Trước khi tôi kể câu chuyện của mình, tôi muốn đính chính trước rằng tôi không phải là chuyên gia trong lĩnh vực giấc ngủ hay tâm lý học. Tôi chỉ là một người làm nghề viết sách, một người viết cặm cụi góp những kiến thức lẻ tẻ từ những nơi, những người quanh mình, cố sắp chúng thành một bức tranh có ý nghĩa với cuộc đời mình. Tôi luôn lý giải mọi thứ xung quanh dưới góc nhìn không-phải-chuyện-hiển-nhiên. Tôi đặt câu hỏi cho mọi thứ. Vì sao người đó lại xuất hiện ở nơi ấy, ngay lúc đó? Vì sao mọi dấu hiệu đều dường như đang cố nói với tôi rằng tôi đang bất ổn? Vì sao tôi cô đơn đến thế trên con đường trưởng thành này và những người đồng trang lứa đều lần lượt đi khỏi đời tôi? Cũng giống như thế, tôi cũng cố gắng lý giải những giấc mơ của mình.
Và nếu bạn cũng là một người giống tôi, thì tôi có thể khẳng định, tôi hiểu cảm giác của bạn hơn ai hết.
Những giấc mơ bắt đầu đến với tôi thường xuyên từ năm nhất đại học, đến nay đã gần 5 năm. Trước đây, tôi từng nghĩ rằng chỉ có mình tôi là mơ nhiều đến thế. Khi tôi kể chuyện này cho bạn bè, mọi người đều ngưỡng mộ tôi vì “Mơ tức là ngủ sâu, ngủ ngon đấy!”
Khi tôi kể chuyện này cho người nhà, không ai lấy làm quan tâm. Tôi biết người nhà yêu thương mình. Nếu tôi gọi điện và báo là tôi bị té xe, chắc ba mẹ tôi sẽ hoảng hốt đến mức không ngủ được. Nhưng mơ nhiều ư? Có phải vấn đề gì đâu nhỉ!
Nhưng những giấc mơ “hành” tôi khủng khiếp và ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi rất nhiều. 5 năm trở lại đây, kể từ giấc mơ đầu tiên, tôi chưa bao giờ ở trong trạng thái tỉnh-hoàn-toàn hoặc ngủ-hoàn-toàn, trừ khi tôi ngủ một mạch 12 tiếng. Bạn biết đó, không có nhiều cơ hội để một người trưởng thành sống ở đô thị có thể ngủ 12 tiếng. Vì thế tôi luôn đi học và đi làm trong tình trạng tỉnh 80%.
Tôi mơ “như điên”. Gần như ngày nào tôi cũng mơ. Cứ đặt lưng nằm xuống là mơ. Hồi còn học đại học, tôi gục mặt xuống bàn ngủ trong 20 phút giải lao, và tôi mơ thấy mình đang đi trên một cây cầu dài bất tận, hai bên là sương mù, và không biết bên dưới là gì. Tôi cảm tưởng như mình đã đi trên cây cầu đó rất lâu, rất lâu, rất lâu, cho đến khi một bàn tay chụp lấy vai tôi từ đằng sau và tôi choàng tỉnh. Chỉ mới 20 phút trôi qua, và tôi thì như vừa xuyên không đi đâu đó trong mấy tiếng đồng hồ.
Tôi đã đi khám, một lần 250.000 đồng, chị tôi dẫn tôi đi. Tôi chờ 2 tiếng, vào phòng khám 30 phút, ngủ một giấc, tỉnh dậy, được chẩn đoán là “Rối loạn giấc ngủ”, xếp loại nhẹ. Tôi bước ra khỏi phòng với một đơn thuốc đắt tiền. Nhưng bạn biết không? Chẳng ăn thua. Tôi đúng là đã ngủ sâu hơn, nhưng tôi vẫn mơ, thậm chí giấc mơ càng lúc càng trở nên rõ nét.
Dần dần, tôi không nghĩ đó là mơ nữa. Tôi bắt đầu coi đó là sự giao tiếp. Giống như ai đó đã bước ra bốt điện thoại công cộng, gọi cho tôi mỗi đêm. Tôi không thể biết đầu dây bên kia là ai. Là tiềm thức của tôi ư? Là vũ trụ ư? Là Đấng toàn năng ư? Tôi không biết. Tôi chỉ biết rất rõ rằng những giấc mơ đó đã tường thuật lại một cách vô cùng rõ nét những nỗi khiếp sợ của tôi mà bình thường tôi coi nhẹ chúng. Tôi đã không nhận ra mình sợ những thứ đó đến thế cho đến khi đối diện với nó trong giấc ngủ của mình.
