Yêu những điều không hoàn hảo - dành cho những ai đang hoài nghi về chính mình | Vietcetera
Billboard banner

Yêu những điều không hoàn hảo - dành cho những ai đang hoài nghi về chính mình

Bạn đã biết cách tha thứ và yêu mến những điều "không hoàn hảo" của bản thân mình chưa?

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên blog cá nhân của tác giả. 


Mục tiêu trong cuộc sống là một điều rất quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người. Mục tiêu chính là động lực thúc đẩy chúng ta không ngừng nỗ lực trong dòng chảy của cuộc đời này. Có mục tiêu thì cuộc sống mới ý nghĩa, và đạt được mục tiêu sống thường được tin rằng chính là chạm đến hạnh phúc. Thế nhưng mọi thứ thật ra không đơn giản là như vậy.

Đa số những mục tiêu chúng ta đề ra lại thường liên quan đến hình thức và thành tích nhiều hơn là cảm xúc và tinh thần. Ta tin rằng, khi đạt được các thành tích, số tiền, vị trí mà ta từng mong muốn rồi, chúng ta có thể hạnh phúc. Thế nhưng, hạnh phúc trong những trường hợp này thường lại chẳng thế kéo dài được bao lâu, bởi vì hình thức và thành tích đều là những thứ có thể bị thay thế và đổi mới, và con người chúng ta thì luôn khao khát những điều cao hơn và nhiều hơn nữa. Chúng ta sẽ khó lòng nào cảm thấy thanh thản và hài lòng với cuộc sống mà mình đang có, thay vào đó là cứ mãi “đứng núi này trông núi nọ."

Có lẽ ai trong số chúng ta đều đã từng, đang, hoặc sẽ chạm đến một giai đoạn mà chúng ta bỗng cảm thấy thật mệt mỏi và bất lực. Các bạn học sinh cấp 3 dù đã học tập rất chăm chỉ và nỗ lực hết mình nhưng vẫn không vào được trường đại học như mong muốn. Hay là một nhân viên văn phòng dù đã tăng ca 3 đến 4 ngày một tuần nhưng vẫn không được cấp trên chú ý hay khen thưởng.

Khi ấy, chúng ta thường tự hỏi chính mình những câu hỏi mang tính hoài nghi như:

  • Liệu con đường mình đang đi có đúng đắn không?
  • Liệu lựa chọn của mình có thực sự tốt không?
  • Liệu mọi người đã hài lòng với mình chưa?
  • Mình có nên thay đổi không?
  • Bao giờ mình sẽ thành công
  • Mình là một kẻ thất bại ư?

Và rồi chúng ta phủ nhận và chối bỏ chính bản thân mình!

Thế đấy, cuộc sống này vốn chẳng bao giờ là đủ. Người đã thành công thì luôn thấy chưa đủ và trống trải. Người hi sinh quá nhiều nhưng chẳng đạt được gì thì tự cho rằng mình là kẻ thua cuộc dù thất bại chỉ là vạch xuất phát được đặt ra cho con đường tới thành tựu mà họ mong muốn. Tuy nhiên, suy cho cùng, có thể thấy rằng vấn đề chung của tất cả mọi người ở đều nằm ở việc chúng ta chưa đủ yêu thương, tôn trọng, và tha thứ cho bản thân mình, hay nói cách khác, chúng ta vẫn chưa học được cách để “yêu những điều không hoàn hảo" của mình.

Quyển sách “Yêu những điều không hoàn hảo" của Đại Đức Hae Min (từng được Aiden Nguyễn nhắc đến trong podcast 'Have A Sip' của Vietcetera), có thể sẽ là liều thuốc giảm đau cho chúng ta, những người vẫn đang chưa biết cách chấp nhận bản thân “chưa hoàn hảo" của mình. Hae Min đã đưa ra đúc kết và chiêm nghiệm từ chính bản thân ông và xã hội. Ông không chỉ đưa ra cách giúp chúng ta trân trọng và vị tha đối bản thân ta hơn, mà cả những người xung quanh mình, cho chúng ta một cái nhìn về cách sống từ bi hơn đối với cuộc sống.

