Hiền, 23 tuổi, đang sinh sống tại Hà Nội. Cô vừa ra trường và được nhận vào làm ở một công ty công nghệ với vị trí thực tập sinh. Mức thu nhập 1 tháng là 5 triệu đồng. Hiền đang ở trọ cùng với em gái đang học đại học. Cô ấy phụ giúp bố mẹ khoản tiền học cho em gái. Đồng thời, Hiền cũng dành dụm được một khoản tiền tiết kiệm.
Bạn sẽ ngạc nhiên tự hỏi tại sao có thể tiết kiệm với mức thu nhập thấp như vậy. Thực tế, tiền tiết kiệm của Hiền không quá lớn nhưng cô đã biết thực hành những khoản tiền đầu tiên. Số tiền bạn kiếm được bao nhiêu không quan trọng bằng bạn dành dụm được không.
Bạn đang làm công việc khởi điểm (entry-level job) – một công việc dành cho người mới ra trường, tên gọi khác như internship, fresher, junior,... thì bạn có thể chỉ kiếm đủ trang trải các nhu cầu cơ bản của mình. Điều cuối cùng mà bạn nghĩ tới là tiết kiệm. Chẳng ai nghĩ đến tiết kiệm vào những năm đầu tuổi 20 với nhiều điều trong cuộc sống muốn được khám phá như: đi du lịch, trải nghiệm, phượt,... Cùng với đó, cách để xoay sở khoản tiền lương với nhiều thứ phải chi trả đã chiếm hết tâm trí của bạn. Khi nào bạn nên bắt đầu tiết kiệm hay cần kiếm bao nhiêu rồi mới tiết kiệm?
Câu trả lời: Bạn nên tiết kiệm ngay khi bắt đầu đi làm, thực hiện lập ngân sách và dành tiền đề phòng trường hợp khẩn cấp từ một tháng lương trở lên. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn.
Chi tiêu đáp ứng nhu cầu cơ bản
Chi phí dành cho nhu cần cơ bản như: ăn uống, nhà ở, trả nợ, bảo hiểm, tiện ích khác (điện thoại, đi lại,...). Đây là những nhu cầu thiết yếu cơ bản nhất của bạn. Những khoản chi phí khác dành cho thẻ tập gym hay yoga, quần áo mới, chăm sóc làm đẹp,... đều không phải là khoản nhất thiết bạn cần phải đáp ứng.
Điều quan trọng bạn có thể trang trải chi phí hàng tháng trước khi tiết kiệm. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào cách bạn sử dụng đồng tiền mình kiếm ra như thế nào. Nếu sống ở những thành phố lớn, mức lương đầu vào không cao, bạn có thể gặp khó khăn và tìm cách cắt giảm chi phí để trang trải cuộc sống.
Nếu bạn đang ở phòng trọ một mình, hãy tìm một người ở cùng để giảm một nửa chi phí nhà ở.
Nếu bạn thường xuyên ăn ngoài, đã đến lúc bạn cân nhắc tự nấu ăn và mang đi làm.
Nếu bạn đang thuê phòng trọ giá cao, hãy chọn phòng ở khu vực có giá thuê thấp hơn.
Nếu bạn thường xuyên sử dụng điện thoại, hãy tìm gói thuê bao tiết kiệm, mức phí gọi thấp.
Nếu bạn đang mua sắm theo cảm xúc, hãy dừng lại thói quen này và chỉ mua khi bạn thực sự cần.
Đặt ưu tiên thoát khỏi nợ nần
Nếu bạn đang nợ lãi suất cao hoặc thẻ tín dụng, bạn chưa nên dùng nhiều tiền để tiết kiệm. Vì bạn đang trả tiền lãi hàng tháng nhiều hơn số tiền bạn kiếm được từ khoản tiết kiệm của mình.
Thay vào đó, bạn tập trung trả hết khoản nợ đang có. Bạn sẽ không mất nhiều tiền lãi hàng tháng và cải thiện tình hình tài chính. Hãy thiết lập một ngân sách hợp lý và ưu tiên trả các khoản nợ từ lãi suất cao đến thấp. Quan trọng là bạn luôn tuân theo kế hoạch đã đặt ra giúp bạn thoát khỏi nợ nần nhanh hơn. Vì vậy, nếu bạn chưa có ngân sách, hãy bắt tay thực hiện ngay trong hôm nay.
Có hai lý do để bạn thoát khỏi nợ nần sớm. Một là, nợ sẽ khiến bạn dễ dàng rơi vào vòng xoáy “cảm thấy dễ chịu với nợ nần". Điều này cực kỳ tai hại bởi những năm tháng sau đó sẽ là những ngày nợ nần liên miên của bạn. Hai là, thoát khỏi nợ nần giúp bạn kiểm soát thu nhập, để dành tiền, hình thành tư duy tự do tài chính và xây dựng cuộc đời thịnh vượng.
Cắt giảm những khoản chi không cần thiết
Bạn hãy thử xem lại bảng chi tiêu hàng tháng và cân nhắc những khoản nào có thể cắt giảm để bắt đầu tiết kiệm sớm hơn. Một số khoản chi phí có thể cắt bỏ trong bảng ngân sách của bạn như sau: chi phí cho CATV, vệ tinh số, tài khoản xem phim trực tuyến, Internet, ăn tối tại nhà hàng, quần áo mới, câu lạc bộ thể dục/thể hình,...
