Hậu tốt nghiệp đại học thì làm gì? | Vietcetera
Billboard banner

Hậu tốt nghiệp đại học thì làm gì?

Tốt nghiệp Đại học, bạn phải đối mặt với vô vàn lựa chọn, và phân vân điều gì mới đúng cho bản thân. Mong những chia sẻ này có thể giúp ích phần nào cho bạn.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Tấm bằng đại học dù ghi nhận nỗ lực của 3-4 năm qua, hậu tốt nghiệp thật ra chỉ có nghĩa rằng bạn sẽ đứng giữa ngã "n" đường:

  • Học tiếp cao học tại Việt Nam hoặc nước ngoài
  • Có 1 công việc "nine to five" (việc công sở) ở start-ups, tập đoàn đa quốc gia, hoặc công ty vừa và nhỏ
  • Khởi nghiệp  
  • Làm freelancer nếu bạn đã có nhiều kinh nghiệm liên quan trước đó
  • Hoặc bạn thất nghiệp. Thay vào đó là thời gian đi du lịch, làm mới bản thân, tham gia các hoạt động thiện nguyện.

Từ trải nghiệm cá nhân (xem thêm ở cuối bài), mình đúc kết được một số điểm cộng và trừ cho các con đường hậu tốt nghiệp đại học. Mình tin rằng nó sẽ có ích cho các bạn với xuất thân bình thường, học vấn tốt, và đã có vài kinh nghiệm làm part-time thời đại học nhưng chưa biết mình nên đi con đường nào hậu tốt nghiệp. 

1. Học tiếp cao học

Điểm cộng

Bạn có nhiều thời gian để chuẩn bị trước khi học cũng như tập trung vào việc học. Đa phần mọi người đang học Thạc sĩ mà mình biết, đều đã phải đánh đổi thời gian đi làm (tức là nghỉ làm trong khoảng 2 năm hơn) để toàn tâm theo đuổi tấm bằng Thạc sĩ.

Điểm trừ

Sinh viên mới ra trường thường chưa đủ khả năng để chi trả cho chương trình thạc sĩ, nhưng vấn đề này sẽ được giải quyết nếu có nguồn hỗ trợ từ gia đình hoặc học bổng. Cá nhân mình nghĩ thách thức lớn nhất nằm ở hiệu quả mà tấm bằng mang lại. Việc học thạc sĩ sẽ chỉ hiệu quả khi bạn đã biết mình thiếu gì, cần bổ sung gì, phục vụ cho công việc như thế nào, chứ không phải là "cứ thế học tiếp, bằng cao lương cao" .

2. Có một công việc 9-5 (làm văn phòng, giờ hành chính)

Điểm cộng

Sự ổn định về tài chính và sự yên tâm của ba mẹ. Đây là khởi đầu tốt cho hành trình sống độc lập và xây dựng 1 vị thế trong xã hội.

Điểm trừ

Ban đầu mọi thứ sẽ rất khó khăn, áp lực với 1 fresher: Khách hàng “dí" deadline, sếp la, làm sai, cảm thấy tự ti, ngột ngạt. Tuy nhiên với mình đây là trải nghiệm nên có để bạn mạnh mẽ hơn về tư duy, kỹ năng và thái độ, cũng như hiểu được mình là ai, phù hợp với kiểu công việc như vậy hay không. 

3. Khởi nghiệp

Điểm cộng

Nghe “ngầu”, giúp bạn thỏa mãn đam mê (nếu có).

Điểm trừ 

Dễ thất bại vì bạn thiếu kinh nghiệm, chưa có network, chưa có vốn và tài chính vững chắc để dẫn dắt business của mình qua thử thách như dịch bệnh.

4. Làm freelancer

Điểm cộng

Tự do về thời gian, địa điểm làm việc (và trông cũng ngầu nữa).

Điểm trừ

Đối mặt với các cuộc hội thoại kiểu như: "Freelancer là làm gì? Coi con ông A làm ở công ty B chức C lương X kìa". Bên cạnh đó, thường với sinh viên mới ra trường, bạn có thể dễ dàng làm cộng tác viên freelance. Nhưng để đi theo con đường này lâu dài cần có Thương Hiệu Cá Nhân (THCN) - được thể hiện dễ dàng hơn qua chức vụ của bạn tại công ty, các giải thưởng bạn đã đạt được, các dự án/sản phẩm xịn xò mà bạn đã từng đóng góp. Hãy thử nghĩ xem, bắt đầu làm freelance ngay từ đầu thay vì làm công ty, bạn có cách nào để gây dựng THCN không nhé? 

5. Dành thời gian cho trải nghiệm

Điểm cộng 

Mang đến nhiều niềm vui, làm giàu trải nghiệm (mà bạn có thể dùng làm chất liệu cho THCN, trong phỏng vấn xin việc, networking). Lựa chọn này thỏa mãn những tâm hồn xê dịch. Bạn có cơ hội hiểu hơn về bản thân, và thậm chí “va phải” chân ái của đời mình trên đường đi.

Điểm trừ 

Bạn sẽ cần 1 nguồn tài chính nhất định. Bạn cũng sẽ đối mặt với câu hỏi "Ủa tốt nghiệp xong sao chưa thấy đi làm" mỗi lần về quê, tụ tập họ hàng, hoặc đi chơi với bạn bè. Mùa dịch Covid, đây là lựa chọn bị hạn chế. 

 Vài điều về bản thân mình

Mình từng tìm hiểu về du học, tiếp tục thực tập ở 1 công ty Thương mại điện tử sau khi hoàn thành khóa luận 3 tháng. Mình đi du lịch từ trước Covid, còn giờ thì đang làm Cộng tác viên Content và tham gia 1 tổ chức phi chính phủ về du học. Một business nhỏ xíu mà mình ấp ủ từ thời đại học cũng đang được triển khai với sự chung tay của vài người đồng đội.  

Tổng kết lại

Như tất cả các lựa chọn trên đời, con đường nào ở trên cũng cần bạn đánh đổi. Tuổi trẻ có rất nhiều thời gian; nên mình nghĩ rằng chúng ta có quyền thử và sai. Bạn có thể thử ổn định trước, có thể thử con đường tự do hơn trước.   

Điều quan trọng là, bạn cân nhắc kỹ và kiên nhẫn với lựa chọn của mình.  

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.