Generation Gap - Hãy để sự nỗ lực và thấu hiểu trả lời tất cả | Vietcetera
Billboard banner
30 Thg 07, 2021
Thương

Generation Gap - Hãy để sự nỗ lực và thấu hiểu trả lời tất cả

Khi muốn tin tưởng một cách vô điều kiện, ta cần học cách chứng minh mình xứng đáng được tin tưởng và được tôn trọng.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Khi ta càng khao khát được tin tưởng một cách vô điều kiện, ta càng cần học cách chứng minh mình xứng đáng được tin tưởng và được tôn trọng. Hãy bắt đầu nuôi dưỡng niềm tin ấy từ chính gia đình của mình.

Gia đình tôi có một khoảng cách thế hệ (Generation gap) khá lớn khi ba mẹ tôi đều đã qua tuổi 60, trưởng thành trong gian khó, chiến tranh.

Sinh thời, ba tôi từng là thanh niên xung phong tham gia hậu cần trong cuộc chiến Tây Nam. Thời thanh niên của ông gắn liền với công tác Đoàn Thanh niên và ông cũng là Bí thư đầu tiên của ngôi trường THPT Chợ Gạo - nơi mà sau này con trai và con gái của ông lần lượt học tập và phát triển từ cái nôi này. Sau mấy mươi năm kinh doanh, ông tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thanh niên xung phong (TNXP) xã, giúp đỡ những người đồng đội - những người chứng kiến chiến tranh qua đi nhưng những tổn thương trên da thịt vẫn luôn ở đó đau nhói hàng đêm.

Viết đến đây, cuối cùng tôi sẽ hiểu vì sao bản thân có thể tiếp nhận công tác Đoàn - Hội - CLB ĐN và làm chúng một cách nghiêm túc, nhiệt thành như thế. Bởi vì tôi là con gái của ba - một người đàn ông nóng tính, nhưng lương thiện và luôn luôn vì mọi người. Bằng một cách kỳ diệu nào đó mà cô con gái của ông đã đi theo bước chân ông, trên hành trình những người trẻ dấn thân và phụng sự tập thể mà chẳng mong cầu bất cứ điều gì.

Mẹ của tôi là một giáo viên với một đoạn ký ức rất chăm chỉ và kiên trì trên những nẻo đường cuốc bộ đến trường, từ cấp 1, cho đến khi lên Đại học. Giống như rất nhiều người phụ nữ xưa, mẹ tôi được dạy phải giỏi việc nhà, từ nấu nướng, cho đến thêu thùa may vá. Bà cũng là một thợ may áo dài khéo tay bậc nhất thời trẻ. Mẹ tôi cũng thừa nhận, bà có suy nghĩ phong kiến, và là một người tôn thờ những giá trị truyền thống. Điều này vô tình đã từng gây ra rất nhiều những tranh luận giữ mẹ và con gái. Và tôi, dĩ nhiên là một đứa trẻ vô cùng cứng đầu. Thẳm sâu trong tôi là những tiếng nói riêng, những khao khát được tự do, và được tin tưởng từ ba mẹ mình.

Khác biệt thế hệ thật ra không tồi tệ đến mức khiến bạn phải bất mãn với gia đình, thù hận, hay thậm chí là chọn cách ngoảnh mặt làm ngơ. Muốn thuyết phục gia đình tin vào lối sống của thế hệ mình, đó phải là hành trình lắng nghe khoảng cách thế hệ, thấu hiểu, và phản biện bằng những hành động thực tế.

Ngay từ nhỏ, tôi luôn mặc định trong đầu ý nghĩ: nếu tôi muốn tự do sống cuộc đời mình một cách chân thật nhất, tôi phải thuyết phục ba mẹ tôi rằng tôi có cách làm của một người biết suy nghĩ, rằng cá tính của tôi là một lẽ dĩ nhiên mà mỗi đứa trẻ sẽ khám phá ra trong hành trình chuyển đổi tuổi tác, rằng ở mỗi giai đoạn ba mẹ cũng cần học cách tiếp cận với con cái chứ không hẳn lúc nào cũng là những câu nói quen thuộc như: thời xưa vầy, hồi đó ai cũng vậy,...

Từ khi đi học cấp 1 cho tới bây giờ, tôi luôn chưa bao giờ để ba mẹ phải bận tâm hay kiểm soát việc học của mình. Tôi hiểu năng lực của mình, tự ý thức việc học, biết chọn bạn, vui chơi biết điểm dừng, việc học và việc chơi đều tách biệt,... miễn sao cuối năm, thành tích vẫn nằm trong top 5 hoặc top 10 của lớp, của trường là được.

Nói như vậy không có nghĩa là tôi thuộc kiểu con ngoan trò giỏi chỉ biết chạy theo thành tích. Ngược lại, tôi cũng từng có mấy năm nổi loạn, yêu đương, dính vào những rắc rối trên trời rơi xuống. Từng có một giai đoạn bỏ bê việc học đội tuyển, chống đối giáo viên chủ nhiệm, từng tự tử vì trầm cảm, mặc cho sức khỏe thể chất và tinh thần kiệt quệ,... Nhưng sau tất cả, tôi biết cách trở về, và bắt đầu lại mọi thứ khi bản thân đang chênh vênh ở phía bên kia con dốc của sự đánh mất chính mình.

