- Con mua vé tàu chưa?
- Con vừa đặt vé Tết rồi mẹ. May quá, con vẫn còn là sinh viên nên được giảm nhiều, lại còn canh khuyến mãi nữa, nên vé gần hai triệu giờ còn một triệu thôi. Vậy là vừa có vé về quê, vừa tiết kiệm tiền ăn cho những tháng cuối năm mẹ nè.
Tôi nói chuyện với mẹ thêm một lát, rồi tắt vụt chiếc máy, khẽ thấy nhói lòng. Đây không phải lần đầu tôi mang trong mình những trăn trở như vậy. Một đứa sinh viên với bao nỗi lo toan và luôn nỗ lực để mẹ nó không còn phải lăn tăn chuyện tiền nong đi học xa nhà, đôi lúc, tôi cũng thấy mệt!
Tôi ghé tấm lưng dựa vào bức tường ngay cạnh gác xép căn trọ nhỏ, gõ lạch cạch đôi dòng, mỉm cười và an ủi bản thân, “Dù sao, giờ tôi cũng kịp đặt chiếc vé về quê ăn Tết rồi.” Ngồi ngẩn đi một lát, tiếng nhạc xuân của nhà bên khiến lòng tôi nôn nao lạ thường, từng giai điệu gợi lên cái “Nhớ thương mùi Tết”, khẽ mang tâm trí tôi đến với không khí cuối năm ở miền Trung quê mình.
Không khí những ngày cuối năm của tôi mang hương vị của sự bận rộn, tất bật. Không như các gia đình khác trong thành phố, những ngày này tôi lăn lộn cùng mẹ ở chợ mà chẳng có thời gian chuẩn bị, dọn dẹp ở nhà. Mẹ tôi ham làm lắm, mà Tết thì phải tranh thủ để kiếm thật nhiều tiền, nên bà làm “bán sống bán chết”, “bòn đừng đồng bạc lẻ”, mong cho ngày cuối năm có tiền trả nợ cho người ta. “Trả xong dư được nhiêu để xài 3 ngày Tết,” mẹ thường bảo vậy. Thật tình cũng chẳng dùng gì nhiều, ngoại trừ cho việc để mua sắm ít hoa, bánh trái dâng lên ông bà tổ tiên. Đó là lý do mà chúng tôi tất bật cho đến đêm 30 Tết, và khi dọn dẹp nhà xong xuôi thì cũng vừa kịp nghe tiếng pháo hoa chào mừng năm mới.
Năm đó, tôi cũng như những đứa trẻ khác, cũng muốn xúng xính váy áo đẹp. Nhưng bởi sinh ra là đứa hiểu chuyện, tôi lén nhìn xem mẹ còn nhiêu tiền, rồi lặng lẽ và tự nhủ, “Thôi đồ cũ vẫn còn đẹp chán.”
Suốt từ hôm 25, chợ bắt đầu đông nghẹt người; cho đến chiều 30, chợ buồn hẳn ra, khách đã vãng, hàng quán cũng ngớt, chỉ còn lại mẹ tôi và một số thương nhân bán những mặt hàng đặc trưng là còn ở lại cho đến tầm đêm, lúc tan chợ. Tôi lặng nhìn cái sự yên lặng lạ thường của khu chợ, chắc nó cũng mong lắm những ngày nghỉ ngơi sau một năm buôn bán náo nhiệt. Nhưng giờ đây, cả khu chợ yên lặng cùng với nỗi buồn của những quầy hàng làm ăn thất thoát, cùng với hàng tá thứ không còn dùng đến vung vãi khắp nơi. Nhưng lạ lùng thay, qua một đêm, nhờ sự cần mẫn của các cô lao công, nó sẽ lại trở lại vẻ tinh tươm như ban đầu. Những nhà buôn cũng vậy, người ta sẽ gác lại câu chuyện cũ, ăn Tết vui vẻ, và lại chuẩn bị cho một năm buôn bán tất bật. Phải chăng xuân về mang theo tín hiệu cho niềm tin đổi mới, một năm mới thịnh vượng hơn.
