Gender non-binary, gender non-conforming và genderqueer có gì khác nhau? | Vietcetera
Billboard banner

Gender non-binary, gender non-conforming và genderqueer có gì khác nhau?

Phân biệt gender non-binary, non-conforming và queer trong các bản dạng giới, trong một thế giới nhị phân giới không còn là duy nhất nữa
Gender non-binary, gender non-conforming và genderqueer có gì khác nhau?

Gender non-binary, gender non-conforming và genderqueer có gì khác nhau?

Hệ nhị nguyên giới (gender binary) cho rằng chỉ tồn tại hai giới, nhưng khi chúng ta dần nhận thức được rằng giới tính chỉ là một kiến tạo xã hội (social construct), quang phổ giới (gender spectrum) mở rộng sự hiểu biết về một thế giới nơi bản dạng giới không bị kìm kẹp.

Tuy nhiên, nếu đi sâu vào tìm hiểu, chúng ta sẽ bối rối với một số khái niệm khá tương đồng như gender non-binary, gender non-conforming và genderqueer. Vậy làm thế nào để phân biệt và sử dụng những từ này cho đúng?

Gender non-conforming: Không theo tiêu chuẩn giới

Laacute cờ được thiết kế bởi Leslie Krause năm 2015
Lá cờ được thiết kế bởi Leslie Krause năm 2015.

Đây là thuật ngữ mô tả những người không tuân theo khuôn mẫu thể hiện giới (gender expression) như giới tính của họ khi sinh ra. Chẳng hạn, một người có giới tính khi sinh là nam nhưng thích may vá, trang điểm; một người có giới tính khi sinh là nữ nhưng thích mặc suit.

Ngoài ra, gender non-conforming còn được dùng để chỉ một người có xu hướng đi ngược lại vai trò giới (gender role) được hình thành từ lâu đời, bởi một số vai trò giới mang tính áp bức và độc hại. Chẳng hạn, người nam với tính cách nhẹ nhàng, từ ái không được phép thể hiện ra ngoài vì bị xem là “quá nữ tính, nhu nhược", còn người nữ nếu quá mạnh mẽ, hoặc thích ăn mặc như nam giới thì bị chê trách là “thiếu nữ tính".

Gender non-binary: Phi nhị nguyên giới

Laacute cờ được thiết kế bởi Kye Rowan năm 2014 với mong muốn đi kegravem với laacute cờ Genderqueer của Roxie
Lá cờ được thiết kế bởi Kye Rowan năm 2014, với mong muốn đi kèm với lá cờ Genderqueer của Roxie.

Hệ phi nhị nguyên (non-binary) dùng để chỉ một hệ thống mà ở đó các sự vật và cá thể không bị giới hạn bởi hai cực. Theo đó, “gender non-binary” — hệ phi nhị nguyên giới nói về cách một người nhìn nhận và thể hiện giới của mình không theo tiêu chuẩn về nam lẫn nữ.

Giới tính có thể nằm ở một điểm bất kỳ, có thể giữ nguyên nhưng cũng có thể thay đổi dựa theo thời gian, chứ không chỉ nằm ở hai cực hoặc nam, hoặc nữ.

Genderqueer

Laacute cờ được thiết kế bởi Marilyn Roxie năm 2011
Lá cờ được thiết kế bởi Marilyn Roxie năm 2011.

Từ "queer" vốn mang nghĩa lạ, kì dị. Ban đầu, từ này bị truyền thông sử dụng với ý nghĩa kỳ thị cộng đồng LGBT+. Về sau, cũng với từ ngữ bị gán vào ý khinh miệt ấy, những người trong cộng đồng đã truyền cho nó niềm tự hào, đưa nó về lại ý nghĩa trung lập hơn, đại diện cho một cộng đồng dám đứng lên chống lại những quy chuẩn áp đặt.

Hiện nay, genderqueer là từ bao quát, chỉ chung cho những nhóm thiểu số về tính dục và giới. Một người genderqueer, hay queer, là bất kỳ ai cảm thấy mình nằm ngoài hệ nhị nguyên, hoặc đâu đó ở giữa, hoặc đơn giản là họ không thích dùng những nhãn định danh phức tạp khác.

Vậy các từ này có giống nhau không?

Mặc dù định nghĩa nghe tương đối giống nhau, giữa các khái niệm này vẫn có điểm khác biệt. Chẳng hạn gender non-conforming chỉ mô tả cách một người thể hiện giới, còn gender non-binary có thể dùng để mô tả cách một người định danh về giới lẫn cách thể hiện giới.

Từ các định nghĩa trên, ba từ này có thể được dùng thay phiên nhau, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Nhiều người dùng chung một từ để miêu tả bản thân, nhưng chưa hẳn họ đã có trải nghiệm giống hệt nhau. Lou Himes, tiến sĩ tâm lý học và nhà tâm lý học lâm sàng ở New York cho biết: “Những thuật ngữ này đều đến từ những trải nghiệm cá nhân.”

Ví dụ, không phải tất cả người non-conforming đều là người chuyển giới (transgender). Ngược lại, không phải tất cả những người chuyển giới đều là gender non-conforming.

Gender non-conforming có thể dùng cho cả những người non-binary và người hợp giới (cisgender – bản dạng giới giống với giới tính khi sinh ra). Ví dụ, một người người nam hợp giới thích mặc váy hoặc trang điểm, hay một người nữ hợp giới thích mặc suit đều có thể chọn từ này để mô tả mình.

Tương tự, không phải cá nhân genderqueer nào cũng là người chuyển giới (trans) hoặc non-binary. Nhiều người genderqueer có thể là những người hợp giới muốn chọn dùng từ này để miêu tả bản thân.

Vì thế, một người có thể đồng thời phù hợp với cả ba khái niệm, hoặc chỉ hai, hoặc chỉ một khái niệm.

Làm thế nào để áp dụng những từ này cho đúng?

Bởi tính cá nhân nên mỗi người có thể diễn giải một từ theo cách hiểu của mình và thể hiện bản thân bằng từ phù hợp với mình nhất.

Trong hầu hết các trường hợp, những người sử dụng các từ này sẽ nói cho bạn biết họ muốn được gọi như thế nào. Đừng cố gắng áp đặt một thuật ngữ lên một người, trừ khi bạn biết chắc chắn họ sẽ sử dụng từ đó.

Để tránh gây xúc phạm, hãy lịch sự hỏi cách mà họ muốn được gọi và cố gắng ghi nhớ. Một cách hữu ích có thể được áp dụng là hỏi đại từ nhân xưng giới (gender pronouns) của người đó.

Hình ảnh trong bài được thực hiện bởi Trà Nhữ.