Có một thời gian dài làm việc với trẻ em, tôi luôn bị ấn tượng bởi bọn trẻ. Dựa trên quan sát của mình, tôi tin rằng trẻ em là nguyên bản thuần túy nhất của con người. Khi chúng ta lớn lên, do ảnh hưởng của môi trường xung quanh và sự phức tạp của các mối quan hệ, người lớn phát triển nhiều hơn kiến thức xã hội, nhưng chúng ta lại mất đi nhiều những đặc tính đáng quý của trẻ nhỏ.
Về mặt cơ thể, trẻ em là một cỗ máy mới tính, không bị già cỗi như bộ máy cơ thể người lớn. Tôi hay liên tưởng trẻ em như một thiết bị điện tử mới được "đập hôp", trong khi người lớn sử dụng cơ thể chúng ta dần trở nên cũ kĩ và hay hỏng hóc. Càng lớn chúng ta dễ hình thành các bệnh nền do lối sống, thói quen sinh hoạt, căng thẳng,... Dịch Covid là một ví dụ, khi chúng tấn công cơ thể con người bằng cách làm suy yếu hệ miễn dịch và tạo điều kiện cho các bệnh nền phát tác (tương tự như cách hoạt động của bệnh tiểu đường và AIDS), trẻ em ít bị ảnh hưởng và xác suất tử vong thấp hơn người lớn nhiều lần.
Trẻ em có một sức hấp thụ kiến thức đáng kinh ngạc, như một tờ giấy trắng thấm mực. Thông qua các giác quan của mình, trẻ tiếp nhận thông tin và hình thành các kiến thức cơ bản về môi trường xung quanh. Trong quá trình đó, trẻ cũng có một sự tập trung cao độ; trong khi đó người lớn thường bị xao nhãng bởi các tác động môi trường. Điều này làm tôi gợi nhớ đến khái niệm Deep Work (Làm Sâu), khi con người đạt hiệu quả công việc và tiếp thu kiến thức cao nhất khi chúng ta tập trung. Đó là một kỹ năng chúng ta đã có từ nhỏ, tuy nhiên dần mất đi khi chúng ta lớn lên.
Trẻ em có sự tò mò tìm hiểu thế giới xung quanh, và ít có sự sợ hãi. Trong quá trình trưởng thành, chúng ta vấp ngã và sinh ra những nỗi sợ hãi; đồng thời dần mất đi sự tò mò vốn có khi tiếp nhận đủ tri thức. Đôi khi, đến một mức tri thức nhất định, người lớn dễ trở nên tự phụ và cho rằng ta đã biết đủ. Rất ít người lớn có thể thoát ra khỏi cái bẫy tri thức này, nhận ra những điều chúng ta chưa biết còn nhiều hơn cái đã biết, hoặc tự đặt ra câu hỏi liệu những gì chúng ta đã biết có đúng không. Hoài nghi này sẽ dẫn người lớn đến quá trình unlearn (xóa học) những gì đã biết để mở lòng tiếp nhận kiến thức mới. Giống như câu nói nổi tiếng "Cần phải đánh mất bản thân để tìm lại bản thân." Tôi nhận thấy người lớn nên học hỏi từ những đứa trẻ, chúng luôn háo hức tiếp xúc với mọi thứ xung quanh.
Trẻ em không có định kiến. Người lớn ngỡ ngàng và khâm phục khi những đứa trẻ khác màu da, khác nền tảng gia đình, có thể chơi với nhau vui vẻ, tự nhiên, và giúp nhau cùng tiến bộ. Xã hội ngày nay đã chứng kiến nhiều sự chia rẽ sắc tộc, giai cấp; điều đó người lớn được thừa hưởng trong quá trình trưởng thành từ những thế hệ lớn hơn. Chúng ta trở nên nhỏ nhen, ích kỷ; sự thù hận dẫn đến chiến tranh và xung đột. Ở trẻ, đó là tính người thuần chất nhất; và người lớn chúng ta cần phải học hỏi từ trẻ về điều đó. Bà Maria Montessori tin rằng những đứa trẻ chính là hy vọng của hòa bình mai sau, và một nền giáo dục đúng là điều kiện cần để đạt đến mục tiêu đó.
Mỗi đứa trẻ sẽ trưởng thành trở thành một người lớn, và mỗi người lớn đều đã từng là một đứa trẻ. Ngay cả khi chúng ta trưởng thành, chúng ta vẫn có trong chúng ta một đứa trẻ. Những khoảng khắc minh định (enlightenment), giật mình nhận ra, giúp chúng ta đi sâu vào bên trong và tìm lại, đánh thức đứa trẻ trong chính bản thân.
Người ta thường nói người lớn chịu trách nhiệm dạy dỗ một đứa trẻ nên người. Tuy nhiên, nhìn theo chiều ngược lại, người lớn có thể học hỏi nhiều từ những đứa trẻ.
Và một điều nực cười và trái ngang, đó chính là "Vòng Xoay Cuộc Đời" (Circle of Life). Trẻ em được sinh ra, và lớn lên trở thành người lớn. Người lớn trải qua nhiều mùa trong cuộc đời, và khi chúng ta già cỗi, cơ thể chúng ta già yếu; chúng ta lại trở về những đặc tính của một đứa trẻ. Tôi nhớ bộ phim "Cuộc đời của Benjamin Button" (The Curious Case of Benjamin Button), khi Benjamin sinh ra là một ông già và lớn lên rồi mất đi như là một đứa trẻ. Điều đó như một minh chứng của một Vòng xoay cuộc đời.
Người lớn và trẻ nhỏ là điểm cuối và điểm đầu của một cuộc đời, dù chúng ta đi hướng nào cũng trở về điểm xuất phát của mình. Chả trách người ta hay nói người già hành xử như trẻ con, yếu đuối và hay hờn dỗi.