Bài viết này được chuyển ngữ từ phần trả lời của Michelle Gaugy trên Quora.
Tính mơ hồ (Ambiguity) là thứ nâng nghệ thuật lên khỏi sự tầm thường, khỏi cái giới hạn chỉ là những hình ảnh minh hoạ đơn thuần, để lên tới tầm nghệ thuật có giá trị trường tồn. Ở đây, tôi chỉ có thể viết về nghệ thuật thị giác (visual art) vì đó là lĩnh vực tôi hiểu biết, nhưng tôi nghĩ những nguyên tắc này cũng áp dụng được cho các hình thức nghệ thuật khác.
Có nhiều dạng mơ hồ thị giác (visual ambiguity), nhưng các nhà hoạ sĩ ưa chuộng sử dụng một vài cách hơn cả. Ta có một dạng mơ hồ về cách diễn đạt (expressive ambiguity). Hẳn là không ai không biết đến nụ cười Mona Lisa trứ danh, một đại diện tiêu biểu cho cách vẽ đầy tính mơ hồ này. Sự bí ẩn, cũng chính là sự mơ hồ, trên biểu cảm gương mặt của cô ấy đã thu hút sự tò mò của nhân loại hàng triệu năm sau. Ai cũng tự hỏi, "Cô ấy đang nghĩ gì trong đầu nhỉ?"
Bức Woman-Ochre của Willem de Kooning cũng là một dạng mơ hồ biều thị. Chúng ta có thể cảm nhận được rất nhiều cảm xúc khác nhau từ bức tranh này, nhưng chúng không mang lại cảm giác yên bình như Mona Lisa.
Một dạng khác là mơ hồ về cách kể chuyện (narrative ambiguity). Thường lối mơ hồ này thường thấy trong bức tranh có hơn một nhân vật, và khiến ta phải băn khoăn câu chuyện đang được kể là gì, mối quan hệ đằng sau các nhân vật trong tranh là gì. Người nghệ sĩ để câu chuyện cho người xem tự lý giải. Nhìn thử bức tranh The Gypsy Fortune Teller của Caravaggio. Chỉ đơn giản là một giao dịch xem bói hay là họ đang “liếc mắt đưa tình?” Sự mơ hồ trong lối kể chuyện có thể xảy ra trong những tác phẩm có lối kể chuyện phức tạp như tranh của Bruegel.
Nhiều nghệ sĩ sử dụng các hình ảnh biểu tượng trong tranh. Nếu người xem không hiểu rõ chúng, thì những bức tranh này sẽ được xem là mơ hồ về biểu tượng (symbolic ambiguity). Một ví dụ tiêu biểu là bức siêu thực nổi tiếng của Salvador Dali, bức Sự dai dẳng của ký ức (The Persistence of Memory). Bức tranh vẽ 4 đồng hồ bỏ túi và những biểu tượng khác ở thế giới trong mơ của Dali.
Nghệ thuật thời Phục Hưng cũng rất ưa chuộng sử dụng các biểu tượng mà người xem ngày nay không hiểu được. Ví dụ như biểu tượng về lương thực có nguồn gốc trong văn học kinh điển. Trái lựu nghĩa là sự xứng đáng, giàu có và hôn nhân, nhưng cũng có nghĩa là sự phục hưng hay bất tử. Một quả hạch bị chẻ làm đôi, vì quả hạch có 3 phần, phần vỏ và phần ruột bên trong, nên được xem là biểu tượng của Ba Ngôi (Thiên chúa). Một trái táo đại diện cho sự xấu xa, vì chữ Malum trong tiếng Latin vừa có nghĩa là táo (apple) vừa có nghĩa là sự xấu xa (evil). Trái lê là sự hiện thân của Chúa. Cây bầu có hàm ý phục hưng. Nho là biểu cho thần Bacchus, vị thần của rượu vang, nhưng rượu vang cũng là một món chúa Jesus thiết đãi các tông đồ của mình trong Bữa tiệc tối cuối cùng (The Last Supper), nên nó cũng có nghĩa là nỗi khổ đau. Bức tranh La Madonna della Rondine của Carlo Crivelli (1490) rất giàu tính biểu tượng, nhưng người xem tranh ngày nay sẽ không thể hiệu được do đó, tranh của ông cũng có tính mơ hồ biểu tượng (symbolic ambiguity).
