Người lớn hồn nhiên | Vietcetera
Billboard banner
16 Thg 07, 2021
Cuộc SốngThương

Người lớn hồn nhiên

Người lớn có nhiều lý do để không thể giữ mãi sự hồn nhiên như họ đã từng.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

“Sau cuối ngày về ôm lấy mình trong gương. Đó là người gần nhất ta trông thấy mà không thương.”

Trích lời bài hát "Mấy con mèo" của rapper Datmaniac.


Người lớn có nhiều lý do để không thể giữ mãi sự hồn nhiên như họ đã từng. Một trong số đó là việc người lớn nhận ra cuộc sống này có quá nhiều khó khăn, áp lực, bất công và lo toan, trong khi họ lại là những cá thể đầy khiếm khuyết. Từ đây, người lớn khoác lên mình chiếc áo giáp kiên cường, đeo mặt nạ và lao ra “chiến trường” cuộc sống. Từ đây, họ không còn cho phép mình được yếu đuối, được vô tư khóc cười. Từ đây, người lớn không còn yêu bản thân và dũng cảm làm chính mình. Từ đây, người lớn đã hết hồn nhiên. 

Bởi vì “Vật chất quyết định ý thức” là mối quan hệ biện chứng không cần phải chứng minh lại, nên người lớn đã không do dự bài xích tâm hồn trẻ thơ trong mình để đuổi theo hiện thực cuộc sống. Điều này không hẳn sai. Chỉ là, khi người lớn cứ mải miết chạy như thế, đến khi quay đầu lại thì mới phát hiện nụ cười giòn cũng đã đánh rơi mất. Lúc ấy, người lớn còn hạnh phúc không? 

Sự hồn nhiên có nhiều biểu hiện. Tôi tin trong mỗi chúng ta sẽ có những định nghĩa khác nhau về khái niệm này. Nhưng để có thể nói vì sao sự hồn nhiên luôn được xem là ranh giới giữa trẻ con và người lớn, thì tôi sẽ nói rằng vì sự hồn nhiên không chất chứa lòng nghi ngờ. Điều này tốt hay xấu, vốn dĩ rất khó nói. Chỉ là, chắc hẳn nhiều người lớn đã từng vì sự trẻ con, ngây ngô và hồn nhiên đó mà gặp phải nhiều tổn thương trong lòng. So với vết trầy xước nơi đầu gối, hẳn là vết thương trong tim khó chữa lành hơn. Vì thế, sự hồn nhiên như gót chân asin của người lớn, là thứ mềm yếu khiến họ khó tồn tại được giữa cuộc sống phức tạp này. 

Việc đeo lên người chiếc áo giáp và mặt nạ, người lớn trở thành mẫu người mà (họ cho rằng) xã hội cần. Họ cười nhưng không vui, họ giận dữ nhưng không cảm thông, họ biết đáp án nhưng không chấp nhận, họ đuổi theo hạnh phúc của người khác, họ không thể khóc, ít nhất là trước mặt nhiều người. Để rồi khi trở về nhà, họ loay hoay trong một mớ hỗn độn. Đó là khoảnh khắc người lớn nhận ra họ chưa từng sống vì bản thân, chưa từng tôn trọng bản sắc cá nhân, chưa từng yêu thương những khiếm khuyết mà mình có. Người lớn gồng lên quá nhiều, người lớn nhìn đời qua chiếc kính hiển vi. 

Những lúc như vậy, người lớn cần đến sự hồn nhiên. Hồn nhiên để không sợ hãi những cái nhìn của người khác, hồn nhiên để làm những điều mình thật sự thích, hồn nhiên để dũng cảm theo đuổi thứ hạnh phúc mà mình thuộc về, hồn nhiên để chấp nhận một phiên bản đầy khiếm khuyết, hồn nhiên để yêu thương và nâng niu bản thân, hồn nhiên để đánh thức bản thể thơ bé ngày xưa. Phải, người lớn cần sự hồn nhiên như thế, dù chỉ là một chút mà thôi. 

Chuyện kể rằng có một người lớn nhìn thấy cô gái nọ mệt mỏi đến suy sụp, đôi mắt từng được lấp đầy bởi sao trời và biển lớn giờ chỉ còn là một mảnh tro tàn, trũng sâu. Người lớn đó muốn an ủi vỗ về cô gái đó một chút, nên người lớn đó chạm vào gương.

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.