Chung tay bảo vệ tê tê tại Việt Nam | Vietcetera
Billboard banner

Chung tay bảo vệ tê tê tại Việt Nam

Tê tê là một động vật hiền lành và nhút nhát, nhưng vì những niềm tin vô căn cứ của nhiều người, mà tê tê đã bị săn bắt vô độ, dẫn đến nguy cơ tuyêt chủng.
Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Săn bắt, mua bán động vật hoang dã quý hiếm đã và đang luôn là chủ đề gây nhức nhối ở Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Trong đó, tê tê là một trong những loài động vật hoang dã bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới. Trong một bài viết trên báo Nhân dân được tác giả Diên Khanh viết, đăng tải vào tháng 7/2020, theo thống kê của Viện kiểm soát Nhân dân Tối cao, từ năm 2018 đến 2020, Việt Nam có 1.504 vụ vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, trong đó từ năm 2018 đến năm 2019 đã có 5.853 con tê tê và 35,15 tấn vảy tê tê bị thu giữ. Con số trên đã phản ánh phần nào thực trạng đáng báo động khiến loài này có nguy cơ đứng trên bờ vực tuyệt chủng. Tại sao chúng ta cần nhìn nhận thực trạng và hành động bảo vệ tê tê?

Tê tê là con gì?

Tê tê có tên khoa học là Manis Pentadactyla, là một loài động vật có vú và nuôi con bằng sữa mẹ. Chúng có thân dài, chân ngắn. Đầu nhỏ và nhọn. Đuôi của chúng rất dài. Phần thân phía trên từ mũi đến đuôi được bao bọc bởi lớp vảy được xếp như mái ngói. Phần má, ngực và bụng thì không có vảy, chỉ có lớp lông cứng mà thôi. Loài này leo trèo rất giỏi. Khi bị săn đuổi, chúng sẽ cuộn tròn lại và đưa lớp vảy của mình ra để bảo vệ. Đây cũng chính là lý do mà chúng dễ bị người ta săn bắt.

Người ta tin rằng vảy tê tê có thể chữa trị được một số bệnh. Tuy nhiên, đây là một niềm tin không có cơ sở khoa học. Một số thầy lang còn cho rằng vảy tê tê có thể giúp tăng khả năng sinh con hay thậm chí là chữa khỏi căn bệnh ung thư. Bên cạnh đó, loài tê tê còn bị săn bắt để lấy thịt. Trong dân gian, mọi người cho rằng thịt tê tê giúp tăng sức mạnh, cương dương, và khả năng giao hợp. Vì những niềm tin vô căn cứ khoa học trên đã ăn sâu vào máu của người dân mà dẫn đến việc săn bắt vô độ loài động vật hiền lành, bé nhỏ này nhằm mục đích thương mại đã khiến chúng liệt vào “Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” theo Nghị Định 160/2013/NĐ-CP.

Tại sao loài này quan trọng trong hệ sinh thái?

Đây là một loài động vật vô cùng hiền lành và nhút nhát. Chúng cũng là loại động vật có vú đồng thời có vảy trên thế giới. Chúng đào hang dưới lòng đất để trú ngụ. Thức ăn của chúng là kiến và các mối mọt. Chính điều này đã giúp cân bằng hệ sinh thái. Nếu như tê tê biến mất, có khả năng hệ sinh thái sẽ bị loài côn trùng này tấn công do mất đi sự cân bằng. Ngoài ra, chính việc đào xới đất đã giúp cho lớp đất thoáng khí hơn, cải thiện chất lượng dinh dưỡng của đất cũng như hỗ trợ quá trình phân hủy, cung cấp dưỡng chất cho lớp thảm thực vật.

Các chiến dịch bảo vệ tê tê

Hiện nay, tổ chức phi chính phủ CHANGE phối hợp cùng WildAid thực hiện chiến dịch “Tê tê vẫn thế” nhằm tuyên truyền, kêu gọi mọi người bảo vệ loài động vật quý hiếm này thông qua các chiên dịch truyền thông sáng tạo, với thông điệp “Thêm biết tê tê, bớt hại tê tê”. Qua những tin trên, công chúng có thể dễ dàng nhận ra thực trạng nạn săn bắt động vật hoang dã quý hiếm, cụ thể là loài tê tê đáng lo ngại hiện nay. Từ đó, kêu gọi mọi người nâng cao ý thức và chung tay bảo vệ loài động vật hiền lành, nhỏ bé, và đáng yêu này.

Trước đó, cũng đã có rất nhiều tổ chức thực hiện các chiến dịch tuyên truyền nhằm bảo vệ tê tê có thể kể đến như Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) hay Cơ quan phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Trong năm 2020, Phim ngắn truyền thông vối thông điệp bảo vệ động vật hoang dã của ENV đã được triếu 17 triệu lần/ ngày trên màn hình quảng cáo trong khu vực thang máy tại các tòa nhà lớn ở Hà Nội trong suốt 2 tháng. Ngoài ra, các phim của ENV còn được phát sóng trên 50 kênh cả nước. Hay chiến dịch “Ngưng tạo nghiệp” với thông điệp “Mua thịt tê tê, nhận một quả báo” đánh vào khía cạnh tâm linh, nhân-quả báo ứng được thực hiện bởi Cơ quan phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) phối hợp cùng Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam (Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Nhằm lan tỏa thông điệp ngăn chặn các hành vi săn bắt, khai thác, sử dụng trái phép động vật hoang dã, bảo vệ chúng khỏi nguy cơ tuyệt chủng.