Sự thoái bỏ nhị giới của thời trang | Vietcetera
Billboard banner

Sự thoái bỏ nhị giới của thời trang

Khái niệm non-binary trở thành chủ đề trọng tâm của những câu chuyện về bản dạng giới và cách xã hội đón nhận nó.
Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Tháng 5 vừa rồi, Demi Lovato là ngôi sao mới nhất “come out” là người phi nhị giới (non-binary). Điều này một lần nữa đưa khái niệm non-binary trở thành chủ đề trọng tâm của những câu chuyện về bản dạng giới và cách xã hội đón nhận nó.

Bỏ qua những tranh cãi về đồng giới, dị giới, mơ hồ giới, hãy nói về cách thời trang phản ánh sự thay đổi trong cách nhìn nhận về giới. Và ngược lại, người dùng cũng đang sử dụng thời trang để thể hiện trải nghiệm và cái tôi của mình. Những gì họ mặc lên người không đơn giản là phong cách cá nhân (style), đó còn là cái tôi (identity) của mỗi người.

Phi nhị giới (non-binary) là một danh từ nhằm để mô tả những người vượt lên hay tách biệt khỏi sự phân loại về giới truyền thống, bất kể bản dạng giới của họ là gì. Những cá nhân thể hiện sự vượt ra khỏi quy chuẩn về giới bằng cách không tuân theo những hạng mục của đàn ông hay phụ nữ. Họ thường muốn được gọi là “they” chứ không theo nhân xưng he/she (anh ấy/cô ấy).

Thực ra quần áo không có giới tính

Về bản chất, thời trang, quần áo là vải vóc. Vải vóc thì không có giới tính. Chính chúng ta, con người, nghĩ ra luật lệ để chia rõ loại vải vóc nào được dành cho đàn ông, và loại nào dành cho đàn bà. Nhưng chính những luật lệ này cũng chỉ có tính ước lệ, vì nếu nhìn vào lịch sử thế giới thì hầu hết thời gian, đàn ông và đàn bà, tính nam và tính nữ đều mặc những loại quần áo khá giống nhau.

Thời kỳ đồ đá, ai mặc cái gì đều phụ thuộc vào hình dạng miếng da thú họ săn được, chứ không chia ra đàn ông mặc một loại khác (Cut My Cote). Đến thời La mã cổ đại, trang phục được tạo ra bằng khung cửi, vì vậy đàn ông hay đàn bà đều quấn quanh người một miếng vải lớn. Dần dần người ta mới nghĩ ra việc khoét lỗ lên miếng vải này để trùm lên người dễ hơn, tạo thành một chiếc áo đầm dài (tunic).

Thời Trung Cổ ở Châu Âu, hầu hết mọi người vẫn mặc bộ đầm này. Đàn bà thì mặc đầm dài đến cổ chân, đàn ông thì quá đầu gối. Ai giàu có hơn thì mặc đầm nhung, lụa, ai nghèo hèn thì may đầm từ len cừu, hoặc vải linen. Đến khoảng thế kỷ 15-16, một loại phụ kiện thời trang tên là codpiece ra đời với mục đích che chắn, bảo vệ cho khu vực nhạy cảm của đàn ông và trở thành một biểu tượng của nam tính. Ai mang codpiece càng to và đẹp thì càng thể hiện sự đàn ông, giàu có, quyền lực của mình.

Đến thời đại Victoria thì trang phục của đàn ông và đàn bà mới trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên, đàn ông vẫn có thể mặc váy, đội tóc giả, trang điểm cầu kỳ. Thực chất, cứ người đàn ông nào càng ăn mặc cầu kỳ, hoa hoè hoa sói, màu mè đỏm dáng lại càng chứng tỏ họ có tiền và quyền lực (Victoria & Albert Museum).

Cuối cùng, cuộc Cách mạng Công nghiệp ở Châu Âu đã chia rõ hơn về giới tính của trang phục. Đàn ông mặc đồ suit, đàn bà mặc váy (Academia). Đàn ông, giới tính được coi là nghiêm túc, trưởng thành, có đầu óc thì cần mặc quần, mặc suit để làm việc. Đàn bà chỉ cần xinh đẹp, nông cạn và đỏm dáng, thì nên mặc váy cho lành.

