc sống, hãy xây dựng và phát huy những tương quan lành mạnh. Đối với các tương quan độc hại, hạn chế tiếp xúc hoặc tiếp xúc cách khôn ngoan là điều cần thiết để giữ cho tinh thần và cảm xúc của chúng ta khoẻ mạnh và tích cực. Không phải tất cả mọi mối quan hệ đều đáng giữ lại hoặc đều cần thiết cho chúng ta. Sắp xếp lại các mối tương quan thường là bước khiến chúng ta cảm thấy mất năng lượng nhất, nên để đơn giản hãy tự hỏi: “Tôi có thấy mình thăng hoa trong mối tương quan đó?”. Nếu câu trả lời là “Có", chúc mừng bạn! Chúng ta không gặp được quá nhiều người như thế trong đời đâu. Hãy trở thành nguồn cảm hứng thăng hoa cho người bạn đó.

Việc sắp xếp các mối tương quan không giống với sắp xếp đồ đạc, vì trong mỗi tương quan chúng ta mang cảm xúc, nên cần có kỹ thuật chữa lành tâm hồn nếu tình lỡ cách xa, nếu dang dở kỷ niệm, hay vài kiểu vết thương lòng tương tự như vậy. Gợi ý ở đây là, hãy tìm đọc “Healing the Child Within” tác giả Charles Whitfield (Chữa Lành Đứa Trẻ Bên Trong) có các bước hướng dẫn cụ thể:

  • Khám phá & thực hành cách trở lại với chính mình. Để làm được điều này, bạn cần nhiều lần đối thoại sâu với chính mình, yên tĩnh, một mình.

  • Xác định những nhu cầu tinh thần, tình cảm của bạn ở thời điểm hiện tại.

  • Cho phép mình trải nghiệm, bộc lộ những cảm xúc chưa tròn cách trọn vẹn.

Trải nghiệm này có thể mất nhiều tuần, bạn sẽ xuống tận vực sâu nhất của những ít kỷ trong mình, chìm sâu vào những khao khát xấu xí nhất của mình, hay sợ hãi trước những bất toàn của mình, hay mãn nguyện nhất trước những phút giây tim bạn tràn đầy năng lượng và hy vọng. Hãy cho phép mình nếm trải tất cả cung bậc cảm xúc đó, trước khi tìm lại quân bình. Đôi khi cuộc sống diễn ra theo cách chúng ta không mong muốn, hoặc chúng ta hành xử như thể ta không phải là chính ta, điều duy nhất bạn có thể làm là lúc này là chấp nhận mọi thứ theo cách nó đã xảy ra, chấp nhận các mối tương quan đã thay đổi hay cần được thay đổi.

Bước 3: Sắp xếp lại Tài Năng

Theo Thuyết đa trí tuệ của tiến sĩ Tâm Lý Howard Gardner, trí thông minh của con người được nhìn nhận đa dạng, nhiều cách thể hiện và thông qua những lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Trong các nghiên cứu khác về tâm lý học tích cực và mức độ hạnh phúc, giáo sư  Shawn Anchor, tác giả sách "Happiness Advantage", đã cho thấy mối tương quan giữa mức độ hạnh phúc và mức độ con người được sống và làm việc tập trung vào phát triển thế mạnh tính cách và năng lực của bản thân. Để biết thế mạnh của bạn là gì, bạn có thể thực hiện bài kiểm tra tại link: https://www.viacharacter.org

Ngoài ra bạn có thể ứng dụng công thức MPS để tìm ra công việc phù hợp và giúp bạn phát huy năng lực của mình bằng cách đặt ra ba câu hỏi như sau:

  • Điều gì mang lại cho bạn ý nghĩa (Meaning) khi bạn được làm hoặc hoàn thành điều đó?

  • Điều gì mang lại cho bạn niềm vui (Pleasure) trong qua trình thực hiện & háo hức với kết quả bạn sẽ đạt được?

  • Thế mạnh, năng lực (Strengths) của bạn ở trong những mảng nào?

Hãy viết xuống câu trả lời của bạn, sẽ có những câu trả lời trùng lặp ở ba câu hỏi, hãy chú ý đến những câu trả lời trùng lặp ấy. Câu trả lời về ngành nghề phù hợp, lĩnh vực bạn nên theo đuổi sẽ nằm trong những câu trả lời trung lặp ấy. 

Ngoài ra bạn hãy đánh giá lại quá trình đi làm, kiến thức bạn đã học ở trường, các dự án bạn đã làm, bạn cảm thấy thế nào khi thực hiện, bạn có cảm thấy tự hào và hạnh phúc khi nghĩ về những dự án đã làm hay không. Đừng quên tham khảo ý kiến của ba mẹ, thầy cô và những người có chuyên môn bạn nhé. 

Suy ngẫm và sắp xếp lại về mục tiêu, giá trị cốt lõi bạn đang xây dựng, những mối tương quan xung quanh và khám phá năng lực thật sự của bản thân sẽ giúp bạn tránh những bận rộn không cần thiết và tăng sức mạnh tập trung để kiến tạo cuộc sống bạn mong muốn và trở thành con người bạn khao khát.