Hà Nội, New York, và hành trình 13.142 km trở về | Vietcetera
Billboard banner

Hà Nội, New York, và hành trình 13.142 km trở về

Tôi thức cả đêm nhồi nhét hai năm tại Mỹ trong vỏn vẹn hai chiếc hành lý và bắt đầu hành trình 13.142 km về nước

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Nhật ký, cuối tháng 2 năm 2020

Vào buổi đầu tiên lớp Nhân chủng học, thầy giáo hỏi cả lớp:

- Có ai biết gì về virus Corona không?

Chưa đầy 10 cánh tay giơ tay, trong đó có tôi.

- Vi rút Corona đang lây lan rất mạnh mẽ tại Vũ Hán, Trung Quốc, và nó đang đe doạ đến các nước lân cận. Biết đâu một ngày nào đó nó sẽ đến nước Mỹ? Lớp học này sẽ giúp các bạn có cái nhìn khoa học hơn về dịch tễ học và nhân chủng học.

Biết rằng đó chỉ là một câu hỏi dẫn dắt để vào bài giảng, nhưng hoá ra, cái "biết đâu" của Giáo sư đã đến trong chưa đầy một tháng. Chả ai ngờ được, mầm mống con virus xa lạ cách nửa vòng trái đất đã len lỏi vào nước Mỹ từ khi nào. 

Khi cả nước Mỹ vẫn chỉ còn dửng dưng coi đây là bệnh cúm mùa, mẹ tôi đã gọi điện bắt tôi về Việt Nam. Tôi phá lên cười, thuyết phục mẹ đi ngủ. Có phải muốn về là được đâu? Còn nhà cửa, giấy tờ, thị thực nữa cơ mà.

Tôi nhìn ra cửa sổ phòng, New York buổi đêm thật diễm lệ đến nao lòng. Đồng hồ đã điểm nửa đêm, vậy mà từng ánh đèn chùm từ những toà nhà chọc trời vẫn nhấp nha nhấp nháy mê hoặc tôi, còn dòng người phía dưới thì đông vui phố thị. "Thành phố này sẽ luôn ổn thôi," tôi dặn lòng như vậy.

Nhật ký, tháng 3 năm 2020

Sau 2 ngày từ cuộc gọi của mẹ, New York bắt đầu ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên. Tôi bắt đầu suy nghĩ về Việt Nam bằng một linh cảm gì đó chẳng lành. Mặc những lời khuyên can của bạn bè, tôi mua vé máy bay về Việt Nam ngay sáng hôm sau rồi thức cả đêm sắp xếp đồ đạc vào kho để trả nhà. 

Hành trình 13.142 km về nước của tôi chính thức bắt đầu. Tôi nhồi nhét hai năm tại Mỹ trong vỏn vẹn hai chiếc hành lý. Ngồi taxi ra sân bay, tôi cũng chưa kịp tạm biệt thành phố thân thương này. "Hẹn gặp lại sau ba tháng nữa nhé," tôi cho là vậy, dù khi viết những dòng này đã là gần hai năm kể lúc ấy. 

Ở cửa hải quan, tôi mới email cho trường và các giáo sư, thông báo là mình sẽ về Việt Nam. Kể cả đối diện với nguy cơ bị buộc thôi học, tôi vẫn chấp nhận. Bởi tôi tin vào linh tính của tôi. Đúng, có gì đó thực sự không ổn rồi.

Nhật ký, một ngày tháng 3 tiếp theo

Tôi đã đặt chân xuống sân bay Nhật. Chưa bao giờ tôi thấy một cảnh tượng tang thương và đáng sợ đến thế. Cả sân bay Haneda hoành tráng, xô bồ đến chừng nào mà giờ đây đã vắng tanh không-một-bóng-người. Có vẻ như tôi là hành khách duy nhất tại đây. Nếu bạn đã xem phim về xác sống, thì đúng rồi đấy, cảnh tượng khi ấy giống như bè lũ zombie đã càn quét hết rồi vậy. Suốt bảy tiếng chờ chặng bay tiếp, tôi cứ đi mãi, đi mãi, giữa cái thênh thang rộng lớn tưởng chừng như sắp nuốt chửng mình. Tôi cố nhồi nhét những cảm xúc và hình dung về một cảnh tượng trăm năm có một này. Một cuộc gọi điện réo lên:

- Mở điện thoại ra check ngay đi. New York toang rồi mày!

Tôi mơ hồ mở ra, thì quả thực, con số mới hôm qua là vài chục nghìn, giờ đã tăng lên hơn trăm ngàn ca rồi nhân đôi, nhân ba chỉ trong vài giờ. Tôi đoán là do thành phố bắt đầu nhập về mẫu xét nghiệm tại gia nên con số thực tế mới tăng chóng mặt như vậy. New York trở thành tâm dịch nóng nhất thế giới, và hai tháng sau trở thành địa ngục trần gian với hàng ngàn thi thể chất đầy xe tải đông lạnh mỗi ngày vì nhà xác quá tải.Tất cả đều hoảng loạn, sợ hãi, và tìm cách trốn thoát. Tôi như ngã quỵ. Lạy Chúa, hãy nói với tôi tất cả chỉ là một giấc mơ.

