Khi ngừng sinh sản là giải pháp tối thượng
Nghe có vẻ ngược đời, nhưng ngày càng có nhiều người khắp nơi trên thế giới tin rằng việc sinh sản và tiếp nối sự sống của loài người là không nên và không cần thiết vì nhiều lí do.
Những người ủng hộ niềm tin này theo đuổi cái gọi là "Chủ nghĩa phản sinh" (antinatalism). Không chỉ lựa chọn ngừng sinh sản đối với bản thân, họ còn cho rằng tất cả loài người cũng nên dừng việc duy trì nòi giống để mang lại lợi ích to lớn hơn cho cuộc sống.
Trên Facebook, nhóm thảo luận mang tên 'Antinatalism' có hơn 9.000 thành viên đến từ rất nhiều quốc gia. Chủ đề này cũng thu hút hơn 117.000 thành viên tham gia thảo luận trên diễn đàn Reddit. Vì sao một chủ nghĩa đi ngược lại niềm tin cố hữu của hầu hết con người trên khắp thế giới lại được nhiều người quan tâm đến vậy?
Con không đồng ý chào đời
Năm 2019, một doanh nhân Ấn Độ tên Raphel Samuel đã kiện chính cha mẹ mình với lí do đã sinh ông ra mà không có sự đồng thuận của ông. Tuy không thắng vụ kiện trên, Samuel đã làm dấy lên sự quan tâm của cộng đồng đối với những lập luận gây tranh cãi của mình. Chia sẻ với tờ The Guardian, ông cho biết cuộc sống của mình vẫn ổn, chỉ muốn tòa tuyên phạt cha mẹ một số tiền nhỏ tượng trưng nhằm nhắc nhở các bậc sinh thành khắp nơi rằng họ nên nghĩ kĩ trước khi quyết định mang một sinh linh đến với cuộc sống vốn đã đầy đau khổ này.
Việc thiếu đi sự đồng thuận của đứa trẻ là một trong những lập luận thường được giới ủng hộ chủ nghĩa phản sinh sử dụng khi đào sâu về chủ đề này. Họ tin rằng thật không công bằng khi buộc một ai đó đến với thế giới và để người đó trải qua nhiều đau khổ trong suốt phần đời còn lại. Theo David Benatar, giáo sư triết học tại đại học Cape Town, Nam Phi và là người ủng hộ chủ nghĩa phản sinh, con người thường không nhận ra hết sự đa dạng của những thống khổ mà mình phải chịu đựng trong đời. Chưa kể đến chiến tranh, nạn đói hay thiên tai, những đau khổ cá nhân khác như cảm giác cô đơn, bị phản bội, tật nguyền bẩm sinh hay áp lực từ xã hội phải chạy theo cơm áo gạo tiền cũng đủ khiến việc mang sự sống đến với một đứa trẻ khi nó không lường hết được mình sẽ phải chịu đựng những gì là một sai lầm lớn.
Khi được hỏi nếu thế thì tại sao không tự tử khi cảm thấy cuộc đời đau khổ quá giới hạn, Benatar đã trả lời rằng việc đó chỉ làm vấn đề tệ hơn. Tự sát mang đến tổn thương sâu sắc cho những người thân đang sống, cũng như kéo theo rất nhiều hệ lụy và bất tiện cho những ai đang trực tiếp hoặc gián tiếp tương tác với bạn trong cuộc sống. Do đó, khi không thể chắc rằng đứa trẻ có muốn phải trải qua đau khổ hay không, tốt hơn hết là không sinh nó ra ngay từ đầu.
Sinh ra những kẻ hủy diệt trái đất
Nếu tiếp tục chu trình sinh sản, loài người rốt cuộc sẽ đi tới một mốc thời điểm tự mình hủy hoại trái đất. Là giống loài tàn phá thiên nhiên bậc nhất, sự tồn tại của con người đã đưa nhiều loài sinh vật đến bờ vực tuyệt chủng, gây ra biến đổi khí hậu, ô nhiễm trái đất. Giờ đây, những thứ tưởng chừng vốn dĩ là thiên tai như động đất, sóng thần, lũ lụt hay hạn hán cũng có bàn tay con người nhúng vào khi xây dựng những đập thủy điện khổng lồ, khoan sâu xuống đáy biển tìm dầu mỏ, phá rừng vì mục đích kinh tế hay thực hành nông nghiệp thiếu bền vững. Dịch bệnh bùng phát cũng một phần do con người tàn phá thiên nhiên, hủy hoại đa dạng sinh học. Nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, đe dọa trực tiếp đến việc loài người duy trì sự sống.
