Về những người viết, mục đích viết, và thái độ viết | Vietcetera
Billboard banner
28 Thg 07, 2021
Chất Lượng Sống

Về những người viết, mục đích viết, và thái độ viết

Hãy khiêm tốn, lịch sự, và nhã nhặn, cầu thị khi viết. Đừng mạt sát ai, đừng cạnh khóe ai, đừng chạm tự ái của ai.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

“Tôi phải mạt sát, cạnh khóe, phải chì chiết người khác vì họ cần được ‘Khai sáng’.”

Một vấn đề nhức nhối trông các cuộc tranh luận, những bài viết tranh cãi, đến từ cả người viết, lẫn độc giả, họ cãi nhau chí chóe, mạt sát nhau, kể cả là công kích cá nhân lẫn nói lời cay độc, và họ cho đó là cái thú vui giải trí, khi họ đẩy được “quả bóng tức giận” sang cho người khác. Người thắng thì hả hê, người thua thì tức tối vì bị chạm tự ái.

Ta đang đi sai khỏi mục đích viết, không viết một cách nhân văn và thương xót người khác.

1. Mục đích của việc viết, phải viết, và viết cho ai

Ta viết để “Khai phóng”.

Ta viết để tự hệ thống lại tư tưởng của chính ta.

Ta viết để đóng góp cho đời một ý kiến.

Ta Khai phóng cho ai? Cho cộng đồng, những người đã biết, và cả những người chưa biết. 

Thế nhưng có vấn đề trong việc “Khai phóng”. Khởi nguồn của những lập luận, dẫn chứng ta có do đâu? 

Chính bản thân những người viết cũng hiếm khi sáng tạo được những tư tưởng khởi nguồn, mà phải vay mượn những ý tưởng khởi nguồn từ những bài viết, những tư tưởng triết học, những quyển sách khác. Bản thân người viết chỉ tìm cách kết hợp, diễn giải những sự kết hợp đó theo nghĩa dễ hiểu nhất cho cộng đồng, và truyền đạt lại cách dễ hiểu nhất. Người viết sáng tạo “Cái được cho là mới”, dựa vào những vật liệu tư tưởng đã có, không phải một dạng sáng tạo nguyên bản từ cái chưa có. Đó chính là hệ thống lại tư tưởng cá nhân.

Mỗi người có một vai trò trong cuộc đời: những nhà tư tưởng thì suy tư về Ý nghĩa lớn, là con người và những giá trị. Những nhà nghiên cứu thì tìm luận điểm. Độc giả thì phán xét, một người có thể sai, một thế hệ có thể sai, nhưng Nhân loại thì không thể sai. 

Thế còn người viết? Người viết chỉ thu thập, kết nối những tư tưởng lớn và đưa lại cho đại chúng phán xét, đó mới là mục đích cao quý của việc "phải viết". 

Khai phóng, tức là đánh động một tư tưởng đúng hoặc sai trong độc giả. Nếu đúng, thì củng cố thêm cho họ niềm tin. Nếu sai, thì nó khiến họ suy nghĩ lại và thay đổi cách từ tốn.

“Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời.”

“Quan điểm bất đồng có thể đúng, hoặc đúng phần nào, và do đó giúp hiệu chỉnh quan điểm thịnh hành. Và thậm chí nếu không được thế, đem ý kiến chủ lưu tranh biện với những ý tưởng khác sẽ làm ý kiến chủ lưu không trở nên giáo điều và thành kiến. Cuối cùng, một xã hội ép các thành viên khư khư giữ truyền thống và quy củ có thể rơi vào tình trạng xơ cứng mất hiệu quả, mất đi sức sống thúc đẩy xã hội phát triển.” (John Stuart Mill)

“Đồng với ta, cho ta là phải. Không đồng với ta, cho ta là trái”.  Phải trái ở sự đời chẳng qua nó chỉ là một lẽ tương quan mà thôi. 

