Môi trường bền vững là… | Vietcetera
Billboard banner

Môi trường bền vững là…

Không chỉ các doanh nghiệp mà cả các công chúng cũng bắt đầu nhận thức và quan tâm nhiều hơn về vấn đề "phát triển bền vững", đặc biệt là ở khía cạnh môi trường

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Ngày nay, chúng ta thường hay nghe đến cụm từ “phát triển bền vững” (sustainability). Đặc biệt là về khía cạnh môi trường, không chỉ các doanh nghiệp mà cả các công chúng cũng bắt đầu nhận thức và quan tâm nhiều hơn trước đây. 

1. Phát triển bền vững là gì?

Theo Investopedia, phát triển bền vững là việc phát triển đáp ứng được nhu cầu hiện tại nhưng song song đó sẽ không làm ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai. Chúng sẽ gồm ba trụ cột chính là kinh tế, môi trường, và xã hội. Dựa vào định nghĩa trên, xét riêng về khía cạnh môi trường, ta có thể hiểu khái quát môi trường được phát triển bền vững khi chúng ta sử dụng các nguồn nhiên liệu tự nhiên để thỏa mãn nhu cầu hiện tại, đồng thời phải đảm bảo nó sẽ không tác động gì đến thế hệ con cháu chúng ta. Do vậy, chúng ta cần phải sử dụng tiết kiệm, hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này và đảm bảo giữ gìn chúng thật xanh, sạch, đẹp cho những người tiếp nối. 

2. Tại sao cần bảo đảm tính bền vững về mặt môi trường?

Như đã được trình bày ở trên, phát triển bền vững sẽ bao gồm 3 yếu tố về kinh tế, môi trường, và xã hội. Hai yếu tố kinh tế và xã hội cũng không kém phần quan trọng. Nếu thiếu đi bất kì một yếu tố nào thì cũng đảm bảo được tính bền vững. Tuy nhiên, ở bài viết này, tôi muốn tập trung hơn về mặt môi trường. Do vậy, tôi sẽ chỉ đề cập về khía cạnh này trong khái niệm “phát triển bền vững”. Tại sao nó lại quan trọng?

Ngày nay, chúng ta có thể nhận thấy được môi trường đang bị ô nhiễm và chịu ảnh hưởng trầm trọng. Điển hình là khói bụi, sự nóng lên của Trái Đất dẫn đến biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, và nước biển dâng cao. Trong thời gian tôi học tại Phần Lan, dù đang nằm ở khu vực phía Bắc của vùng Bắc Âu, nơi hằng năm phải chịu khí hậu cực lạnh và gần như tuyết quanh năm. Thế nhưng có một năm mùa đông lại đến chậm một cách bất ngờ, chúng tôi còn đùa với nhau rằng năm ấy sẽ đón một mùa đông không lạnh nữa cơ. Thế mới nói, thậm chí ngay tại vùng đất có khí hậu lạnh đến âm độ, vậy mà vẫn cảm nhận được sự nóng của khí hậu, tuyết đến chậm hơn theo chu trình tự nhiên, tình hình biến đổi khí hậu hiện nay đã trở nên nguy cấp. 

Vì sự thay đổi đột ngột một số loài chưa kịp thích nghi dẫn đến rủi ro dễ bị tuyệt chủng. Nước biển dâng lên cao đưa đến một số quốc gia có nguy cơ bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới trong tương lai có thể kể đến như: Hà Lan, Maldives, Bỉ, Anh, Tây Tạng,… Một số người sẽ cho rằng đó là viễn cảnh mà họ không phải trải qua nên không cần quá để tâm đến. Tuy nhiên, nó sẽ ảnh hưởng đến con cái, hậu thế của chúng ta về sau. Nếu nhìn gần, ngay cả bản thân chúng ta cũng đang chịu tác động của vấn đề môi trường bị ô nhiễm như mắc các bệnh về phổi, tim, gan, hay bệnh ung thư dễ dàng bắt gặp hơn trong thời buổi hiện nay. 