Cắt giảm chi tiêu những khoản không thực sự cần thiết giúp bạn có định hướng đúng về tài chính cá nhân. Ngay cả khi, khoản tiền bạn cắt giảm không quá nhiều nhưng sẽ tăng dần theo thời gian. Đồng thời, bạn sẽ tạo lập thói quen cắt bỏ nhu cầu không cần thiết trong cuộc sống của bạn.
Hoa, một nhân viên văn phòng với mức lương 7 triệu đồng. Cô luôn để dành ít nhất 1 triệu đồng/tháng sau khi chi tiêu cho nhu cầu cơ bản ăn ở, điện nước. Cô dùng một chiếc smartphone đủ để phục vụ công việc và cân nhắc các khoản chi ngoài dự kiến. Tài sản Hoa có là những chiếc sổ tiết kiệm đủ để trang trải nếu mất việc trong ít nhất 6 tháng.
Ở chung phòng với Hoa, Lan là một nhân viên văn phòng với thu nhập 15 triệu đồng. Tiền lương của cô dùng cho những bộ quần áo, những đôi giày, chiếc túi hàng hiệu, điện thoại đổi đời liên tục và những chuyến du lịch bất chợt.
Cuối tháng, Lan luôn mượn tiền của Hoa. Cô luôn muốn tiết kiệm mỗi tháng nhưng cô không hiểu tại sao tiền lại không đủ. Trong cuộc sống, không ít lần bạn sẽ bắt gặp những người giống như Lan luôn than phiền việc không tiết kiệm được nhưng tiêu tiền vào những khoản không cần thiết.
Một điều cực kỳ quan trọng đó là bạn không nên bao biện với những lần không tiết kiệm được khoản nào. Bạn không nên thỏa hiệp với chính mình. Nếu bạn muốn mua quần áo mới mỗi tháng hay đi nghỉ mát mỗi năm, bạn có thể tiết kiệm tiền từ các khoản chi khác trong ngân sách của mình. Thật là tuyệt vời nếu bạn có thể làm được điều đó, bạn vẫn có thể tận hưởng cuộc sống và vẫn đảm bảo khoản tiền tiết kiệm.
Bắt đầu với cuộc sống tiết kiệm và đầu tư
Con số cụ thể để bạn cần tiết kiệm không quan trọng bằng việc bạn đã bắt đầu hành động ngay chưa. Xác định một con số phù hợp tùy vào từng cá nhân. Chi phí sinh hoạt khác nhau ở từng vùng. Thành thị khác nông thôn cả về lương lẫn chi tiêu, điều này không có nghĩa là ở nông thôn thì bạn tiêu xài ít hơn. Chi tiêu như thế nào phụ thuộc cách bạn hành động ra sao với tiền của mình. Mỗi người có cách tiết kiệm khác nhau nhưng dù mức lương cao hay thấp, bạn đều có thể tiết kiệm được.
Thay vì tập trung vào con số cụ thể, bạn hãy bắt đầu tiết kiệm bằng những con số nhỏ hoặc lập một kế hoạch tài chính cho mình. Một nguyên tắc có tên Ngân sách 50/20/30 (50/20/30) được viết bởi thượng nghị sĩ Mỹ Elizabeth Ann Warren mà bạn có thể tham khảo. Nguyên tắc 50/20/30 sử dụng phổ biến rộng rãi trên khắp nước Mỹ và toàn thế giới bởi tính dễ áp dụng của nó. Bạn chỉ cần phân bổ thu nhập sau thuế của mình làm 3 phần: 50% nhu cầu, 20% tiết kiệm, 30% mong muốn.
Bạn hãy lập quỹ dự phòng khẩn cấp khoảng 3-6 tháng lương phòng trường hợp mất việc, bệnh tật,… Bạn đặt mục tiêu cho bản thân số tiền mà bạn muốn tiết kiệm cố định mỗi tháng theo tỷ lệ phần trăm như nguyên tắc 50/20/30. Tiết kiệm tiền nên được đặt ưu tiên sau nhu cầu thiết yếu.
Khi bạn là một người mới tìm hiểu đầu tư, hãy tìm kiếm các thông tin để hiểu biết về thị trường tài chính. Bạn cũng nên tránh những lời mời chào với lãi suất cao của những cò mồi từ các nhóm trên mạng xã hội. “Không bao giờ có bữa trưa miễn phí!” - Hãy luôn nhớ những điều này khi tham gia đầu tư.
Ngày nay, chúng ta có thể tìm được hàng ngàn cuốn sách về tỷ phú Warren Buffett – là một nhà đầu tư tài ba. Nhưng ít người biết rằng ông bắt đầu đầu tư khi là một cậu bé 10 tuổi. Đến năm 30 tuổi, ông đã có khối tài sản 1 triệu đô (hoặc 9,3 triệu đô sau khi điều chỉnh lạm phát). Không nhiều người nhận ra thành công liên quan về thời gian, nghĩa là bạn hãy bắt đầu từ bây giờ, càng sớm càng tốt. Thời gian cũng là một yếu tố quyết định đến cuộc sống sau này của bạn như thế nào. Việc chần chừ thực hiện sớm kế hoạch tiết kiệm sẽ nhấn chìm nhiều cơ hội đến với bạn.