Dẫn nhập
Vụ việc cô bé chở mèo đi khám gần đây gây tranh cãi và phân cực dữ dội, một số quan điểm lên án hành vi của công an khi không cư xử đúng với hình ảnh một “Con người”, nhưng lẫn với những tranh luận đó, có một số lý lẽ ủng hộ việc chở chó mèo đi khám trong mùa dịch, chủ nhân của nó thương xót khi nhìn thấy vật nuôi chịu đau khổ.
Điều này làm dấy lên tranh luận cũ về quyền động vật, sâu xa hơn nữa là giết mổ động vật nuôi có mục đích làm cảnh như chó, mèo. Cuối cùng dẫn ta đến câu hỏi triết học: “Nên đối xử với các loại động vật nói chung như thế nào?”
1. Một số quan điểm từ cả hai phía
Phe ủng hộ ăn thịt chó, và bác bỏ quyền động vật, đưa ra lập luận như sau: Về tính lợi ích (Ăn thịt chó mèo giàu đạm, ngon) và một giả định mạng tên “Trang trại chó”, là một hình thức giết mổ chó mèo công nghiệp, đồng thời lên án phe phản đối vì “Tiêu chuẩn kép”, khi không xem các loại thịt bình đẳng với nhau trên bàn ăn.
Phe phản đối cho rằng xét về bản chất và mục đích, một số loài động vật để ăn, một số hoang dã, và một số được con người thuần hóa cho các mục đích khác, vì vậy có thể phân biệt được động vật nào được giết để làm thịt, và động vật nào không. Lý luận của phe phản đối tập trung vào luận điểm: “Động vật cũng biết đau khổ như con người”, và “Yếu tố tình cảm phát sinh khi tiếp xúc lâu dài với vật nuôi”.
Cả hai phe, nếu áp dụng các luận điểm đến cùng cực, thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, làm dấy lên các cơ sở nền tảng cho luận điểm lớn: “Đối xử với động vật nói chung như thế nào?”
2. Các cơ sở nền tảng, mục đích của con người theo Aristoteles, và cuộc cách mạng nông nghiệp
Một số ý kiến cho rằng con vật tự thân nó có quyền . Vậy, phải xét đến câu hỏi sau: “Con người hơn các giống loài khác ở chỗ nào?” Từ đó, ta có thể bổ sung quyền và ý nghĩa của loài vật nói chung.
Chính xác thì tại sao con người phát triển vượt bậc hơn các loài khác?
Do con người có:
- Khả năng kết hợp số lượng lớn
- Khả năng kết hợp dựa vào ngôn ngữ và các câu chuyện thần thoại
Chính vì hai khả năng này, con người bắt buộc phải sống trong cộng đồng, như Aristoteles viết: “Khi một người tách ra khỏi thành bang (Xã hội), anh ta bị tách ra khỏi bản thể của mình, và không thể tìm được ý nghĩa cuộc đời, vì không thể phát triển khả năng ngôn ngữ. Người này hẳn phải là thú vật hoặc thần thánh."(Nicomachean ethics). Con người khác với các loài vật khác vì con người có tính cộng đồng, thành bang, và hợp tác dựa trên số lượng lớn, và khác hẳn với loài kiến hay ong, vì có ngôn ngữ và các câu chuyện thần thoại. Một lợi thế nhỏ ban đầu tạo nên một cách biệt khổng lồ về sau. Vì thế, theo Aristoteles, con người có nghĩa vụ phát triển cộng đồng loài người lớn mạnh, vì tự thân một con người nếu tách ra khỏi xã hội đó, sẽ mất đi ý nghĩa tồn tại.
Vậy tại sao không đòi quyền lợi cho các loài động vật nuôi lấy thịt cho bằng các loài vật nuôi?
Vì Cuộc cách mạng nông nghiệp. Chúng ta không biết được chắc chắn vì sao tổ tiên loài người không lựa chọn chó mèo hoang làm động vật lấy thịt, và ngược lại heo bò làm thú cưng. Có thể dễ dàng kiểm chứng ví dụ này bằng một nguyên mẫu thực tế ở Việt Nam: “Chú heo mọi thông minh”, khi một người phụ nữ nuôi một con heo mọi, không vì mục đích lấy thịt mà để nó chăm sóc đời sống tinh thần của gia đình.
Điều đó chứng minh con người tự gán cho các loài vật mục đích của chúng, dựa vào tính lợi ích con người có thể khai thác được. Có lẽ, tổ tiên của chúng ta chọn heo, bò làm vật lấy thịt vì chúng không quá to (như voi), mà sinh khối cũng vừa đủ, để có thể dễ dàng kiểm soát số lượng (Sapiens – Yuval Noah Harari).
