Work from home: Khi mọi thứ có thể được làm tại nhà | Vietcetera
Billboard banner

Work from home: Khi mọi thứ có thể được làm tại nhà

Covid-19 đã làm 'tăng tốc' xu hướng work from home - làm việc tại nhà. Xu hướng này có nhiều ảnh hưởng đến bộ mặt của thế giới.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Khái niệm work from home (WFH) dường như là khái niệm không còn quá xa lạ với tất cả chúng ta. COVID 19 xảy ra mang đến nhiều sự thay đổi. Theo báo cáo của Mc Kinsey & Company, thì đại dịch COVID 19 làm "tăng tốc" một số xu hướng đã có hẳn từ trước đó, trong đó có xu hướng làm việc từ xa. Cụ thể, số lượng người tham gia vào nền tảng họp trực tuyến Zoom đã tăng gấp 20 lần, và con số kinh ngạc này chỉ cần vỏn vẹn 3 tháng để đạt được.

Ảnh hưởng của xu hướng work from home

Đối với nhiều người, làm việc tại nhà chỉ ảnh hưởng đến họ bằng việc di chuyển công việc của họ về nhà, khiến họ đối mặt với nhiều thách thức mới, đòi hỏi họ phải có những kĩ năng nhất định để làm việc hiệu quả và giúp doanh nghiệp sống sót. Nhưng thật ra, xu hướng làm việc tại nhà đã ảnh hưởng rất nhiều đến bộ mặt của thế giới.

Làm việc tại nhà đặt ra cho chúng ta quá nhiều câu hỏi về năng suất và sự tự kỷ luật. Nó là một cú chuyển mình quá nhanh và quá đột ngột, khiến chúng ta ở trong trạng thái ngỡ ngàng một thời gian. Xu hướng này còn đặt một bài toán khác về sự cân bằng (work-life balance). Khi nhà và nơi làm việc của bạn gộp thành một, đâu là ranh giới mà bạn sẽ vạch ra? Sau nhiều làn sóng của COVID 19, có vẻ nhiều người đã dần xác định được cho họ cách để quản lý cuộc sống và công việc của mình.

Đó là ảnh hưởng dưới góc độ một cá nhân nào đó, còn khi chúng ta bàn về khía cạnh vĩ mô hơn, đó có vẻ là một câu chuyện hoàn toàn khác. Theo The Economist, xu hướng làm việc tại nhà làm lung lay vai trò của các tòa nhà làm việc (office building), mở ra thế giới mà ở đó mọi người không cần phải 40 tiếng 1 tuần có mặt tại văn phòng. Giờ đây, các hình thức làm việc từ xa (remote working) đang trỗi dậy một cách mạnh mẽ. Điều này có nghĩa là trong tương lai, chúng ta có thể làm hoàn toàn tại nhà nếu thích, hoặc họ có thể làm việc tại nhà vài ngày trong tuần, còn vài ngày khác họ tìm đến các không gian làm việc chung (co-working space) để đắm mình trong không khí làm việc. Đúng vậy, các tòa nhà làm việc sẽ có vai trò giảm đi rất nhiều, hay thậm chí, bị xóa sổ. COVID 19 đã mang lại nhiều cơn ác mộng, nhưng đồng thời, nó nói cho chúng ta biết rằng, thật ra, sự linh hoạt mang lại rất nhiều cơ hội.

Làm việc tại nhà hay làm việc từ xa nói chung không phải là thứ gì đó hoàn toàn xa lạ. Trong ngành sáng tạo, khái niệm người hanh nghề tự do (freelancer) đã trở nên khá phổ biến. Ngoài ra, dân du mục kỹ thuật số (digital nomad) cũng đang là một trào lưu khá "hot" đối với các thế hệ trẻ. Nhưng, trước khi COVID ghé thăm, chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến việc chúng sẽ là tương lai của công việc, mà chỉ nghĩ chúng là một trào lưu, một sự lựa chọn. Và rồi đại dịch đến, nói với chúng ta rằng: nếu bạn không thể làm việc từ xa, thì không cần làm nữa!

Nhưng trong mùa dịch, không chỉ chúng ta làm việc tại nhà, mà chúng ta còn học tại nhà (learn from home ), mua hàng tại nhà (buy from home),... Nói chung, chúng ta làm mọi thứ tại nhà. Mình tin điều này mang một ý nghĩa to lớn. Vì nếu làm việc tại nhà có ảnh hưởng nhiều như vậy, thì những điều khác cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định của chúng. Và tới một thời điểm nào đó, tất cả chúng có thể sẽ tạo nên một sự thay đổi lớn. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, và tất nhiên chúng ta cần biết cách để chuẩn bị và thích ứng với nó.

Chủ động tạo ra nơi làm việc phù hợp nhất cho bản thân

Nhiều người hay có khái niệm phải ra quán cà phê làm việc hay phải làm việc ở đâu đó là mới được, phải là làm việc với người nào đó, phải là làm việc trong khung giờ nào đó thì mới hiệu quả. Mình thấy rất nhiều người xung quanh mình đều hay có quan niệm như vậy, kể cả bản thân mình một thời gian trước.

