Bài viết này được chuyển ngữ từ phần trả lời của Carol Peiffer trên Quora
Tôi vẫn thường nghe mọi người nói, “Đứa con 3 tuổi của tôi có khi cũng vẽ được giống vậy.” Nhưng thực sự là đứa con 3 tuổi của họ không thể vẽ giống vậy được đâu.
Trường phái Trừu tượng xuất hiện sau khi ngành nhiếp ảnh ra đời. Tôi không biết là liệu những nhà hoạ sĩ này vô tình, hay, có thể đó là một phần của quá trình phát triển, nhưng họ bắt đầu chuyển hướng ra khỏi trường phái hiện thực. Nếu bạn muốn xem một hình ảnh tả thực, bạn có thể đi mua một tấm ảnh chụp.
Những hoạ sĩ theo trường phái Ấn tượng là một trong những nhà tiên phong rẽ hướng sang một dạng trường phái hiện thực khác. Họ thường bị các bảo tàng nghệ thuật tảng lờ trong quãng đời của mình, nhưng dù vậy thì tới ngày nay, những tác phẩm của họ lại nằm trong những phong cách nghệ thuật được yêu thích nhất.
Trừu tượng là con đường cho các hoạ sĩ sáng tạo ra những tác phẩm độc đáo của riêng họ. Họ không muốn và không còn nhu cầu phải sao chép nguyên bản từ thực tế.
Nếu bạn xem qua các tác phẩm đời đầu của Picasso, chúng là những tác phẩm tả thực đẹp đấy. Nhưng ông ấy lại không thoả mãn với việc chỉ tái hiện cái thực tại.
Hãy tự hỏi bản thân bạn thích gì khi nhìn và một vật thể bất kì. Lấy ví dụ một bông hoa. Bạn có thích màu hay tổ hợp màu, hình dáng, cái cách nó đung đưa duyên dáng trong gió không? Bạn có thích cái cách nó gợi lên cảm xúc trong bạn? Tại sao bạn lại thích hoa này hơn hoa kia?
Ví dụ nhé, tôi thích hoa cúc dại (daisy) hơn là hoa hồng. Tôi thích hoa cúc vì sự đơn giản và khiêm nhường của nó. Hoa cúc dại mọc dọc theo những con đường, sinh sôi phát triển theo tự nhiên. Chúng không cần phải được nuôi trồng và cũng không đắt đỏ. Tôi cũng thích sự kết hợp giữa tổ hợp trắng, vàng và màu xanh của lá. Nhìn hoa cúc dại khiến tôi mỉm cười và hạnh phúc. Tôi không quá yêu hoa hồng như các cách tôi mến hoa cúc, nhưng tôi vẫn thích hoa hồng vì chính cái phẩm chất riêng của nó, chứ không phải vì chúng giống hoa cúc.
Tôi cá là bạn không thích một loài hoa nào đó vì chúng trông giống với một loài hoa khác hay thứ gì khác không nhất thiết là hoa. Bạn không thích cúc vạn thọ vì chúng nhắc bạn nhớ tới một con vật hay một cái cây.
Hãy thử nhìn một bức tranh trừu tượng theo hướng như vậy. Bạn có thích màu sắc được sử dụng, bố cục màu, hình dáng và đường nét, hay cảm xúc bức tranh gợi lên trong bạn không? Bạn thích bức tranh vì chính nó, vì cái cách bức tranh truyền tải, chứ không phải vì nó trông giống một trái táo hay một con hưu cao cổ.
Bạn không cần phải đi tìm cái nghĩa sâu xa ẩn trong tác phẩm hay tìm hiểu xem hoạ sĩ muốn truyền tải điều gì. Người hoạ sĩ có thể có một dụng ý nào đó, nhưng bạn có cách giải nghĩa khác. Người hoạ sĩ có thể vẽ ra một tác phẩm rồi thêm thắt nét tròn trịa của trái cam và chẳng có ý nghĩa gì cả, nhưng với bạn, thì đường nét đó trông như một mặt trời.
Tôi đề cao những hoạ sĩ lớn ngày xưa như Rembrandt, Botticelli, Raphael, Reynolds, David. Nhưng tôi không có nhiều hứng thú với nghệ thuật trước thời chủ nghĩa Ấn tượng. Dù thời đó cũng có những hoạ sĩ đầy sáng tạo khác, nhưng với tôi, những hoạ sĩ theo trường phái Ấn tượng mới là nhà tiên phong cho con đường nghệ thuật hiện thực sáng tạo. Họ đã cố tái hiện lại những gì họ thấy, nhưng không theo cách hoàn hảo. Thay vào đó, họ đang tạo ra một thứ ấn tượng rút ra từ những gì họ quan sát được.
Những hoạ sĩ sau này đã tạo ra trường phái Biểu hiện, một trường phái để họ thể hiện cảm xúc thông qua hình dáng, màu sắc và cái bầu không khí của phong trào này
Rất nhiều phong trào nghệ thuật phát triển lên từ những phong trào trước đó, hay là từ sự phản ứng của cộng đồng và bản thân nghệ sĩ với các sự kiện xã hội hay văn hoá. Thậm chí, một phong trào có thể nảy sinh từ một tia sáng tạo chợt loé lên.
Nghệ thuật là bất cứ thứ gì tạo ra bởi loài người. Không tồn tại cái gọi là nghệ thuật hay và nghệ thuật dở. Chỉ có nghệ thuật bạn thích và không thích mà thôi.
Bạn có thể thích hoặc không thích một dạng nghệ thuật vì chính nó chứ không vì một tác động nào khác. Đơn giản thế thôi.