Chiều tối hôm qua tôi ra cửa hàng tạp hóa gần nhà mua đồ. Thấy ông bác kia trạc bốn năm chục tuổi đang đứng mua một gói phồng tôm, bảo là mua về cho con. Chợt nhớ về ba tôi - người cũng hay mua phồng tôm cho tôi hồi tôi còn nhỏ.
Hồi tôi học cấp 1, cấp 2, ba hay mua đồ cho tôi lắm. Mua gói phồng tôm, cái bánh, cuốn vở, cây bút. Mỗi lần ngồi ở nhà nghe tiếng xe ba đi về là mừng hí hửng chạy ra mở cửa, hau háu trông xem ba có mua gì cho mình không. Hầu như khi nào cũng có. Cấp 2, ba đưa đón tôi mỗi ngày vì ba cũng dạy chung trường tôi học. Mỗi lần hai ba con đi về, ba có ghé vô tạp hóa mua gói thuốc hay gì đó, thì thường không quên hỏi tôi có mua chi không. Bim bim nè, gói kẹo nè, trái bòng nè. Vì thế nên giờ thấy ông bác kia mua đồ cho con chợt nhớ ba tôi quá chừng.
Mà nghĩ tiếp thì ở quê, mỗi lần đi mua đồ thấy người khác mua đồ cho con họ, chắc là ba tôi cũng nhớ tôi y chang vậy.
Ngoài những món ăn vặt thân thương, tôi còn nhớ nhiều về những khi ngồi phía sau xe máy để ba chở đi đến trường thi. Ngày xưa tôi thi nhiều, hở ra là đi thi. Cấp 1 thì đi thi học sinh giỏi huyện, thi toán, vở sạch chữ đẹp. Cấp hai thì đi thi xa hơn, đi thi ở tỉnh, năm lớp 9 ra tận Huế, năm lớp 10 thì thi chuyên toán ở Đà Nẵng. Đi thi gần thì ba chở xe máy cho đi, khi tôi thi thì ba ngồi cà phê ngoài cổng, chờ nghe trống hết giờ làm bài thì đón tôi về. Đi thi xa thì ba chỉ đưa tôi đến chỗ xe buýt – những lúc sáng sớm, những buổi chiều nắng – tôi cứ nhớ như in những lúc ba tiễn tôi lên xe, xe dần dần lăn bánh và ba đứng ngoài xe nhìn với theo mãi.
Càng ngày tôi càng lớn, ba phải tự mình dẫn tôi đi thi ở những thành phố lớn. Năm tôi lên lớp 10 ba tôi chở xe máy ra ngoài Đà Nẵng thi chuyên toán. Giữa thành phố xa lạ nắng nôi, ngồi sau xe ba, thấy tấm lưng đẫm mồ hôi mà thương ba vô cùng. Năm tôi thi đại học, ba dẫn tôi đi thi ở Quy Nhơn mấy ngày, ngày nào ba cũng than đi học đi thi chi xa, ba dẫn đi mệt, đồ ăn thức uống ba ăn không hợp. Rồi tôi đậu đại học đi học Sài Gòn ba cũng dẫn tôi vào tận đây, kiếm trọ sắm đồ đầy đủ rồi mới yên tâm đi về. Mà sau đó thì ba mới kể là lúc về ba cũng nóng sôi trong ruột không yên tâm nổi. Lần đầu con gái của ông đi xa thế mà.
—-
Có một bà mẹ đã nói thế này, “Cô luôn muốn bảo vệ con tôi từ lúc nó còn nhỏ cho đến khi nó lớn. Nhưng đến một ngày cô nhận ra là, có những điều cô không thể bảo vệ con mình khỏi được.”
Tôi xa gia đình, xa ba theo một quy luật tất yếu của cuộc sống. Không còn chỉ là những cuộc thi giống như ngày nhỏ. Tôi giờ phải sống và bận rộn với những mối bận tâm riêng mà ba tôi có khi không hiểu được, và tất nhiên không còn đồng hành với tôi được nữa. Càng lớn tôi càng đâm ra trái tính trái nết, có nhiều ước mơ và mong muốn kỳ cục. Tôi học cái trường ba tôi không thích. Rồi chuẩn bị đi làm ở cái ngành chẳng liên quan gì đến cái trường, mà cái ngành đó ba tôi cũng không thích nốt. Đứa con gái đi đâu cũng có ba theo ngày nào giờ đi đâu cũng muốn đi một mình, toàn thèm đi tới những chỗ lạ chưa qua bao giờ, mà lúc nào đi thì cũng chẳng thèm báo với ba một tiếng. Sự trưởng thành và thay đổi của những đứa con là điều sớm muộn gì ba mẹ nào cũng phải làm quen và chấp nhận. Ba tôi cũng phải như vậy.
Mỗi lần tôi về quê là lại nghe ba than, thậm chí đôi lúc ba còn tức mình mắng tôi vài câu, "Mi đi học chi mà xa bộ không nhớ nhà không nhớ ba mi hả?", "Mi đi học cái ngành chi mà vơ vơ không làm bác sĩ để sau này chăm lo sức khỏe cho ba. Ba già yếu ốm đau biết nhờ cậy ai đây?" Tôi thì chống chế, "Ba ơi con có năm đứa bạn học bác sĩ lận ba tha hồ mà nhờ." Nhưng mà thật ra trong bụng cũng có hơi buồn. Đời không phải chuyện gì cũng trọn vẹn mà như mình muốn.
Giận thì giận nhưng lần nào tôi về thì ba cũng thương yêu tôi hết mức. Tôi không còn thèm ăn đồ vặt như ngày xưa, và ba cũng bỏ cái thói quen mua như vậy rồi. Nhưng đi đâu việc gì cần thì ba cũng cho tiền, má tôi có phàn nàn chuyện gì thì ba cũng nói đỡ cho, bảo là con gái lớn rồi, nói chi nhiều. Rồi ba lại tiếp tục đèo xe máy chở tôi đi ra chỗ xe đò xe lửa, tiễn tôi đi tiếp những hành trình tiếp theo của cuộc đời. Mỗi lần rời đi ba lại đứng từ bên ngoài xe nhìn với theo, tôi biết chắc rằng ba cứ nhìn mãi cho đến khi tàu xe đi khuất rồi mới một mình quay xe về.
Dù Sài Gòn có bận rộn và vui tươi đến mấy thì tôi vẫn luôn muốn sau này được sống cạnh bên gia đình. Sẽ đến lúc ba cần tôi đi bên ba trong những chặng đường tuổi già. Không cần phải đi đâu xa xôi cũng chẳng phải đi thi thố gì như ba đi bên tôi hồi xưa. Chỉ là ngồi bên ba, xem thời sự, cùng đi bộ thể dục buổi sáng, hay là chở ba đi khám bệnh, đi chỗ nọ chỗ kia thăm họ hàng – những điều giản đơn như thế thôi.
Chuyện đó tưởng chừng dễ dàng và hiển nhiên quá, nhưng tôi biết rất nhiều người ngoài kia không làm được, và khi muốn làm thì đã không thể. Nhiều khi ở Sài Gòn, rất lâu tôi không nhớ đến ba vì mải chạy theo những ước muốn xa xôi của riêng mình. Nếu không nhờ gói phồng tôm ông bác hôm qua, kí ức về ba chắc không tràn về nhiều như thế, cảm xúc và ước mong chăm lo tuổi già cho ba cũng không hiện rõ ra như thế.