Thế hệ Millennials đang thay đổi văn hoá công sở như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
27 Thg 05, 2021
Kinh DoanhVăn Hoá Đi Làm

Thế hệ Millennials đang thay đổi văn hoá công sở như thế nào?

Những thay đổi về văn hoá công sở mà thế hệ millennials tạo ra.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Bài viết này được chuyển ngữ từ phần trả lời của Julie Gurner trên Quora.


Với kinh nghiệm làm tư vấn văn hoá công ty cho startup (và nhiều dịp hợp tác với những công ty truyền thống khác), tôi liệt kê ra đây những thay đổi về văn hoá trong doanh nghiệp mà thế hệ millennials đang tạo ra:

Những thay đổi tích cực

1. Cải thiện đường truyền giao tiếp

Với millennials, không minh bạch về thông tin là việc không thể chấp nhận. Và họ cũng thích những sự kiện hội họp tập thể của doanh nghiệp để được làm quen với các đồng nghiệp khác và cũng giúp nắm bắt được tình hình trong công ty dễ hơn.

2. Thêm nhiều không gian giải toả căng thẳng

Ví dụ như những bàn chơi bóng bàn không phải chỉ để trưng cho đẹp, mà là cho nhân viên có thể chơi với đồng nghiệp trong 10 phút giải lao giữa những giờ làm việc căng thẳng. Chơi game và cười đùa thoải mái sẽ giúp nhân viên làm việc năng suất hơn và vui vẻ hơn.

3. Cải thiện phúc lợi cho nhân viên

Dù không phải ai thuộc thế hệ Millenials cũng có đóng góp và suy nghĩ tân tiến như thế, nhưng những việc như mang lại chính sách kỳ nghỉ hào phóng hơn, lịch làm việc linh hoạt và cải thiện phúc lợi thai sản cho cả nam và nữ đã trở thành các tác động tích cực điển hình khi nhắc đến thế hệ Millennials.

4. Chú trọng biểu hiện trong công việc

Ví dụ như trong nhiều công ty startup, nếu không cống hiến được giá trị gì, bạn sẽ bị đào thải. Thật ra điều này khá hiển nhiên từ xưa đến giờ chứ chẳng phải thay đổi mới lạ gì. Nó có ảnh hưởng tích cực vì nhờ vậy sẽ có ít “âm hồn” lẩn quẩn trong công ty hơn. Những kẻ này chỉ đợi nhận lương hàng tháng rồi chờ được thăng chức chỉ nhờ việc ngồi vào một cái ghế.

5. Vốn chủ sở hữu (equity)

Thường thì những công ty startup sẽ tặng cho các nhân viên đầu tiên gia nhập công ty một phần tiền góp vốn kha khá, trong khi các công ty truyền thống lại có những hạn chế trong việc này. So sánh như vậy sẽ khiến bạn muốn đầu tư vào công ty nơi bạn có thể nhận được một phần lời từ một vụ buôn bán lớn (hoặc khi công ty phát hành công khai).

Những thay đổi tiêu cực

1. Lối sống “luôn kết nối” 

Lối sống “luôn kết nối” đã dẫn đến vấn đề lẫn lộn thời gian cá nhân với công việc.Khi các công ty truyền thống thường (không phải toàn bộ đều như vậy nhé) tan ca tầm 5-6 giờ chiều, thì ở công ty startup, bạn vẫn có thể đang trả lời email vào lúc 11 giờ tối. Việc nhập nhằng lung tung này có thể khiến nhân viên rơi vào trạng thái lo lâu, bồn chồn,...

2. Lẫn lộn thời gian giữa công việc và cá nhân

Sự nhập nhằng giữa công việc và thời gian cá nhân. Tất cả những “bữa tối miễn phí” ấy là do quan niệm bạn phải cống hiến cho công việc và vì thế phải tăng ca thường xuyên. Với nhiều người có gia đình và những người có việc riêng khác ngoài giờ làm, thì việc nhập nhằng này rất khó khăn. Bạn muốn thăng tiến trong công việc, nhưng bạn cũng muốn dành thời gian ở nhà nữa. 

Những thay đổi vừa tích cực vừa tiêu cực

Độ trung thành của nhân viên với công ty 

Chúng ta thấy có sự suy giảm về độ trung thành của nhân viên với công ty. Ngày nay, nhảy việc đã trở nên phổ biến hơn xưa, nhưng điều này vừa có mặt tích cực cũng vừa có mặt tiêu cực. Tích cực vì công ty cần đối xử với nhân viên tốt hơn để giữ chân họ lại. Dù thực tế là không phải ai cũng tính ở lại mãi một công ty chỉ để níu kéo “một công việc ổn định” cả, nói gì đến khi họ bị đối xử bất công. Tiêu cực là vì luôn có những cơ hội tốt hơn dành cho các nhân viên xuất sắc, và điều cơ hội này lúc nào cũng có thể lôi kéo họ đi mất.