Nhưng khi đại dịch xảy ra, và cả bản thân mình cũng bắt đầu học và làm việc tại nhà, mình nhận ra, tự bản thân mình nên chủ động tạo ra không gian làm việc học tập mà mình cho là phù hợp nhất. Hiện nay, có rất nhiều tiện ích, công cụ có thể giúp bạn làm được việc này. Chẳng hạn như mình là người thích làm việc khi xung quanh có tiếng động hay âm thanh, và thường khó tập trung trong khoảng thời gian quá lâu. Mình đã dùng phương pháp pomodoro để giúp bản thân làm việc hiệu quả và có trình tự hơn. Mỗi khi làm việc mình cũng mở các video study with me hay các âm thanh của cuộc sống như tiếng mưa, tiếng gõ bàn phím,.. để có thể cảm thấy thoải mái hơn. Tương tự như vậy, nếu biết chủ động, bạn toàn có thể tạo ra môi trường làm việc mà bản thân mong muốn.

Việc rèn luyện cho bản thân tính chủ động là cực kỳ quan trọng. Trong một môi trường như ở nhà, nếu cứ thụ động và chờ đợi "thời cơ" đến với mình, rất khó để chúng ta có thể thích nghi và "sống sót".

Không có sự cân bằng nào là tuyệt đối!

Nhắc đến làm việc tại nhà thì không thể nào không nhắc đến sự cân bằng (work-life balance). Nhiều người trăn trở rất nhiều về việc làm sao để đạt được nó, và họ tốn nhiều thời gian để tìm ra cách. Nhưng thật ra, work-life balance là một lời nói dối trắng trợn. Rất khó để bạn có thể đạt được sự cân bằng hoàn hảo giữa công việc và cuộc sống. Đây là bài học lớn nhất về thời gian mà mình có trong suốt 5 năm trở lại đây.

Theo lý thuyết 4 lò lửa, 4 điều lớn nhất trong cuộc sống mà bạn luôn phải quan tâm đó là Công việc/học tập; Gia đình; Bạn bè; và Sức khỏe. Nếu muốn một lò nào đó cháy mạnh mẽ hơn, bạn phải chấp nhận đánh đổi và dành sự quan tâm ít hơn cho ba lò còn lại.

Và để biết điều nào là quan trọng, bạn luôn phải biết sự ưu tiên của mình là gì. Sự ưu tiên của một người là không cố định, mà sẽ thay đổi tùy theo nhu cầu của mỗi cá nhân ở các thời điểm khác nhau. Ngày hôm nay có thể Gia đình là ưu tiên số 1, nhưng ngày mai có thể công việc sẽ là ưu tiên đầu tiên của bạn. Không có gì sai nếu ngày hôm nay bạn quyết định dành 100% thời gian cho công việc, và dành thời gian nhiều hơn cho các yếu tố khác vào ngày hôm sau, nếu bạn cảm thấy cái giá bạn phải trả là hợp lí.

Như vậy, điều quan trọng nhất không phải là giữ sự cân bằng hoàn hảo xuyên suốt, mà chính là sự tỉnh táo để xác định thứ tự ưu tiên của bản thân tại mọi thời điểm.

Thói quen trở nên quan trọng hơn bao giờ hết

Thế giới sẽ chào đón làm việc tại nhà không chỉ như một trào lưu mà có thể như một cuộc cách mạng. Khi bạn có thể làm tại nhà, nhiều thời gian chết sẽ được tiết kiệm, bạn có thể tập trung tìm kiếm các công việc thật sự mang lại giá trị cho bản thân bạn. Ngoài ra, chúng ta có thể làm nhiều hơn một nghề với sự linh hoạt tăng cao này, tạo ra nhiều nguồn thu nhập hơn cho bản thân.

Nhưng để làm được tất cả điều này, chúng ta cần phải xây dựng các thói quen. Đúng vậy, không phải là động lực, mà là thói quen. Tác giả của quyển sách "The Motivation Myth", Jeff Haden đã từng viết: "For most of us, motivation is a sugar rush that never lasts."

Động lực giúp chúng ta hào hứng cho công việc, nhưng nó không bền vững. Ngược lại, với thói quen tốt, bạn có thể giữ cho công việc của mình tiến triển quanh năm. Vì thói quen không phụ thuộc vào cảm xúc của bạn, mà nó phụ thuộc vào sự kiên trì và tính kỷ luật của bản thân bạn.

Khái niệm thói quen nhỏ (mini habit) cũng là một trong các phương pháp được sử dụng khá phổ biến dạo gần đây. Các thói quen nhỏ chính là chìa khóa để chúng ta dần dần xây dựng một 'routine' hiệu quả hơn, phù hợp hơn với các đầu việc mà chúng ta đang đảm nhận. Mình biết đến khái niệm này qua kênh youtube của một influencer là The Hanoi Chamomile, một kênh youtube về lối sống năng suất, lành mạnh cũng như học tập, làm việc hiệu quả. Cụ thể, các thói quen nhỏ là các hành động "nhỏ" mà bạn thực hiện mỗi ngày để xây dựng nó thành một thói quen tích cực của bản thân, chẳng hạn như học tiếng Pháp trên duolingo 15 phút hay đọc một chương sách mỗi ngày.

Các thói quen này tuy nhỏ nhưng lại có thể đóng vai trò vô cùng lớn trong việc giúp bạn làm việc tại nhà và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn hơn.

Một câu nói từ triết gia Aristotle sẽ kết thúc bài viết này một cách hoàn hảo: "We are what we repeatedly do. Excellence then, is not an act, but a habit."

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.