Mình cần người | Vietcetera
Billboard banner
21 Thg 06, 2021
Cuộc SốngThương

Mình cần người

Mình nghĩ, cởi mở không phải là một tính cách, không phải một kỹ năng, mà là một lựa chọn. Và lựa chọn này không hề dễ dàng một chút nào.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Ngay lúc ngồi viết những dòng này, mình vẫn cảm thấy sợ. Mình nghĩ, cởi mở không phải là một tính cách, không phải một kỹ năng, mà là một lựa chọn. Và lựa chọn này không hề dễ dàng một chút nào. Nhưng sau mỗi lần mình chọn được cởi mở, được mở lòng giãi bày, thì có lẽ sự do dự và sợ hãi vơi bớt một chút. Thay vào đó là sự dũng cảm, vững chãi từ chính mình, cho mình. 

Mình luôn thấy khó chịu, nói đúng hơn là sợ những người không thể ở một mình, những người luôn cần người khác ở bên cạnh. Mình thích có không gian riêng, có thể tận hưởng việc đi ăn một mình, đi xem phim một mình, đi dạo một mình… Và mình từng cảm thấy những người không thể ở một mình, làm gì cũng phải có người khác làm cùng, sao mà họ cứ phải cần người như vậy nhỉ, mình không hiểu nổi? 

Mình cũng từng cố gắng để sống được “một mình” trên phương diện tinh thần, nghĩa là tự trò chuyện với bản thân, và tự cố gắng gỡ rối cho chính mình vì mình cảm thấy chẳng ai có thể “hiểu” mình cả. Sự “không hiểu” của người khác làm mình cảm thấy tuyệt vọng và tổn thương, nên mình quyết định tự mình sẽ hỗ trợ chính mình, giúp đỡ chính mình, không đi tìm kiếm sự “hiểu” từ bên ngoài nữa. 

Thế mà, rồi mình cũng phải chịu thua các bạn ạ. Luyện tập việc quay lại, tự trò chuyện với chính mình là một quyết định chính xác, nhưng suy nghĩ mình có thể tự thân gỡ rối hết cho bản thân thì cho tới hiện tại, mình biết mình đã sai. Mình tự hỏi: “Vậy thì tại sao mình lại thấy khó chịu và sợ những người không ở được một mình tới vậy nhỉ?” 

Khi “những người không ở được một mình” (theo ý kiến chủ quan của mình) nói ra ý kiến của bản thân rằng họ muốn có người làm cùng điều này, muốn có người đi cùng tới chỗ kia, muốn ở cùng người… họ đang nói ra một điều mà mình cũng có bên trong mình, nhưng mình quá sợ hãi để cho nó ra. Họ đang trực tiếp lôi một cái mà nhận thức của mình đã cố gắng vùi kín bên trong, nhưng cảm nhận thì vẫn ngày đêm cố nói cho mình biết là “mày cũng có mong muốn đó đấy.”

Mong muốn đó chính là mình cần người! Mình cần người. Viết ra 2 chữ “cần người” vẫn làm mình hơi rùng mình, nhưng mình biết bản thân có mong muốn đó và mình cũng không muốn chối bỏ cái nhu cầu đó của bản thân nữa. Mình đã từng nghĩ việc “cần người” là một điều nguy hiểm, là một điểm yếu. “Cần người” khiến mình cảm thấy bị phơi bày, dễ tổn thương, và nhất là dễ bị tổn thương bởi người khác. 

Và đúng là mình bị tổn thương thật. Quan hệ người - người sao mà phức tạp vậy nhỉ? Để xây dựng được một mối quan hệ người - người, ta cần phải xây dựng được mối quan hệ với chính mình. Nhưng quá trình tìm hiểu và xây dựng mối quan hệ với bản thân có lẽ là một quá trình liên tục và tiếp diễn bởi ta luôn thay đổi, và nếu nó không có “đích đến” cụ thể thì ta sẽ luôn phải xây dựng 2 mối quan hệ cùng một lúc nếu muốn được “cần người” ư? Mà còn chưa kể tới người còn lại, họ cũng đang đi trên con đường của riêng họ. Nghĩ tới đã thấy thật mệt, và những tổn thương của những lần xây dựng thất bại thì thật đau. 

Vậy mà cái mong muốn đó không bị dập tắt, vẫn cứ cháy âm ỉ bên trong mình. Mình càng cố lờ, thì càng như đổ dầu vào lửa, và đổ nhiều quá thì ngọn lửa sẽ bùng lên thiêu đốt mình một cách cực đoan hơn. Vì thế nên mình lại xé bọc, bước ra, để rồi được ngọn lửa cho thấy là, những mảnh vụn vỡ của những lần thất bại đã tạo thành một bầu trời đêm đầy sao lấp lánh bên ngoài vỏ bọc. 

Hóa ra, khi mình “cần người” cũng có nghĩa mình đang tỏa ra thông điệp “muốn kết nối”, và một thông điệp đẹp như vậy cũng dần thu hút những mong muốn kết nối rất đẹp từ người khác. Ngọn lửa ấy cũng không còn đáng sợ hay thiêu đốt, mà trở nên vô cùng ấm áp khi mình được kết nối với những con người cũng đang mong muốn được “cần người” trong cuộc sống. Không chỉ thế, nó còn giúp mình soi sáng thêm nhiều góc nhìn mới về những người đã đi qua, những người còn ở lại, cả những người đã luôn ở đó từ khi mình sinh ra. 

Sâu thẳm bên trong, một tình yêu rất đẹp đang nảy nở dần lên. Việc mình chọn mở lòng, chọn vươn tay tìm sự giúp đỡ khi cần, và chọn để bản thân được “cần người” cho mình một chiếc kính vạn hoa. Kính vạn hoa này không chỉ để mình nhìn người khác, mà thực sự còn giúp mình nhìn thấy bản thân hơn rất nhiều. Nhìn thấy cả những điều đen tối, đau đớn, cả những điều tươi sáng và tuyệt đẹp, và ôm lấy tất cả những phần đó. 

Nhưng điều quan trọng nhất mà “cần người” cho mình, chính là cảm xúc của việc được lấp đầy, cảm giác ấm áp của việc được quan tâm và được thuộc về. Mình tin là, không con người nào đủ mạnh mẽ để đi qua cuộc đời hoàn toàn tự thân và một mình, và tất cả chúng ta đều xứng đáng được cảm thấy thuộc về với nhau. 

Để kết, thì mình chỉ muốn nói là mình vẫn thích không gian riêng, vẫn tận hưởng việc được ở một mình với bản thân, được đi xem phim một mình, đi ăn một mình, đi chơi một mình,… Nhưng trong thế giới của mình, thì mình không còn “một mình” nữa. 

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.