Những người theo chủ nghĩa phản sinh tin rằng việc con người tiếp tục sinh sôi nảy nở sẽ chỉ làm tồi tệ hơn tình trạng của trái đất, vốn dĩ đã và đang phải oằn mình chịu sự hủy hoại từ chính loài người. Dân số tăng dẫn đến tài nguyên cạn kiệt, gây ra đói kém, chiến tranh, hỗn loạn, đi kèm hàng loạt thiên tai. Với tương lai đã được dự báo trước như vậy, hà cớ gì phải mang thêm con người đến với thế giới để đẩy nhanh thêm tốc độ tàn phá khủng khiếp đó?
Sinh sản có thật là sai trái?
Với lập luận đi ngược lại những niềm tin được cho là bất biến về duy trì nòi giống của loài người, không lạ gì khi chủ nghĩa phản sinh thu hút rất nhiều phản bác.
Trước vấn đề thiếu sự đồng thuận của đứa trẻ “bị” sinh ra, nhiều người đã phản biện rằng nếu cố ý ngừng sinh sản thì chúng ta về cơ bản cũng đang tước đi quyền được trải nghiệm cuộc sống của con trẻ mà không hề có sự đồng thuận từ chúng. Một người mẹ không thể mang góc nhìn tiêu cực về thế giới của chính mình để áp đặt rằng đứa con cô, nếu có chào đời, cũng sẽ chán ghét những đau thương của thế giới như cái cách mà cô đang cảm nhận vậy.
Đau khổ trong cuộc sống là điều không ai có thể tránh khỏi, nhưng liệu hạnh phúc có thật sự được cảm nhận nếu thiếu đi đau khổ? Chẳng phải đau khổ, trong một chừng mực nhất định, càng khiến con người trân quý hơn những giây phút hạnh phúc? Những người phản biện lại chủ nghĩa phản sinh tin rằng cuộc sống chỉ mang ý nghĩa khi có lên có xuống, có vui có buồn, cả xấu lẫn tốt. Dù là xấu hay tốt thì đó cũng là trải nghiệm giúp con người học hỏi và khám phá thêm về sự đa dạng, muôn màu của cuộc sống. Như những vận động viên Olympic bật khóc sung sướng khi giành huy chương sau hàng năm trời khổ luyện trong đau đớn, hay lòng biết ơn giản đơn nhưng đầy hạnh phúc của những bệnh nhân ung thư khi có thể tự mình rảo bước đi dạo sau đợt hóa trị héo mòn cơ thể, con người cần trải qua đau đớn và thống khổ trước khi nhận ra hạnh phúc nghĩa là gì.
Lập luận về việc ngừng sinh sản để bảo vệ môi trường và trái đất cũng thường được phản biện khi nhiều người cho rằng điều này chỉ nhằm né tránh thay vì giải quyết vấn đề triệt để. Trái đất bị tàn phá là sự thật, nhưng thay vì không cho con cháu ta chào đời vì sợ rằng chúng sẽ phải chịu đựng hệ quả, cách tốt hơn là giải quyết vấn đề ngay từ bây giờ, tìm cách chữa lành trái đất và đảo ngược những sự tàn phá mà chính thế hệ chúng ta đã và đang gây ra. Vả lại, biết đâu trong số những đứa trẻ đang được sinh ra, có những nhân tố sẽ lớn lên và lãnh đạo con người sống thuận hòa với thiên nhiên hơn, hay trở thành nhà khoa học với những phát minh bảo vệ môi trường hiệu quả hơn?
Suy ngẫm về sự sống
Trước những lập luận ủng hộ và phản bác, chủ nghĩa phản sinh vẫn đang nhận được nhiều sự quan tâm từ khắp nơi trên khắp thế giới. Dù vạch ra một tuyên ngôn trái ngược hoàn toàn với những gì mà loài người xưa nay vẫn coi là lẽ tự nhiên, không thể phủ nhận rằng chủ nghĩa phản sinh đã và đang giúp chúng ta có cái nhìn đa chiều hơn về sự sống, về vai trò của loài người trên trái đất cũng như sứ mệnh của mỗi cá nhân khi đã được sinh ra trên cõi đời. Liệu chúng ta có đang sống một cuộc sống thực sự ý nghĩa? Có đang góp phần đẩy nhân loại và trái đất đến sự hủy diệt? Những đau khổ mà ta chịu đựng trên đời này, rốt cuộc có đáng không, và có đáng để các thế hệ sau phải cùng trải qua không?
Câu trả lời chắc chắn không đơn giản, nhưng bản thân việc làm dấy lên tranh luận nhiều chiều, thách thức những niềm tin cố hữu và khiến con người suy nghĩ về chúng một cách nghiêm túc cũng đã là một điểm tích cực mà chủ nghĩa phản sinh mang đến cho chúng ta.
*Tham khảo:
https://www.theguardian.com/world/2019/nov/14/anti-natalists-childfree-population-climate-change
https://www.newyorker.com/culture/persons-of-interest/the-case-for-not-being-born