Melting pot là gì?
'Melting pot' là phép ẩn dụ về một xã hội đa văn hóa và sắc tộc.
“Chúng ta không trở thành một nồi lẩu thập cẩm mà là một bức tranh khảm mosaic đa dạng tuyệt đẹp. Nhiều con người khác biệt có những niềm tin, khao khát, hy vọng và ước mơ khác nhau.” - Jimmy Carter, tổng thống thứ 39 của Mỹ
Hãy thử hình dung về một nồi lẩu thập cẩm nóng hổi nghi ngút khói với vị nước dùng đặc trưng. Thứ nước này là đại diện cho những giá trị gốc, giá trị địa phương của một xã hội. Những món ăn thêm vào tăng sự hấp dẫn của nồi lẩu nhưng cũng không át đi hương vị gốc của nước dùng.
Trong xã hội học, khái niệm 'melting pot' ám chỉ sự hòa quyện của những giá trị bản địa và giá trị ngoại lai, định hình nên danh tính của một xã hội. Điều này được thể hiện qua sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, ẩm thực, tôn giáo trong cùng một cộng đồng, có thể là thành phố hay cả quốc gia.
Khởi nguồn của khái niệm này được sử dụng rộng rãi sau sự ra đời của vở kịch “The Melting Pot” do nhà văn người Anh gốc Israel tên Zangwill sáng tác năm 1908. Vở kịch nói lên khát vọng về một xã hội không có sự chia rẽ sắc tộc và thù hận của David Quixano, một người Nga gốc Do Thái di cư đến Mỹ sau khi mất toàn bộ gia đình trong cuộc thảm sát Do Thái tại Kishinev, Đế quốc Nga năm 1903.
Tác phẩm đạt được thành công vang dội và được chính Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, Theodore Roosevelt ngợi ca “có ảnh hưởng mạnh mẽ và thiết thực đến suy nghĩ và cuộc đời ông” trong tâm thư gửi Zangwill. Roosevelt cũng là người luôn ủng hộ người nhập cư chia sẻ văn hóa và ngôn ngữ của họ với người bản địa, góp phần định danh nên một xã hội Mỹ đa sắc tộc và không có sự chia rẽ. Mỹ là một melting pot đích thực.
Về sau này, khái niệm melting pot nhận được nhiều chỉ trích cũng như sự phản đối từ các nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc. Nguyên do bởi họ cho rằng khái niệm này cổ súy cho việc bão hòa xã hội, làm “tan chảy” các nét đặc trưng văn hóa của người nhập cư do phải đồng hóa với văn hóa địa phương.
Học giả Jane Elliot ủng hộ việc sử dụng khái niệm Salad Bowl thay thế. Khái niệm này ám chỉ xã hội đa sắc tộc nhưng sự khác biệt, các giá trị của người nhập cư được giữ nguyên và tôn vinh, thay vì phải “hòa quyện” vào với các giá trị địa phương gốc.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn ủng hộ melting pot do khái niệm này vẫn chủ yếu mang hàm ý tôn vinh một xã hội đa sắc tộc, không có sự chia rẽ như vở kịch của Zangwill thể hiện. Cả 2 khái niệm Melting pot và Salad bowl vẫn được sử dụng song song với cùng một tinh thần.
Đặc trưng của melting pot điển hình
Nguồn gốc của sự hình thành melting pot là làn sóng di cư. Hiện tượng này xuất hiện từ những thời kỳ đầu của lịch sử loài người và bùng nổ từ thế kỷ 19. Các nguyên nhân chính của di cư đa dạng từ chiến tranh, thuộc địa hóa, tôn giáo, kinh tế… nhưng hầu hết đều thể hiện khát vọng “đổi đời” của những người tha hương.
Từ những người Trung Hoa nhập cư vào Mỹ để xây dựng đường sắt tìm vàng, những người Châu Phi đến lao động tại Pháp. Bất chấp những khó khăn, những người di cư vẫn vươn lên, thể hiện được giá trị của mình và vẽ lên những mảng màu rất riêng trong bức tranh khảm mosaic về văn hóa tại quê hương thứ hai của mình.
Liệu nước Pháp có thể có được các chức vô địch World Cup nếu không có những Zidane, Mbappe? Mỹ có thể có được thể loại nhạc Jazz kinh điển nếu không có những giai điệu và tâm hồn từ lục địa đen như Louis Armstrong? Phong cách phim võ thuật Hollywood những năm 1970 có được nhiều người biết đến nếu không có Lý Tiểu Long? Tất cả đều là kết tinh của sự giao thoa văn hóa.