Ta viết, vì có một nguồn lực thôi thúc ta phải viết.

Ta viết, để cho đời thêm một góc nhìn nhỏ nhoi của ta. Có ta, nhân loại cũng chẳng thừa, mà không có ta, nhân loại cũng chẳng thiếu.

Đó mới đúng là một mục đích cao quý khi ta viết một tư tưởng, tạo ra một quan điểm tranh luận. Không phải để thể hiện ta hay, ta giỏi, ta quan trọng, mà góp cho đời một góc nhìn nhỏ nhoi. Thế nhưng, khi viết, ta lại dễ bị trượt vào một tư tưởng nguy hiểm: Ta cho rằng ta đã tìm hiểu đủ sâu sắc, dẫn đến việc ta khó chịu và cay nghiệt khi gặp những tranh luận yếu, những tư tưởng trái chiều. Ta cho họ thật ngu dốt và lì lợm. Đó là do bản thân ta đang tưởng rằng ta có “Cái đúng tuyệt đối”.

2. Triết học Tây phương và Đông Phương, và cái “Đúng, sai” mang tính tuyệt đối

Một số người viết lại quá tự tin vào tính đúng đắn tuyệt đối trong lập luận của mình, vì thế họ nghĩ “Bản thân tôi thật thông minh khi lập luận quá chặt chẽ, đến mức không ai có thể biện bác được”. Họ đâm ra ngạo mạn, khinh đời. Họ xây dựng một hình ảnh kiêu kì, ngạo nghễ, và xa cách.

Nghĩ như vậy thật thiếu sót, kiêu ngạo, và xem thường nhân loại.

Xã hội phương Tây chú trọng tính tự do, dân chủ. Thế nhưng "vật cực tất phản, vật cùng tất biến". Chẳng ai cấm ta tự do cá nhân, nhưng tự do cá nhân và độc lập để làm gì, khi không còn ai ở gần để ta so sánh. 

“Con người có tính cộng đồng. Thế nên không thể tách một người ra khỏi thành bang (Xã hội) được, vì anh ta sẽ mất đi bản thể và mục đích sống. Nếu một người cố gắng tách mình ra khỏi xã hội, thì anh ta hoặc là thú vật, hoặc là thần thánh.” (Aristoteles).

“Ta là thần thánh, còn bọn mọi rợ kia là con người, phải quy phục và nghe lời ta?” Có lẽ đó không phải là mục đích của tự do, dân chủ. 

"Khi ai cũng làm anh hùng, không ai là anh hùng nữa". 

Triết học phương Tây phân chia một sự vật, hiện tượng (như tự nhiên) thành nhiều mảnh nhỏ, và cố gắng giải thích Tự nhiên theo những mảnh đó, sau đó ráp lại và đưa ra những kết luận tuyệt đối. 

Làm gì được lẽ đó? Một hệ thống lớn tuy bao gồm những hệ thống nhỏ, nhưng nó không vận hành độc lập, mà tương tác chồng chéo lẫn nhau, thế nên khi tách một phần nhỏ trong “cái toàn thể” ra mà phân tích, thì vô tình khoa học và Triết học phương Tây không hiểu rõ được “cái toàn thể”, từ đó không thể có tính đúng tuyệt đối, và không giúp ích gì được cho “Cái toàn thể”. 

Chính việc cố gắng giải thích tính tuyệt đối đó làm con người phát điên, và phán đoán sai lạc, gây ra biết bao đau khổ cho muôn loài. 

Như Fukuoka và Nông nghiệp thuận tự nhiên: ông không cố gắng lái tự nhiên theo hướng của mình, ông thuận theo tự nhiên. Các nhà nông học phương Tây đau đầu trong việc giải thích thành công khoảnh vườn nhỏ của ông. Họ diễn tả cái toàn thể thành những phần nhỏ: do đất trồng màu mỡ, do gieo trồng đúng mùa vụ, do hệ sinh vật đa dạng,... Nhưng khi đem về Tây phương và áp dụng, họ lại không thể làm được như vậy. 