3. Cần làm gì để bảo vệ môi trường được phát triển bền vững?

Với những hậu quả được nêu trên, ta cần phải thận trọng xem xét và có trách nhiệm hơn với môi trường sống của chúng ta bằng những biện pháp như sau:

Hạn chế sử dụng rác thải nhựa dùng một lần

Dẫu biết rằng nhựa có những lợi ích trước mắt và tiện lợi, tuy nhiên tác hại của loại chất thải khó phân hủy này là vô cùng lớn. Do vậy, thay vì chúng ta sử dụng chúng một lần và bỏ đi thì có thể cố gắng tái sử dụng nó nhiều lần càng tốt, để giảm thiểu việc sản xuất loại chất thải khó phân hủy này ra môi trường. 

Ngày nay, trên thị trường có rất nhiều các sản phẩm thân thiện với môi trường mà chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy như ống hút bằng inox, thủy tinh, ống tre có thể thay thế ống hút nhựa, hoặc luôn mang theo ly nước/bình nước khi đi làm, đi học thay vì đặt hàng hoặc mua nước bên ngoài. 

Hạn chế mua quần áo liên tục nếu không cần thiết

Quần áo là nhu cầu thiết yếu đối với con người, tuy nhiên, có một thực tế là ngành công nghiệp này, đặc biệt là thời trang nhanh (fast fashion) gây ô nhiễm môi trường một cách trầm trọng. Ngành thời trang luôn cố gắng thay đổi xu hướng theo mùa nên dẫn đến có rất nhiều sản phẩm lỗi mốt bị chất đống ở các bãi rác. 

Chưa kể đến quá trình sản xuất số lượng quần áo lớn như vậy cũng ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường như cây cotton cần tiêu thụ nhiều nước và loại cây này còn tiêu thụ khoảng 10% tất cả loại hóa chất nông nghiệp và 25% thuốc trừ sâu (theo VOV). Còn loại sợi polymer tổng hợp thì phải được chế tạo chứ không trồng được. Việc sản xuất hợp chất này tạo ra loại khí đinitơ oxit, gây là khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn cả CO2. 

Hơn cả, hợp chất polyester và nylon đều phân hủy một phần trong các máy giặt thành các vi nhựa thải ra ngoài môi trường. Và các vi nhựa này đã xâm lấn vào chuối thức ăn của con người gây ra các bệnh lí và hậu quả khôn lường. Bên cạnh đó, các nhà máy sản xuất đã tiêu thụ một lượng lớn năng lượng và phát ra nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Do đó, để tránh gây ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, chúng ta có thể tái sử dụng các sản phẩm thời trang nếu không cần thiết mua quần áo mới. 

Trồng nhiều cây xanh

Từ khi chúng ta còn bé, hậu quả về phá rừng đã được đề cập rất rõ. Phá rừng có thể dẫn đến tình trạng xói mòn đất, lũ quét, hạn hán, hiệu ứng nhà kính,… Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, mỗi năm nước ta xảy ra khoảng 10-15 trận lũ quét, sạt lỡ dẫn đến biết bao mất mát về vật chất và con người. Theo Tổng cục phòng chống thiên tai, tính đến ngày 23/7/2020, thiên tai đã làm 53 người chết, 1 người mất tích, 137 người bị thương. Về vật chất, 1.815 nhà sập, 60.588 nhà bị hư hại, tốc mái; và 110.222 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, và 10.734 con gia súc, gia cầm chết. Ước tính thiệt hại về nền kinh tế là 3.930 tỷ đồng. Có thể thấy, đây là một con số vô cùng đáng báo động nếu chúng ta không cải thiện tình hình môi trường hiện tại.

Hiện nay có rất nhiều tổ chức đang gây quỹ để phát động phong trào trồng rừng như dự án “Hạnh phúc xanh” của Sống Foundation, hay các dự án liên quan đến việc trồng cây của các tổ chức như JOY Foundation (Journey of Youth) và Trung tâm bảo tồn thiên nhiên GAIA. Hãy cùng chung tay phủ xanh những mảnh đất trống vì tương lai của chúng ta và thế hệ mai sau, bạn nhé.