Chữa lành vết thương từ “bạo hành lạnh” | Vietcetera
Billboard banner
11 Thg 08, 2021
Cuộc SốngTâm Lý Học

Chữa lành vết thương từ “bạo hành lạnh”

Nỗi đau tinh thần để lại vết sẹo tâm lý khó nguôi ngoai. Nhưng chỉ cần bạn tin bản thân xứng đáng được hạnh phúc hơn, thì bạn sẽ có sức mạnh để vẫy vùng. 

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Bạo hành lạnh là gì?

Có nhiều bài viết phân tích các biểu hiện của bạo hành lạnh. Song, để cơ bản xác định việc bản thân có đang rơi vào bạo hành lạnh, dù ở tư cách là thủ phạm hay nạn nhân, chúng ta có thể dựa trên hai yếu tố là sự thao túng và lệ thuộc. “Bạo hành lạnh” về bản chất là một loại ám thị lệ thuộc cảm xúc. 

Trong một mối quan hệ, kẻ bạo hành sẽ (vô tình hoặc cố ý) có những phản ứng tiêu cực lên đối phương, bao gồm im lặng, bỏ mặc, ngó lơ, thậm chí là “bạo lực ngôn ngữ.” Trong khi đó, người tiếp nhận những điều này sẽ có xu hướng diễn biến tâm lý tiêu cực như đổ lỗi cho bản thân, cảm thấy áp lực trong mối quan hệ và luôn mong muốn làm vui lòng đối phương. Sự lệ thuộc cảm xúc bắt đầu từ đó. 

Thực tế, bạo hành lạnh rất khó nắm bắt. Nó có thể vô thức bắt đầu từ khi một trong hai người chọn cách ứng xử, giải quyết (vấn đề nào đó đang phát sinh trong mối quan hệ) mà họ cho rằng phù hợp, nhưng lại thiếu đi sự thỏa thuận, đồng ý của cả hai, từ đó gây ra tổn thương tâm lý cho đối phương. Vì vậy, đôi khi chúng ta là nạn nhân, nhưng cũng vô tình trở thành thủ phạm “bạo hành lạnh” người khác. 

Vết nứt mà bạo hành lạnh để lại

Bạo hành lạnh để lại rất nhiều hệ lụy tác động tiêu cực lên nạn nhân. Những trạng thái tồi tệ đó bao gồm: lo lắng, bất an, xói mòn lòng tự tôn, xu hướng đổ lỗi cực đoan cho bản thân, nghi ngờ, không tin tưởng vào nhận thức của mình, lo sợ đánh mất mối quan hệ,...

Nhưng đó không phải là điều tồi tệ nhất. Vết nứt lớn nhất mà bạo hành lạnh để lại chính là nạn nhân sẽ không nhận thức được những hành vi bạo hành lạnh, từ đó tiếp thu cách hành xử của thủ phạm một cách thụ động, rồi áp nó lên một thế hệ, một cộng đồng, một cá nhân khác. Đôi khi, chúng ta vô tình trở thành thủ phạm theo cách như thế. Sự tiếp nối dai dẳng này chỉ dừng lại khi nạn nhân cuối cùng đủ mạnh mẽ, lý trí và tỉnh táo để vùng vẫy thoát khỏi thủ thuật thao túng tinh thần này. 

Chữa lành vết thương

Để không trở thành “Kẻ tổn thương lại làm tổn thương người khác”, bạn có thể tham khảo một số ý kiến dưới đây:

1. Hiểu biết về cách mà bản thân đã và đang bị bạo hành

Trong bài viết trước, tôi có đề cập đến vấn đề “tư duy đúng đắn sẽ tạo cơ sở cho những nhận thức và hành động tích cực.” Sự thật là như vậy. Bạn không thể chiến đấu nếu không biết đối thủ của mình là ai. Khi cảm thấy tinh thần tiêu cực, mệt mỏi và có phần lệ thuộc cảm xúc trong một mối quan hệ, bạn cần trả lời 3 câu hỏi: 

  • Ai đã làm cho vấn đề này xuất hiện? 

  • Họ đã có những hành động gì? 

  • Bạn phản ứng ra sao trước những hành động đó? 

Trả lời 3 câu hỏi này, bạn đã có thể “gạch đầu dòng” được những hành vi bạo hành mà họ đang tác động, gây tổn thương tâm lý đến bạn. Từ đó, tư duy của bạn sẽ có cơ chế cảnh báo, giúp bạn xây dựng được sự phòng vệ trước những hành động này trong tương lai. Cũng như nhắc nhở bạn tránh lặp lại hành động không lành mạnh tương tự đối với người khác. 

2. Thiết lập ranh giới và bảo vệ tôn nghiêm

Sau khi trả lời 3 câu hỏi trên, bạn sẽ phát hiện ra một điều khác. Rằng dù người bắt đầu vấn đề và gây tổn thương không phải là bạn, nhưng bạn là mắt xích tối quan trọng trong việc chấp nhận cho bạo hành lạnh phát triển. Việc nhìn ra những hành động thao túng (dù vô tình hay cố ý) của đối phương sẽ không có ý nghĩa gì cả nếu bạn cho rằng nó đúng. Và bạn cho phép nó giày vò mình. 

Vì vậy, bạn cần tiếp tục “gạch đầu dòng” những giới hạn nhất định mà người khác có thể đối xử với bạn, từ đó, khi có bất kì ai vượt qua ranh giới này, bạn sẽ nhận thức được họ đang chạm đến sự tôn nghiêm của mình. Lúc này, lý trí sẽ phủ định toàn bộ những lý lẽ mà bạn đã sử dụng để thuyết phục bản thân duy trì mối quan hệ độc hại hiện tại, giúp bạn ngăn chặn sự ảnh hưởng từ bạo hành lạnh lên sức khỏe tâm lý của chính mình. 

3. Xây dựng lại lòng tin về chính mình

Lòng tin về chính mình phải bao gồm sự can đảm tin vào một phiên bản tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn bản thân ở tình cảnh hiện tại, dẫu không còn đối phương, dẫu chỉ còn một mình. “Mạnh mẽ lên” là một lời khuyên có thể sáo rỗng, nhưng tôi hy vọng bạn có thể dũng cảm cắt đứt (hoặc hạn chế) sợi dây liên lạc giữa mình và đối phương, không sợ hãi, không tiếc nuối. Chỉ cần bạn tiến được bước chân đầu tiên, hành trình còn lại sẽ không quá khó khăn như bạn nghĩ. Và tôi tin, những điều tốt đẹp cũng đang dần tiến về phía bạn

Tôi biết sẽ khó khăn nếu như bạo hành lạnh xuất phát từ những mối quan hệ đặc thù như trong gia đình. Song, như phương pháp cuối cùng, tôi hy vọng bạn có thể từng bước một tự tay xây dựng sự độc lập, tự chủ cho bản thân để hạn chế sự ảnh hưởng từ đối phương, về lâu dài là thoát khỏi sự lệ thuộc trong vật chất, quan trọng hơn chính là thoát khỏi sự lệ thuộc về cảm xúc tinh thần. Khác với nỗi đau về thể xác, nỗi đau về tinh thần để lại ít nhiều vết sẹo tâm lý khó nguôi ngoai. Nhưng chỉ cần bạn tin rằng bản thân xứng đáng được hạnh phúc hơn, thì lúc đó, bạn sẽ có sức mạnh để vẫy vùng. 

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.