Một số người phản đối việc sống thuận với tự nhiên kiểu làm nông của Fukuoka, bằng lập luận Nhân loại phải tạo ra thật nhiều của cải để đáp ứng nhu cầu thị trường, và một hệ thống thuận tự nhiên như vậy khó có thể cung ứng được cho xã hội một nguồn lương thực dồi dào. 

Đó là ngụy biện cho sự tham lam để bảo vệ chủ nghĩa tiêu thụ. Ta nhìn xem lòng tham của ta dẫn ta đến đâu? Ta muốn ăn cherry, là thứ trái không thể trồng ở Việt Nam, vào trái vụ. Những người trồng trái vụ bắt buộc phải kích thích tăng trưởng, gây hiểu nhầm cho cây cherry rằng nó đang ở đúng mùa, làm đất đai phải hoạt động hết công suất của nó để sản xuất cho ta một trái cherry trái vụ, rồi lại phải vận chuyển xuyên quốc gia thật nhanh, thật tươi mới. Một trái cherry trái vụ sẽ không bao giờ tươi ngon bằng một trái cherry trồng đúng vụ, đúng sức sản xuất của đất, và thuận tự nhiên. Nhìn xem lòng tham và chủ nghĩa tiêu thụ đã dẫn ta đến đâu? Cả xã hội chạy theo chủ nghĩa tiêu thụ, tạo ra biết bao nhiêu công nghệ mới, cách tưới tiêu mới, cách gieo trồng mới, chỉ để ta hưởng thụ một sản phẩm đáng ra ta không được hưởng. Lòng tham, là thứ cần phải thay đổi, không phải công nghệ mới hay các vận chuyển mới. 

Một số người cho rằng lối sống quá tối giản như vậy sẽ làm xã hội thụt lùi. Đúng thế, xã hội sẽ phát triển chậm lại, nhưng sẽ phát triển chậm lại cho bằng nhận thức của con người về vũ trụ. Chúng ta đang phát triển quá nhanh, đến mức chúng ta không biết phát triển để làm gì. Chúng ta tao ra AI, và có nguy một vị “Chúa AI” sắp cai trị chúng ta. Chúng ta tàn phá môi trường vì tính tham lam. Chúng ta không nên tiêu dùng nhiều như cách chúng ta đang tiêu dùng. Có những khía cạnh chúng ta cần đào sâu và tìm hiểu, nhưng là tìm hiểu "cái toàn thể", để giúp ích cho đời, dù chỉ bằng sức nhỏ nhoi của ta. 

Tựa như thầy bói xem voi, cái học của ta tuy cao tuy rộng, nhưng cũng chỉ phản ánh một khía cạnh của sự vật. Những "bậc giác ngộ", có lẽ họ đã xem được toàn thể, nhưng biết đâu họ cũng chỉ xem được nhiều khía cạnh hơn ta thì sao? Những nhà tư tưởng lớn cũng vậy. 

Triết học phương Đông được cho rằng khởi nguồn từ Kinh Dịch. Kinh Dịch tóm lại nói rằng mọi sự trong đời đều hàm chứa sự mâu thuẫn tự thân. Không có lẽ phải hay trái tuyệt đối. Điều này chẳng phải được nhiều bậc vĩ nhân nói đến rồi sao?  

“Vật cực tất phản, vật cùng tất biến”.

Hay như Aristoteles, trụ cột của triết học Phương Tây, với nguyên tắc:  "Cốt lõi của lý trí thực hành là nhắm tới một điểm giữa, tức là Trung dung". Đó chính là cân bằng, không có tính đúng tuyệt đối, cũng chẳng có tính sai tuyệt đối.

