Sapo: "Điều tôi ước mình biết trước khi trải qua chuyện này là nhận ra giai đoạn nào thì ta có thể chấp nhận chính mình và vui vẻ sống, giai đoạn nào thì ta nên xem xét việc thay đổi và làm thế nào để thực hiện thay đổi đó mà ít trải qua đau đớn, ít trả giá nhất."
Mặc nhiều lời khuyên nhủ, cảnh báo tôi vẫn quyết định nghỉ việc ngay giữa dịch, theo kế hoạch khi dịch kết thúc (trong một vài tuần vẫn như trước kia) tôi sẽ tham gia một khóa HLV yoga, sau đó trả phòng trọ đi xe máy xuyên Việt, sống và làm việc tự do tại bất cứ thành phố nào nếu thích. Và cuối cùng là bắt đầu một dự án start-up cá nhân.
Hiện tại khi đang viết những dòng này tôi đang thất nghiệp, trải qua 37 ngày cách ly, 4 ngày chưa đặt chân ra ngoài, hai ngày chưa nói chuyện với ai. Mọi kế hoạch đổ vỡ vào phút cuối sau một lệnh cách ly toàn thành phố. Tôi mắc kẹt trong căn phòng rộng chưa đầy 20 mét vuông, ngộp thở giữa những tin tức dịch bệnh bủa vây. Và như các bạn biết, điều gì tới cũng tới, tôi suy sụp trầm trọng, nhanh chóng rơi vào trạng thái bi quan chán nản khi nhận ra lần cách ly này khác tất cả các lần trước vì không biết khi nào mới kết thúc.
-
Bi quan làm gì, sống tích cực lên bạn ơi!
-
Ờ ha, có thế mà tôi nghĩ mãi không ra, cảm ơn bạn nhiều nhé.
Tôi mất ngủ, ăn uống vô tội vạ, ăn không phải vì đói, vì thèm hay đồ ăn ngon, tôi chỉ cố lấp đầy hố sâu bên trong mong rằng cảm giác trống rỗng sẽ biến mất. Có lần, một người bạn nhắn tin than thở về công việc bận rộn, tôi chứng kiến một cơn sóng thần bất ngờ ập tới phá tan mọi viễn cảnh tôi cất công xây dựng nhằm an ủi mình, để lộ ra nỗi sợ bên trong bị bóc trần. Tôi sợ bỏ lỡ điều gì đó khi không đi làm, sợ tụt lại phía sau, sợ mất cơ hội nghề nghiệp, sợ ngày mai tài chính cá nhân suy kiệt… Sau hơn 20 năm tôi vẫn không dứt được ký ức về nỗi ám ảnh của những ngày thơ ấu đói ăn ngồi đợi ba mẹ đi làm về. Càng nghĩ tôi càng cảm thấy tệ về bản thân.
Rồi một hôm tôi tỉnh dậy oà khóc nức nở khi nỗi bất an mơ hồ về tương lai bao trùm. Tôi buồn bã và thấy tự thương hại chính mình. Tôi cảm thấy mình đã sống buồn bã quá lâu, nỗi buồn có lẽ bằng mấy năm cộng lại và tôi không muốn sống như vậy thêm nữa. Đấy là lúc tôi muốn sống khác và quyết định thay đổi.
Khi con người cũ không còn phù hợp với môi trường sống mới nữa thì đó chính là lúc ta cần thay đổi để thích nghi.
Bây giờ, lúc đã trải qua và nhìn lại tôi nhận ra một điều rằng, khi môi trường sống thay đổi và con người cũ không phù hợp với hoàn cảnh nữa thì hầu hết trong mỗi chúng ta sẽ xuất hiện những dấu hiệu bất ổn của riêng mình. Đó có thể là cảm giác không thoải mái, day dứt, bồn chồn hay một cuộc giằng co nội tâm giữa “con người cũ" nhiều trói buộc và sự thôi thúc từ bên trong phải thay đổi để thích nghi. Điều tôi ước mình biết trước khi trải qua chuyện này là nhận ra giai đoạn nào thì ta có thể chấp nhận chính mình và vui vẻ sống, giai đoạn nào thì ta nên xem xét việc thay đổi và làm thế nào để thực hiện thay đổi đó mà ít trải qua đau đớn, ít trả giá nhất.
Tôi hy vọng việc chia sẻ hành trình của mình sẽ mang tới một nguồn tham khảo cho những ai đang trải qua những cảm xúc giống tôi sẽ không còn cảm thấy hoảng loạn mà nhận biết được những dấu hiệu bất ổn của chính mình, tìm cách hành động khôn ngoan, kịp thời trước khi rơi vào đầm lầy cảm xúc tiêu cực, bi quan.
1. Nhận diện
Hôm nay bạn cảm thấy thế nào? Thay vì để mình bị cuốn vào dòng chảy thế giới bên ngoài tôi quyết định dừng lại và hoàn toàn có mặt ở giây phút hiện tại. Quay về với chính mình, nhìn sâu bên trong và quan sát suy nghĩ cảm xúc nào đang chiếm hữu không gian tâm trí. Giống như bộ phim "Inside out", tôi xem ai đang nắm giữ cần điều khiển, tất nhiên ngoài vui buồn, tức giận, sợ hãi, hệ thống cảm xúc của người lớn phức tạp hơn thế.