Đi cùng tôi trong những năm tháng nghịch lý đó chính là ba mẹ tôi. Họ hiểu lý do tôi đột nhiên trở thành một phiên bản như thế. Vì khi gia đình tôi trải qua hàng loại biến cố, mất tất cả, tôi cũng dần trở thành một người lạnh lùng và trơ lì với mọi thứ. Khi mà người ta muốn thoát ra, nhất định sẽ có cách, hoặc là tác động vào bên trong, hoặc là phát tiết ra bên ngoài bằng những hành động thô bạo - đơn độc - và xốc nổi. Và thật không may là ở giai đoạn đầu, tôi đã chọn cách thứ 2, để rồi mất một khoảng thời gian tìm lại chính mình.

Tất cả những điều đã qua tạo thành tôi của ngày hôm nay, một người có thể hiểu và chấp nhận con người chân thật nhất của mình. Tôi luôn cho rằng việc đối diện với bản thân, bao dung những gì chưa hoàn hảo, đặt xuống những hình mẫu, và nỗ lực để bản thân sống ý nghĩa hơn mỗi ngày, tôi mới có thể kết nối với nội tại. Nhìn tôi, mọi người sẽ không thể thấy những đổ nát đã từng ấy, cũng không thể thấy sự tuyệt vọng, hay bất kỳ sự yếu đuối nào trong đôi mắt. Tôi chưa bao giờ đổ lỗi của những gì đã xảy ra với tôi và gia đình tôi. Tôi cũng chưa bao giờ thấy mình bất hạnh, và cũng không so sánh mình với bất kỳ ai. Tôi chỉ đơn giản vượt qua đó, như bước qua một hòn đá trên đường. Và trong hành trình nỗ lực đó, tôi và gia đình đều học cách yêu thương, và thấu hiểu lẫn nhau.

Nhiều người rất sợ đi trong bóng tối, cô độc, và những nỗi sợ. Nhưng vì bình minh luôn rực rỡ, thứ ánh sáng khiến ta thấy mình sống tốt đẹp và đầy hồ hởi, chính vì điều đó mà ta vẫn không ngừng đi về phía trước.

Tôi cũng từng nói chuyện với em trai mình, và những người bạn/người em ở Sài Gòn về câu chuyện vì sao chúng ta luôn cảm thấy ba mẹ không lắng nghe mình? Bởi vì chính chúng ta cũng không cố gắng để lắng nghe và thấu hiểu họ. Nếu bạn không đồng ý với cách nhận định của ba mẹ, hãy ngồi xuống và đàm thoại một cách tử tế, chứ không phải gào thét lên rồi bỏ vào phòng im lặng. Nếu có thời gian, hãy đọc một số bài viết về thế hệ xưa kia, rằng ông bà và ba mẹ mình đã sống trong một không gian thế nào? Đó là một cách giản đơn để hiểu, và tìm cách hòa nhập với những người thân lớn tuổi trong gia đình.

Một cách khác tốt hơn việc chứng minh bản thân, hay việc cố gắng tìm hiểu về thời đó bà mẹ sống thế nào, chính là việc kết nối ba mẹ với lối sống hiện đại bằng các phương tiện thông minh như iPad, smartphone,... Lấy ví dụ của tôi, vào năm 2018, tôi đã mua cho mẹ 1 chiếc smartphone. Sau đó, tôi và em trai tôi chỉ bà cách dùng Facebook, Zalo, chụp ảnh selfie, đọc các trang tin tức, tham gia hội nhóm, xem gameshow,... Lâu dần, mẹ tôi bắt nhịp với xu thế, kết nối với bạn cũ, có những cuộc gọi mess/Zalo đầu tiên,...thế là mẹ tôi chuyển qua dễ tính và thoáng hơn rất nhiều. Mẹ tôi hay vào xem tôi, em tôi, và những người thân/bạn bè làm gì trên Facebook. Đó là cách giúp bà bắt nhịp với cuộc sống của chúng tôi thời bấy giờ theo một cách dễ dàng và thiết thực nhất.

Tranh cãi rất dễ, nhưng để thuyết phục mình đáng tin cậy, đủ lý trí để quyết định cuộc đời mình, đủ thấu hiểu để cảm thông cho khoảng cách thế hệ, đó dường như là một hành trình tìm hiểu, rèn luyện, và chứng minh bản thân ngay từ những việc thường ngày nhất nếu như bạn đang ở trong một gia đình có sự cách biệt thế hệ quá lớn.

Hy vọng bài viết này có thể giúp được bạn ở một vài khía cạnh nào đó. Chúc bạn có thể hiểu gia đình mình, và xóa đi những ranh giới.

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.