Viết dài như vậy, cho thấy rằng cái mà ta tưởng là ta đang làm tốt rồi, là đúng đắn nhất rồi, thì giờ ta phải đặt lại câu hỏi: "Ta có đang đúng đắn tuyệt đối không?" 

Làm gì có cái tuyệt đối kiểu đấy? Một con người bình thường không bao giờ có thể hiểu tường tận vũ trụ, triết học, khoa học, xã hội, con người, để có thể giải thích cho xã hội mọi câu hỏi theo cách đúng tuyệt đối được. Nếu không giải thích theo cách đúng tuyệt đối được, tức là có khả năng sai. Nếu có khả năng sai, tức là những người không đồng ý kiến với ta có khả năng đúng. Đúng sai phải trái, nó chỉ là một lẽ tương quan mà thôi. 

Thật sai lầm và ngạo mạn khi cho rằng bản thân ta cao quý và thông thái, còn "Đám người kia" mọi rợ và thấp kém. 

Thế nên, viết cho những người đồng ý kiến với ta đã khó, viết cho những người trái ý với ta lại càng khó, đó là do ta không hiểu chữ "Lễ" vậy. 

3. Chữ “Lễ”

“Giữa chốn ba quân có thể đoạt được soái ấn, nhưng không thể đoạt được cái chí của kẻ thất phu”. 

Phải nhớ cho ai cũng có cái lý của riêng họ, mà họ cho là đúng đắn nhất, dù là kẻ tầm thường nhất. Việc dùng những lời văn chua ngoa, cạnh khóe, thường không thể thay đổi người khác và đánh động khiến họ suy nghĩ được, là mục đích cao cả của việc viết. Mà dẫu có thể thay đổi được người khác, thì nò cũng chỉ là một việc làm tạm thời mà thôi.

“Làm cho người ta cùng lý đến phải ngậm miệng, đỏ mặt, toát mồ hôi, mình tuy hả lòng thật, nhưng đấy là người nông nổi, khắt khe làm sao.” (Lã Khôn)

"Thế là bất công, bất nhân, mà cũng là bất trí nữa…" (Thu Giang – Nguyễn Duy Cần)

Ta có thể so sánh tư tưởng đó với những bậc vĩ nhân sau:

“Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân.” (Khổng Tử)

“Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.” (Mt 7, 12) Đây gọi là “Nguyên tắc Vàng” của Chúa Giê-su.

Có ai muốn bị người khác mạt sát, sỉ nhục mình không?

Vì vậy, không có ích lợi gì khi mạt sát, cạnh khóe người khác bằng lời văn cay độc của mình. Nó chẳng những không có lợi, mà trái lại nó gây cho ta không biết bao nhiêu là phiền não đau khổ tựa như chuyện vua Macedonia:

Chuyện kể rằng Phillipe, vua Macedonia, khi đang đem quân vây thành Methone, có một tên cung thủ đại tài tên là Aster đến xin vào đội tinh binh của nhà vua. Người ấy khoe rằng tài nghệ cung tiễn hay lắm, chim bay dầu lẹ đến bực nào, y bắn không sai bao giờ. Vua Phillipe nghe xong cười bảo: ‘Khi nào cần bắn chim sẽ, bấy giờ ta sẽ nhờ tài ngươi’.

Aster nghe câu nói mỉa mai ấy, lấy làm căm tức, chạy vào thành Methone chờ dịp trả thù.

Một hôm Aster đang ở trên mặt thành, thấy vua Phillipe, liền lấy cây tên viết lên mấy chữ: ‘Gởi cho con mắt bên hữu vua Phillipe’. Tên trúng giữa mắt phải vua. Tức giận, vua Phillipe thề rằng: ‘Ta mà lấy được thành này, Aster sẽ bị xử giảo’. Sau quả y lời.

Thật vậy, vua Phillipe đã mua đắt cái thú được nói một lời đùa bỡn bằng con mắt phải, còn Aster đã mua đắt cái thú trả thù bằng cả mạng sống vậy. 

