Tương lai của giáo dục | Vietcetera
Billboard banner

Tương lai của giáo dục

Trẻ em là tương lai của xã hội, và giáo dục quyết định chất lượng của nguồn nhân lực kế thừa của một quốc gia. 
Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Bà Maria Montessori từng nói, “Within the child lies the fate of the future” (Tạm dịch: Tương lai nằm trong tay của trẻ em). Trẻ em là tương lai của xã hội, và giáo dục quyết định chất lượng của nguồn nhân lực kế thừa của một quốc gia.

Trong những năm gần đây, giáo dục luôn là chủ đề gây chú ý và tranh cãi tại Việt Nam. Với sự phát triển của kinh tế, xã hội và sự phổ biến của Internet, người Việt Nam đã được tiếp xúc với nhiều phương pháp, triết lý giáo dục hiện đại của thế giới. Tuy nhiên, như tác giả Stephen Covey từng nhắc đến trong cuốn sách nổi tiếng “7 Thói Quen Hiệu Quả”, chúng ta cần phải bắt đầu với mục tiêu đã được xác định (Begin with the end in mind). Vậy liệu chúng ta đã định hình được đích đến của giáo dục?

Giáo dục tạo ra con người của tương lai. Những đứa trẻ ngày hôm nay là thế hệ kế thừa sự phát triển của xã hội mai sau.

Giáo dục, nói đơn giản, là sự truyền thụ kiến thức của loài người từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Cũng giống như trong khoa học, những công trình nghiên cứu đi trước tạo tiền đề cho những thành tựu khoa học sau này. Nếu tìm hiểu về quá trình tạo ra vaccine cho Covid-19 thì thấy trước đó là cả một quá trình dài nghiên cứu về công nghệ mRNA, và là sự kết hợp, xây dựng dựa trên những nghiên cứu đi trước.

Về mặt sinh học, truyền giống là một đặc tính của loài người, cũng như các loài sinh vật khác. Sự chọn lọc của tự nhiên, kết hợp với sự tác động nhân tạo, giúp con cháu chúng ta phát triển về thể chất cũng như trí tuệ.

Khác với con vật, các loài vật khi sinh ra, các thế hệ trước không thể truyền thụ tri thức cho thế hệ sau. Con người đã có lịch sử phát triển lâu dài, những kiến thức chúng ta có được hôm nay cũng được truyền đạt từ nhiều thế hệ trước. Lấy ví dụ như lịch sử, chúng ta được nghe kể về những câu chuyện từ xa xưa; trong những giai đoạn ở Trung Quốc diễn ra hành động đốt sử, một phần kiến thức lịch sử về giai đoạn phát triển lúc đó bị thất lạc vĩnh viễn.

Một người làm giáo dục được gọi là giáo viên. Nhiều người cùng làm giáo dục ta có giáo giới. Giáo viên là người có nhiều kiến thức trong một lĩnh vực nhất định và họ có khả năng truyền đạt những kiến thức này cho những người khác, và họ lựa chọn nghề làm giáo dục.

Giáo dục là một nghệ thuật, là khả năng truyền đạt thông tin thuyết phục. Giáo dục là một ngành nghề, được xã hội tôn trọng vì họ tiếp dẫn luồng chảy tri thức, và họ là chuyên gia trong lĩnh vực chuyên biệt.

Giáo dục cũng là một ngành khoa học, khi chúng ta nghiên cứu cách làm giáo dục. Những phương pháp giáo dục hiện đại, như Montessori hoặc Reggio Emilia, cũng xuất phát từ nền tảng khoa học. Bà Maria Montessori, thường được người đời xưng tụng là một nhà giáo, tôi nghĩ rằng bà là một người nghiên cứu giáo dục nhiều hơn; bà thực nghiệm trên một nhóm nhỏ được kiểm soát (control group) là những trẻ em nghèo hoặc có vấn đề, bà đưa ra những phép thử và quan sát hiệu quả, bà không trực tiếp giảng dạy nhưng bà tìm hiểu ra những cách làm hiệu quả để kích thích sự tò mò của trẻ, giúp trẻ phát triển về nhiều lĩnh vực trong giai đoạn đầu đời.

Người ta vẫn thường nói triết học là ngành khoa học bao trùm những ngành khoa học khác. Giáo dục cũng vậy. Bạn muốn trở thành một luật sư, bạn phải học luật; bạn muốn làm bác sĩ, bạn phải học y; bạn muốn làm giáo viên, có những người dạy bạn cách dạy người khác. Bản thân ngành khoa học giáo dục, nghiên cứu những mô hình giáo dục tiên tiến phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, là rất quan trọng.

Giáo dục thường có những dấu ấn đặc trưng theo từng giai đoạn lịch sử, sự thay đổi trong xã hội, hoặc thay đổi về công nghệ. Ví dụ, chúng ta có thể sự chứng kiến sự khác biệt trong giáo dục mỗi khi có sự thay đổi chế độ, những khác biệt về nhận định lịch sử.

Một ví dụ khác về sự thay đổi trong nhu cầu xã hội, trong giai đoạn đầu thế kỷ 20, nhu cầu phổ cập hóa giáo dục thúc đẩy sự phát triển của giáo dục công. Nhiều nhà nghiên cứu giáo dục, trong mục tiêu tăng tính hiệu quả của việc giáo dục đại trà, đã mô phỏng mô hình nhà máy trong việc phát triển môi trường trường học. Sự đồng nhất là cần thiết để đảm bảo chất lượng ổn định. Thời đó công nghệ chưa phát triển, sự phát triển của những nhà máy sản xuất hàng loạt, những dây chuyền sản xuất, sự tối ưu năng suất là ưu tiên hàng đầu. Bạn hãy hình dung một dây chuyền sản xuất và sự phân chia trách nhiệm, giống cách chúng ta xây dựng một thời khóa biểu lớp học đồng nhất, đưa nhiều đứa trẻ vào một lớp học, sự ngừng nghỉ và thay đổi giữa các tiết dạy. Hệ thống giáo dục hiện nay được phát triển và phổ quát từ hệ thống giáo dục của Mỹ và Anh, và những người nghiên cứu giáo dục lúc đó, cũng là người đào tạo ra các giáo viên, đã lấy cảm hứng khá nhiều từ công nghệ sản xuất.

Cùng với sự phát triển của công nghệ hiện nay, những mô hình và phương pháp giáo dục truyền thống phải thay đổi để thích nghi. Kiến thức không chỉ đến từ trong lớp học, mà đến từ rất nhiều nguồn khác. Chúng ta có thể học từ Internet, học từ thầy cô qua màn hình máy tính, học ở khắp mọi nơi với các thiết bị di động. Có những phụ huynh tự tin dạy con học ở nhà (home-schooling) với sự hỗ trợ từ nhiều nguồn kiến thức có sẵn trên mạng.

(Còn tiếp)

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.