Ngày Earth Overshoot Day là ngày gì?
Earth Overshoot Day hay còn được biết đến với tên gọi tiếng Việt là ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi. Ta có thể hiểu đơn giản là thời điểm mà chúng ta đã sử dụng hết tài nguyên mà thiên nhiên ban tặng của năm đó. Sau ngày hôm đó, chúng ta đã sử dụng nguồn tài nguyên của tương lai vì Trái đất không thể phục hồi kịp với mức độ lạm dụng, sử dụng quá đà của chúng ta. Điều đó làm ảnh hưởng đến thế hệ con cháu, tương lai của chúng ta vì chúng ta đang sử dụng nguồn tài nguyên đáng ra là của họ.
Trong lịch sử, ở thập niên 70 của thế kỷ 20, con người vẫn đang sử dụng nguồn tài nguyên mà Trái đất vẫn có thể tái tạo, phục hồi kịp để đáp ứng được nhu cầu của chúng ta. Thế nhưng, từ những năm sau đó, con người bắt đầu khai thác, lạm dụng quá độ, và ngày 12/1973 chính là cột mốc đầu tiên đánh dầu báo hiệu rằng con người đã sử dụng tài nguyên vượt mức phục hồi trong năm.
Gần đây nhất, vào năm 2019, ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi (Earth Overshoot Day – EOD) rơi vào 29/07. Nó sớm hơn 2 ngày so với năm 2018 (1/8/2018) và năm 2017 là ngày (03/08/2017). Ta có thể nhận ra từ năm 2017 đến năm 2019, ngày này đều đến sớm hơn so với năm trước đó. Điều đó đồng nghĩa rằng, con người đang ngày càng khai thác quá mức. Ngày EOD càng đến sớm là dấu hiệu cảnh báo càng cao. Trong năm nay, ngày EOD sẽ rơi vào ngày 29/07, ngay lúc này, chúng ta đã sử dụng hết tài nguyên cảu năm 2021, trong khi chúng ta còn cả 5 tháng nữa mới hết năm 2021. Một sự khai thác tài nguyên quá mức vô độ mà dường như chúng ta đang phớt lờ nó đi.
Vì sao chúng ta cần quan tâm đến Ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi?
Đây là một chiến dịch được tổ chức bền vững quốc tế Global Footprint Network (GFN) tổ chức, nhằm cảnh tỉnh con người rằng tài nguyên Trái đất là hữu hạn. Chúng ta hãy sử dụng ở mức độ hợp lý để tránh làm ảnh hưởng đến tương lai, thế hệ mai sau của con em chúng ta. Ngày này được tính bằng cách so sánh tài nguyên mà Trái đất có thể tái tạo ra trong một năm với nhu cầu tiêu thụ của loài người trong năm đó. Tất cả chúng ta đều có thể dễ dàng nhận ra hậu quả nghiêm trọng từ việc khai thác nguồn tài nguyên quá mức đang diễn ra trước mắt có thể kể đến như xói mòn đất, lũ quét, mất dần sự đa dạng sinh học, động vật tuyệt chủng, biến đổi khí hậu, băng ta, Trái đất nóng dần lên, tích tụ ngày càng nhiều CO2 trong bầu khí quyển,…
Trong những năm gần đây, ta có thể liên tục thấy các tít báo “Nắng nóng kéo dài”, “Nắng hạn nhất lịch sử”, “Rét nhất lịch sử”,… Cụm từ “nhất” ấy ngày càng được lặp lại lặp lại mỗi năm đã phần nào cho chúng ta thấy tình hình khí hậu đang biến đổi trầm trọng đến dường nào. Bên cạnh đó, tình trạng hạn mặt xâm nhập các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tăng dần, dẫn đến cuộc sống người dân nơi đây bị ảnh hưởng. Vì điều kiện địa lý ưu ái, người dân nơi đây có thể trồng trọt, sản xuất rất nhiều các ngành liên quan đến nông nghiệp. Nhưng giờ đây đã bị “xâm nhập mặn”, thì liệu họ có thể duy trì sản xuất không? Nguồn lương thực trong nước cũng như xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo nhiều hệ luỵ. Thêm nữa, vì sự thay đổi khí hậu, dẫn đến môi trường sinh sống của nhiều loài động vật bị thay đổi. Chúng không kịp thích nghi, chết dần, và dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng. Do vậy, chúng ta cần đẩy lùi ngày EOD càng về sau càng tốt, và #MoveTheDate là chiến dịch hướng đến tương lai để Dời ngày vượt ngưỡng.
Một số biện pháp để đảm bảo nguồn tài nguyên thiên nhiên
Chúng ta có thể làm điều đó bằng cách nào? Sau đây là một vài gợi ý chúng ta có thể làm để bảo vệ cũng như sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên hữu hạn này:
- Hạn chế rác thải, sử dụng tái chế.
- Cắt giảm sử dụng năng lượng trong nhà như việc khi ra khỏi nơi nào đó hãy tắt điện.
- Trồng cây
- Ăn hết phần thức ăn, tránh việc lãng phí thức ăn thừa thải
- Nói không với đồ nhựa dùng một lần
- Hạn chế mua quần áo nếu không cần thiết. Chúng ta có thể trao đổi hoặc cho đi những bộ quần áo mà chúng ta không còn cần đến nữa
- Hạn chế tiêu thụ thịt
Hãy chung tay vì một Trái đất xanh, sạch hơn, và cả vì thế hệ con cháu mai sau của chúng ta.