Hãy tưởng tượng bạn đang bị kẹt xe, trễ giờ, trời lại nóng bức. Ai đó cố gắng lấn sang làn đường của bạn và bạn “phát hiện” bản thân đang lầm bầm điều gì đó tiêu cực về họ. Sau đó, bạn tự nói với chính mình: "Đó không phải là lỗi của cô 'Ninja Lead' ấy. Chỉ là tôi đang có chút bực bội vì đi làm trễ và kẹt xe”. Kỳ lạ thay, việc công nhận cảm xúc bực bội của mình lại khiến bạn cảm thấy tốt hơn rất nhiều.
Bằng cách tự nói với chính mình những gì bạn đang cảm thấy, bạn đã giảm bớt “sức công phá” của cảm xúc, từ đó đem cảm xúc và nhận thức đến gần nhau hơn. Thay vì hành hạ bản thân vì sự bực bội, bạn chỉ cần thừa nhận cảm xúc và kết quả là biến “kẻ thù” thành đồng minh của mình.
Theo Six Seconds, việc làm này gọi là điều hướng cảm xúc (Navigate emotions), một trong những năng lực cốt lõi của phát triển trí tuệ cảm xúc.
Điều hướng cảm xúc là khả năng đánh giá, khai thác và chuyển đổi cảm xúc giúp bạn làm chủ cuộc sống của mình. Bằng cách phối hợp suy nghĩ và cảm xúc, bạn có thể đưa ra các quyết định tối ưu. Đó là chìa khóa để kết nối với bản thân và nắm giữ mối quan hệ thành công trong xã hội.
Đánh giá
Bước đầu tiên của quá trình điều hướng cảm xúc là đánh giá những gì bạn đang cảm thấy. Gọi tên cảm xúc của chính mình, mô tả nó càng rõ ràng càng tốt.
Gọi tên cảm xúc không có nghĩa là gắn cho nó cái mác tích cực hay tiêu cực, bởi làm thế sẽ dẫn đến những nhận định sai và kéo theo những cảm xúc thứ cấp không mong muốn khác.
Nếu một người mẹ cảm thấy khó chịu khi bản thân buồn bã, đau khổ; bà cũng sẽ khó chịu khi con mình có cảm xúc (mà bà cho là) tiêu cực như: giận dữ quăng ném đồ đạc hoặc dễ bực tức thiếu kiên nhẫn. Bà buộc con phải luôn vui vẻ, đi nhẹ nói khẽ cười duyên, mà không nhận ra rằng chính điều đó làm cho con cũng bắt đầu có cái nhìn không tốt về những cảm xúc bị mẹ chối bỏ.
Mọi cảm xúc đều xứng đáng được gọi tên, được công nhận sự tồn tại và được lắng nghe, vỗ về.
Khai thác
Sau khi hiểu được rằng cảm xúc là dữ liệu, thay vì đi theo hướng “trực tiếp” và suy nghĩ rằng “Tôi đang thất vọng”, hãy thử chuyển sang hướng “gián tiếp”: “Tôi đang trải nghiệm một thứ cảm xúc có tên là thất vọng”. Khi đó, bạn sẽ có thêm thời gian cảm nhận và làm dịu đi sự “hừng hực” của cảm xúc bên trong.
Điều này cũng gần giống như khi bạn ăn phải một món cay xé lưỡi, bạn sẽ không nghĩ rằng: “Tôi cay cú”, hay “Tôi cay quá”, mà là “Tôi đang ăn một món ăn có vị rất cay, do nó có nhiều ớt. Mọi khi ớt xanh thì đỡ cay hơn, hôm nay dùng ớt hiểm thì cay quá xá.”
Chắc hẳn bạn với tôi đều biết rằng, cho dù bạn tức tốc uống một ly nước to hay chỉ ngồi yên hít hà thì “cơn cay” đó một chút nữa sẽ qua thôi. Cảm xúc cũng như thế đấy, chỉ là tạm thời ghé qua để gửi cho bạn những dữ liệu có giá trị về bản thân bạn và thế giới xung quanh.
Chuyển đổi
Cảm xúc, dù gây khó chịu đến đâu, đến bước này cũng sẽ trở thành đồng minh của bạn. Khi “người anh em” ấy gửi cho bạn những thông điệp và dữ liệu về thế giới xung quanh, bạn đã tiếp nhận. Thế nên bây giờ bạn có thể đem ra sử dụng để hành động có nhận thức và có mục đích hơn.
Từ lần ăn cay đó mà bạn nhận ra “cay lượng” của mình hơi kém, hoặc có vẻ như mình không thích ăn cay nên lần sau sẽ lưu ý dặn đầu bếp không cho ớt vào món ăn nữa. Hoặc cũng có thể bạn nhận ra, chà chà, cay hết nấc cũng “chill” phết, thỉnh thoảng nên thử lại vài lần cảm giác mạnh này cho đời thêm thi vị.
Bạn thân mến, hãy trải nghiệm cảm xúc với sự tò mò và lòng trắc ẩn. Từ đó, chúng ta sẽ có những phản ứng thể hiện giá trị cao nhất của bản thân.