Khi tôi nhìn vào bảng thông báo chặng bay tiếp theo, tôi tiếp tục không thể tin vào mắt mình. 9/10 chuyến bay đã bị huỷ, chỉ duy nhất một chuyến bay với số hiệu NH 867 chung mã với Vietnam Airlines được tiếp tục đi tiếp. Giữa một cái bảng chi chít màu đỏ báo hiệu hiểm nguy, thì cuối cùng một vạch xanh xuất hiện, le lói cho tôi cơ man là hi vọng và nhẹ nhõm. May quá, mình vẫn được về nhà!

Sự bất ngờ hoá ra mới chỉ bắt đầu. Khi tôi lên máy bay, tôi ngỡ ngàng nhìn thấy duy nhất 10 con người trên đó. Cả một chiếc Boeing khổng lồ chỉ phục vụ cho đúng 10 người?! Tôi vừa mừng vì chúng tôi, những con người xa lạ nhưng cùng gốc gác, cuối cùng cũng chắc chắn có tấm vé đặt chân về quê hương bản xứ. Nhưng cũng thất vọng, vì tôi đã mong có nhiều người cũng may mắn như chúng tôi.

Nhật ký, một ngày tháng 3 sau đó

Tôi đã về đến Nội Bài. Khoảnh khắc máy bay bắt đầu hạ cánh, tôi nhìn xuống cửa kính máy bay, thấy rừng vàng biển bạc của nước mình. Giai điệu "Bonjour Vietnam" như thường lệ cất lên, cũng là lúc tôi thấy những cánh đồng phù sa màu mỡ trên nền sông Hồng. Tôi không mong chờ nghe một giai điệu vui tươi như vậy trong khoảnh khắc này, nhưng lòng tôi không khỏi thổn thức. Tôi nhẹ nhõm, hạnh phúc, và biết ơn khi bước chân ra khỏi máy bay và được nghe giọng nói chỉ dẫn của người Việt. 

Khi biết mình sẽ phải chuẩn bị lên xe buýt đi đến khu cách ly tập trung, tôi chả cảm thấy lo sợ hay đắn đo chút nào. Đối với tôi, về được nhà lúc này là tốt rồi. Tôi tự nhắc lòng sẽ thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ của một người công dân Việt Nam, bởi tôi đã mắc nợ đất nước quá nhiều. 

Vừa lấy hành lý xong, một anh bảo vệ nói với tôi:

- Em may mắn đấy.

- Vâng ạ, cũng may em được về Việt Nam.

- Không, ý anh là em may mắn vì đây là chuyến bay quốc tế cuối cùng trước khi Việt Nam đóng cửa biên giới từ 0h đêm nay. Em không biết à?

Tôi trố mắt ngạc nhiên. Anh ấy nói đúng, đó là chuyến bay thương mại cuối cùng cho tới thời điểm này, cũng ngót nghét gần hai năm rồi. Đến tận giờ, tôi vẫn không thể tin được vào chuỗi liên hoàn may mắn ấy.

Nhật kí, 14 ngày cách ly tiếp theo

Tôi ở cùng phòng với ba cô gái về từ Nhật. 

Tôi vẫn chưa quen múi giờ, nên cả ngày ngủ, đến 11 giờ đêm lại mặc tạm áo khoác ra ban công ngồi học online liền mạch đến 6 giờ sáng. Ban đầu có chút bất tiện, nhưng rồi cũng quen. Mỗi lúc học xong, tôi thường giặt quần áo, ngửi mùi xả vải thơm nức mũi. Thế rồi tôi pha cafe, vừa nhâm nhi vừa đọc sách ngoài ban công. Thỉnh thoảng đưa mắt nhìn lên ngắm mây ngắm trời, thưởng thức từng làn gió xuân hây hẩy của Hà Nội âu yếm luồn qua từng kẽ tóc. 

Cuộc sống cách ly đương nhiên là không tiện nghi, thoải mái như ở nhà. Nhưng không gọi là "khổ" như người này người kia nói đâu. Tôi trân trọng từng khoảnh khắc ở đây, vì tôi biết ơn vô cùng những gì mà Tổ quốc và những chiến sĩ tuyến đầu đã hi sinh cho những con người như chúng tôi. Hầu hết bạn bè của tôi đều không về kịp, đều phải ở trong nhà nhiều tháng trời chờ suất cứu hộ về Việt Nam. Nhiều trong số đó cũng đã dương tính với virus Corona. Có lẽ tôi là đứa duy nhất may mắn “sống sót”.

Vì thức trắng đêm, nên tôi biết cứ 4,5h sáng là các anh bộ đội đã dậy chuẩn bị đồ ăn, bê thành từng chuyến rồi để trước cửa phòng cho chúng tôi. Tiếng hò nhau, gọi nhau của họ ám ảnh mãi trong tâm trí tôi. Tôi cũng nhớ như in từng y bác sĩ đo nhiệt độ hàng sáng, dù họ lúc nào cũng mặc đồ bảo hộ kín người nhưng tôi không tài nào lẫn dược giọng nói của họ.

