“Tôi chỉ có một mình và không thể gánh vác nổi cả gia đình."
“Tôi biết làm gì nếu món nợ này càng ngày càng lớn."
“Có khi nào tôi sẽ phát điên hay không."
“Tôi không biết nên làm gì để thoát khỏi tình trạng này."
Có khi nào bạn có những suy nghĩ như thế này hay không? Nếu có, có lẽ bạn đang có một mối lo âu.
Có một câu chuyện như thế này.
Một người đàn ông mắc bệnh viêm gan được gia đình đưa tới bệnh viện và người nhà đã rời đi như thể đó là bệnh truyền nhiễm lây trong không khí vậy. Ông bệnh nhân, tạm gọi là ông A, sau khoảng 1 tuần chữa trị mà các triệu chứng không thuyên giảm, ông mệt mỏi và không thể ăn uống được gì, càng ngày càng lo lắng về bệnh tình của mình.
Tới ngày thứ 17, ông A đang nằm với bình oxi để thở thì thấy con trai ông ghé thăm và trò chuyện cùng bác sĩ. Ông cố nghe nhưng không nghe được họ nói gì. Qua gương mặt căng thẳng của cả hai, ông chắc mẩm tình hình của mình trầm trọng lắm rồi. Lúc bác sĩ sắp rời đi, ông đã nghe được câu cuối cùng: “Để cho bố anh nghỉ ngơi nốt." Từ lúc nhận “hung tin" ấy, ông A nghĩ rằng mình vậy là “chấm hết" rồi, chắc hẳn ông đã bị ung thư hay bệnh gì nguy hiểm lắm nên bác sĩ mới phải trao đổi với con ông như vậy.
Đúng tối hôm đó, y tá vào rút bình oxi, còn ông A thì không lo lắng gì về bệnh tình của mình nữa mà nằm ngủ trước khi cái chết đến đón ông. Ông đã có một giấc ngủ ngon nhất kể từ ngày đặt chân vào bệnh viện. Sáng hôm sau, ông thức giấc và thấy thật khoan khoái, ông còn nghe thấy cả tiếng chim hót, tiếng lá xào xạc và hình như có cả tiếng mưa rơi nhẹ ngoài khung cửa sổ. Đến giờ trưa, ông ăn hết cả suất 2 bát cơm cùng thức ăn của bệnh viện, rồi ăn cả món tráng miệng. Ông đã có những “ngày cuối đời" thật bình an và khoẻ khoắn, không lo nghĩ. Và chỉ 5 ngày sau, bác sĩ vào thông báo rằng ông được ra viện với tình trạng “còn tốt hơn cả người bình thường".
Ông A chắc hẳn rất ngạc nhiên về tình trạng của ông. Trong câu chuyện này chúng ta thấy ảnh hưởng của lo lắng tới sức khoẻ, giấc ngủ cũng như kết quả của việc ngừng lo lắng như thế nào.
Vậy làm thế nào để quẳng gánh lo và không để nó ảnh hưởng tới chất lượng công việc và cuộc sống của bạn?
Tạm thời nghĩ ngắn lại
Ví dụ, thay vì lo lắng tới dự án của tháng sau, hãy chỉ dành thời gian nghĩ đến bản báo cáo công việc của tuần này. Thậm chí, trong những khoảng thời gian khủng hoảng, bản thân mình chỉ nghĩ đến bữa sáng ngon lành khi mới ngủ dậy. Trên thực tế, bộ não khi có lo lắng sẽ làm cho bạn không thể nghĩ thông suốt và làm việc hiệu quả. Nên thay vì cố gắng làm mọi việc trong lo lắng, hãy để bộ não nghỉ ngơi để trở lại làm việc năng suất hơn khi khoẻ mạnh.
Tập trung vào những việc bạn có thể làm
Thứ hai, hãy tập trung vào những việc mà bạn có thể làm được, thay vì chăm chăm vào những thứ khó có khả năng thực hiện, hay những khó khăn.
Việc tập trung vào những gì bạn có thể làm sẽ khiến cho mọi việc được cải thiện nhanh chóng. Ví dụ, nếu bạn làm thấy mình chỉ làm tốt công việc công sở 8 tiếng của mình và không thể đảm đương thêm bữa tối cả cả gia đình, thì hãy trao đổi thêm với các thành viên về việc này. Bạn hãy tập trung làm tốt công việc, nấu ăn có thể nhờ chồng/vợ, gọi đồ ăn nấu sẵn hay mua đồ đã sơ chế kèm công thức nấu ăn có thể là một ý hay trong trường hợp này.
Chia sẻ với người thân
Nếu có thể, hãy thông báo với ít nhất hai người thân gia đình hay bạn bè tin cậy của bạn về tình trạng này. Nói chuyện và giải toả được những lo lắng - thậm chí là vô lý - trong lòng của mình với người khác được cho là một cách tốt để cảm thấy tốt hơn cũng như sẵn sàng hơn để chấm dứt được những mối lo âu.
Mục tiêu của những cách nói trên là cải thiện sức khoẻ não bộ của bạn và giúp nó không phải chứa thêm những căng thẳng khiến cho nó không thể ở trong trạng thái “phản hồi" - trạng thái tốt nhất của não bộ để bạn có thể cảm thấy hạnh phúc và làm việc tốt.