Cách đây chỉ vài năm, khi Facebook bắt đầu bùng nổ ở Việt Nam, tôi như tìm thấy được “cứu cánh” ở mạng xã hội này. Mỗi khi có bất kỳ cảm xúc, câu chuyện gì, tôi đều chia sẻ nó với mọi người. Cảm giác có cả nghìn bạn, người theo dõi trên mạng, mỗi status đăng lên cả trăm tương tác quả thật mang lại cho tôi sự hứng thú và cởi mở với cuộc sống xung quanh.
Rồi bẵng đi một thời gian, tôi chọn cách xóa đi tất cả mọi thứ, lập một tài khoản mới, khóa luôn những status của mình, khóa cả tường nhà, và cũng chẳng còn có nhu cầu than thở trên mạng xã hội nhiều như ngày xưa. Rồi mình chợt nhận ra, làm người lớn đôi khi là thu mình lại và cố gắng tự lo cho những vấn đề xảy ra hàng ngày.
Cái giá của trưởng thành, phải chăng là sự cô đơn? Con người ta khi vui thì lúc nào cũng không thiếu bạn thiếu bè, nhưng lúc ngã lúc buồn mấy ai bên cạnh? Người ta càng lớn, lại càng thiếu đi những thứ lấp đầy khoảng trống, càng thèm khát tìm kiếm tri kỷ. Đôi khi chúng ta chỉ thèm khát một sự quan tâm, một người đủ tinh tế, để thấy hôm nay mình không ổn, và thèm một điếu thuốc, một ly rượu mời để trải lòng khỏi những ngổn ngang.
Chúng ta sợ mình làm phiền đến người khác. Sợ khóc thì không còn đủ mạnh mẽ, sợ nói ra thì trở thành một kẻ tiêu cực. Nhưng một trái bóng bơm hơi mãi thì sẽ nổ, nhiều nỗi buồn gom lại thì sẽ chờ ngày vỡ tung. Nên càng trưởng thành, người ta càng dễ căng thẳng, đau, và tổn thương nhiều hơn.
Ở tuổi hai mươi, khi cô đơn chúng ta cố gắng tìm người nói chuyện, ở tuổi ba mươi, chúng ta lại chọn tự giải quyết một mình. Giống như trong bộ phim "Trùng Khánh Sâm Lâm" của đạo diễn Vương Gia Vệ, người ta có thể gọi cho tất thảy mọi người như anh chàng Hà Chí Vũ, hay nói chuyện với cái khăn, con gấu bông như anh cảnh sát 633. Nhưng suy cho cùng, họ đều là những người cô độc trong một “khu rừng bê tông” chứa đựng rất nhiều cá thể không muốn can dự tới nhau.
Đỉnh cao nhất của bi kịch là hài kịch. Đến cuối cùng, tột đỉnh của cô đơn là bạn chẳng còn biểu lộ ra cảm xúc gì nữa. Nụ cười gượng gạo trên môi dần trở thành màn che, giấu đi gương mặt thật sự. Cái giá của trưởng thành, có thể là cô đơn, nhưng không có nghĩa là chúng ta sẽ sống mãi như vậy.
Tôi từng cảm thấy thật may mắn khi nhận được hàng nghìn lời chúc mừng sinh nhật trên Facebook. Nhưng những năm gần đây, khi đã khóa tường Facebook, vẫn có những người nhớ và gọi điện chúc mừng khi dịp đặc biệt ấy đến, vẫn có chiếc bánh kem bất ngờ bên những người bạn của mình. Thu mình lại không hẳn là xấu, có lẽ tôi chỉ cần như vậy là đủ rồi.
Bạn hoàn toàn trở thành người lớn khi bạn thực sự tìm thấy hạnh phúc ở cuối đường, và càng không phải là chuyện đánh đổi, thật may mắn khi có người ở bên cạnh để chia sẻ niềm vui nỗi buồn. Nhưng chưa tìm thấy thì cũng không có gì là không ổn, trong cuộc sống này, rồi sẽ đến lúc bạn sẽ tìm thấy một người cùng chung chuyến bay đến giấc mơ của mình thôi.