Nếu bạn đang cảm thấy hoang mang giữa những sự lựa chọn trong cuộc sống và không thể ngừng so sánh bản thân mình với những thành tựu của người khác để rồi phủ nhận chính mình, “Yêu những điều không hoàn hảo" là cuốn sách dành cho bạn, ngay lúc này.

“Chỉ cần bạn tồn tại thôi, điều đó cũng đủ khiến bạn quan trọng và đáng được yêu thương rồi."

Hầu hết tất cả chúng ta đều tin rằng, chỉ khi chúng ta làm được một điều tốt hay có ích, khi ấy chúng ta mới trở nên có giá trị trong cuộc sống và xã hội này. Thế nhưng trên đời này đã có mấy ai hoàn hảo và vừa vặn được với những “quy chuẩn” của xã hội hay “những thước đo của thế gian."

Lí do chúng ta cố gắng để mỗi ngày hoàn thiện bản thân hơn liệu có phải xuất phát từ mong muốn đầu tư vào bản thân mình hay thực chất chỉ vì chúng ta muốn được mọi người xung quanh, gia đình, bạn bè, và xã hội công nhận. Chỉ khi rơi vào bế tắc, rơi vào đáy của sự tuyệt vọng và bất lực, chúng ta mới nghiệm ra rằng, thì ra tất cả chúng ta làm, chỉ đơn giản là muốn được yêu thương.

Hi vọng bạn hãy luôn nhớ rằng:

“Chúng ta được yêu thương không phải vì chúng ta làm tốt điều gì đó.

Chỉ riêng sự tồn tại của chúng ta thôi cũng đã đáng được yêu thương rồi"

Từ giờ, mong bạn hãy trở nên mở lòng hơn, vị tha hơn, và thấu cảm hơn cho những trái tim ngoài kia nữa. Hãy nhớ rằng họ cố gắng cũng vì trong thâm tâm mong muốn mang đến giá trị tốt đẹp cho bạn. Hãy lắng nghe và an ủi khi họ cần. Không một ai trong chúng ta đáng bị ghét bỏ. Và cũng không một ai phải cô đơn cả.

“Và bất kì khi nào ai đó cần một cái ôm, tôi sẽ ôm họ không ngần ngại."

Hae Min đã nhắc đến việc rằng, “Nếu có ai đó ôm bạn một cái thật ấm áp, thì tuổi thọ của bạn sẽ được kéo dài thêm một ngày." Tuy nhận định trên chưa được xác nhận hay chứng minh là đúng, thế nhưng chúng ta vẫn không thể phủ nhận được tầm quan trọng và giá trị một cái ôm.

Khi lắng nghe một ai đó kể về những khó khăn họ phải trải qua, nhiều người cứ cho rằng phải tích cực động viên và an ủi họ, kéo họ ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Sự thật rằng, cái mà người khác cần chính là sự im lặng kèm theo đó là sự đồng cảm và thấu cảm. Bởi khi họ đã quá mệt mỏi, họ cần một người hiểu được những gì họ đang trải qua. Họ sẽ cảm nhận được tầm quan trọng từ trong chính con người mình và biết được bạn thật sự yêu thương và quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc của họ.

Đừng mau chóng đưa ra lời khuyên khi đối phương chưa yêu cầu nó. Lời khuyên đôi khi sẽ giúp ích nếu như người nghe thực sự muốn nghe nó. Ngược lại, nó có thể phản tác dụng và khiến đối phương cảm thấy tồi tệ hơn vì nghĩ rằng họ đã sai.

“Khi bạn thực sự thấu hiểu một ai đó, nghĩa là bạn đã tha thứ cho họ."

Sau khi đã trải qua nhiều tổn thương và nỗi buồn mà một ai đó đã gây ra cho chính mình, chúng ta khó lòng nào mà tha thứ cho họ. Dẫu biết rằng nếu cứ mãi ôm nỗi thù hận và u sầu sẽ chẳng khiến cuộc sống của ta tốt hơn hay khiến cuộc sống của đổi phương tệ hơn, rất khó để phủ nhận rằng lòng thù hận và ganh ghét cần một khoảng thời gian để có thể được xoa diệu. Và điều này là hoàn toàn tự nhiên.