Tết với tôi là những ngày chuẩn bị, tầm từ ngày 23 tháng chạp cho đến đêm giao thừa. Bởi nó mang cái tất bật, nhộn nhịp và gắn kết người với người qua những công việc ngày cuối năm. Người bán buôn bận bán buôn. Người dọn dẹp nhà của bận dọn dẹp nhà cửa. Nhà nấu cỗ bận nấu cỗ. Người tất bật đò xe bận những phút nóng lòng ngóng trông được trở về. Nhưng chữ “bận” có gì đó vui vui, hay hay, để rồi ai cũng trầm trồ với nó, để rồi chẳng ngại thốt lên, rằng, “Tết nay được dăm ba hôm nay thôi!” Hay phải chăng, con người ta luôn thích sự tất bật của lao động, để tâm trí chẳng kịp muộn phiền?
Tôi nhớ lại chuyến xe cuối năm cùng mẹ sau khi tan chợ. Xe thì cạn điện, người thì lả đi vì cả ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Nhưng điều kỳ lạ, dường như tôi thấy thật ấm áp. Dọc đường nào là hoa, nào là cây cảnh với hàng tá mặt hàng bày biện, tranh thủ những thời khắc cuối cùng nhộn nhịp, đầy sắc màu. Với tôi, giây phút đó dường như lắng đọng chỉ còn lại duy nhất tôi và mẹ. Trải qua một năm với biết bao nhiêu “hỷ nộ ái ố”, tôi và mẹ vẫn cùng đồng hành với nhau, cho đến những thời khắc cuối cùng của năm mới. Tôi vẫn được bên mẹ, đèo mẹ trở về nhà cho kịp đón giao thừa. Sự ấm áp đến từ những điều hết sức bình dị, chính là giây phút ta còn đồng hành cùng người thân của mình.
Chúng tôi trở về nhà lúc tám giờ tối. Và từ đó cho đến lúc giao thừa là khoảng thời gian chúng tôi dọn dẹp nhà cửa. Mỗi người một việc, bận làm đến nỗi cũng chả nói chuyện nhiều. Nhìn dáng người lam lũ, mặt đầy tàn nhan và nếp nhăn của bao bộn bề lo toan, nhiều lúc tôi cũng không khỏi chạnh lòng.
Có lẽ với mỗi người, Tết sẽ đặc biệt theo một kiểu rất riêng. Đó có thể là khung cảnh cùng nấu những nồi bánh chưng thơm phức. Đó có thể là cảnh xum vầy trên mâm cao cỗ đầy. Đó có thể là niềm vui sướng khi được sắm sửa những món đồ mới. Nhưng có lẽ vì lớn lên trong cái nghèo và chứng kiến những hy sinh của bà, mà với tôi, Tết gắn liền với những gian khó của mẹ và ước nguyện cho ngày chúng tôi có cuộc sống đủ đầy hơn
Đó là những dòng ký ức của tôi những ngày ngóng lòng về nhà, lúc ở Sài Gòn.
Nay tôi đã trở về nhà, sớm hơn dự định, là nhờ đợt dịch mới bùng phát lại.
Với tôi bây giờ, Tết có lẽ là niềm hạnh phúc và lòng biết ơn, vì tôi được cùng cả nhà bên nhau để đếm ngược từng giây phút chào đón năm mới. Vì tôi biết, nhiều người giờ sẽ có cái Tết một mình theo kiểu đặc biệt, để đảm bảo cho dịch không lây lan. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến các “chiến sĩ áo trắng”, “chiến sĩ áo xanh”, “chiến sĩ áo quan”, và những người dân trong diện cách ly, đã lựa chọn ăn Tết xa nhà, ăn Tết chống dịch, để đảm bảo sự bình yên cho những con người còn lại như chúng tôi.
Tết xưa hay tết nay, vui hơn hay kém vui, âu cũng ở suy nghĩ của chúng ta. Hệt như việc sống ở đời, chọn thái độ như nào đôi khi còn quan trọng hơn giải quyết nó sao cho tốt nhất!