Bài viết này được chuyển ngữ từ phần trả lời của Carol Peiffer trên Quora.
Một tác phẩm được định giá dựa trên nhiều yếu tố:
1. Người hoạ sĩ
Người hoạ sĩ có nổi tiếng vào thời điểm họ tạo ra tác phẩm không, hay chỉ nổi tiếng sau khi mất hay thậm chí là vài thế kỉ sau đó?
Những người nổi tiếng trong các lĩnh vực khác có thể bán tranh của họ với mức giá hàng ngàn đô la. Ví dụ, George W. Bush chỉ bắt đầu vẽ sau khi hết nhiệm kì tổng thống. Ông chưa từng vẽ tranh trước đây, nhưng được truyền cảm hứng từ quyển sách “Painting as a Pastime” (Tạm dịch: Hội hoạ, một thú vui tiêu khiển) của Winston Churchill. Theo ý kiến cá nhân của tôi thì tranh của George không hề xuất sắc đến thế dù tranh của ông cũng có cái chất nghệ thuật ngây ngô đấy. Tôi không nghĩ là ông ấy bán tranh đâu, nhưng tôi đảm bảo là mỗi bức nếu bán ra, thì có cộng tất cả tác phẩm từ xưa đến giờ của tôi cũng không thể bằng. Vì chẳng ai biết đến tôi cả.
2. Tính độc đáo hay cách tân
Tác phẩm nghệ thuật có tạo ra sự đột phá không, có khác biệt lớn so với những tác phẩm cùng thời không, có phương pháp mang tính sáng kiến nào được sử dụng không, có tiên phong một trào lưu hay một phong trào nghệ thuật nào không?
3. Chất lượng
Chất lượng ở đây được đánh giá dựa trên phong cách nghệ thuật và chất liệu vẽ tranh được sử dụng. Hai yếu tố này có được nghệ sĩ thể hiện xuất sắc không?
4. Tính hiếm có
Giá trị của những tác phẩm nghệ thuật thường tăng lên sau khi người hoạ sĩ mất. Tại sao? Vì chẳng còn tác phẩm nào của hoạ sĩ đó sẽ được tạo ra trong tương lai nữa.
Leonardo Da Vinci dấn thân vào quá nhiều lĩnh vực (khoa học, giải phẫu,...) nên ông có rất ít tranh. Thậm chí ông sử dụng những kỹ thuật vẽ thử nghiệm không thể tồn tại lâu dài với thời gian cho vài bức tranh. Tác phẩm của ông vì thế rất giá trị. Một điều thú vị là Mona Lisa không hề nổi tiếng cho đến khi bức tranh bị trộm mất. Vài năm sau khi được trả về bảo tàng Louvre, bức tranh mới trở thành một địa điểm “phải đến thăm” ở đây.
5. Độ nổi tiếng
Cũng như tốc độ thay đổi của ngành thời trang, độ nổi tiếng của nghệ thuật cũng vậy. Những hoạ sĩ không được xem trọng trong quãng đời của họ, sau khi mất sẽ được thế nhân kính nể nhờ những tư tưởng tân thời và trở nên nổi tiếng. Ngược lại, những hoạ sĩ vốn được tôn vinh là đỉnh cao vào thời điểm họ sống, thì giờ đây lại bị lãng quên.
Van Gogh chỉ bán duy nhất một bức tranh trong cuộc đời, và bức tranh đó được bán cho em trai ông. Giờ đây, những bức tranh của ông được bán ra với giá hàng triệu đô la. Vào thời của Van Gogh, những hoạ sĩ tiếng thăm thường được trưng bày tranh trong những buổi triển lãm danh giá, nhưng có thể bạn không biết tới phần lớn những hoạ sĩ này đâu.
Chính các nhà đấu giá tranh, chủ phòng tranh, nhà phê bình nghệ thuật, quản lý bảo tàng, và cả công chúng nữa, họ đều góp phần định đoạt việc một bảo tàng hay một nhà sưu tập tranh giàu có sẽ mua tranh gì.
6. Thị trường sẽ chấp nhận những gì
Một tác phẩm nghệ thuật được định giá đúng với số tiền mà ai đó sẵn sàng bỏ ra mua nó. Tôi chắc chắn là phần lớn mọi người sau khi mua một món đồ yêu thích thì mới vỡ lẽ rằng số tiền họ chi ra thật sự không đáng, hoặc ngược lại, họ sẽ vui mừng vì có một món hời của thế kỉ.
Những yếu tố trên sẽ quyết định giá của các “tác phẩm nghệ thuật quan trọng.” Nhưng cũng có các tác phẩm ở tầm giá mà một người bình thường sẵn sàng mua về treo trong phòng khách. Phần lớn chúng ta không đủ khả năng để chi cho các tác phẩm gốc, nên thường chọn mua các tái bản tranh. Hãy thử nghĩ xem bạn muốn treo tranh gì trên tường phòng khách. Bạn sẽ sẵn lòng chi bao nhiêu cho một bức tranh đóng khung lớn đủ để che phủ bức tường sau ghế sô pha?