Tại sao giới trẻ lại ghét nhạc cổ điển? | Vietcetera
Billboard banner
25 Thg 05, 2021
Sáng TạoÂm Nhạc

Tại sao giới trẻ lại ghét nhạc cổ điển?

Hẳn ai cũng đã quá quen thuộc khi tiếng nhạc nền không lời trong "Harry Potter" vang lên. Nhưng bạn đã bao giờ thử tìm tên bài và mở cả bài để nghe không?
Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Bài viết này được chuyển ngữ từ phần trả lời của Ethan Hein trên Quora.


Khi nói đến 'người trẻ', ý bạn là con nít lên ba, nhi đồng, vị thành niên, hay thanh niên 20? Câu trả lời cho mỗi nhóm tuổi này sẽ khác nhau, và sự khác biệt đó cho ta biết nhiều thứ.

Trẻ lên ba yêu nhạc cổ điển. Khi con trai tôi được ba tuổi, thằng bé mê tít bản Giao hưởng số 5 của Beethoven. Thẳng nhỏ xem rất nhiều video trình diễn trên YouTube, rồi giả điệu bộ đang chỉ huy dàn nhạc, và còn nhận biết được hết mấy nhạc cụ dùng trong dàn nhạc nữa. Sau Halloween năm trước, thằng bé bỗng hứng thú với loại nhạc ‘ma quỷ’, nên tôi mở bài Toccata and Fugue in D minor của Bach cho cu cậu nghe, và cu cậu cũng rất thích – thằng bé còn khăng khăng bắt tôi phải viết lời theo phong cách Halloween cho bài đó. Con tôi cũng nghe Night On Bald Mountain trong phim hoạt hình ngắn “Fantasia”, và dĩ nhiên là phim “Peter And The Wolf” của Disney cũng nằm trong danh sách yêu thích của thằng bé. Vợ chồng tôi cổ vũ chứ không hề thúc ép sự yêu thích này; niềm đam mê nhạc cổ điển hoàn toàn xuất phát từ chính bản thân con tôi. Và thằng bé không phải là một trường hợp ngoại lệ nào hết; mọi đứa trẻ mà tôi biết đều bị nhạc cổ điển hớp hồn, dù sau này chúng không có nhiều cơ hội để khám phá thêm về thứ âm nhạc này.

Những đứa trẻ lớn hơn quan tâm đến nhạc cổ điển không phải vì bản thân chúng thật sự thích, mà vì chúng được tiếp xúc với nền văn hoá rộng mở, với các phương tiện truyền thông đại chúng. Chính thế nên những bản nhạc cổ điển đã trở nên quá quen thuộc, chủ yếu là từ phim ảnh. Những đứa bé lớp 5 điển hình có thể không biết đến tên tuổi của Debussy hay Wagner, nhưng chắc chắn chúng không hề xa lạ với những bản nhạc đậm chất trường phái lãng mạn của hai nhà soạn nhạc này trong bộ phim “Chiến tranh giữa các vì sao”. Chúng có thể thụ động thích hoặc không thích nhạc cổ điển, nhưng không thể có một cảm xúc cực đoan yêu hay ghét nào được.

Vị thành niên thì hầu như đều thẳng thừng chối từ nhạc cổ điển, ít nhất ở Mỹ là như thế. Có thể do bản thân nhạc cổ điển không thu hút được độ tuổi này, hay có thể do cái hàm nghĩa mà nhạc cổ điển mang lại. Cổ điển là thứ âm nhạc của giới cầm quyền, người nắm quyền ở trên: giáo viên, bố mẹ, các cơ quan văn hoá, truyền thống. Bất chấp lý do trên, một bộ phận nhỏ vị thành niên Mỹ vẫn yêu thích loại nhạc này, còn một lượng nhỏ khác lại thích nhạc cổ điển vì muốn chống đối lại phong trào của các bạn đồng lứa. Nhưng dù sao thì những bộ phận nhỏ này vẫn thuộc dạng ‘lập dị’. Trẻ vị thành niên dùng âm nhạc để thể hiện bản sắc cá nhân, và để tạo ra được bản sắc thì phải vạch rõ ra sự khác biệt với bố mẹ và những có uy quyền khác. Ngoại trừ những trẻ đam mê trở thành nghệ sĩ thính phòng trong tương lai, thì rất ít trẻ vị thành niên bây giờ có tư tưởng nghe nhạc cổ điển.

Tiếp đến là lứa thanh niên. Do những định kiến về nhạc cổ điển thời vị thành niên vẫn tồn tại, nên có người vẫn tiếp tục tránh xa loại nhạc này trong vô thức. Có người có thể sẽ mở lòng tiếp nhận hơn, nhưng vẫn không được tiếp xúc nhiều với nhạc cổ điển (không tính nhạc trong phim ảnh nhé). Có người ban đầu còn hào hứng thử nghe, nhưng rồi lại nhanh chóng thoái chí, hay chẳng có sức đâu mà thưởng thức. Có người đơn giản là chỉ không thích thôi.