Nghĩ như vậy, thì ta lại phải thừa nhận ta phải viết thế nào để không chạm vào tự ái của người khác, là "Ẩn ác, dương thiện", để tránh cho người khác sự đau khổ, để ta dễ bề Khai phóng.

Kết

Vậy, ta có gì để lên mặt với đời, khi những tư tưởng của ta hóa ra chỉ là những tư tưởng của bậc tiền nhân, những người đi trước chỉ cho ta con đường sáng? Ta cho bản thân là là đúng, là tuyệt đối, là chân lý. Có chắc như vậy không? Ta có quyền cho bản thân ta là đúng, nhưng khi bản thân ta cho ta là phải,  thì đồng thời ta cũng tự cho bản thân người khác, những người không đồng ý kiến với ta, là quấy. "Ôi, đám người ngu dốt và thấp kém kia đang chờ được ta khai sáng và dạy dỗ!"

Ta lên mặt dạy đời và tự cho đám "người đọc mọi rợ kia" là thứ thiếu hiểu biết, là thứ kém văn mình, là thứ cần được khai sáng, nó chỉ thể hiện một “cái tôi lớn”. “Cái tôi lớn” trong một bài viết làm giới hạn người đọc. Nó tới từ chuyện ta không viết vì khai phóng, mà ta viết vì bản thân ta cho rằng ta hơn người, ta viết cho những người đồng ý kiến tung hô ta, ta viết cho bọn không đồng ý kiến với ta phải câm miệng, vì thế lời lẽ ta đanh thép, ngôn từ ta cay độc.

Nhưng ta lại quên mất những người không đồng ý kiến với ta kia lại là "chén cơm" của ta. Ta có nhiệm vụ cứu giúp cuộc đời đen tối, ta có nhiệm vụ cứu thế gian thoát khỏi lầm lạc, nhưng chính tay ta lại hủy đi những độc giả trái ý ta, bằng lời lẽ cay nghiệt, lối viết xách mé kích động. Đến lúc nào đó, chung quanh ta chỉ còn lại những người đồng ý với ta, còn những người không đồng với ta bỏ đi nơi khác, há chẳng phải việc ta viết vô nghĩa lắm sao?  

Người ta chỉ nghe những gì người ta muốn nghe, chỉ hiểu những gì người ta muốn hiểu, chỉ tìm kiếm những gì người ta muốn tìm kiếm. 

Vì vậy, hãy khiêm tốn, lịch sự, và nhã nhặn, cầu thị khi viết. Đừng mạt sát ai, đừng cạnh khóe ai, đừng chạm tự ái của ai, nó chỉ cho thấy sự bất toàn của một tâm hồn thiếu thốn và đau khổ.

“Chỗ mà người xưa gọi là hào kiệt ắt có khí tiết hơn người. Nhưng nhân tình có chỗ không nhịn được. Bởi vậy, kẻ thất phu gặp nhục, tuốt gươm đứng dậy, vươn mình xốc đánh. Cái đó cũng chưa gọi là dũng. Kẻ đại dũng trong thiên hạ, trái lại, thình lình gặp những việc phi thường cũng không kinh, vô cố bị những điều ngang trái cũng không giận. Đó là nhờ chỗ hoài bão của họ rất lớn và chỗ lập chí của họ rất xa vậy”. (Tô Đông Pha)


Sách bổ túc cho các tư tưởng trên:

Cuộc cách mạng Một cọng rơm - Masanobu Fukuoka. 

Gieo mầm trên sa mạc - Masanobu Fukuoka. 

Thuật xử thế của người xưa - Thu Giang Nguyễn Duy Cần. 

Văn minh Đông phương và Tây phương - Thu Giang Nguyễn Duy Cần. 

Nicomanchean Ethics - Aristoteles. 

Sự an ủi của triết học - Alain de Botton. 

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.