Thế nào là tính kỷ luật? | Vietcetera
Billboard banner
13 Thg 05, 2021
Tâm Lý Học

Thế nào là tính kỷ luật?

Nếu bạn thường xuyên nghe người khác khuyên nên sống tự giác kỷ luật hơn, mà không biết sống kỷ luật là như thế nào, thì đây là 5 lời khuyên cho bạn.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Bài viết này được chuyển ngữ từ phần trả lời của Nela Canovic trên Quora.


Theo quan điểm cá nhân của tôi, khái niệm kỷ luật (discipline) đi đôi với tính tự giác kỷ luật (self-discipline). Nếu bạn tìm nghĩa của cụm từ này trong từ điển, thì sẽ được giải thích là khả năng có thể kiểm soát, sửa đổi, hoặc điều chỉnh bản thân để làm việc chăm chỉ và cư xử sao cho phù hợp với mục tiêu phát triển; và phải tự thân làm những điều này mà không ai chỉ dẫn hay nhắc nhở.

Tôi đồng ý với miêu tả đó, nhưng với tôi thì như thế chưa đủ. Theo tôi, kỉ luật là tự do. Kỉ luật cho phép tôi phát triển bản thân và tinh thông lĩnh vực mà tôi chọn. Kỉ luật là một lối sống. Nó không chỉ đơn thuần là một mục tiêu, mà là một thói quen cần thực hành hằng ngày. Bạn có thể quyết định muốn giỏi giang hơn một lĩnh vực nào đó từ hôm nay. Bạn có thể quyết định muốn tạo ra một thứ mang lại giá trị cho bản thân và xã hội. Bạn có thể quyết định cam kết một mục tiêu để giúp bạn chạm tới tương lai bạn hằng muốn, 5, 10 hay 20 năm từ bây giờ.

Phương pháp luyện tập tính tự giác - kỷ luật

Từ những kinh nghiệm cá nhân, tôi có thể liệt kê ra những phương pháp mà bản thân tôi thấy hiệu quả, và có thể bạn cũng tìm được một hay hai ý tưởng hữu ích cho mình.

1. Hôm nay, hãy quyết định làm chủ một ngày của bạn

Đưa ra quyết định có nghĩa là huấn luyện cho não bạn phải tập trung vào những gì nó cần làm ngay khi bạn thức dậy. Đây là cách tôi luyện tập. Tôi bắt đầu một ngày mới với câu hỏi, “Thứ duy nhất mà mình cần cam kết hoàn thành trong hôm nay là gì?” Phương pháp này giúp não tôi bắt đầu đánh giá những mục tiêu nào quan trọng nhất ở hiện tại, và bắt tôi phải ưu tiên một mục tiêu duy nhất để tập trung xử lý ngay lập tức. Thêm nữa, tôi cho bản thân thời gian để ngẫm về điều gì quan trọng trong cuộc sống của mình, thay vì để người khác hay tình huống nào đó ra lệnh cho tôi nên làm gì và không nên làm gì.

Cách thực hiện

Hãy viết câu hỏi phía trên xuống một tờ giấy. Viết bằng phông chữ to và treo tờ giấy đó lên tường phòng ngủ hoặc phòng tắm. Đọc lớn ra tiếng khi bạn mới thức dậy, như khi đang đánh răng hoặc thay đồ. Nghĩ ra câu trả lời ngay khi đó và trả lời thành tiếng. Sau đó, hãy hành động theo như sau: tập trung năng lượng của bạn để hoàn thành một mục tiêu đó xuyên suốt cả ngày. 

2. Tận dụng triệt để nguồn dự trữ sức mạnh tinh thần

Thức dậy mỗi sáng và choáng ngợp vì quá nhiều thứ cần làm, từ những việc nhỏ nhặt hằng ngày đến những dự án lớn, cả việc công lẫn việc tư, là chuyện hết sức bình thường. Phản ứng đầu tiên của bạn có thể là trì hoãn mọi thứ, vì bạn hoang mang không biết phải nên làm gì và theo thứ tự nào. Điều này lại tạo ra thói quen trì hoãn không tốt. Chiến thuật hoãn lại này cũng có thể phản tác dụng. Vì bạn (và tôi cũng như mọi người khác) có một lượng sức mạnh tinh thần hữu hạn trong một ngày. Và sức mạnh tinh thần này sẽ yếu dần đi theo thời gian trong ngày. Nên nếu bạn nghĩ bạn có thể làm bài tập về nhà sau khi ăn tối, thì nên suy nghĩ lại đi. Xác suất cao là bạn không làm được đâu vì bạn bận xem TV mất rồi. 

Cách thực hiện

Hãy giải quyết những vấn đề cần ưu tiên thật sớm. Càng sớm trong ngày càng tốt, tôi thì bắt đầu ngay sau bữa sáng. Trước bữa trưa, hãy hoàn thành công việc mà bạn đã bỏ xó cả tuần. Lên sẵn kế hoạch cho một tuần học tập ở trường hoặc một tuần làm việc. Hoàn thành bài tập về đã bị trì hoãn nhiều ngày. Khi hoàn thành xong những việc trên, bạn sẽ có cảm giác thoả mãn như đạt được thành tựu. Sự thoả mãn này vào sáng sớm sẽ giúp một ngày của bạn sáng sủa hơn đấy.