Đặc điểm nổi bật của các melting pot là sự đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ, ẩm thực, tôn giáo. Nói một cách khác, khi được phiêu du đến một thành phố melting pot, bạn sẽ có cảm giác mình đang đứng trước một cửa ngõ quốc tế đặc biệt, nơi mọi ngã rẽ đều có thể dẫn đến những trải nghiệm khác nhau với những con người đến từ mọi ngõ ngách trên thế giới. Bạn có thể thưởng thức bánh taco Mexico nóng hổi, sau đó xem pháo hoa mừng Tết Nguyên đán rồi bắt đầu một ngày mới với một ly cà phê và bánh sừng trâu (croissant) bên những con đường lát đá cẩm thạch.
Những melting pot này là nơi tôn vinh sự đa dạng và vẻ đẹp của văn hóa loài người, tuy khác biệt nhưng vẫn có thể cùng tồn tại.
Thế giới là một melting pot khổng lồ
Đã từng có những thời điểm, sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, chính trị, màu da là những nguyên nhân chính dẫn đến phân biệt đối xử và thù hận giữa người với người. Cuộc thảm sát người Do Thái đẫm máu của Đức Quốc Xã, chiến tranh lạnh giữa hai cường quốc là những bài học lịch sử về một thời thế giới bị chia rẽ một cách sâu sắc.
Với sự phát triển của xu thế toàn cầu hóa, các quốc gia hiện đã xích lại gần nhau hơn, tăng cơ hội giao thoa giữa các nước. Khi sự chia rẽ bị xóa nhòa, hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau và chấp nhận sự khác biệt giữa con người đã trở thành một tiêu chuẩn không thể thiếu của một công dân toàn cầu hiện đại. Điều này đang dần biến thế giới thành một melting pot khổng lồ, nơi sự khác biệt về văn hóa được tôn vinh.
Việt Nam cũng là một melting pot
Hiện nay, khái niệm melting pot được sử dụng rộng rãi để mô tả tất cả các đất nước và thành phố nơi có sự giao thoa giữa các văn hóa khác nhau; tiêu biểu là Mỹ, Pháp, Anh, Singapore, Australia,…
Việt Nam cũng có thể được coi là một melting pot điển hình. Hà Nội và TP.HCM từ lâu đã được xem là những cửa ngõ quốc tế của đất nước với rất nhiều người nước ngoài đến sinh sống và làm việc.
Các khu phố Tây, khu Hoa, Hàn, Nhật… đã không quá xa lạ mà đã trở thành một phần của Việt Nam. Người dân TP.HCM không ai còn lạ gì khu Chợ Lớn, nơi được khai sinh bởi những Hoa kiều từ thế kỷ 17. Nơi đây hiện vẫn là nơi tập trung buôn bán, sinh sống của rất nhiều người Việt gốc Hoa. Những nét kiến trúc có thể dễ dàng được tìm thấy tại khu vực này như Chùa Bà Thiên Hậu, Hội quán Hà Chương, chùa Ông.
Văn hóa ẩm thực Trung Hoa cũng được lưu truyển tại đây với rất nhiều món ăn đặc trưng như hủ tiếu sa tế, mỳ vịt tiềm, các loại dim sum và chè…
Bùi Viện, Thảo Điền tại TP. HCM cũng như khu Hồ Tây ở Hà Nội ảnh hưởng bởi văn hóa Âu - Mỹ. Hamburger, pizza, steak, cocktail,… là số ít trong những món ăn, thức uống đã trở nên quá quen thuộc với người Việt. Các hoạt động giải trí về đêm cũng đa dạng và nhiều màu sắc hơn kể từ khi có sự xuất hiện của các quán bar/pub, speakeasy tại các khu vực này.
Các doanh nhân nước ngoài cũng góp phần định hình nên một Việt Nam hiện đại và đa dạng. Không chỉ giới thiệu những công nghệ, kỹ thuật, mô hình kinh doanh mới, họ còn giúp con người Việt Nam phát hiện ra những tiềm năng chưa được khai phá.
Những nét văn hóa mới lạ được mang đến bởi những người bạn phương xa như một món quà, không làm mờ đi những giá trị cổ truyền của Việt Nam mà còn hòa quyện với nhau, tạo ra một diện mạo rất riêng cho đất nước.