Nhìn người qua lăng kính nào? | Vietcetera
Billboard banner
04 Thg 06, 2021
Cuộc SốngThương

Nhìn người qua lăng kính nào?

Vốn dĩ, ta chẳng thể (và cũng không có quyền) phán xét bất kì ai, vì ngay cả chúng ta đôi khi cũng không thể hiểu nổi chính bản thân mình.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Bài viết này ra đời vào lúc tôi cảm thấy buồn và khá lạc lõng ở nơi làm việc vì bị kêu là “nhạt”, rồi tôi nhận ra rằng:

Ở nơi tôi đang thực tập, tôi có biệt danh “bé nhạt”. Mọi người thường 'tám chuyện về một số scandal, thế giới showbiz, tôi - mặt đơ với những câu chuyện như vậy. Đôi khi 'tám' chuyện là một kỹ năng để có thể kết nối với mọi người; nhưng đơn giản, tôi bị trống rỗng đầu óc trong những cuộc vui như vậy, tôi chẳng biết và có tý quan tâm nào đối với những vấn đề đó.

Ở với nhóm bạn trong khóa thiền gần 12 ngày, tôi lại là đứa nghịch ngợm, hay trêu mọi người, đến nỗi trong giờ cơm ai nấy đều ôm bụng cười, không khéo còn “tức bụng phì cả cơm”. Bởi lúc đó, tôi đang trải qua quá trình thanh lọc những tảng băng mệt mỏi của tâm trí. Bởi lúc đó, tôi gặp những con người cùng quan điểm, cách sống, con đường khám phá tự thân. Bởi lúc đó, chúng tôi có nhiều hơn một câu chuyện để kể với nhau. Vậy là tôi trở thành một bạn hài hước. Trong số những người bạn cùng khóa, một người chị còn nhớ tôi với hình ảnh “con bé có gương mặt phổ thông”. Sự tự do về tâm trí có thể dẫn ta đến những hành động thoải mái mang cả sự khôn hài.

Ở với lớp học kỹ năng, tôi trở thành con người chỉnh chu, thông minh, chín chắn, sắc sảo và hết sức trách nhiệm. Đó là những lời có cánh mọi người dành cho tôi, thông qua hàng tá giờ tôi ngồi đúc kết một quyển sách, áp dụng trên thực tế và trình bày nó dưới góc nhìn cá nhân trước mọi người. Làm thứ mình thích có thể thúc đẩy mình chạm đến những tầng hiểu biết và khả năng phi thường kèm theo đòn bẩy sức khỏe để hoàn thành công việc một cách tốt nhất.

Ở trên mạng xã hội, tôi “tô vẽ” hình ảnh cá nhân bắt mắt, sành điệu, khá thời trang, phong cách, người sống mang đầy tính nhân văn. Suy cho cùng, ai ai cũng muốn mình trở thành một phiên bản hoàn hảo theo quy chuẩn xã hội và chối bỏ những cái xấu nơi tự thân. Mặt khác, nó cho tôi thể hiện những sở thích sâu kín mà tôi vẫn hay ngại thổ lộ ở đời thực.

Ở nhà với ba mẹ, tôi khác! Tôi im bặt nếu giận dỗi. Tôi nằm lười khi mệt mỏi. Tôi có thể ngủ nướng đến 9, 10 giờ nếu cảm giác không cần thiết để dậy. Tôi có thể ăn sạch đồ ăn vặt có sẵn ở nhà. Nếu hôm nào khỏe tôi sẽ vào bếp chuẩn bị bữa tối cho mẹ. Tôi thích kiếm một góc nào đó, đọc sách. Tôi thích làm người chín chắn, che chở gia đình với những câu nói ra vẻ người trưởng thành. Nơi tự do để mỗi chúng ta được là mình, không nơi nào khác ngoài “nhà”.

Ở lớp đại học, tôi học chung nhóm học tập siêu giỏi, tôi có điểm tổng kết cũng thuộc nhóm khá của lớp. Thế nhưng mỗi lần học nhóm, tôi luôn bị “ăn chưởi” và “được kèm cặp” vì tốc độ hiểu bài “rùa bò”. Tôi bị ức chế mỗi lần đến kỳ thi và chẳng thể nuốt nổi đống kiến thức nếu chỉ học một mình. Tôi cần học việc công nhận bản thân và tất cả những ý kiến bên ngoài chỉ để tham khảo, vì đơn giản chỉ tôi mới có thể hiểu rõ chính mình nhất.

Ở những nhóm hoặc cộng đồng tôi mới đến, tôi được xem là đứa được nhiều người mến kèm theo những lời ngợi khen, “Con bé này nhìn dễ thương quá”, “Con bé nhìn dễ mến thật chứ!”,… Tôi dễ tạo thiện cảm và sự chú ý từ người khác.

Ở những nhóm bạn chơi lâu năm, tôi được xem là đứa “ra rìa” trong tầm ngắm quan tâm của mọi người. Tôi cảm thấy mình hơi khó trong việc kết nối bền chặt với mọi người.

Ngay cả việc chụp hình tôi cũng có cực nhiều góc mặt và biểu cảm, lúc đáng yêu, lúc lạnh lùng, lúc khá “cool”-ngầu, lúc lại nhìn “ngáo đá”, “quê mùa”. Tôi có nhiều tôi trong nhiều hoàn cảnh. Tôi có nhiều sự lựa chọn và hành vi trong việc tương tác với mọi người. 

Nhưng sâu xa hơn, tôi thấy đó là cách ta nhìn một người. Đơn giản chỉ là nhìn, A đang làm việc A chứ chẳng cần thêm 'A làm việc', 'A chứng tỏ A là B,C,D,X,Y,Z'. Đây là hoạt động ý thức vẫn thường tiến hành lý luận, phân tích, kết luận về một vấn đề hay đôi khi là mang cả sự phán xét. Tương tự, tôi vẫn kể câu chuyện trên, đơn giản là câu chuyện tôi kể, bạn đủ lắng tâm để có thể nhìn thấu rõ chỉ là tôi đang kể chuyện. 

Thật ra, dù việc thể hiện hay lựa chọn hành động của một cá nhân có như thế nào, thì đơn giản hành động/lời nói đó cũng chỉ thể hiện ngay lúc đó, nó không còn là gì nữa ngoài kỷ niệm/ký ức ta lưu trữ trong tâm trí mình. Chừng nào ta có thể nhìn mọi thứ một cách chân chất, chừng ấy ta đủ hiểu để lựa chọn thương thay vì trách móc. Tôi vẫn đang trên hành trình học hiểu, học thương. Nhưng việc mỗi chúng ta lựa chọn cách ứng xử đầy hiểu biết và yêu thương có thể là dòng suối mát tưới tẩm tâm hồn cằn cỗi theo tháng năm.

Tôi nhận ra rằng, việc ngồi lại là viết ra hết những suy nghĩ của mình sẽ giúp bản thân có cái nhìn tổng quan hơn. Như sau khi ngẫm lại về cách sống, cách cư xử của mình trong những hoàn cảnh khác nhau, tôi hiểu đâu là nơi phù hợp với mình, tôi hiểu tại sao tôi lại chọn cách biểu hiện như vậy và thế là đỡ buồn. Từ đó, tôi cũng nhắc nhở mình không vội đánh giá bất kỳ ai với những gì người ta làm mà tôi thấy, chừng nào tôi là người đó thì tôi mới có thể hiểu tại sao họ lại chọn cư xử như vậy.

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.