Con người, hay nhân loại, xét về khía cạnh vĩ mô, vẫn là một giống loài trong nhiều giống loài, và cũng giống như loài ong hay loài kiến, chúng ta xây dựng một vị Chúa nằm trên tất cả chúng ta, đến mức chúng ta gởi gắm tất cả ý nghĩa cuộc đời vào đó. Xét đến đất nước Israel: tất cả động lực làm việc và mục đích quốc gia, không nhằm vào bất kì một người cụ thể nào, mà nhằm vào một "Nhà nước Israel", là một thực thể tưởng tượng do người dân Israel tự tạo ra. Tại sao lại là một thực thể tưởng tượng? Vì Israel không biết đau khổ. Xét đến loài kiến, mục đích của tất cả các con kiến, bao gồm kiến chúa, không tự thân ở bất kì con nào, mà nằm ở Tổ kiến, là một thực thể tưởng tượng tất cả các con kiến tạo ra, và nó chi phối tất cả ý nghĩa của mọi con kiến, từ việc xây nhà, cho đến đẻ trứng.
Vì vậy, khi bắt buộc phải lựa chọn một trong hai, giữa lợi ích con vật và lợi ích con người, ta phải chọn giống loài của chúng ta, vì ta được sinh ra để làm điều đó.
3. Tham nhũng
Sai lầm của phe ủng hộ ăn thịt động vật nuôi là việc cào bằng tất cả các tiêu chuẩn con người xếp cho động vật. Khi cho rằng cái gì cũng ăn được, tư tưởng này phủ nhận tính Văn minh của con người, khi làm xói mòn tư duy Tự do (Tự chủ - Tự trị) của chính con người.
“Tôi không có khả năng tự do lựa chọn, nên khi tôi ham muốn, tôi bị quyết tâm ngoại trị thúc đẩy.” (Phê phán lý tính thuần túy – Immanuel Kant).
Tư tưởng này “tham nhũng’ tính nhân văn, khi xem thường khả năng thuần hóa vật nuôi của con người, và xem con người thiếu văn minh, khi vẫn còn sống kiểu nguyên thủy, không có khả năng tự do lựa chọn thức ăn cho mình. Vậy, ăn thịt động vật nuôi không thể hiện một ý chí tự do, mà ngược lại nó xem thường bản thân con người khi cho rằng ta không kiểm soát được nhu cầu hoang dã như ăn uống, tình dục và bài tiết vô tổ chức.
Con người đã tiến một bước dài tới văn minh, khi không còn so sánh chuyện cơm ăn áo mặc, với các nhu cầu tinh thần khác, lớn hơn. Lấy ví dụ việc lột da cá sấu làm túi xách. Ẩn đằng sau các lập luận lên án tình trạng đó là luận điểm nó làm xói mòn các nhu cầu tinh thần và lòng tự tôn làm chủ Trái đất, làm chủ thiên nhiên của con người, phản ánh tính hung hăng giống loài, không một loài động vật nào có thể đứng trên con người trong cả chuỗi thức ăn, lẫn ý nghĩa tồn tại khi so sánh với vũ trụ được.
Thế nên, khi xét đến việc cụ thể có nên ăn thịt chó mèo, ta phải xét thêm cả việc nó làm xói mòn các phẩm chất đạo đức nào của loài người nói chung – là thứ văn minh thuộc Tinh thần – chứ không phải vì lợi ích, thứ mà có thể trượt vào Chủ nghĩa vị lợi (Utilitarianism), khi nó là phẳng một số phẩm chất không thể so sánh, và "tham nhũng " một số đức tính có lợi cho loài người.
4. Chủ nghĩa nhân văn
Với phe phản đối ăn thịt động vật nuôi, là việc không giải thích được tính Nhân văn của con người, khi cho rằng các loài vật cũng ngang bằng con người, và khi phải lựa chọn giữa loài vật và con người, ta nên tung đồng xu để lựa chọn giữa loài vật và gia đình.
Có thể dễ dàng kiểm chứng luận điểm này bằng một giả định cô lập các yếu tố ngoại cảnh (1) và các ví dụ thực tế (2):
(1) Giả sử khi con mèo nhà bạn và đồng thời đứa con độc nhất của bạn cùng rơi xuống nước, và chỉ có thể cứu một trong hai. Vậy, bạn sẽ lựa chọn bên nào? Bạn đâu có tung đồng xu để quyết định xem trong hoàn cảnh cấp bách như vậy, quyền con người và quyền con vật ngang bằng nhau, và nên bình đẳng trong các quyền đó.
(2) Ba ví dụ thực tế cho chuyện này là một vụ ở Việt Nam: một người chồng trong cơn hỏa hoạn hi sinh hai con chó để lái xe đưa gia đình thoát ra khỏi ngôi nhà đang cháy. Xét cả yếu tố nuôi lâu sinh tình cảm, ẩn đằng sau đó có lẽ là lòng tự hào thuần hóa được vật nuôi chứ không "xem nó như con" như nhiều người lập luận, dẫn chứng bằng một vụ nổi tiếng bên Mỹ: Vụ Travis, một con tinh tinh được nuôi 14 năm tấn công con người. Khi phải lựa chọn người bạn thân và một con tinh tinh mà bà Sandra Herold xem như người thân trong gia đình, bà đã lựa chọn con người. Vụ ăn thịt Richard Parker (đã được dựng thành phim “Life of Pi”). Ta giả định nếu trên tàu còn con vật nào ăn được (Như rùa, cá,..), thì hẳn các thủy thủ đã không khó khăn khi lựa chọn phải giết và ăn thịt một người.