3. Chọn ra một thói quen tích cực và đừng phức tạp hoá nó 

Bạn có muốn thay đổi điều gì trong quá khứ, vì những gì đang làm hiện tại không mang lại niềm yêu thích cho bạn nữa không? Có thể bạn muốn bắt đầu chạy bộ vào buổi sáng như hồi đại học, dừng việc ăn vặt, hoặc ngủ nhiều hơn thay vì xem Netflix tới 2 giờ sáng. Tất cả những thói quen mới mà bạn muốn đạt được sẽ cần tính tự giác – kỉ luật, thời gian, và sự lặp đi lặp lại. Nếu bạn không thấy những việc trên thú vị, thì đó là vì bạn nghĩ phải hoàn thành một công việc cần nhiều sức lực, trong khi cơ thể bạn chỉ muốn thư giãn thôi.

Cách thực hiện

Đầu tiên, hãy ngừng cái suy nghĩ rằng duy trì một thói quen giúp đổi đời là việc hành hạ bản thân. Đó là một thái độ lệch lạc. Thay vào đó, xem thói quen mới như một lựa chọn. Bạn chọn duy trì thói quen này để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Tiếp theo, bắt đầu bằng những thay đổi nho nhỏ để quá trình này diễn ra dễ dàng nhất có thể. Thay vì đặt ra mục tiêu phải tập thể dục một tiếng đồng hồ mỗi tối sau giờ làm việc, tôi thường tập những bài tập ngắn ở nhà trong 20 phút. Hoặc, tôi lên giường 15 phút sớm hơn bình thường và đọc sách để có thể ngủ nhanh hơn.

4. Học cách làm dịu tâm trí

Khi tôi ở độ tuổi vị thành niên, tôi đọc nhiều sách hơn bây giờ, hấp thụ cả tấn thông tin ở trường, và bỗng dưng tới một điểm nào đó, tôi bị quá tải với mọi thứ. Tôi nhận ra, có quá nhiều thứ trên đời, và tôi không thế hấp thụ hết chúng nhanh chóng được! Vì vậy, tôi bắt đầu tự tiêu cực hoá nhiều thứ, từ việc nghĩ là mình học rất tệ ở trường cho đến việc quản lý đời sống xã hội và các mối quan hệ bạn bè. Tôi nghĩ là chỉ có tôi cảm thấy như vậy. Nhưng khi trưởng thành, tôi nhận ra là không chỉ có tôi, mà tất cả chúng ta đều tiêu cực hoá cuộc sống ở một thời điểm nào đó trong đời. Càng lớn tuổi, chúng ta càng nạp vào nhiều nhận thức hơn, và ta thường vật lộn để phân loại những nhận thức này. Điều gì liên quan đến cuộc sống của chúng ta và điều gì thì không? Vấn đề nào tôi cần phải giải quyết? Tôi có thể kiểm soát điều gì không, hay tôi có thể mặc kệ nó đi không?

Cách thực hiện

Đầu tiên, hãy xem bạn có đang quá tải không, có những suy nghĩ tiêu cực và tự chỉ trích bản thân không, hay bạn có thấy bản thân đang vùi mình vào những thất bại cá nhân và những việc trong quá khứ không. Nhận thức được những điều này rất quan trọng. Bạn không hề cô đơn đâu. Hãy nghĩ như thế này – bạn không phải chính suy nghĩ của bạn; bạn lớn hơn so với suy nghĩ của bạn nhiều.

Thứ hai, thử cân nhắc một vài thói quen để chế ngự các suy nghĩ tiêu cực đó và phân loại chúng thành mức độ "phù hợp" hay bạn chỉ đang "thái quá" lên thôi. Bạn có thể bắt đầu với việc thiền trong 5 phút, luyện tập bài thở 4–7–8 hoặc đi dạo gần công viên hoặc nơi nào đó gần gũi với thiên nhiên.

5. Nói không với những thứ gây xao nhãng

Xao nhãng không chỉ là một hiện tượng của thế kỉ 20. Seneca, triết gia theo chủ nghĩa khắc kỷ, đã viết về vấn đề này trong quyển sách On the Shortness of Life (Tạm dịch: Ngẫm về sự ngắn ngủi của cuộc đời). Trong quyển sách này, ông đã miêu tả những đấu tranh của con người với các tính phàm ăn, tính hư danh chỉ chăm chăm vào vật chất và cố gắng gây ấn tượng với người khác. Các bạn có thấy quen không? Có thể ngày nay chúng ta không chủ trì những bữa tiệc xa hoa để gây ấn tượng với khách mời với những bàn tiệc chiêu đãi đầy thức ăn và rượu vang, nhưng chúng ta lại tập trung vào những gì ta thấy trên mạng xã hội. Điều này lại dẫn đến cảm giác không thoả mãn, ghen tị, thậm chí là tự chỉ trích bản thân. 

Cách thực hiện

Nếu bạn dành hàng giờ để lướt mạng xã hội mỗi ngày, chỉ cần ý thức được những gì bạn trông thấy không phải lúc nào cũng thể hiện điều thực tế. Phần lớn lối sống mà bạn thấy trong ảnh là những chiêu trò marketing đơn thuần để bán sản phẩm, dịch vụ, hay nhãn hàng nào đó. Đừng phí phạm thời gian vào những thứ gây xao nhãng nếu chúng không mang lại giá trị gì cho cuộc sống của bạn. Đặt điện thoại của bạn về chế độ máy bay khi cần tập trung. Kiểm tra email và tin tức vào buổi trưa hoặc tối. Đóng tất cả những trang trong trình duyệt lại để bạn có thể thật sự làm việc.

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.