Tôi cảm thấy mình giống như một gánh nặng. Tôi xấu hổ và bất lực vì mình còn ngồi đây hưởng thụ cuộc sống trong khi bản thân chưa đóng góp được gì. Nếu tôi không ở đây, thì họ đã chẳng phải vất vả thế này. Những con người ấy, dù tôi không biết tên họ, quê quán, nhưng tôi luôn cảm thấy một kết nối thiêng liêng lạ kì, có chăng chính là tình "đồng bào". 

4 giờ sáng một ngày Chủ nhật, tôi đọc được bài viết này trên Facebook. Vừa đọc, nước mắt vừa ứa ra:

MỘT ĐẤT NƯỚC KÌ LẠ,

Trong khi làn sóng COVID thứ hai quay lại Việt Nam, uy hiếp Đà Nẵng, Quảng Ngãi thì Việt Nam trong 2 ngày 26, 27/7 vẫn bình tĩnh, tự tin cho máy bay bay thẳng vào tâm dịch San Francisco, Mỹ đón 280 công dân Việt về nước.

Và sáng ngày 28/7, một chuyến bay đặc biệt nữa bay thẳng tới Guinea Xích Đạo để đón 219 công dân Việt Nam về, trong đó hơn một nửa đã nhiễm COVID!

Có đất nước nào như đất nước này không?

Một đất nước duy nhất trên hành tinh có ngày Giỗ Tổ, cùng chung nguồn cội; chiến tranh không khuất phục, thiên tai không cúi đầu, khó khăn không chùn bước, dịch bệnh không run sợ!

Điều cốt lõi ở đây là gì, là tình người, là máu mủ đồng bào, là người dân đoàn kết, là một chính phủ quyết không để một ai bị bỏ lại phía sau!

Chỉ có gắn bó với đất nước, máu thịt mới thấu hiểu được đạo lý một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.

Tổ quốc tôi đẹp vô cùng, dù chưa giàu về vật chất nhưng riêng tình người, nghĩa đồng bào thì đã hơn các cường quốc hàng đầu thế giới từ rất lâu rồi!

Nhật kí, tháng 4 năm 2020

14 ngày cách ly kết thúc. Những anh bộ đội, những chiến sĩ quân dân lần lượt gọi tên chúng tôi và xách hành lý cho chúng tôi xuống tận nơi. Trước khi bước ra cánh cửa mà tôi mong mỏi chờ đợi bao tháng ngày qua để về bên vòng tay bố mẹ, tôi bịn rịn cúi gập người cảm ơn các anh.

Cảm ơn các chiến sĩ tuyến đầu đã ngày đêm túc trực chăm lo cho từng bữa cơm, giấc ngủ của tôi.

Cảm ơn các y bác sĩ đã để lại sau lưng gia đình, con cái rồi lao đến tâm dịch này.

Cảm ơn người Việt Nam đã luôn ở đó chào đón những người con xa xứ như chúng tôi trở về, hết lòng bao dung và chở che chúng tôi khi hoạn nạn.

Cảm ơn Tổ quốc thân yêu luôn hết mình vì một cuộc chiến không ai bị bỏ lại phía sau.

Nhật kí, một ngày mưa rả rích đầu tháng 8 năm 2021

Đã một năm rưỡi kể từ chuyến bay một chiều không rõ ngày trở về của tôi. Tôi vẫn ở Việt Nam, miệt mài hoàn thành nốt những dự định dang dở trước khi quay về New York. Cuộc hành trình 13.142 km ngày ấy đã thực sự sốc lại tinh thần và sứ mệnh của tôi, cho tôi cảm thấy mình như được sinh ra lần nữa. Tôi trở nên trách nhiệm hơn. Sống cho mình thực ra rất dễ, sống vì người khác mới đòi hỏi sự can đảm.

Việc đầu tiên tôi làm sau khi ra khỏi khu cách ly là học cách "trả nợ" cho đất nước. Tôi bắt đầu hiến máu thường xuyên, đăng kí hiến tạng, đi làm tình nguyện để cứu giúp những mảnh đời khó khăn. Dẫu có làm bao nhiêu cũng không trả đủ, nhưng tôi hiểu đấy là nghĩa vụ của mình, và điều đó cũng giúp tôi phần nào cảm thấy đỡ dày vò.

Sài Gòn hay Hà Nội những ngày này không một bóng người. Việt Nam đang gồng mình cho một trận chiến mới - nguy hiểm hơn, khó lường hơn. Nhưng tôi tin, và mạnh mẽ tin, một dân tộc gồng mình từ khi lập quốc, chịu bao đau thương mất mát vẫn quật cường như Việt Nam, rồi sẽ lại tung bay lá cờ đỏ sao vàng tuyên bố thắng "địch" mà thôi.

Và quan trọng nhất, với lối sống ân tình có trước có sau, chúng ta lại càng có lí do để mạnh mẽ tin, người Việt Nam dù có giãn cách cũng sẽ chẳng thể nào xa cách.