Điều này làm lung lay luận điểm của phe ủng hộ quyền động vật, khi cho rằng trong mọi trường hợp, ta phải ủng hộ quyền động vật.
Người ta hay khoe gì về vật nuôi? Là khả năng con vật hiểu người, thể hiện một số khả năng thông minh, nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy một số loại động vật hoang dã như quạ, một số loài động vật nuôi lấy thịt như heo mọi, cũng thể hiện khả năng thông minh không kém.
Điều đó làm sáng tỏ tư tưởng này: Chủ nghĩa nhân văn, tôn vinh con người có lý trí và là trung tâm vũ trụ. Ẩn đằng sau quyền cho vật nuôi, thật ra chỉ là bảo vệ quyền con người, tránh làm xói mòn những phẩm chất con người gìn giữ qua bao nhiêu thế hệ đã được chứng minh là tốt cho giống loài (Tính văn minh). Ta tôn vinh khả năng thuần hóa, làm chủ các loài động vật khác, tức là tôn vinh chính con người, chứ không vì tự thân loài đó. Bảo vệ môi trường không vì tự thân môi trường, mà vì con người không thể sống trong một môi trường bẩn thỉu, có thể giết chết giống loài.
Kết luận
Nếu các luận điểm trên đủ thuyết phục, thì có một kết luận ngạc nhiên và đáng buồn, là ẩn đằng sau lý tưởng quyền động vật hay nảy sinh tình cảm trong thời gian nuôi, chúng ta không cao thượng hơn các giống loài khác. Ta làm tất cả, chỉ là để bảo vệ giống loài.
Vì vậy, thật đau lòng khi phải thừa nhận loài người làm mọi thứ vì tính nhân văn, để bảo vệ chính giống loài. Xét về điểm này, chúng ta cũng chẳng khác loài kiến, hay loài tôm là bao, khi chúng cũng đang bảo vệ chính giống loài của chúng. Chỉ khi thừa nhận con người cao trọng hơn mọi loài, ta mới có thể trả lời các câu hỏi hiện tại mà không mắc mứu với các lập luận kiểu nhân đạo tình cảm.
Động vật có quyền như một con người? Có lẽ loài người sẽ không cho chuyện đó xảy ra, cũng giống AI vượt qua bài kiểm tra Turning test, con người sẽ kiểm soát 1 phần quyền lợi và tác động của chính AI lên đời sống con người. Một cuộc tranh luận dữ dội đang diễn ra, không phải với con vật, mà với trí tuệ nhân tạo (AI). Nếu một trí tuệ nhân tạo vượt qua bài kiểm tra “Turing test”, liệu ta có cấp quyền cho nó và xem nó ngang bằng con người không? Một số người lo sợ ta sẽ tạo ra một vị Chúa AI làm chủ cả loài người, nên từ chối cấp quyền con người cho trí tuệ nhân tạo.
Có thể kiểm chứng giả thuyết này bằng game “Detroit: Become Human” (Quantic Dream) và quyển sách “Homo Deus" (Lược sử tương lai – Yuval Noah Harari).
Động vật cũng vậy. Không thể xét quyền của con vật nếu không tính đến các yếu tố lợi ích, cả về vật chất lẫn các giá trị vô hình có thể làm xói mòn tính người. Xin lưu ý: ta bảo vệ cái gọi là “Quyền của động vật”, không vì tự thân loài động vật đó, mà ta bảo vệ quyền động vật vì chính quyền lợi con người. Ta lên án nạn trộm chó không vì bản thân loài chó, mà vì nó "Tham nhũng" một phẩm chất của con người: khả năng thuần hóa loài động vật, tính văn minh khi không ăn mọi thứ có thể ăn.
Vậy, phải xem xét việc cho phép ăn thịt chó mèo như thế nào? Có lẽ không thể áp dụng nghĩa vụ luận kiểu Kant cho động vật được, vì động vật cũng như AI, không có mục đích tự thân. Chỉ con người mới có mục đích tự thân.
Loài người không ăn thịt vật nuôi, vì nó làm suy đồi đạo đức, đưa con người trượt ra khỏi văn minh, nhưng khi gặp tình huống cận kế cái chết và phải bảo vệ mạng sống, bản chất của con vật nuôi thay đổi, và con người phải tự cứu lấy mạng sống mình bằng cách hi sinh mạng sống của các giống loài khác.
Loài người ủng hộ giết mổ nhân đạo, vì các kiểu giết mổ man rợ được xem xét giống việc ném các tín đồ Cơ đốc cho sư tử trong thời cổ đại, vì nó làm xói mòn các đức tính công dân. Các nghiên cứu gần đây khẳng định một số loài vật cũng biết đau khổ. Và khi giết mổ không nhân đạo, ta làm xói mòn cảm giác đồng cảm với sự đau khổ. Nó có hại cho loài người, khi ta không thể bảo vệ giống loài của ta nếu như không hiểu được sự đau khổ.
Vậy, con người có cao thượng hơn các loài vật khác không? Nhường câu trả lời cho bạn đọc tự suy nghĩ. Cảm ơn vì bài viết khá dài.