Bạn không cần phải thúc ép bản thân phải nhanh chóng quên đi hay tha thứ cho một người đã gây nên tổn thương đối với bạn. Điều bạn cần làm đó là thừa nhận và chấp nhận sự tức giận, hụt hẫng, và thất vọng trong chính mình. Ai mà chẳng biết buồn khi bị tổn thương chứ, đừng chối bỏ mà hãy mạnh mẽ đối diện với nó. Thế nhưng sau đó, bạn hãy đứng lên.

Hãy hiểu rằng nếu cứ mãi đắm chìm trong sự thù hận, bạn sẽ trở thành nô lệ của cảm xúc và ám ảnh bởi sự tiêu cực mãi mãi. Hãy học cách tha thứ.

Trong “Yêu những điều không hoàn hảo", Hae Min đã chia sự hận thù thành ba cấp bậc, từ bề nỗi, đến bề sâu: Sự phẫn nộ và oan ghét, Nỗi buồn và sự đau khổ, Nỗi cô đơn và sợ hãi. Hãy cảm nhận đối phương như chính cảm xúc của bạn vậy. Hãy tìm hiểu xem nỗi cô đơn và sợ hãi của người đã gây ra tổn thương cho mình là gì. Sau đó hãy thấu hiểu cho những đau khổ của họ như chính bằng ánh mắt từ bi. Khi ấy, bạn sẽ mở rộng trái tim mình hơn , và dễ dàng buông bỏ sự oán hận đối với đối phương hơn.

Tha thứ không khó, chỉ là nó cần nhiều thời gian và sự thấu cảm. Mỗi người chúng ta đều đến từ những hoàn cảnh và tình huống khác nhau. Hãy hiểu rằng không phải ai cũng hoàn hảo, hoặc ai cũng xấu. “Không có người xấu, chỉ có hoàn cảnh xấu mà thôi." Có lẽ đối phương cũng không cố ý làm bạn tổn thương, chỉ là họ vô tình mà thôi. “Mong sao chúng ta sẽ nhìn thấy ánh mắt ấm áp của lòng từ bi bên trong mình."

“Trên thế gian không có gì là mãi mãi, kể cả những khổ đau."

Thực ra trong cuộc sống, bất kỳ ai cũng sẽ gặp tình huống khi mình đã cố gắng rất nhiều nhưng tình hình vẫn không thể tốt đẹp hơn. Chúng ta rất dễ bị tuyệt vọng và rơi vào u uất khi những nỗ lực và cố gắng của chúng ta vẫn mãi không mang lại kết quả như ta mong muốn. Những động lực và lời động viên dần trở nên vô tác dụng. Và rồi ta mất hi vọng, buông thả cho tấm trí bị giam trong bóng tối và sự tiêu cực.

“Sóng dâng lên ắt có lúc phải rút xuống.” Đây có lẽ là một trong những câu nói mà chúng ta nên để tâm và suy nghĩ. Thực ra sóng cao và sóng thấp đều là chuyện bình thường, chẳng có cái nào tốt hơn cái nào cả. Chúng ta cũng vậy, sẽ có những ngày cuộc sống toàn màu hồng, vận may và những cơ hội bủa vây ta. Bên cạnh đó cũng có những ngày lòng nặng trĩu, cảm thấy mất phương hướng và lạc lõng, mệt mỏi cùng cực. “Trong đời, cần phải biết chấp nhận sự xuống dốc như một phần của cuộc sống." Khi hiểu được chân lí này, có lẽ bạn sẽ dễ chấp nhận sự xuống phong độ hơn, nhưng sẽ mau chóng lấy lại sự tự tin thôi.

Quan trọng hơn tất cả đó chính là đừng bỏ cuộc.

“Khi bạn không bỏ cuộc, những nỗ lực nhỏ bé của bạn nhất định sẽ không lãng phí vô ích."

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.