Chuyện gì đã xảy ra với tụi nhỏ khi lớn khôn vậy nhỉ? Tại sao chúng lại đánh mất sự đam mê bản năng dành cho nhạc cổ điển? Theo tôi thấy thì có hai tác nhân chính, và cả hai tác nhân này đều không xuất phát từ chính bọn trẻ, nhạc pop, hay bất cứ yếu tố nào khác. Vấn đề nằm ở:

  1. Chương trình dạy nhạc ở trường
  2. Văn hoá nhạc cổ điển nằm ngoài khuôn khổ nhà trường

Chương trình dạy nhạc trong trường là chuyên môn của tôi. Nhiều trường học còn không hề có một chương trình dạy nhạc nào, và điều này rất tai hại. Nhưng kể cả những trường có dạy nhạc đi chăng nữa, thì hầu như cũng không đến nơi đến chốn. Những học sinh ở Mỹ từng hăng hái tham gia các lớp âm nhạc ở trung học cơ sở, hay những lớp tự chọn ở trung học phổ thông, thì đến 80 – 95% trong số đó đã bỏ ngang thể loại nhạc đầy tính hàn lâm này ngay khi có thể. Tỉ lệ học sinh bỏ học lớp tự chọn như thế là quá lớn. Gần như mọi trẻ vị thành niên có một sự quan tâm sâu sắc với âm nhạc, thế nên việc chúng quay lưng với nhạc cổ điển là do chính nền giáo dục âm nhạc. Một chương trình dạy nhạc điển hình ở Mỹ được xây dựng dựa trên mô hình viện đào tạo nhạc cổ điển ở châu Âu thế kỷ 19 đã không còn phù hợp với lớp trẻ ngày nay nữa.

Trong thời kỳ đỉnh cao văn hoá của nhạc cổ điển, khi đó thứ âm nhạc vẫn chưa “cổ điển”. Vị thế của nó thời ấy sánh ngang với những bộ phim chỉnh chu ngày nay: một hình thức giải trí được đầu tư kỹ lưỡng, nội dung trau chuốt phức tạp, nhưng vẫn rất dễ xem và đánh thẳng vào những mối tâm tư tình cảm tức thời của khán giả. Khác với ngày xưa, khi nhạc 'cổ điển' vẫn là thứ âm nhạc dễ hiểu, dễ thấm, mang tính giải trí, và nằm ngoài khuôn khổ nhà thờ; thì ngày nay, những gì ta hình dung về nhạc cổ điển hoàn toàn ngược lại. Ngay cả trong nhà thờ, âm nhạc vẫn phải mang tính tức thời và dễ tiếp cận. Xét theo tiêu chuẩn hiện nay, thì các buổi hoà nhạc phi tôn giáo ngày xưa rất vui vẻ, náo nhiệt. Tôi có thể tưởng tưởng ra ngay một đứa trẻ vị thành niên bị mê hoặc bởi một buổi hoà nhạc thời thế kỷ 18. Nhưng những buổi hoà nhạc ngày nay thì lại chán chết và chẳng khiến ta, dù là người lớn, muốn thưởng thức chút nào.

Trong nhạc cổ điển, có những vấn đề văn hoá nảy sinh do hoàn cảnh lịch sử. Nhạc cổ điển gợi lên hình ảnh cuộc sống của tầng lớp quý tộc châu Âu thế kỷ thứ 17, 18, 19. Chính tầng lớp này đã mở đường cho triết học Khai Sáng, nhưng cũng chính họ là kẻ đầu cầm đầu chế độ thuộc địa, buôn bán nô lệ châu Phi, và mọi sự xấu xa của chủ nghĩa tư bản trên toàn cầu. Giờ bạn có thể hiểu tại sao một người trẻ lại không thể cảm được những phức tạp văn hoá đó. Và tôi cũng thế thôi. Nhưng ta hoàn toàn có thể tách biệt được tình yêu dành cho âm nhạc của Bach với sự căm ghét những thính giả theo chủ nghĩa đế quốc và phân biệt chủng tộc của ông. Điều này sẽ mất nhiều công sức đấy và có vẻ như giới nhạc cổ điển không hào hứng làm công việc này lắm. Có những người vẫn tận hưởng được âm nhạc theo cách của họ, bất chấp những vấn đề văn hoá. Tôi thì tìm về với nhạc Bach khi đã trưởng thành và tôi rất tôn kính ông. Nhưng để cảm được đến mức tôn sùng ấy, tôi phải bỏ ra rất nhiều công sức, chất xám và cảm xúc. Tôi làm được vì tôi là một nhạc sĩ chuyên nghiệp và là một giảng viên âm nhạc. Hầu hết mọi người không có động lực nhiều như tôi đâu.

Tôi nghĩ nhạc cổ điển vẫn có cơ hội để giành về cho mình nhiều thính giả trẻ hơn bây giờ. Như tôi có nói, trẻ nhỏ bị nhạc cổ điển hấp dẫn theo bản năng, và niềm yêu thích đó chỉ tắt ngúm khi trường học và văn hoá hoà nhạc doạ chúng chạy biến. Để thuyết phục lượng thính giả này quay lại, giới nhạc cổ điển nên tìm cách hoà nhập vào văn hoá đương thời, và kết nối được với nhu cầu giải bày cảm xúc của nhiều người hơn. Tôi đề nghị thử mở rộng sang nhạc hiphop và nhạc dance. Tôi không phải khuyến khích các nhạc sĩ cổ điển thử chơi những loại nhạc này, mà là họ nên mở một thư việc sample cung cấp các bản thu nhạc miễn phí. Chỉ cần mở radio lên là có thể nghe được toàn bộ tiếng kèn, tiếng đàn, tiếng sáo vang lên. Tuyệt vời biết mấy!

Cứ tưởng tượng các nhà soạn nhạc được khuyến khích đăng tải toàn bộ các bản sample trong danh sách nhạc của các hãng thu âm Sony Classical và Deutsche Grammophon. Tưởng tượng nếu một dàn nhạc giao hưởng thường xuyên phát hành những bản sample của từng cá nhân nghệ sĩ, các giai điệu ngắn, cấu trúc âm sắc. Tưởng tượng nếu các nhà sản xuất âm nhạc lớn sử dụng những bản sample này trong sản phẩm của họ. Tôi cá là khi đó, sẽ có nhiều bạn trẻ xuất hiện trong những buổi hoà nhạc đấy.

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.