Có lần, tôi mơ thấy tôi ngồi trong lớp cấp Ba, cô giáo phát bài kiểm tra 90 phút môn Văn. Tôi là học sinh chuyên Văn, có thể nói môn Văn là môn mà tôi tự tin nhất từ nhỏ tới lớn. Tôi chép đề. Sai một chữ. Tôi bỏ cả tờ giấy. Chép lại. Đang chép thì lại sai thêm một chữ. Tôi lại bỏ cả tờ giấy. Chép lại. Cứ thế, 45 phút trôi qua, tôi còn chưa chép xong đề, trong khi bạn bè trong lớp đã xin tờ giấy thứ hai rồi. Tôi hoảng loạn. Hoảng loạn còn hơn cả giấc mơ mà tôi bước trên một cây cầu mảnh khảnh và không thấy gì bên dưới. Tự tôi, tức là bản thân tôi trong giấc mơ, cũng không hiểu tại sao mình hoảng loạn đến vậy.
Tôi tỉnh dậy, giấc mơ còn rõ nét, và cảm giác sợ hãi vẫn còn đó. Tôi nhận ra, tôi quá tham lam. Tôi mong mọi thứ mình làm phải hoàn hảo, và một xuất phát điểm không như ý rất dễ khiến tôi buông xuôi trong những giai đoạn tiếp theo. Tại sao phải cầu toàn đến thế? Tại sao phải sợ sai đến thế? Tôi vừa sợ mình làm sai, lại vừa muốn là người đầu tiên xin thêm giấy. Đó là lý do tâm tôi không bao giờ yên. Tôi không bao giờ chú tâm làm bất cứ việc gì, cứ ngoảnh nhìn xung quanh xem có ai đã vượt mặt tôi chưa. Tôi làm sai, tôi hoảng loạn. Họ vượt mặt, tôi cũng hoảng loạn. Đây là nỗi sợ mà bình thường tôi chưa bao giờ dám thừa nhận với chính mình. Thế là ai đó đã nói: “Ok, không thừa nhận chứ gì? Vậy thì tui sẽ cho bồ thấy trong giấc mơ, rõ-hơn-bao-giờ-hết”.
Không được lắng nghe cũng là một nỗi sợ của tôi. Tôi đã không thể biết rằng mình sợ tiếng nói của bản thân không được lắng nghe đến thế cho đến mãi gần đây. Ý tôi là, bình thường, tôi luôn tỏ vẻ dửng dưng trước hành động của người khác. Tôi luôn làm ra vẻ không cần sự nổi tiếng. Nhưng sâu trong mình, tôi sợ đến chết đi được cảm giác ai đó chen lời khi tôi đang nói, ai đó nhìn đi nơi khác khi tôi đang bộc lộ chân thành lòng mình.
Cách đây vài tuần, tôi có một giấc mơ, và lại là bối cảnh lớp học. Cô giáo chủ nhiệm là một người thô lỗ, và cả lớp không ai thích cô. Sau khi cô đưa ra những lý do không thuyết phục để trừng phạt cả lớp, cô hỏi: “Vậy, có bạn nào có ý kiến gì không?” Tôi nhìn quanh, không ai giơ tay. Tôi giơ tay. Tôi bước lên bục. Khoảnh khắc tôi định nói ra những uất ức của mình (cũng như của cả lớp), không một ai lắng nghe tôi. Mọi người quay mặt đi, đùa giỡn với nhau. Tôi nhớ rất rõ mình cầm micro trong tay, và tôi khẳng định là mình đã hét rất to. Nhưng giọng nói của tôi không vang lên. Tôi chỉ nghe thấy tiếng ồn và tiếng cười đùa. Tôi sợ chết khiếp. Tại sao chứ? Tại sao không ai nghe tôi dù tôi đang nói lên tiếng lòng của họ? Tôi đang giúp họ cơ mà? Tôi tỉnh dậy, và nhận ra đã đến lúc mình cần đối diện với nỗi sợ này. Tôi nhận ra mình đã để nỗi sợ đó thâu tóm từ rất lâu rồi. Tôi kiệm lời trong những cuộc tranh luận. Né tránh xung đột. Cấp Ba, tôi lên sân khấu làm MC. Đèn dưới khán đài tắt, tôi cắm đầu nhìn vào kịch bản và đọc. Đèn sáng, tôi lắp ba lắp bắp. Tôi không dám nhìn khán giả của mình, vì tôi sợ nhìn thấy ai đó ngoảnh đầu đi nơi khác khi tôi đang cố giao lưu với họ.
Vài tháng trước, tôi cố uống thuốc bác sĩ cho để chấm dứt những cơn mơ. Nhưng thông điệp đến với tôi càng ngày càng rõ. Những giấc mơ không còn chỉ để lại trong tôi hình ảnh, âm thanh mà còn đọng lại trong tôi cảm xúc vô cùng rõ nét. Tôi không còn coi nó như mối phiền toái. Tôi bắt đầu nhìn nhận những giấc mơ như những món quà. Khi tôi nhìn thấy những nỗi sợ đó, tôi biết đã đến lúc mình phải giải quyết những điều này trong cuộc sống.
Ai đó đang gọi cho tôi, và bây giờ, thay vì né tránh, tôi chấp nhận bắt máy.