Và với chủ nghĩa thực dân của Châu Âu lan ra khắp thế giới, sự thay đổi này trở nên toàn cầu. Đàn ông ở Nhật Bản bắt đầu mặc suit đi làm và chỉ mặc kimono khi ở nhà. Ở Indonesia và các khu vực Nam Á, váy quấn sarong vốn dành cho cả đàn ông và đàn bà cũng bị thay thế bởi Tây phục.

Đến những năm đầu thế kỷ 20 thì sự chia cắt về giới tính trong trang phục còn thể hiện rõ hơn qua màu sắc: bé trai thì phải mặc màu xanh, bé gái thì mặc màu hồng.

Sự trỗi dậy của phong trào nữ quyền và LGBTQ+

Mọi chuyện tưởng chừng cứ thế êm ả trôi đi cho đến những năm 1970, khi phòng trào đòi quyền lợi cho phái nữ, cho người đồng tính trở nên thực sự mạnh mẽ, kéo theo đó là sự chống cự lại vai trò của từng giới (gender roles.) Và tất nhiên là kéo theo câu hỏi về thời trang: tại sao phải chia những gì chúng ta mặc lên người là nữ tính hay nam tính, khi mà chính giới tính của con người không hề đi theo quy chuẩn nhị giới?

Thời trang của những thập kỷ này cũng thể hiện phong trào đòi quyền bình đằng của thời đại. Những xu hướng thời trang khiêu khích phản ánh làn sóng chính trị giới tính (gender politics) và cuộc cách mạng tình dục trở nên phổ biến hơn. Trong thời đại mà những định kiến về giới được đặt ra và xóa bỏ, và khi các phong trào đấu tranh cho nữ quyền và đồng tính có tiếng nói, các nhà thiết kế từ Paris đến Hollywood đã vẽ ra một thế giới thời trang rất… 'gay'. Xu hướng unisex được bình thường hoá. Phụ nữ mặc quần dài đi làm. Cả đàn ông lẫn đàn bà đều thích để tóc dài, quần loe, màu sắc và hoa văn sặc sỡ. David Bowie, Madonna, Boy George, Prince,… trở thành biểu tượng thời trang bình đẳng và phi giới tính.

Tất cả đều thật rực rỡ và phóng túng cho đến giữa những năm 1980 khi phong trào Unisex dần bị bỏ rơi và thời trang trở về với chiếc váy quấn đầy nữ tính của Diane von Furstenberg và những cô người mẫu Victoria Secret nóng bỏng.

Sự thoái bỏ nhị giới trong thời trang

Thực ra, luôn có những thương hiệu thời trang trung thành với phong cách phi giới tính, ví dụ như Comme des Garçons, Rick Owens hay Yohji Yamamoto. Đọc đến đây, nếu bạn lo sợ thời trang tương lai sẽ lấy màu đen làm chủ đạo và theo xu hướng lấy vải quấn lên người như thời Trung cổ, thì bạn đừng lo. Phong cách phi giới tính (gender-neutral, androgynous) phá bỏ quy chuẩn của thời trang thông qua những thiết kế có phần phóng khoáng, có phần đơn điệu, không có đường cắt ôm sát cơ thể, nhằm vượt lên sự “tầm thường” của váy, áo, quần. Còn phong cách giới tính linh hoạt (gender-fluid) thì muốn phá bỏ mối liên hệ quy chuẩn như đàn ông thì phải mặc quần, phụ nữ thì phải mặc váy (Vogue). Giờ thì đàn ông mặc váy cũng có làm sao, còn phụ nữ mặc suit thì đâu chết ai? Đó chính là sự thoái bỏ nhị giới mà tôi muốn nói đến.

Cách giới thời trang trở nên ngày một ám ảnh hơn với sự thoái bỏ khuôn khổ nhị giới những năm trở lại đây có vẻ thực dụng và gắn với chính trị nhiều hơn. Khi càng nhiều người “come out” với bản dạng giới của họ và chia sẻ trải nghiệm trải nghiệm phi nhị giới một cách công khai trên mạng xã hội, thì từ thảm đỏ Hollywood cho đến sàn diễn thời trang, chúng ta cũng nhìn thấy những thiết kế bẻ cong giới tính (gender-bending).