2. Nhận diện nhưng không đấu tranh.
Ai cũng biết rằng khi buồn, bất an, tức giận, sợ hãi... ta dễ cảm thấy khổ đau, tuyệt vọng nên theo bản năng phòng vệ, con người tìm cách trốn tránh không muốn đối diện với chúng. Ta cố gắng lấp đầy khoảng thời gian rảnh bằng nhiều hoạt động khác nhau như xem phim, lướt Facebook, đọc sách, làm việc,… hy vọng rằng tất cả hạt giống cảm xúc kia sẽ biến mất. Kết quả là chúng ta sẽ mất lối vào bên trong vì lúc nào cũng có đường dẫn ra ngoài, khi ấy điều tồi tệ hơn là kết nối với bản thân bị đứt gãy.
Chính vì vậy điều quan trọng nhất tôi nghĩ cần ghi nhớ trước khi bắt đầu là nhận diện chính mình nhưng không đấu tranh, phán xét. Đây cũng là lỗi tôi từng mắc phải. Khi thấy mình chán nản uể oải cạn kiệt năng lượng và không muốn làm gì tôi đã chỉ trích và dằn vặt bản thân. “Tại sao mình tệ vậy” “Yếu đuối quá" “Mình chẳng làm được gì cả"... cuối cùng thì tất cả điều đó chỉ làm tâm trạng tôi trở nên tồi tệ hơn. Rồi tôi tự hỏi, nếu một người bạn đối xử với tôi như cách bản thân tôi đang đối xử với chính mình, liệu tôi có làm bạn với họ nữa không?
Cảm xúc tiêu cực, niềm vui hay sự sợ hãi đều là một phần của ta và ta không muốn đấu tranh với chính mình. Vì nếu có chiến thắng bản thân mình, thì bạn nghĩ mình đang thắng hay thua? Chỉ cần nhìn sâu vào bên trong, xem dòng nước ngầm nào đang chảy, nếu nhận diện thấy sự sợ hãi thì tất cả những gì cần làm là ý thức rằng nó đang tồn tại, chỉ vậy thôi.
3. Thở
Căng thẳng, lo âu hay sợ hãi là tín hiệu cảnh báo nguy hiểm, con người phòng vệ bằng cách tiết ra adrenaline giữ cơ thể tỉnh táo để sẵn sàng chiến đấu hoặc chạy trốn. Thông thường bộ não sẽ là nơi quyết định lúc nào ta an toàn để thư giãn nhưng việc giữ hơi thở sâu sẽ truyền đi thông điệp an toàn như một tín hiệu gian lận cho phép cơ thể trở về trạng thái cân bằng. Vì thế những lúc cảm thấy bất an, tôi thường dành toàn bộ sự chú ý vào hơi thở của mình, buông lỏng mọi cơ bắp trên khuôn mặt, trên đôi tay đôi chân… và tự nhủ nỗi bất an sợ hãi này là một phần của ta, nó đang hiện diện ngay tại đây, ngay lúc này. Tôi cố gắng không chối bỏ, trốn tránh, tôi nhìn sâu và tập trung vào hơi thở, tự trấn an mình và cố gắng chung sống hoà bình với nó.
4. Nhìn sâu vào khổ đau của mình
Vì không biết bản chất của khổ đau nên ta thường đổ lỗi cho người này người kia, cho hoàn cảnh cho môi trường sống,… Cố gắng nhìn sâu vào từng cảm xúc, bóc tách từng lớp để tìm đến gốc rễ của chúng là điều tôi đang thực tập. Tôi bất an khi không đi làm vì sợ đánh mất cơ hội nghề nghiệp và bị bỏ lại so với bạn bè. Có đúng như vậy không hay tôi chỉ quên mất lý do mình nghỉ việc. Đây là một quyết định chủ động đã có sự chuẩn bị hơn một năm cả về tâm lý tài chính lẫn những dự định tiếp theo, đúng là tôi không thể thực hiện ngay một số điều nhưng vẫn có thể bắt đầu làm những thứ khác trong thời gian cách.
Tôi thay đổi góc nhìn một chút, thay vì kết luận mọi thứ đổ vỡ tôi nghĩ rằng mình có thêm thời gian để chuẩn bị và bắt đầu thực hiện những điều khác. Tôi đăng ký đi tình nguyện hỗ trợ mùa dịch, bắt tay học digital painting, nhận dự án freelance về làm, bắt đầu viết một cuốn sách và cộng tác với các báo… Chúng ta cuối cùng cũng chỉ là những công trình đang dang dở, với thật nhiều khả năng phát triển trong tương lai.
Tôi thường có ác cảm khi nghe người khác nói “Hãy sống tích cực lên” vì thế nếu bạn đã đủ kiên nhẫn đọc đến đây tôi chỉ muốn chúc bạn có thể sống hoà bình với dịch bệnh và có cái nhìn khách quan đối với thực tại. Ai cũng có những ngày thật tệ, nhưng nếu vì thế mà ta ghét mọi ngày thì chính ta đang làm khổ đời mình.