Ít ra thì ta còn biết được những biểu tượng thời Phục Hưng. Nhưng nếu ta không hiểu biết về chúng thì sao? Vậy thì ta chỉ có thể đoán thôi. Và ta sẽ mắc kẹt trong sự mơ hồ về yếu tố lịch sử (historical ambiguity). Đây là khi mà các nhà nhân loại học và các sử gia hợp lực để đoán xem tổ tiên ngày xưa có ý định gì khi họ làm nghệ thuật. Có thể họ đoán đúng, cũng có thể đoán sai. Họ chỉ đang xếp những mảnh ghép lẻ tẻ lại với nhau rồi suy đoán mà thôi. Đó là vấn đề tôi tôi dễ gặp với những nhà sử gia hay những người nghiên cứu khác. Họ không phải nghệ sĩ. Đơn giản là họ không hiểu được những động lực và sức ép nào đã tác động đến các nghệ sĩ. Nên tôi chẳng tin được kết luận của họ, bao gồm cả những gì họ nói về hang động Chauvet.
Tiếp đến là mơ hồ về tính chính trị (political ambiguity). Nghệ sĩ tạo ra tác phẩm nghệ thuật vì lý do chính trị. Họ tức giận trước một tình huống chính trị nào đó và họ dùng tranh để thể hiện sự bất mãn ấy. Hàng thế kỷ trôi qua, chúng ta nhìn vào nghệ thuật, và thường không nhận ra hoặc phần lớn là không quan tâm, về những vấn đề chính trị trong bức tranh. Một tác phẩm lớn của Pablo Picasso, Guernica, là bức tranh biểu tình về nội chiến Tây Ban Nha.
Bức Raft of the Medusa (Chiếc bè của chiến thuyền Medusa) của Gericault, vẽ về một bi kịch đời thực và gần như đã làm tê liệt chính phủ Pháp đương thời, những kẻ chỉ biết khoanh tay đứng nhìn thảm kịch xảy ra. Hiếm có ai xem những tác phẩm như thế ngày nay mà thật sự hiểu biết về lịch sử đằng sau bức tranh đó.
Cuối cùng, hàng ngàn ngàn những tác phẩm nghệ thuật đương thời có tính mơ hồ về kĩ thuật/hình ảnh (technical/pictorial ambiguity). Ai nói là bức A Green Thought in a Green Shade của Helen Frankenthaler, hay bức Beyond Paradise của Sebastian Heiner “lẽ ra” là vẽ về cái gì hay biểu thị điều gì?
Đó là còn chưa nhắc đến những tác phẩm của Jackson Pollock hay vô số các tác phẩm cũng những nghệ sĩ theo trường phái phi trình bày (non-representational).
Tuy nhiên.
Chính những dạng mơ hồ này đã giúp các tác phẩm nghệ thuật tồn tại theo thời gian. Nhưng cũng hoàn toàn không có nghĩa là tất cả chúng đều sẽ tồn tại mãi được. Chắc chắn là không. Tuy nhiên, thực tế thì vẫn có vài tác phẩm được lưu giữ tới ngày nay thì chúng phải có giá trị nào đó.
Khi nghệ thuật có tính mơ hồ, thì có nghĩa là rất nhiều người, ở nhiều thời đại khác nhau, đến từ các văn hoá và tiêu chuẩn khác nhau, có thể tiếp xúc với nghệ thuật, và vẫn tìm được một giá trị nào đó. Sau cùng thì đó chẳng phải chính là mục đích của nghệ thuật hình ảnh hay sao? Chúng ta nhìn vào một bức tranh và thấy được hình bóng của bản thân. Nếu ta thấy được một chút hình bóng của bản thân, ta sẽ nói, “Ok! Bức tranh này được đấy. Tôi rất thích!” hay ít nhất ta sẽ nghĩ “Tôi thật tò mò về bức tranh đó” và nghĩ như thế thậm chí còn tuyệt hơn nữa.
Tính mơ hồ là thứ tuyệt nhất mà tác phẩm nghệ thuật có được. Nó tách biệt sự đơn giản khỏi thứ nghệ thuật có ý nghĩa và có chiều sâu.