Năm 2016, NTK Alessandro Michele của Gucci thông báo Gucci sẽ không còn trình diễn bộ sưu tập riêng dành cho nam và nữ nữa, mà sẽ kết hợp chúng thành cùng một bộ sưu tập (Gucci cũng không còn show theo mùa nữa mà giờ có lịch ra mắt BST mới riêng. Có hứng lúc nào thì ra lúc đó thôi. Sau đó lần lượt là Balenciaga, Salvatore Ferragamo, Vetements, Burberry, Calvin Klein, Michael Kors, Coach 1941, Kenzo, Givenchy, Saint Laurent, Dsquared2, Etro, Vivienne Westwood, và Bottega Venet. Gucci giờ tràn ngập những thiết kế áo sơ mi gắn nơ và hoa cho người mẫu nam mặc, còn Prada cho ra mắt bộ sưu tập cả hai giới có thể diện trong năm 2019.

Quá trình thoái bỏ nhị giới còn vươn xa khỏi những sàn diễn và tuần lễ thời trang. Năm 2016, Jayden Smith lên trang nhất tất cả các tờ báo vì mặc váy của Louis Vuitton lên thảm đỏ. Năm 2020, Harry Styles trở thành người đàn ông đầu tiên mặc váy lên bìa Vogue và trở thành trung tâm của một cuộc tranh cãi nảy lửa về cái gì gọi là nam tính hay nữ tính (nói thêm là anh Harry cậy đẹp trai nên cũng vô cùng thường xuyên mặc áo ren, đeo nhẫn, đeo khuyên tai, xách ví, đánh móng tay ra đường.) Năm 2017, Vogue Pháp lần đầu tiên đưa một phụ nữ chuyển giới lên trang bìa trong lịch sử 97 năm của mình.

Cái khác biệt của phong trào giới tính linh hoạt trong thời trang những năm gần đây là: nó không còn gào thét đòi quyền bình đẳng giới hay cách mạng tình dục như những năm 70 nữa. Nó công nhận rất rõ ràng rằng giới tính là có thật, nhưng không còn chia ra chỉ giới nam và giới nữ. Thời trang nên chấp nhận rằng mỗi cá nhân sẽ có định nghĩa riêng cho bản dạng giới của mình và ai cũng xinh đẹp, sáng tạo, tuyệt vời và độc đáo cả.

Sự vận động này của thời trang không chỉ dừng lại ở việc kết hợp bộ sưu tập nam và nữ, hay ai mặc váy đi ra đường.

Điều này có nghĩa là sàn diễn thời trang sẽ có nhiều hơn những người mẫu chuyển giới, phi giới tính để mặc những thiết kế dành cho họ. Điều này có nghĩa là cơ hội dành cho những nhà thiết kế phi nhị giới sẽ mở rộng hơn. Điều này có nghĩa là trong những nhà may, xưởng thiết kế, họ sẽ phải thay đổi hình dáng cơ thể của ma nơ canh để có thể lên dáng một chiếc váy phù hợp với người chuyển giới. Điều này có nghĩa là những website bán đồ thời trang không thể chỉ đưa ra category dành cho nam và nữ được nữa. Điều này có nghĩa là trong những trung tâm thương mại sẽ cần có khu shopping và thay đồ phù hợp khách hàng phi nhị giới. Điều này có nghĩa là không còn đủ khi các thương hiệu ra mắt một vài thiết kế màu mè và nói, yes, tôi ủng hộ người đồng tính/chuyển giới/phi giới tính. Họ sẽ còn phải đưa đến những chiến dịch quảng bá, hoạt động CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp), và chiến lược tuyển dụng phù hợp với thời đại.

Và có thể điều này cũng hướng tới 'degendering' thời trang: 100% mẫu thiết kế sẽ không còn được chia ra theo giới nữa.

Câu hỏi còn lại được đặt ra là: liệu đây có là một xu hướng, hay là một giai đoạn thực sự chuyển mình và bình thường hoá cho phi nhị giới? Liệu việc đàn ông mặc váy và phụ nữ chuyển giới làm người mẫu có còn lên báo nữa không? Liệu 5 năm nữa chúng ta sẽ trở lại chiếc váy cuốn của Diane von Furstenberg hay chuyển sang cuốn vải ra đường?

Chẳng ai biết được, nhưng dù sao đi nữa, tôi mong cái cảm giác tự do tự tại này sẽ còn tiếp tục trong thời trang.